Thứ bảy, 27/04/2024 11:50 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới: Môi trường là tiêu chí mềm nhưng khó thực hiện

Hải Vân -  Thứ tư, 26/10/2022 15:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đồng Nai: Hiện nay, nhiều xã nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh khó thực hiện tiêu chí môi trường

Xác định tiêu chí số 17 về môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất, nên từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Tiêu chí môi trường gồm 5 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Trong quá trình thực hiện tiêu chí này, hầu hết các địa phương đều phản ánh gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

tm-img-alt
Cao Xá -Tân Yên- Bắc Giang - Một miền quê yên bình thuộc vùng trung du Bắc bộ

Thiếu kinh phí là nguyên nhân khiến tiến độ triển khai công tác quy hoạch ở nhiều xã còn chậm. Nguồn ngân sách hỗ trợ cho các địa phương còn thấp, chưa tương xứng với nội dung tiêu chí. Mặt khác, chế độ thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác cho xây dựng NTM nói chung, tiêu chí về môi trường nói riêng chưa phù hợp nên không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Một trong những bất cập phổ biến là hệ thống thoát nước thải tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư. Hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông, suối... vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, việc quy hoạch và xây dựng chợ tại nhiều địa phương không gắn với việc xử lý rác thải. Sau mỗi phiên chợ, rác do người dân vứt bừa bãi ven đường hoặc tràn xuống các dòng sông.

Tuy nhiên, một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo, thông qua việc tuyên truyền, vận động và nâng cao ý thức của người dân đã góp phần không nhỏ trong xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho môi trường nông thôn như Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai... Điểm chung nhất của những địa phương này là luôn có những cán bộ nhiệt tình, gần dân và mong mỏi nhìn thấy những làng bản sạch, đẹp, đổi đời từ NTM.

tm-img-alt
Chi cục bảo vệ Môi trường kiểm tra thực hiện tiêu chí môi trường tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu

Nhiều tiêu chí khó thực hiện

Thời gian gần đây, nhờ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mà diện mạo nông thôn và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các tiêu chí số 17, số 18 về môi trường, nhiều xã đã gặp khó khăn.

Theo bà Trần Quỳnh Trâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuân Lộc, trong quá trình xây dựng NTM, hầu hết các xã đều bị vướng tiêu chí môi trường. Nguyên nhân là do tiêu chí này có nhiều chỉ tiêu như: nước thải và rác thải sinh hoạt, nước sạch, cây xanh, cảnh quan môi trường… đều phải đạt chuẩn. Việc thực hiện các chỉ tiêu này cần có thời gian, nguồn kinh phí và sự đồng lòng cao của người dân. Quá trình đánh giá kết quả thực hiện đôi khi lại phụ thuộc về cảm quan, cảm nhận của người đánh giá.

Bà Trâm lấy ví dụ như về chỉ tiêu cây xanh, để thực hiện cần nguồn kinh phí mua cây, mua phân bón, cần chăm sóc một thời gian. Đến kỳ đánh giá nếu cây ra hoa nhiều, tươi tốt thì được điểm cao, ngược lại thì bị “rớt”. Đó là chưa kể nhiều tuyến đường giao thông nông thôn không có lộ giới để trồng cây xanh.

Theo ông Đỗ Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, huyện giao các xã chịu trách nhiệm tổ chức dọn vệ sinh, thu gom rác, nạo vét kênh mương và hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp với các ngành liên quan giám sát công tác thu gom chất thải, quản lý nguồn nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, chế biến, dịch vụ.

Hiện nay, huyện còn 5 xã chưa hoàn thành tiêu chí giao thông; một số tuyến đường nhỏ hẹp khó đầu tư hệ thống thoát nước và trồng cây xanh. Riêng tỷ lệ hộ gia đình dùng nước sạch bình quân mới đạt khoảng 27%.

Chủ tịch UBND xã Long Đức, huyện Long Thành Nguyễn Ngọc Khải cho biết, xã đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu NTM nâng cao trong năm 2022. Để thực hiện tiêu chí môi trường, xã thường xuyên tổ chức ra quân dọn vệ sinh, vận động người dân trồng cây xanh và thu gom rác thải. Đồng thời, xã hợp đồng với một công ty môi trường thu gom rác thải phát sinh dọc các trục đường.

“Hiện nay, xã Long Đức cơ bản đạt các chỉ tiêu: cây xanh, rác thải, cảnh quan nhưng chỉ tiêu nước sạch đáng lo ngại vì đa phần người dân dùng nước giếng khoan, giếng đào. Xã kiến nghị huyện làm việc với Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đầu tư đường ống cấp nước sạch cho người dân” - ông Khải chia sẻ.

tm-img-alt
Đường giao thông nông thôn mới tại xã Cây Gáo, H.Trảng Bom

Đầu tư hạ tầng cho bảo vệ môi trường

Môi trường là tiêu chí mềm nhưng khó thực hiện vì có nhiều chỉ tiêu đánh giá và tính bền vững của các chỉ tiêu không cao. Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), quá trình thẩm định, có nhiều xã chưa đạt các tiêu chí về môi trường. Có xã khi tổ chức thẩm định, đánh giá các chỉ tiêu như: nước sạch, cây xanh, rác thải… đạt, nhưng qua một thời gian lại không đạt.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương và ngành trong quá trình thẩm định, xét công nhận xã đạt NTM, Sở TN-MT đã ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng các mẫu phiếu điều tra và báo cáo kết quả thực hiện. Ngoài ra, Sở cũng thông qua chương trình liên tịch với các đơn vị như: Hội Nông dân đầu tư hơn 1,5 ngàn bể chứa thuốc bảo vệ thực vật, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch; chương trình liên tịch với MTTQ Việt Nam thành lập 225 mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường và 112 khu dân cư bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.

Môi trường ở vùng nông thôn đã và đang có nhiều cải thiện, nhưng để duy trì và nâng cấp các chỉ tiêu cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động như: thu gom và phân loại chất thải sinh hoạt; giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp; xử lý nước thải chăn nuôi, chế biến; trồng và chăm sóc cây xanh… Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư hạ tầng để thực hiện các chỉ tiêu này như: đường giao thông, đèn chiếu sáng, mương thoát nước, đường ống nước sạch, bãi tập kết rác thải.

Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, đô thị hóa và gia tăng dân số đang tác động trực tiếp đến việc thực hiện tiêu chí môi trường. Hạ tầng giao thông nông thôn xuống cấp nhanh do không có hệ thống thoát nước đi kèm. Nhiều địa phương thiếu nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 gặp khó khăn do các bộ, ngành chưa công bố chỉ tiêu cũng như hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí.

Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 gồm 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 17 về môi trường gồm 12 chỉ tiêu (phân loại rác thải sinh hoạt, thu gom nước thải, nghĩa trang, cây xanh…); tiêu chí 18 về chất lượng môi trường sống gồm 8 chỉ tiêu (nước sạch; an toàn vệ sinh thực phẩm; bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt…). Một số chỉ tiêu Chính phủ quy định tỷ lệ cụ thể, một số chỉ tiêu do bộ, UBND cấp tỉnh quy định.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng nông thôn mới: Môi trường là tiêu chí mềm nhưng khó thực hiện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề