Thứ năm, 05/12/2024 02:51 (GMT+7)

Xã Kim Hoa: Thành quả và khó khăn sau hai năm sáp nhập

Mạc Tường Vi -  Thứ ba, 09/11/2021 20:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đồng chí Trần Ngọc Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hoa - Hương Sơn - Hà Tĩnh phấn khởi trước những thành tích đạt được. Nhưng theo ông, địa phương này vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết.

Kết quả đạt được

Đảng bộ Kim Hoa là đơn vị được sáp nhập từ 3 xã (Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy) theo Nghị quyết 819/NQ-UBTVQH ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ quốc hội; là một xã miền núi, nằm giữa trung tâm vùng 3 của huyện Hương Sơn, cách thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn 8 km. Về phía Đông giáp xã Sơn Bình, Sơn Trà; phía Nam giáp xã Đức Lĩnh huyện Vũ Quang; phía tây giáp xã Sơn Trường; phía Bắc giáp xã Sơn Bằng, Sơn Ninh. Kim Hoa là một xã thuần nông có diện tích 4648.89 ha. Việc sáp nhập đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực và thay đổi bộ mặt của xã nhà trên con đường xây dựng nông thôn mới.

tm-img-alt
Trụ sở xã Kim Hoa sau khi sáp nhập

Nói về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, đồng chí Trần Ngọc Kiên cho biết: Sau khi được huyện giao nhiệm vụ, Đảng ủy đã phổ biến đến cán bộ, đảng viên, giao việc cho từng tổ chức, cá nhân người đứng đầu. Cùng với tuyên truyền trên loa truyền thanh, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hội nghị vận động nhân dân, giúp hội viên hiểu rõ sự cần thiết phải sáp nhập xã. Đối với những xóm, thôn người dân còn băn khoăn, lãnh đạo xã trực tiếp xuống họp cùng bà con để tuyên truyền, giải thích. Thăm dò thấy lòng dân đã thuận, xã thành lập tổ lấy ý kiến cử tri, cử cán bộ đến từng nhà phát phiếu xin ý kiến.

tm-img-alt

Theo Bí thư Đảng ủy xã Kim Hoa, lúc đầu triển khai không chỉ người dân mà cán bộ cũng nảy sinh nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khó khăn mấy cũng phải quyết tâm thực hiện. Muốn dân đồng thuận trước hết cán bộ, đảng viên phải thông. Trên dưới đoàn kết, mỗi cán bộ, đảng viên trở thành một tuyên truyền viên đến từng gia đình, họ hàng, người thân mình.

Cũng theo đồng chí Trần Ngọc Kiên, việc sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính cấp xã sẽ mở ra cơ hội giúp các đơn vị tranh thủ điều kiện, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Việc sáp nhập các xã còn tạo cơ hội hình thành nguồn quỹ đất dồi dào để thu hút đầu tư, nhân dân tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao. Sau khi sáp nhập các xã, thị trấn, các đơn vị như trường học, trạm y tế, các hội, đoàn thể cũng sáp nhập, tổ chức lại hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để chăm lo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội...

Theo báo cáo của Đảng bộ xã Kim Hoa cuối năm 2020, tình hình kinh tế đã chuyển biến tích cực, điều này thể hiện qua những “con số biết nói”. Theo đó, năm 2020 tổng sản lượng lương thực 4032.3 tấn, đạt 115.2% kế hoạch, tăng 3.5 so với năm 2019. Tổng thu nhập 293.42 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37.28 triệu đồng/người/năm, đạt 99.4% kế hoạch đề ra, tăng 4.7% so với năm 2019.

tm-img-alt

Xã có lợi thế phát triển cây ăn quả

Về chăn nuôi: Tổng đàn trâu bò 3817 con đạt 104,6% kế hoạch; ổn định đàn hươu; đàn lợn cả lợn trang trại 3766  con  đạt  115,9% kế hoạch, đàn gia cầm 131.200 con đạt 106,7% kế hoạch. Công tác tiêm phòng cho đàn trâu bò đạt  75%, tiêm phòng dại cho đàn chó đạt 76,5%. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh an toàn thú y. Kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Sau hai năm sáp nhập, đồng chí Trần Ngọc Kiên cho biết: Xã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ thành công tốt đẹp, đề ra nghị quyết đưa xã phát triển vững mạnh giai đoạn tiếp theo. Tình hình kinh tế - xã hội ở đây từng bước được cải thiện, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, địa phương sẽ hoàn thiện quy hoạch tổng thể xã mới, xây dựng các điểm dân cư mới, quy hoạch phát triển kinh tế. Người dân các địa phương sau sáp nhập đã hòa nhịp với cuộc sống mới, nét văn hóa mới. Diện mạo xã ngày một khang trang. Đặc biệt, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền, sau sáp nhập chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính từng bước được cải thiện. Phong cách, thái độ tiếp công dân của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa chu đáo và chuyên nghiệp hơn so với trước. Công việc theo đó được giải quyết nhanh gọn, thuận lợi cho người dân.

tm-img-alt

Đập Khe Dẻ - hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân

Những khó khăn trước mắt và giải pháp tháo gỡ

Tuy nhiên, hiện xã Kim Hoa đang gặp phải một số khó khăn trong sắp xếp, bố trí nhân sự. Cụ thể, sau khi sáp nhập, xã có một số cán bộ, công chức bị dôi dư, không thể bố trí, sắp xếp tại địa phương. Việc bố trí nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới cũng rất khó khăn, vì số lượng cán bộ cấp ủy đương nhiệm tăng lên. 

Xã cũng đã tính đến việc sắp xếp những cán bộ có đủ điều kiện 5 năm công tác trở lên bố trí sang vị trí công chức, để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, song giải pháp này khó có thể thực hiện được. Hiện tại, địa phương căn cứ vào các quy định để bố trí, sắp xếp dần trong những năm tới (lộ trình thực hiện theo quy định bố trí cán bộ, công chức của những xã sáp nhập đến năm 2025).

Trao đổi với PV Tạp chí Môi trường và Đô thị, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hoa cho biết thêm: Một trong những vấn đề bất cập lớn nhất sau khi sáp nhập 3 xã lại với nhau là hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế, chưa thể kết nối các xã cũ lại với nhau. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã hiện đang xuống cấp. Việc đi lại của người dân trên địa bàn xã sau khi sáp nhập còn gặp nhiều khó khăn.

Một vấn đề nữa đặt ra là việc sử dụng cơ sở vật chất, sau khi sáp nhập cơ quan hành chính địa phương, đặc biệt cấp xã, trụ sở một số cơ quan bị bỏ hoang. Hiện tại, địa phương đã quy hoạch sử dụng vào mục đích khác nhưng chưa thực hiện được.

tm-img-alt

Hội trường Sơn Mai cũ nay đã bố trí làm trụ sở cho lực lượng Công an xã.

Có thể nói, việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cần thiết, bảo đảm cho bộ máy hành chính nhà nước được tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Khi tiến hành sáp nhập, hợp nhất các tổ chức hành chính nhà nước chắc chắn sẽ khó khăn, phức tạp, tuy nhiên, nếu có sự quyết tâm, ủng hộ của cán bộ lãnh đạo các cấp, công chức, viên chức thực thi và người dân thì kết quả của việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan hành chính nhà nước sẽ đúng với ý nghĩa thực của nó.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt của xã Kim Hoa và hoàn thiện các chính sách đối với xã sáp nhập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trước hết cần có các giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. Cụ thể, xã Kim Hoa sau khi thực hiện sáp nhập, cán bộ, công chức xã dôi dư so với quy định (Nghị định số 34/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố); trong khi đó số cán bộ, công chức đủ điều kiện để nghĩ hưu hoặc nghĩ hưu trước tuổi ít. Vì vậy đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cán bộ, công chức xã tiếp tục ổn định công tác tại xã không những đến năm 2024 mà kéo dài hơn để xã thực hiện tốt công tác quy hoạch, đảm bảo cán bộ yên tâm công tác. Một số cán bộ chuyên trách, người hoạt động không chuyên trách phải nghỉ công tác do dôi dư cán bộ, tuy nhiên có trường hợp nghỉ công tác, trong lúc đó đồng chí không đóng BHXH nên khi nghỉ không có một chế độ gì, do đó Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho phù hợp.

Nhà nước bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc chung của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMT và các đoàn thể cấp xã, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức hoạt động, đặc biệt là tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho người dân. UBND tỉnh, huyện quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan như chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… theo nguyện vọng của người dân là cơ quan chuyên môn nên về làm tập trung tại xã, miễn thu các loại lệ phí, phí dịch vụ hành chính công. Có như vậy, tạo tiền đề xã Kim Hoa nói riêng và toàn huyện Hương Sơn nói chung sớm hoàn thành và vượt qua các chỉ tiêu đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển Kinh tế - Xã hội chung toàn tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết Xã Kim Hoa: Thành quả và khó khăn sau hai năm sáp nhập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tỉnh đoàn An Giang hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" toàn quốc
Ngày 22/9, Tỉnh đoàn An Giang phát động hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” toàn quốc lần thứ và phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng, chống rác thải nhựa năm 2024”.

Tin mới