Thứ sáu, 26/04/2024 08:30 (GMT+7)

10 thảm họa thiên nhiên gây tổn thất nặng nề nhất thế giới năm 2021

MTĐT -  Chủ nhật, 02/01/2022 21:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mười thảm họa thiên nhiên lớn nhất đã khiến ít nhất 1.075 người thiệt mạng, hơn 1,3 triệu người phải sơ tán khỏi nơi cư trú và gây tổn thất khoảng 170 tỷ USD, cao hơn 20 tỷ USD so với năm 2020.

10 tham hoa thien nhien gay ton that nang ne nhat the gioi nam 2021 hinh anh 1
Cảnh ngập lụt sau bão Ida tại New York, Mỹ, ngày 2/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trái Đất ngày càng nóng lên khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Nhận định trên của giới khoa học một lần nữa được chứng minh qua thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Christian Aid về các tổn thất mà 10 thảm họa thiên nhiên lớn nhất năm 2021 gây ra.

Theo số liệu của Christain Aid vừa được công bố, 10 thảm họa thiên nhiên lớn nhất năm 2021 đã khiến ít nhất 1.075 người thiệt mạng, hơn 1,3 triệu người phải sơ tán khỏi nơi cư trú và gây tổn thất khoảng 170 tỷ USD, cao hơn 20 tỷ USD so với năm 2020.

Cụ thể, cơn bão Ida càn quét nước Mỹ vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 đã gây lũ lớn tại New York và làm thiệt hại khoảng 65 tỷ USD - tổn thất lớn nhất do thiên tai tại Mỹ trong năm 2021.

Thảm họa gây thiệt hại vật chất nghiêm trọng thứ hai trên thế giới là trận lũ lớn tại châu Âu vào tháng 7, ảnh hưởng đến Đức, Bỉ và các quốc gia lân cận, gây tổn thất 43 tỷ USD.

Tiếp đến là cơn bão tuyết Uri tại Mỹ vào giữa tháng 2, gây tê liệt một phần đáng kể mạng lưới điện của bang Texas và gây thiệt hại 23 tỷ USD.

Bảy thảm họa còn lại được sắp xếp theo trật tự thời gian gồm trận lũ lụt ở Australia vào tháng 3 đã gây thiệt hại 2,1 tỷ USD; đợt giá lạnh ở Pháp cuối tháng 4 đã tàn phá những vườn nho nổi tiếng của nước này, làm tổn thất 5,6 tỷ USD; 2 trận bão lớn vào tháng 5 là bão Yass tấn công Ấn Độ và Bangladesh (gây thiệt hại 3 tỷ USD) và bão Tauktae tấn công Ấn Độ và Sri Lanka (gây tổn thất 1,5 tỷ USD); đến tháng 7, Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề khi vừa bị bão Infa tấn công gây tổn thất 7,2 tỷ USD và vừa chịu tác động của trận lũ lịch sử diễn ra ở tỉnh Hà Nam, gây tổn thất 17,6 tỷ USD; gần cuối năm, vào tháng 11, bang British Columbia ở Canada đã phải gánh chịu một trận lũ lớn, gây thiệt hại 7,5 tỷ USD.

Giữa tháng 12, công ty bảo hiểm Swiss Re công bố tổng thiệt hại ước tính do các thảm họa thiên nhiên gây ra trên toàn thế giới trong năm 2021 là khoảng 250 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2020. Thống kê của Swiss Re cao hơn nhiều so với thống kê của tổ chức Christain Aid 70 tỷ USD.

Tuy nhiên, những thiệt hại được liệt kê nói trên là những tính toán của các hãng bảo hiểm. Những thảm họa được đánh giá là gây thiệt hại nặng nề nhất đều xảy ra ở các quốc gia giàu, với cơ sở hạ tầng phát triển và có chế độ bảo hiểm tốt hơn.

Christian Aid nhấn mạnh rằng “những thảm họa khắc nghiệt, thảm khốc nhất của năm 2021 thực tế xảy ra tại các quốc gia nghèo, vốn là những quốc gia có vai trò rất nhỏ trong việc làm Trái Đất nóng lên” và hầu hết là các quốc gia không có chế độ bảo hiểm đối với những tổn thất do thiên tai gây ra.

Theo Christain Aid, riêng tại Nam Sudan, các trận lũ lụt đã khiến 800.000 người dân nước này phải di dời khỏi nơi ở. Bên cạnh đó, các thiệt hại về kinh tế không thể đánh giá được./.

Bạn đang đọc bài viết 10 thảm họa thiên nhiên gây tổn thất nặng nề nhất thế giới năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.