Thứ bảy, 27/04/2024 16:54 (GMT+7)

Biện pháp cải thiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà

MTĐT -  Thứ năm, 15/06/2023 14:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đảm bảo an toàn cháy, nổ trong các tòa nhà là thách thức chung của các nhà thiết kế xây dựng, cơ quan phòng cháy chữa cháy, người vận hành.

An toàn PCCC là tập hợp các quy tắc nhằm giảm bớt sự tàn phá do cháy nổ gây ra, mà còn bao gồm các biện pháp thiết thực, nhằm mục đích ngăn chặn sự bắt lửa của đám cháy không kiểm soát được và những biện pháp được sử dụng hạn chế sự lan rộng và tác động của đám cháy để làm giảm thiểu những hậu quả của chúng.

Những biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện tại trong các tòa nhà không giải quyết được tất cả các mối lo ngại về nguy cơ cháy ngày nay, điều này khiến an toàn cháy nổ ngày càng trở thành một vấn đề cần được quan tâm.

Mục đích của bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quan quan trọng về các yếu tố nguy hiểm cháy hiện tại ảnh hưởng đến tai nạn khi xảy ra cháy và khả năng ứng dụng của chúng để giải quyết các nguy cơ cháy trong các tòa nhà góp phần làm giảm thương tích và tử vong do tai nạn của đám cháy.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Với sự phát triển của kinh tế và xã hội, Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ quá trình đô thị hóa, các dự án khu dân cư, nhà cao tầng đã và đang trở thành xu hướng phát triển của đô thị hiện đại và là biện pháp hữu hiệu nhất để tăng quỹ nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác trên cả nước.

Các tòa nhà chiếm một phần lớn cơ sở hạ tầng được xây dựng và đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hầu hết các tòa nhà được thiết kế tồn tại trong vài thập kỷ và cung cấp nhà ở, các hoạt động và các chức năng khác cho số lượng lớn cư dân trong suốt vòng đời thiết kế của chúng góp phần tạo ra những điều kiện sống tốt hơn cho con người và xây dựng một xã hội tiến bộ hơn.

Trong khoảng thời gian dài này, các tòa nhà phải đối mặt với hàng loạt các thảm họa tự nhiên như: động đất, bão, sóng thần… và các hiểm họa nhân tạo như: cháy, nổ… có thể dẫn đến sụp đổ một phần hoặc toàn bộ cấu trúc của tòa nhà và làm mất khả năng vận hành của chúng.

Do đó, các tòa nhà khi thiết kế phải chịu được các thảm họa từ những mối nguy hiểm được dự đoán trước để đảm bảo an toàn tính mạng và cấu trúc tòa nhà trong suốt tuổi thọ thiết kế của chúng và cháy, nổ là một trong những mối nguy hiểm nghiêm trọng có thể xảy ra trong các tòa nhà.

An toàn PCCC có thể được định nghĩa là một tập hợp các phương pháp để ngăn chặn sự xuất hiện của đám cháy và kiểm soát sự phát triển cũng như hậu quả của các vụ cháy vô tình hoặc cố ý trong khi vẫn giữ tổn thất ở mức chấp nhận được.

Hiện tại, an toàn cháy nổ trong các tòa nhà được đảm bảo bằng cách tuân thủ các điều khoản được khuyến nghị bởi các quy tắc và quy định của các tòa nhà. Mặc dù các thông số kỹ thuật và chiến lược đảm bảo an toàn cháy nổ trong các tòa nhà thay đổi từ quy tắc này sang quy tắc khác, nhưng hầu hết đều mang tính quy định và dựa trên các nguyên tắc an toàn PCCC tương tự. Theo quy định, an toàn cháy nổ trong các tòa nhà đạt được thông qua sự kết hợp của các hệ thống PCCC chủ động và thụ động.

Hệ thống PCCC chủ động (đầu phun nước, đầu báo nhiệt và khói...) được thiết kế để phát hiện, kiểm soát hoặc dập tắt đám cháy ở giai đoạn đầu và quan trọng hơn từ góc độ về an toàn tính mạng. Các hệ thống PCCC thụ động được thiết kế để đảm bảo sự ổn định của cấu trúc tòa nhà trong quá trình tiếp xúc với lửa và ngăn chặn ngọn lửa lan rộng.

Mục tiêu chính là cho phép đủ thời gian cho các hoạt động cứu nạn và cứu hộ góp phần làm giảm thương tích và tử vong cũng như giảm thiểu thiệt hại về tiền bạc đem đến một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người đang sinh sống và làm việc trong tòa nhà.

2. NHỮNG YẾU TỐ NGUY HIỂM CHÁY, ĐẶC ĐIỂM VÀ ĐIỀU KIỆN BẤT LỢI TRONG CÁC TÒA NHÀ HIỆN ĐẠI

2.1. Nguồn nguy cơ cháy

Nguy cơ cháy bao gồm tất cả các yếu tố có mặt trong một tòa nhà có thể gây cháy, làm tăng mức độ nghiêm trọng của đám cháy, làm vô hiệu hóa biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy của tòa nhà và gây khó khăn cho hoạt động thoát hiểm hoặc dập tắt đám cháy.

Nguyên nhân chính gây ra cháy trong các tòa nhà dân cư là nấu ăn, các nguồn gây cháy khác trong các tòa nhà bao gồm tất cả ngọn lửa tác động trực tiếp, lò sưởi và các bề mặt bị nung nóng, sự cố điện, pháo hoa, đốt phá và sự phá hoại.

Sau khi bắt lửa, mức độ nghiêm trọng của đám cháy có thể làm tăng hơn do có số lượng lớn vật liệu gia dụng dễ cháy, bảo quản hàng hóa, rác, thiết bị không đúng cách và vật liệu dễ cháy (xăng dầu, chất lỏng dễ cháy, đạn dược…) và các vật liệu xây dựng dễ cháy như tấm composite và gỗ.

Ngoài ra, việc sử dụng kiến trúc mở như: vách ngăn bằng kính, trần giả, cửa sổ lớn và thiết kế thiếu ngăn cháy có thể khiến đám cháy phát triển và lan rộng nhanh chóng do cung cấp oxy liên tục cho đám cháy. Tất cả các yếu tố trên có tác động trực tiếp đến sự xuất hiện của đám cháy hoặc làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy.

Mặt khác, an toàn cháy nổ trong các tòa nhà cũng có thể bị đe dọa bởi các yếu tố tác động gián tiếp, có thể làm vô hiệu hóa các biện pháp PCCC của tòa nhà, gây khó khăn cho công tác sơ tán và chữa cháy.

Một số yếu tố này bao gồm quy định tiêu chuẩn và thiếu thực thi các quy chuẩn về xây dựng (không có hoặc không cung cấp đầy đủ các quy định về an toàn cháy nổ trong các tòa nhà), thiếu ý thức chung (tắt hoặc không sử dụng thiết bị phát hiện khói, phớt lờ báo cháy, phá hoại...), thiếu nguồn kinh phí cho duy trì hệ thống chữa cháy hiện có (không đủ nước cho vòi phun nước, bình chữa cháy hết hạn sử dụng...), cũng như hư hỏng các thiết bị an toàn PCCC do các mối nguy hiểm khác (động đất, bão...).

Những yếu tố này có thể dẫn đến việc cung cấp không đủ về an toàn cháy nổ trong một tòa nhà và làm tăng đáng kể rủi ro đối với sự an toàn về tính mạng của người dân, kết cấu, tài sản của gia đình và cộng đồng trong trường hợp cháy.

2.2. Ảnh hưởng đến an toàn tính mạng khi cháy

Trong những vụ cháy xảy ra trong các tòa nhà, có một rủi ro đáng kể đối với sự an toàn tính mạng trong cả giai đoạn đầu và sau khi xảy ra một đám cháy tòa nhà [8]. Ở giai đoạn đầu khi cháy, quá trình đốt cháy giải phóng một số khí độc cực kỳ nguy hiểm cho con người và có thể gây tử vong trong vòng vài phút nếu hít phải.

Phổ biến nhất trong số này là carbon monoxide được giải phóng từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn do chiếm nồng độ rất lớn trong thành phần sản phẩm cháy, hydro xyanua được tạo ra từ việc đốt nhựa và khí phosgene được tạo ra từ việc đốt các vật liệu gia dụng làm từ nhựa vinyl.

Khói tạo ra từ quá trình đốt cháy cũng chứa các hạt bồ hóng mịn và khói độc có thể gây kích thích đến mắt và hệ tiêu hóa. Chính vì độc tính cao của khói mà nhiều người chết hơn là do chính quá trình đốt cháy.

Ngoài ra, khói và khí nóng che khuất làm mất tầm nhìn các lối thoát hiểm khỏi tòa nhà trong khi cháy, điều này làm tăng thêm rủi ro đối với an toàn tính mạng do hít phải các khí độc cháy. Khi hít phải khí nóng có thể làm bỏng đường hô hấp, có thể gây nên hiện tượng tắc phin lọc trong mũi, nếu trong phổi có nhiễm nhiều hạt bụi khói sẽ làm giảm khả năng hấp thụ oxy dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong cơ thể và một lần hít phải khí nóng thậm chí có thể dẫn đến tử vong [6].

Biện pháp cải thiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà
Hình 1. Khói đen bốc lên từ căn nhà số 83 Phùng Hưng, Hà Nội. Ngọn lửa sau đó lan sang hai căn nhà lân cận số 81 và 85 ngày 27/12/2016
Biện pháp cải thiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà
Hình 2. Hỏa hoạn ITC (ngày 29/10/2002 tại TP.HCM), 60 người thiệt mạng

2.3. Ảnh hưởng đến an toàn kết cấu khi cháy

Trong kết cấu xây dựng của các tòa nhà và công trình, người ta sử dụng nhiều kết cấu khác nhau, được làm bằng những vật liệu có nguy cơ cháy khác nhau. Kết cấu bằng bê tông cốt thép, gạch, bê tông có khả năng chịu lửa trong trường hợp cháy với thời gian dài từ vài chục phút đến vài giờ. Kết cấu thép dù không cháy và không lan truyền ngọn lửa trên bề mặt nhưng sau 15 - 20 phút sẽ mất khả năng chịu lực.

Các kết cấu bằng gỗ thực hiện các chức năng chịu lực, khi cháy gỗ phát triển một lớp bảo vệ được gọi là than, làm giảm nguồn cung cấp oxy và do tính dẫn nhiệt thấp, nên ngăn cản sự gia tăng nhiệt độ của các lớp bên trong làm chậm quá trình đốt cháy lõi của các cấu kiện gỗ (trung bình 1 mm/phút). Do đặc điểm này, cấu kiện gỗ có thể chống cháy trong một thời gian dài thường lâu hơn nhiều so với thép hoặc thậm chí bê tông có cùng kích thước.

Nhưng vì gỗ là vật liệu dễ cháy nên việc sử dụng các kết cấu bằng gỗ làm tăng tải trọng cháy trong toà nhà và sự lan truyền lửa qua các kết cấu góp phần làm tăng nguồn lửa, gây khó khăn cho việc tổ chức dập lửa và sơ tán mọi người.

Trong giai đoạn đốt cháy hoàn toàn, nhiệt độ đám cháy có thể lên tới trên 1.000°C, dẫn đến sự suy giảm đáng kể về độ bền và độ cứng của vật liệu kết cấu (bê tông, thép, gỗ, v.v.) [7]. Nhiệt độ cao trong đám cháy làm vật liệu giãn nở gây ra các vết nứt trong kết cấu. Các lớp bê tông tiếp xúc với lửa có thể bị bong tróc, làm lộ các thanh cốt thép.

Kết cấu có thể có biến dạng lớn và không phục hồi sau khi kết cấu đã được làm nguội. Rủi ro lớn nhất đối với an toàn tính mạng là sự suy giảm vật liệu có thể làm mất khả năng chịu tải của kết cấu, dẫn đến sự sụp đổ một phần hoặc toàn bộ cấu trúc tòa nhà trong hoặc sau khi cháy, có thể cản trở hoạt động chữa cháy và giết chết những người bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát.

Do đó, cháy nổ gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an toàn tính mạng ngay cả khi nó chưa được phát triển đầy đủ và mỗi phút đều rất quan trọng đối với việc sơ tán cư dân trong các đám cháy tòa nhà [9].

Biện pháp cải thiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà
Hình 3. Cháy làm đổ sập hoàn toàn căn nhà của người dân.

2.4. Ảnh hưởng đến an toàn môi trường và tài sản

Nguy cơ cháy, nổ tạo ra một số chất gây ô nhiễm môi trường từ quá trình đốt cháy, hoạt động chữa cháy và tràn ra từ các thùng chứa vật liệu nguy hiểm bị hư hỏng do cháy. Các chất gây ô nhiễm cháy phổ biến nhất bao gồm kim loại, hydrocacbon thơm đa vòng, điôxin clo hóa và furan, điôxin và furan brom hóa, biphenyl polyclo hóa và các hợp chất polyfluor hóa.

Trong quá trình cháy, việc truyền các chất ô nhiễm này xảy ra với môi trường thông qua khói lửa làm ô nhiễm không khí, từ dòng nước chữa cháy làm ô nhiễm nước và các chất gây ô nhiễm không khí và nước lắng đọng làm ô nhiễm đất, do đó dẫn đến gây ô nhiễm môi trường. Mức độ ô nhiễm môi trường phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc, môi trường lây truyền và khả năng tiếp nhận của môi trường khí quyển, nước và trên cạn [10].

Ngoài ra, một trong những tác động lớn nhất của cháy, nổ đối với sự an toàn của tài sản là gây ra thiệt hại trực tiếp và gián tiếp. Ngay cả khi tòa nhà chịu được lửa mà không có thiệt hại về người, hậu quả của hầu hết mọi vụ cháy đều liên quan đến thiệt hại về tiền bạc, mức độ thiệt hại tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đám cháy [8].

Thiệt hại trực tiếp do cháy nổ bao gồm thiệt hại tài sản bị đốt cháy, hoạt động phun nước, hoạt động chữa cháy (thiệt hại tài sản do nước của lực lượng chữa cháy, phá cửa ra vào và cửa sổ...), các mảnh vụn rơi xuống do sập một phần hoặc toàn bộ cấu trúc, dẫn đến thiệt hại cấu trúc và chi phí sửa chữa.

Trong khi thiệt hại gián tiếp bao gồm mất khả năng sử dụng trong thời gian cần thiết để sửa chữa, tổn thất do di dời tạm thời hoặc vĩnh viễn, tổn thất do phá dỡ công trình, tăng chi phí bảo hiểm, ô nhiễm môi trường…

Biện pháp cải thiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà
Hình 4. Vụ cháy đã thiêu trụi hoàn toàn căn nhà trên đường Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM và làm chết 8 người.

2.5. Đặc điểm và điều kiện bất lợi trong các tòa nhà hiện đại

Đô thị hóa và mật độ dân số ngày càng tăng dẫn đến số lượng các tòa nhà cao tầng tăng lên ở các thành phố cho cả mục đích thương mại cũng như dân cư. Mặc dù các quy định về an toàn PCCC được quy định trong các quy tắc xây dựng, nhưng việc thực hiện an toàn PCCC đã trở thành một thách thức nghiêm trọng. Những thách thức này phát sinh vì:

- Tòa nhà hiện đại có các tải nhiên liệu cháy cao khó hạn chế;

- Tính chất dễ bắt lửa của các vật dụng trong phòng - do có nhiều vật liệu làm từ nhựa và xenlulô hơn trong các ngôi nhà hiện đại;

- Kiến trúc không gian mở và sử dụng quá nhiều kính (ngăn cháy kém);

- Sử dụng vật liệu xây dựng mới có khả năng chống cháy kém;

- Thời gian tiến hành chữa cháy lâu hơn - do điều kiện giao thông bất lợi, làn đường hẹp và các thành phố được quy hoạch bất thường.

Do mức sống người dân được nâng cao, đồ đạc giàu hàm lượng carbon (ví dụ như đồ nội thất bằng gỗ, văn phòng phẩm, quần áo và các vật dụng dễ cháy khác) trong hầu hết các tòa nhà hiện đại. Mức độ tiếp nhận tải nhiên liệu cháy cao như vậy đóng một vai trò quan trọng trong việc lan truyền ngọn lửa nhanh hơn, do đó sự phát triển của nhiệt độ tăng nhanh trong khoảng thời gian tương đối ngắn với tất cả trường hợp các vụ cháy tòa nhà hiện đại, nên thể hiện mức độ nghiêm trọng của đám cháy tăng lên.

Hơn nữa, các tòa nhà hiện đại được thiết kế theo kiến trúc mở được lắp các ô cửa bằng kính và trần giả tạo cho không gian văn phòng mở rộng hơn, tạo sự thoải mái và thẩm mỹ. Những không gian mở, trần giả và lỗ hở lớn này không cung cấp đủ ngăn cháy cần thiết để đảm bảo an toàn cháy nổ. Do vậy, khả năng cháy lan từ tầng này sang tầng khác qua các ô cửa lớn tăng cao so với các tòa nhà thông thường, do cửa kính và trần giả dễ bị phá vỡ ở nhiệt độ cao.

Việc phá vỡ các cửa sổ có kích thước lớn như vậy có thể cung cấp nguồn oxy khổng lồ cho đám cháy và làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của đám cháy. Do vậy, sự kết hợp giữa mật độ tải nhiên liệu cháy cao và kiến trúc mở tạo điều kiện lý tưởng cho đám cháy lan nhanh và cháy dữ dội hơn trong các tòa nhà hiện đại.

Trong những năm gần đây, vật liệu xây dựng mới đang được phát triển để đạt được cường độ cao về độ bền, độ cứng, độ dẻo và chi phí. Ví dụ như bê tông với tính năng cường độ siêu cao chịu nén gấp 6 - 8 lần bê tông thông thường, thép cường độ cao và polyme gia cố sợi không bị ăn mòn, cực kỳ nhẹ và bền hơn thép. Những vật liệu mới này thường được sử dụng trong các tòa nhà cao tầng và có độ bền và độ cứng tốt hơn so với vật liệu xây dựng thông thường ở nhiệt độ bình thường.

Tuy nhiên, hầu hết các vật liệu này đều bị xuống cấp nhanh chóng về đặc tính cấu trúc thường nhanh hơn vật liệu thông thường ở nhiệt độ cao dẫn đến khả năng chống cháy thấp hơn. Ngoài ra, các tòa nhà hiện đại bao gồm một lượng lớn nhựa và vật liệu dựa trên nhựa vinyl có độc tính đốt cháy cao và do đó làm tăng rủi ro đối với an toàn tính mạng.

Hơn nữa, do đường phố chật hẹp, lưu lượng giao thông cao và các thành phố được quy hoạch không theo quy hoạch đồng bộ, nên thời gian tiến hành cho các hoạt động chữa cháy lâu hơn đáng kể trong các tòa nhà hiện đại, vì vậy không cung cấp đủ thời gian cho các hoạt động sơ tán và chữa cháy, đồng thời làm tăng thêm rủi ro đối với tính mạng và an toàn kết cấu.

Tuy nhiên, các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng về an toàn PCCC được thông qua hiện tại cách tiếp cận dựa trên các quy tắc không tính đến những yếu tố này.

Trong trường hợp xác định cháy công trình, hầu hết các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng đều sử dụng các đường cong cháy tiêu chuẩn, nên những đám cháy tiêu chuẩn này không đại diện cho tình huống cháy trong tòa nhà thực tế, do không tính đến các điều kiện cụ thể trong các tòa như: việc cung cấp những tải nhiên liệu cháy khác nhau, lỗ thông gió, quá trình đốt cháy liên tục hoặc đám cháy cục bộ, ngoài ra không xem xét đến tác động bất lợi của các vật liệu xây dựng mới như độc tính và sự suy giảm các đặc tính vật liệu tương ứng của chúng ở nhiệt độ cao trong dự đoán khả năng chống cháy, nên thiếu cơ sở để đánh giá chúng trong các tòa nhà hiện đại và đưa ra các quy định hợp lý để chuẩn hóa các yêu cầu định tính và định lượng các hệ thống PCCC như vòi phun nước, đầu báo khói, bình chữa cháy, lối thoát hiểm PCCC…

3. CÁC BIỆN PHÁP NÂNG CAO AN TOÀN CHÁY, NỔ TRONG CÁC TÒA NHÀ

Một trong những hạn chế lớn nhất của các chiến lược PCCC hiện nay là chúng không cung cấp một khuôn khổ toàn diện để làm giảm nguy cơ cháy. Hầu hết các quy tắc xây dựng tập trung vào kiểm soát nguy cơ cháy bằng cách sử dụng biện pháp PCCC chủ động và thụ động trong các tòa nhà, cùng với một số điểm nhấn về phòng ngừa, quy định và thực thi.

Các chiến lược PCCC này chủ yếu được phát triển cho các tình huống cháy và thực tiễn xây dựng chưa tính đến các thách thức về nguy hiểm cháy hiện đại. Trong khuôn khổ tích hợp bao gồm phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ cháy và khả năng ứng dụng của nó trong việc cải thiện những hạn chế nêu ở trên, các chiến lược an toàn PCCC được thể hiện dưới đây:

3.1. Nâng cao hiệu quả PCCC trong các tòa nhà

Có một số điều kiện bất lợi về an toàn PCCC trong các tòa nhà hiện đại và những điều này không được tính đến đầy đủ trong các quy định PCCC hiện hành và được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.

Do đó, để tránh sự phát triển nhanh chóng của đám cháy và khoanh vùng tác động của nó, trong các tòa nhà đó cần phải chia thành các ngăn cháy, hạn chế theo chiều dọc và có thể theo chiều ngang bằng các rào chắn cháy: tường lửa và trần nhà chống cháy hoặc lớp phủ có giới hạn chịu lửa để đảm bảo lửa không vượt quá giới hạn của ngăn cháy lan (ít sử dụng kính và không gian mở, hạn chế lượng nhiên liệu...) khi thiết kế công trình.

Trong trường hợp nếu không thể thay đổi kiến trúc của tòa nhà, các lối thoát hiểm bổ sung nên được đặt ở vị trí chiến lược trong tòa nhà để cải thiện thời gian thoát hiểm và do đó tăng cường an toàn tính mạng. Trong tất cả các tòa nhà hiện có, nơi không thể cung cấp thêm lối thoát hiểm, sơn dạ quang và biển báo lối thoát hiểm có thể bổ sung cùng với các lối thoát hiểm tạm thời dưới dạng cầu thang thoát hiểm và cầu thang bộ.

Ngoài ra, tất cả các thành phố có quy hoạch bất thường nên cung cấp chỗ đậu xe dành riêng cho phương tiện chữa cháy tại các khu vực xây dựng cùng với việc duy trì ống cấp nước hoạt động tốt, bình chữa cháy và bể chứa nước riêng để giảm thời gian tiến hành các hoạt động chữa cháy ban đầu.

Việc sử dụng kiếntrúc mở có hàm lượng nhiên liệu dễ cháy cao, nên được lắp đặt bằng các hệ thống phòng cháy chữa cháy chủ động đáng tin cậy hoặc mô phỏng thực tế về lối ra và khả năng chống cháy bằng cách sử dụng các quy trình phân tích nâng cao, thay vì dựa vào quy trình chuẩn hóa theo quy định để đánh giá an toàn cháy nổ trong các tòa nhà.

Ngoài ra, trước khi sử dụng bất kỳ vật liệu xây dựng mới nào trong các tòa nhà, bắt buộc phải đánh giá giới hạn chịu lửa của chúng khi tiếp xúc với lửa. Mặt khác, một trong những hạn chế lớn nhất của quy chuẩn xây dựng trong thực tế là thiếu tiêu chí thống nhất để phân loại kết cấu.

Điều này có thể được khắc phục bằng cách phân loại các tòa nhà về nguy cơ cháy dựa trên các đặc điểm thiết kế của tòa nhà, nguy cơ cháy tiềm ẩn, tầm quan trọng của tòa nhà và những tác động của nguy cơ cháy.

3.2. Quy định và thực thi

Quy định và thực thi là một trong những vấn đề hàng đầu thường bị bỏ qua bởi các chiến lược an toàn cháy nổ hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra nguy cơ cháy nổ, cần phải có các quy định pháp luật về các hình phạt nghiêm khắc được thực hiện bằng một cơ chế phù hợp. Ví dụ, khoảng cách an toàn cháy nổ giữa các tòa nhà thường không được tuân thủ, điều này dẫn đến việc dễ dàng truyền lửa từ tòa nhà này sang tòa nhà khác.

Các biện pháp PCCC chủ động và bị động cần thiết thường bị vi phạm trong xây dựng do hạn chế về tài chính hoặc miễn cưỡng do không nhận thức được đầy đủ. Trong tất cả các trường hợp như vậy, các hướng dẫn quy định phải nghiêm ngặt hơn và đưa ra các mức phạt cao hơn trong tất cả các trường hợp khi những người ở trong cơ sở gây nguy hiểm cho sự an toàn của những người khác trong vùng lân cận.

Người giám sát PCCC phải được chỉ định thực hiện kiểm tra hàng năm tất cả các tòa nhà dân cư và thương mại về việc tuân thủ các biện pháp PCCC. Việc kiểm tra phải nhằm mục đích đảm bảo rằng tải trọng cháy nằm dưới giới hạn cho phép, khả năng và độ tin cậy chức năng hoạt động của thiết bị PCCC như đường ống cấp nước hoạt động tốt, bình chữa cháy còn hạn sử dụng, lối thoát hiểm không bị cản trở...

3.3. Ý thức chung và nhận thức của cộng đồng

Ý thức chung và nhận thức của cộng đồng là một trong những nguyên nhân gây ra nguy cơ cháy bị bỏ qua nhiều nhất và là nguyên nhân chính gây ra cháy nổ. Ý thức chung, nên để nguồn đánh lửa và nguồn nhiên liệu cách xa nhau, để các vật dụng gia đình có khả năng bắt lửa cao ngoài tầm tay của trẻ em, vứt bỏ các chất dễ cháy đúng cách, sử dụng bình chữa cháy hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết khác để tránh hỏa hoạn bất ngờ.

Nhận thức của cộng đồng bao gồm kiến thức về các lối thoát hiểm và bình chữa cháy, nhường đường cho lực lượng chữa cháy hoặc phương tiện khẩn cấp khác, sử dụng đúng cách các chất gây cháy nổ (bật lửa, hút thuốc lá, nến...) trong các tòa nhà. Hầu hết các vụ cháy có thể dễ dàng ngăn chặn bằng ý thức chung và nhận thức của cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày nếu được thực hiện đúng cách.

Ngoài ra, mọi người có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thời gian tham gia các hoạt động chữa cháy bằng cách nhường đường cho lực lượng chữa cháy trên đường, điều này có thể cải thiện đáng kể các hoạt động chữa cháy.

Cư dân cần được cung cấp kiến thức cơ bản về các lối thoát hiểm hiện có khi xảy ra cháy, biểu tượng an toàn phòng cháy chữa cháy, vị trí đặt bình chữa cháy, nơi tập hợp trong trường hợp cháy và chuông báo cháy. Để đảm bảo những cư dân mới làm quen với các quy trình ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy, nên tổ chức các cuộc diễn tập sơ tán thường xuyên.

Trong trường hợp các tòa nhà cao tầng có rủi ro cao đối với an toàn tính mạng, nên cung cấp các tầng trú ẩn (điểm lánh nạn trong trường hợp cháy) và phải chỉ định các nhân viên cứu hỏa trên các tầng được chọn lánh nạn để ngăn chặn nguy cơ cháy, gian lánh nạn phải trang bị thiết bị chống tụ khói, họng nước chữa cháy trong nhà, chiếu sáng sự cố, điện thoại liên lạc với bên ngoài, hệ thống chỉ dẫn thoát nạn...

Nhận thức về an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà cần được phổ biến thông qua các phương tiện truyền thông và chương trình giáo dục an toàn phòng cháy chữa cháy bắt buộc trong hệ thống giáo dục.

4. KẾT LUẬN

An toàn PCCC là tập hợp các quy tắc nhằm giảm bớt sự tàn phá do cháy nổ gây ra, mà còn bao gồm các biện pháp thiết thực, nhằm mục đích ngăn chặn sự bắt lửa của đám cháy không kiểm soát được và những biện pháp được sử dụng hạn chế sự lan rộng và tác động của đám cháy để làm giảm thiểu những hậu quả của chúng. Vì vậy, đảm bảo an toàn cháy, nổ trong các tòa nhà là thách thức chung của các nhà thiết kế xây dựng, cơ quan phòng cháy chữa cháy, người vận hành.

Để duy trì một môi trường an toàn cháy nổ trong các tòa nhà, nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu cần phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật an toàn về PCCC ngay từ các khâu đầu tiên của quá trình thiết kế, thẩm duyệt xây dựng và điều hành quản lý các tòa nhà phải tuân thủ đúng các yêu cầu quy định kỹ thuật về kết cấu xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo không bị tác động bởi các yếu tố nguy hiểm cháy, cũng như cần hoàn thiện hơn nữa quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy tắc đảm bảo an toàn cháy [1], [2], [3], [4], [5].

Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp chính bao gồm cải thiện các tính năng PCCC được quy định phù hợp về các vấn đề nguy cơ cháy nổ trong các tòa nhà hiện đại và thực thi các quy định pháp luật về quy tắc xây dựng và trừng phạt thật nặng những chủ xây dựng và chủ sở hữu không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC, nâng cao nhận thức cộng đồng và sử dụng hợp lý phương pháp thiết kế PCCC và mô tả các đặc tính của vật liệu mới khi tiếp xúc với lửa, đây là chìa khóa để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ trong các tòa nhà có thể ngăn ngừa thiệt hại về tài sản và tính mạng.

TS Đặng Sỹ Lân
Trung tá, Trường Đại học PCCC, Bộ Công an

TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1]. Quy chuẩn 06:2022/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. [2]. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6160:1996. PCCC nhà cao tầng. Yêu cầu thiết kế. [3]. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995. PCCC cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế. [4]. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3890:2009. Phương tiện PCCC cho nhà và công trình trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng. [5]. TCXDVN 323: 2004. Nhà cao tầng. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Tiêu chuẩn thiết kế. [6]. Ahrens, M. (2019), “Smoke alarms in US home fires”, National Fire Protection Association [7]. Alarie, Y. (2002), “Toxicity of fire smoke”, Critical Reviews in Toxicology, Vol. 32 No. 4 [8]. Brushlinsky, N.N. Ahrens, M. Sokolov, S.V. and Wagner, P. (2017), “World fire statistics”, CTIF, International Association of Fire and Rescue Services, No. 22 [9]. Buchanan, A.H. and Abu, A.K. (2017), Structural Design for Fire Safety, 2nd ed., John Wiley and Sons, West Sussex, PO19 8SQ, ISBN: 978-0-470-97289-2. [10]. Martin, D., Tomida, M. and Meacham, B. (2016), “Environmental impact of fire”, Fire Science Reviews, Vol. 5 No. 1.

Bạn đang đọc bài viết Biện pháp cải thiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề