Thứ tư, 01/05/2024 18:49 (GMT+7)

Xu hướng phát triển các khu đô thị công nghiệp tại Việt Nam

MTĐT -  Thứ ba, 31/08/2021 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc phát triển Khu công nghiệp kết hợp đô thị sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong KCN

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, phát triển bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục rộng mở. Đặc biệt khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý KCN và khu kinh tế ra đời, đã cụ thể hóa và bổ sung thêm nhiều điều kiện cho việc phát triển bất động sản công nghiệp.

Sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại, gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phát triển mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp trên khắp cả nước mang lại rất nhiều lợi ích phát triển hiệu quả như:

+ Giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước (trung bình hàng năm khoảng 5 tỷ USD)

+ Giải quyết việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp, chiếm 7,3% lực lượng lao động của cả nước

+ Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế hàng năm chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).

Mặc dù các khu công nghiệp phát triển với quy mô và số lượng lớn, nhưng số lượng các khu đô thị công nghiệp còn rất hạn chế.

Hiện toàn quốc chỉ có khoảng 20 khu triển khai theo hình thức này của một số nhà đầu tư lớn như VSIP, Becamex, Amata…

Một số khu tiêu biểu có thể kể tới như: Khu đô thị và công nghiệp VSIP 2 Bình Dương (nằm trong Khu đô thị Liên hiệp TP Mới Bình Dương, quy mô 4196 ha); Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Bắc Ninh với tổng diện tích quy hoạch 700 ha; Khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP Hải Phòng có quy mô gần 1600 ha…

Hiện nay hầu hết các khu công nghiệp ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn 2 và 3 theo mô hình phát triển các khu đô thị công nghiệp. Giai đoạn tới sẽ chứng kiến nhiều dự án đô thị công nghiệp mới được hình thành cũng như nhiều dự án công nghiệp hiện có chuyển đổi mô hình để thu hút làn sóng đầu tư mới ở giai đoạn nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid - 19.

Số lượng hạn chế các khu đô thị công nghiệp tính đến thời điểm này có nguyên nhân chủ yếu là việc phát triển các khu đô thị công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm, cùng với đó là do nhu cầu thực tế của thị trường trong từng giai đoạn phát triển công nghiệp và đặc biệt là do còn thiếu những quy định pháp lý, hướng dẫn đầy đủ cho việc phát triển loại hình này.

Để phát triển các dự án đô thị công nghiệp trong giai đoạn này, cần thiết phải cập nhật các dự án mở rộng hoặc phát triển mới các khu đô thị công nghiệp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà 63 tỉnh thành phố đang triển khai theo Luật quy hoạch số 21/2017/QH14 để xem xét một cách toàn diện những tác động của việc phát triển các khu công nghiệp đô thị đến các vấn đề kinh tế - xã hội, tổ chức không gian, sử dụng đất, bảo vệ môi trường.

Việc tích hợp vào quy hoạch tỉnh cũng cho phép đánh giá và kiểm soát việc phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hoá tại các địa phương, hạn chế việc đưa quá nhiều diện tích đất vào phát triển so với nhu cầu.

Quy hoạch các khu đô thị công nghiệp lớn cũng cần xem xét đến các vấn đề liên kết liên vùng, đặc biệt với các khu đô thị công nghiệp giáp ranh với các đô thị lớn để tránh tình trạng lấp đầy khu công nghiệp nhưng khu đô thị không thu hút được cư dân tới sinh sống.

Yêu cầu đặt ra trong quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị công nghiệp bên cạnh việc phân tách rõ ràng hệ thống của 2 khu vực công nghiệp và đô thị (vì những yêu cầu kỹ thuật đối với từng hệ thống là khác nhau) thì cần chú ý đến vấn đề kết nối giữa 2 hệ thống cũng như đảm bảo các yếu tố cảnh quan nhằm hướng tới một khu đô thị công nghiệp xanh, sạch, văn minh, hiện đại với đầy đủ tiện ích hạ tầng xã hội đi kèm.

Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị còn cần xem xét đến yếu tố cảnh quan chung cũng như đặt ra nhiều yêu cầu về vấn đề môi trường gắn với xu thế phát triển bền vững.

A Hạ (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xu hướng phát triển các khu đô thị công nghiệp tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới