Thứ hai, 06/05/2024 13:11 (GMT+7)

Ý nghĩa của hình tượng mèo trong nền văn hóa các nước

Đại Phong -  Chủ nhật, 22/01/2023 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mèo là một loài vật gần gũi với đời sống của con người. Ý nghĩa hình tượng mèo trong văn hóa cũng có rất nhiều điểm độc đáo.

Hình tượng mèo trong văn hóa các nước

Loài mèo là một trong những loài vật được con người thuần chủng từ rất sớm. Do đó, trong tình cảm của con người, mèo là con vật rất thân thuộc, gần gũi và đã trở thành vật cưng của rất nhiều gia đình.

tm-img-alt
Mèo là con vật rất thân thuộc, gần gũi và đã trở thành vật cưng của rất nhiều gia đình (Nguồn: Internet)

Trong các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, ý nghĩa biểu tượng của mèo rất không thuần nhất, vừa xấu vừa tốt. Điểu này có thể giải thích bằng thái độ vừa dịu dàng, vừa vờ vĩnh của con vật này.

Trong Kabbale (truyền thuyết của đạo Do Thái) cũng như trong đạo Phật, mèo được liên kết với rắn: chỉ sự tội lỗi, sự lạm dụng những phúc lợi ở thế gian này. Mèo thỉnh thoảng bị coi là ma quỷ, ví dụ như nó không mang lại may mắn thậm chí là điềm xui xẻo trong nhiều nền văn hoá Trung cổ. Điển hình là niềm tin về việc một con mèo đen băng ngang đường người nào đang đi thì người đó sẽ gặp xui xẻo, hoặc chuyện mèo là những phụ tá cho các mụ phù thủy, giúp các mụ gia tăng công lực. Điều này dẫn đến việc lùng diệt mèo rộng khắp châu Âu trong thời Trung cổ. Chúng được sử dụng trong những nghi lễ hiến tế như là vật hi sinh. Ở Ai-len, khi một con mèo đen đi qua trước mặt thì có nghĩa rằng bệnh tật sẽ đến. Ở Roma, Moldavia và Cộng hòa Séc, quan niệm một con mèo đen đi ngang qua trước mặt bạn sẽ mang lại điềm xui vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Thế nhưng không phải nơi nào ở châu Âu, mèo cũng gặp rủi ro, mà ngược lại, nó còn là biểu tượng cho sự may mắn. Tại Scotland, một con mèo đen lạ vào nhà sẽ đem theo sự thịnh vượng cho gia chủ. Các thủy thủ tại Vương quốc Anh lại tin tưởng sự may mắn mà chú mèo sẽ đem lại cho con tàu của họ, đặc biệt là mèo đen. Đôi khi, những người vợ thủy thủ cũng nuôi mèo ở nhà, với hy vọng chúng sẽ bảo vệ người chồng của họ trên biển.

Ở nhiều nền văn hóa của thế giới, con mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Trong những văn tự cổ nhất, tìm thấy ở kim tự tháp, có nhắc đến một nữ thần mèo tên là Madfet. Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo khác, nhưng nổi bật nhất là thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ. Người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người, vì thế hình ảnh con mèo đã xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống và nếu một người nông dân Ai Cập nằm mơ thấy mèo, đó là điềm báo trước của một vụ mùa bội thu.

Ở Trung Quốc cổ đại, mèo hay được xem như một con vật báo lành và người ta bắt chước điệu bộ của nó cũng như con báo, trong các điệu múa nông nghiệp. Ở Campuchia, người ta vẫn nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa.

Ở nước Nga, mèo chiếm một vị trí nổi bật trong các câu chuyện cổ tích của nước này. Tương tự ở Nhật Bản, trong các truyện thần thoại, mèo được coi là con vật có khả năng biến thành các thần linh siêu đẳng khi chúng chết. Ở đất nước này, mèo cộc đuôi được xem là biểu tượng của triển vọng và tương lai tốt đẹp. Mèo cũng thường xuất hiện trong hội họa truyền thống của Nhật Bản.

Lịch sử nghệ thuật thế giới ghi nhận họa sĩ Nhật Bản Fujita là người chuyên vẽ về mèo xuất sắc nhất: ông vẽ mèo ở đủ trạng thái và luôn tìm được những hình dạng của mèo. Còn với các em nhỏ Nhật Bản và trên khắp thế giới, chắc hẳn không ai là không biết đến hình ảnh chú mèo máy thông minh Doraemon đến từ tương lai, và cô mèo xinh xắn Hello Kitty rất được các bé gái yêu thích.

Còn ở Ấn Độ, người ta tìm thấy tượng những con mèo biểu thị cho phúc lạc của thế giới động vật.

Tại Campuchia, ngày nay người dân nước này vẫn duy trì tục lệ nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi từ nhà này sang nhà khác vừa ca hát để cầu mưa. Mỗi người tưới nước vào mèo cho nó kêu với niềm tin tiếng kêu của nó sẽ làm động lòng thần Indra-vị thần quản lý nước, khiến thần phải cho mưa xuống, dập tắt hạn hán cõi trần.

Người Hồi giáo thì rất quý chuộng mèo và coi mèo đen là con vật đặc biệt. Ở Iran, ai hành hạ mèo đen thì có nguy cơ bị thánh thần trừng phạt...

Ở châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri…

Mèo trong văn hóa của người Việt

Loài mèo được thuần hóa từ thời cổ đại và là một trong những loài vật hiện diện trong nhiều nền văn hóa. Ở Việt Nam, trong 12 con giáp có 7 con vật được thuần dưỡng và đã trở thành vật nuôi trong nhà là trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn. Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế như những con vật khác, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý. Hiện nay, mèo đã trở thành con vật cưng phổ biến ở Việt Nam và cả trên thế giới, nó trở thành người bạn thân thiết với con người.

Con mèo đã gắn bó với đời sống người dân từ thuở xưa nên đã sớm xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích. Truyện cổ tích "Sự tích con mèo" giải thích vì sao xuất hiện loài mèo, và những đặc điểm của chúng lại giống với loài hổ. Câu chuyện kể về quá trình một chú hổ con đến xin con người lửa để sưởi, sau đó ở lại sống với con người và lâu dần thì hóa thành mèo.

Mèo cũng đã đi vào các thể loại văn học dân gian như ca dao, tục ngữ. Mèo vừa là hiện thân của sự thanh cảnh, tao nhã nhưng cũng là kẻ ương ngạnh khi ăn vụng, khó bảo. Lâu nay, người dân cũng gán cho nó rất nhiều tính cách của con người để góp phần răn dạy, phê phán và rút ra bài học về lẽ sống. Ví dụ như “Mèo già hoá cáo” được ví với những kẻ ranh ma lọc lõi, càng sống lâu càng thêm tinh khôn, ranh mãnh. Mèo ăn nhấm nháp, chậm rãi nên những ai ăn ít, ăn nhỏ nhẻ được so sánh với mèo “Ăn như mèo”, “Nữ thực như miêu”. Còn câu “Mèo lại hoàn mèo” dùng để khuyên răn người đời đừng mơ mộng hão huyền, mà phải biết được sức mình, dù có thay hình đổi dạng thì cuối cùng vẫn là bản chất cũ. Cha ông cũng đã có câu chuyện thật thú vị và thâm thuý về việc này...

Hình ảnh mèo còn xuất hiện trong các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống. Trong tranh "Đám cưới chuột" của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Với bố cục khỏe, cách diễn nét to, đậm, độ cách điệu vừa phải, giàu tính trang trí, màu sắc mộc mạc, chân quê… Người nghệ sĩ dân gian đã thông qua việc miêu tả cảnh đám cưới để gửi gắm vào tờ tranh cả một lẽ sống, rất sâu sắc: ở đây, có thể mèo đại diện cho thế lực cường hào ác bá ở nông thôn, còn chuột là dân nghèo bị áp bức, bóc lột. Các bức tranh tuy mô tả quang cảnh đám cưới vui nhộn nhưng thực tế là sự phê phán thói đời và tầng lớp phong kiến xưa. Đó chính là lối ứng xử vừa bi vừa hài của nhân dân lao động trước người có quyền thế, rộng hơn nữa là lối ứng xử của kẻ yếu trước kẻ mạnh, để yên ổn chung sống trong hòa bình.

tm-img-alt
Tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột” (Nguồn: Internet)

Hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục - Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang - Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.

Mèo cũng là động vật đem lại cảm hứng cho võ thuật với dáng đi uyển chuyển, không tiếng động, êm như mèo, giỏi leo trèo, có khả năng nhảy vọt là nguồn cảm hứng môn khinh công. Võ mèo hay được gọi là miêu quyền cũng là một trong những môn võ hay, những động tác mô phỏng của mèo có thể chuyển hóa, phổ quát thành các bài võ, đòn thế tự vệ, chiến đấu hữu hiệu. Ở Việt Nam, võ mèo xuất hiện rất sớm và bài Miêu tẩy diện (mèo rửa mặt) là một trong những bài võ mèo tồn tại lâu đời với khoảng 32 động tác. Ngoài ra còn có một số bài võ mèo tiêu biểu như Linh miêu độc chiến và Bạch miêu quyền.

Trong phong thủy, mèo được coi là linh vật đem lại sự cát tường, thịnh vượng, có thể nhờ linh lực để hóa giải sát khí. Với những ý nghĩa biểu tượng lớn về phong thủy như vậy, người ta thường hay trưng bày tượng con mèo trong nhà với mong muốn cầu mong điều tốt đẹp, tài lộc về cho gia đình.

Có thể thấy, dù trong thời đại nào thì hình tượng con mèo cũng có ý nghĩa vô cùng thân thiết với con người. Nó hiện diện trong đời sống con người như một người bạn để bảo vệ thành quả lao động và cả những tình cảm, những biến chuyển trong cuộc sống. Đặc biệt, người bình dân còn thi vị hóa mèo, dùng hình ảnh của chúng vừa để răn dạy người đời, vừa để phê phán những thói hư tật xấu của con người.

Bạn đang đọc bài viết Ý nghĩa của hình tượng mèo trong nền văn hóa các nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024
Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024, quy tụ 145 vận động viên tiêu biểu đến từ 9 địa phương gồm: TP Bắc Giang và các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động.
Cầu truyền hình đặc biệt “Dưới lá cờ Quyết thắng”
Tối 5/5, Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, đã được truyền hình trực tiếp từ 5 điểm cầu Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và Thành phố Hồ Chí Minh trên VTV1.

Tin mới