Thứ hai, 29/04/2024 12:33 (GMT+7)

Ấn Độ: Bùng nổ du lịch biển có thể nhấn chìm giấc mơ kinh tế xanh

MTĐT -  Thứ ba, 17/10/2023 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với hàng chục nghìn km đường biển, Ấn Độ là địa điểm lý tưởng cho các chuyến du lịch. Tuy nhiên, những hoạt động đó lại gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển. Và điều này có thể khiến giấc mơ về nền kinh tế xanh của Ấn Độ ngày càng xa vời...

Chú thích ảnh
Tàu du lịch quốc tế đầu tiên của Ấn Độ. Ảnh: Instagram/@cordeliacruises

Du lịch trên biển có thể được coi là một lựa chọn kỳ nghỉ phù hợp nhất với người cao tuổi trên toàn thế giới. Tuy nhiên theo báo cáo kỳ nghỉ Ấn Độ 2023, thế hệ Z, thế hệ millennials và các chuyên gia trẻ ở quốc gia này lại đang có nhu cầu mạnh mẽ hơn đối với các chuyến du lịch trên biển. Xu hướng trên đã tăng vọt kể từ thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Người Ấn Độ, những người nổi tiếng trong việc tìm kiếm các giao dịch tốt nhất, dường như đã tìm thấy kỳ nghỉ lý tưởng của mình. Các hoạt động trên tàu mang lại cho họ cảm giác hưng phấn cao, khả năng chi trả và tiếp cận tín dụng dễ dàng cũng làm tăng sức hấp dẫn đối với nhóm nhân khẩu học trẻ, giúp thúc đẩy mức chi tiêu 70 USD mỗi năm.

Bùng nổ du lịch biển

Ngành du lịch cùng Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chú thích ảnh
Một vị khách Ấn Độ tạo dáng trước tàu Empress. Ảnh: Instagram/@kanika_kh

Tháng 9 vừa qua, một bến du thuyền rộng 4.500 mét vuông đã được khánh thành tại cảng Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh, để phục vụ du lịch tàu biển trong nước và quốc tế, dọc bờ biển phía Đông Ấn Độ.

Trước đó, vào tháng 5, Ấn Độ cũng hoàn thành bến du thuyền trị giá 2 triệu USD tại Cảng Chennai. Trải dài hơn 2.880 mét vuông, nhà ga có thể tiếp đón 3.000 hành khách cùng một lúc và đón tàu du lịch quốc tế đầu tiên của Ấn Độ, MV Empress, khi tàu khởi hành đến Sri Lanka.

Con tàu này được điều hành bởi công ty Cordelia Cruises, có trụ sở tại Mumbai, kể từ năm 2021. MV Empress đã cung cấp các chuyến du ngoạn trong phạm vi Ấn Độ như giữa Mumbai và Goa, Chennai và Vishakhapatnam.

Lưu lượng hành khách du lịch ở Ấn Độ đã tăng từ 126.000 trong mùa du lịch 2015-2016 lên 468.000 trong mùa 2019-2020, trước đại dịch. Giờ đây, mọi thứ đang dần khởi sắc trở lại. Ấn Độ đặt mục tiêu khai thác hơn nữa các lợi thế tự nhiên của mình, bao gồm 7.500km bờ biển và mạng lưới hàng nghìn km đường thủy có thể điều hướng được, cũng như 12 cảng lớn và 200 cảng nhỏ.

Để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu tăng số lượng hành khách du lịch hàng năm lên 4 triệu vào năm 2041, chính phủ Ấn Độ dự định mở thêm ba cảng du lịch quốc tế – ở Goa, Mumbai và Kerala vào năm 2024. Đồng thời tăng số lượng tàu du lịch hoạt động tại vùng biển Ấn Độ từ 208 tàu hiện tại lên 500 tàu vào năm 2030 và 1.100 tàu vào năm 2047.

Một nhóm đặc nhiệm do Bộ Du lịch và Bộ Vận tải biển đang xem xét hiện đại hóa các cảng, hợp lý hóa phí cảng và ưu tiên neo đậu cho các tàu du lịch và tàu điện tử. Các địa điểm hỗ trợ du lịch các tuyến quanh Puducherry và các đảo Andaman, Nicobar và Lakshadweep cũng đang được cân nhắc để sửa sang, nâng cấp.

Giấc mơ kinh tế biển xanh có thể bị nhấn chìm?

Ấn Độ được coi là một hình mẫu cho thế giới phát triển. Các sáng kiến toàn cầu của Ấn Độ trong những năm gần đây như SAGAR (An ninh và Tăng trưởng cho Mọi người trong Khu vực), “Nền kinh tế xanh”, “Đại dương sạch” và cơ sở hạ tầng chống chọi với thảm họa có tiềm năng thu hút sự chú ý trong G20.

Chính vì thế, ngành du lịch biển nước này đang phải đối mặt với sự chỉ trích trên toàn thế giới vì tác động tiêu cực của nó đối với môi trường và cộng đồng ven biển.

Chú thích ảnh
Bờ biển Havelock ở Quần đảo Andaman và Nicobar. Ảnh: Getty Images

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, lĩnh vực hàng hải chiếm khoảng 2,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Tổ chức Hàng hải Quốc tế đã cảnh báo rằng lượng khí thải từ vận chuyển hàng hải có thể tăng lên 130% mức năm 2008 vào năm 2050, nếu không được kiểm soát.

Do đó, các hãng tàu du lịch đang đầu tư vào các tàu thân thiện với môi trường hơn để đáp ứng các quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế nhằm mục đích giảm hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu từ 3,5% xuống 0,5%.

Ông Varun Chadha, Giám đốc điều hành của Tirun Travel Marketing, cho biết: “Ngành du lịch đã nhận ra nhiều tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu. Vì vậy, chúng tôi đang thực hiện nhiều biện pháp như thay thế nhiên liệu bằng các giải pháp bền vững, sử dụng lưới điện ven bờ để sản xuất điện, cấm nhựa sử dụng một lần và giảm tiêu thụ nước”.

Tại lễ khánh thành Cảng Vishakapatnam, Bộ trưởng Liên minh Cảng, Vận tải và Đường thủy Sarbananda Sonowal nhấn mạnh rằng: “Cảng xanh rất quan trọng để đạt được nền kinh tế xanh. Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến khích sử dụng hydro xanh và amoniac xanh làm nhiên liệu”.

Tuy nhiên, tàu du lịch sẽ gây ra ô nhiễm bởi nhiều lý do như xả nước thải, nước thải từ bồn rửa, vòi hoa sen, nhà bếp...Tất cả đều có ảnh hưởng xấu đến môi trường mà tàu đi qua.

“Thật không may, mọi thứ mà tàu du lịch tiếp xúc đều có khả năng bị tổn hại. Không khí, nước, môi trường nước, động vật hoang dã đều bị ảnh hưởng", báo cáo Tàu du lịch năm 2021 của Friends of the Earth cho biết.

Naveen Namboothri, người sáng lập Quỹ Dakshin, một tổ chức phi chính phủ về bền vững môi trường và công bằng xã hội cho biết, bờ biển của Ấn Độ đặc biệt dễ bị ô nhiễm. "Bờ biển của chúng ta đang bị xói mòn. Trừ khi sự phát triển khổng lồ này được thực hiện trong khuôn khổ hết sức thận trọng, có tính đến các lỗ hổng ven biển. Nếu không nó sẽ làm phức tạp mọi thứ và tạo ra những mối lo ngại mới", ông Namboothri nhấn mạnh.

Nhà sinh vật học biển Prachi Hatkar cho biết: “Biển của chúng ta là nhà của 400 loài san hô, 2.500 loại cá và các loài động vật dễ bị tổn thương bao gồm cá nược và rùa. Chúng ta cần nghĩ xem các chuyến du ngoạn trên biển sẽ tác động như thế nào đến hệ sinh thái của chúng ta và các cộng đồng sống phụ thuộc vào biển”.

Bà Prachi Hatkar cũng chỉ ra rằng khi neo đậu, các tàu du lịch sẽ làm hỏng thảm cỏ biển. Hành động nạo vẹt gián tiếp này sẽ làm giảm khả năng hấp thụ carbon và chu trình dinh dưỡng ở vùng ven biển và đe dọa môi trường sống của nhiều sinh vật.

“Việc làm mất thảm cỏ biển có thể ảnh hưởng đến hải âu và các loài chim biển khác. Các loài động vật có vú ở biển sử dụng kỹ thuật siêu âm để định vị bằng tiếng vang sẽ bị mất phương hướng. Các tuyến đường di cư cũng có thể bị ảnh hưởng", bà Prachi Hatkar cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Vùng biển của Ấn Độ là nơi sinh sống của các sinh vật dễ bị tổn thương bao gồm cả cá nược (ở trên), chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng lưu lượng tàu du lịch. Ảnh: Shutterstock

Tiến sĩ Sumanta Bagchi, Phó Giáo sư chuyên về sinh thái và biến đổi khí hậu tại Viện Khoa học Ấn Độ nhận định các nhà khai thác du lịch không tuân thủ tốt các quy định mà nước này đề ra. Và theo ông, điều này có thể dẫn đến một thảm họa sinh thái.

Đồng tình với quan điểm này, Venkatesh Charloo, người sáng lập Marine Impact có trụ sở tại Goa, chuyên nghiên cứu và giám sát các hệ sinh thái biển, cho biết nếu không có cơ sở hạ tầng và chính sách phù hợp thì đó sẽ là thảm họa đối với môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Ấn Độ: Bùng nổ du lịch biển có thể nhấn chìm giấc mơ kinh tế xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Ngọc Hưng/ Báo Tin tức

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.