Thứ sáu, 26/04/2024 14:25 (GMT+7)

Bắc Giang: Chưa kiểm soát tận gốc việc thu gom, xử lý chất thải công nghiệp

MTĐT -  Thứ sáu, 07/10/2022 15:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc kiểm soát chất thải công nghiệp tại tỉnh mới dừng ở khâu đầu (ký hợp đồng chuyển giao, phân loại chất thải nguy hại và chất thải thông thường) mà chưa giám sát được tận gốc. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng những kẻ hở để vi phạm, trục lợi.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), năm 2021, tại các DN trong tỉnh phát sinh khối lượng chất thải công nghiệp (CTCN) gần 2.300 tấn/ ngày (khoảng 830 nghìn tấn/năm). Trong đó, từ các khu, CCN hơn 680 tấn/ngày, còn lại là các cơ sở nằm ngoài khu, CCN bao gồm cả nhiệt điện, khai khoáng, xây dựng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 13 nghìn DN đăng ký hoạt động, lượng CTCN ngày càng lớn.

Theo ông Nguyễn Quang Trường, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT- Sở TN&MT), hầu hết các DN đã có thủ tục pháp lý như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, giấy phép môi trường… Quá trình rà soát, kiểm tra cho thấy, khối lượng CTCN phát sinh hiện được các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chịu trách nhiệm thu gom phân loại, lưu giữ và ký hợp đồng chuyển giao cho các đơn vị, DN có chức năng xử lý bằng nhiều cách thức. Một phần chất thải như phế liệu sắt, thép, kim loại, bao bì nhựa, giấy… được tái chế, tận dụng. Số không thể tái chế được xử lý qua các hình thức ủ sinh học, chôn lấp, đốt.

Bắc Giang, kiểm soát, thu gom, xử lý, chất thải công nghiệp, khu, cụm công nghiệp
Vụ đổ trộm chất thải ở xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) bị cơ quan công an phát giác, xử lý.

Đối với nguồn nước thải, các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu, CCN đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt loại B nối vào hệ thống xử lý chung của cả khu (hệ thống chung đều đạt loại A). 9 tháng năm 2022, Sở TN&MT đã tổ chức 2 đợt kiểm tra, trong đó riêng Chi cục tổ chức 1 đợt tại hơn 20 DN trong các khu, CCN nhưng chưa phát hiện DN vi phạm.

Tuy nhiên, việc kiểm soát chất thải như vậy mới dừng ở khâu đầu (ký hợp đồng chuyển giao, phân loại chất thải nguy hại và chất thải thông thường) mà chưa giám sát được tận gốc. Trên địa bàn tỉnh hiện mới có một DN có chức năng nhận chuyển giao, xử lý CTCN là Công ty cổ phần Xử lý, tái chế CTCN Hòa Bình (gọi tắt là Công ty Hoà Bình). Số lượng DN ký chuyển giao rác thải cho Công ty Hòa Bình xử lý còn rất khiêm tốn, phần lớn chuyển cho các đơn vị ngoài tỉnh xử lý. Do đó, lượng rác sau khi thu gom, vận chuyển ra ngoài tỉnh có được xử lý đúng quy định hay không thì cơ quan chức năng Bắc Giang khó kiểm soát.

Một vấn đề nữa, lực lượng cán bộ chuyên môn làm công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường từ tỉnh đến cơ sở còn mỏng. Chi phí xử lý CTCN khá tốn kém nên không ít DN tìm cách đối phó để giảm chi phí. Ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Công ty Hòa Bình cho hay: “Có không ít DN đặt vấn đề ký hợp đồng với Công ty nhằm hợp pháp hồ sơ, thủ tục (thực tế không có việc chuyển giao) nhưng chúng tôi từ chối vì làm thế là phạm luật”.

Lợi dụng bất cập, kẽ hở trong kiểm soát, quản lý CTCN, một số DN cố tình vi phạm để trục lợi, đã bị phát hiện, xử lý. Thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), 9 tháng năm 2022, đơn vị xử lý 9 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 14 cá nhân, phạt tiền hơn 670 triệu đồng, tịch thu 3 xe ô tô.

Điển hình trong số này là vụ đổ 15.000 kg tro, xỉ thải phát sinh từ hoạt động tái chế, luyện nhôm tại khu vực thôn Sòi, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang); vụ vận chuyển, xử lý 5.105 kg chất thải nguy hại phát sinh từ sản xuất, gia công linh kiện điện tử tại tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang). Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường cho biết, ngoài các trường hợp trên, đơn vị và công an các huyện, TP, các xã, thị trấn còn liên tiếp phát hiện hàng chục vụ đổ chất thải xây dựng trái quy định tại nhiều khu vực. Đối tượng vi phạm chủ yếu là các đơn vị nhận chuyển giao chất thải, thi công phá dỡ công trình…

CTCN nếu được quản lý, xử lý đúng quy định sẽ không gây hại cho môi trường, thậm chí một số lượng lớn có thể tận dụng, tái chế. Ngược lại, nếu không được xử lý tốt, CTCN sẽ là mối nguy lớn cho môi trường mà không dễ nhìn thấy, như làm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, phát sinh bệnh tật.

Ngày 25/7/2022, từ thông tin người dân phản ánh, Chi cục BVMT đã kiểm tra, xác minh phát hiện Công ty cổ phần Thương mại Sơn Thạch, CCN Nội Hoàng (Yên Dũng) có hành vi không vận hành thường xuyên đối với công trình xử lý chất thải theo quy định; xử lý CTCN nguy hại là 300 kg phoi tiện kim loại dính dầu để luyện phôi thép khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Hiện DN Sơn Thạch đã bị xử phạt 440 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động 12 tháng.

Quyết tâm BVMT, tăng cường bảo vệ sức khoẻ người dân, từ năm 2020 tới nay, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung quy hoạch, xây dựng các nhà máy, lò xử lý rác thải tập trung; huy động toàn dân tham gia thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt. Công tác thu gom, phân loại xử lý rác, BVMT theo đó được các đơn vị, địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng đưa vào tổ chức kiểm điểm tiến độ thực hiện hằng tháng. Môi trường khu dân cư, đô thị được cải thiện đáng kể.

Ngày 28/9/2022, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, TP nghiêm túc thực hiện công văn của Bộ TN&MT về tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTCN. Qua đó yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động thu gom, xử lý CTCN. Chỉ đạo này cần được triển khai quyết liệt nghiêm túc, kịp thời khắc phục những bất cập phát sinh trong việc quản lý CTCN, góp phần BVMT bền vững, thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu, CCN.

Duy Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Chưa kiểm soát tận gốc việc thu gom, xử lý chất thải công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.