Thứ hai, 29/04/2024 08:35 (GMT+7)

Biến rác thải thành tài nguyên

MTĐT -  Thứ năm, 17/08/2023 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ý tưởng sáng tạo của anh Cao Văn Tuấn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn đem lại giá trị cho cộng đồng

Vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM khi mới học hết THPT, nay anh Cao Văn Tuấn đã có bước tiến vững chắc trong nghề nghiệp, trở thành Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, sở hữu nhiều sáng kiến bạc tỉ. Anh Tuấn là 1 trong 11 cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2023. Câu chuyện về sự phấn đấu vươn lên của anh đã trở thành nguồn cảm hứng cho thợ trẻ tại công ty.

Có mặt ở các điểm nóng

Anh Tuấn cho biết khi mới tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh khó khăn nên phải tạm gác việc học hành để đi làm phụ giúp gia đình. Ban đầu, anh được phân công về đội tuyên truyền nhắc nhở người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Thấy anh làm việc có trách nhiệm và cầu tiến, công ty cử anh đi học chứng chỉ hành nghề giám sát bãi chôn lấp rác thải tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM.

Hoàn tất khóa học, anh Tuấn được chuyển sang làm giám sát các công trường xử lý chất thải của thành phố như công trường Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), công trường Gò Cát (quận Bình Tân), công trường Phước Hiệp (huyện Củ Chi). Sáu năm làm việc ở vị trí này, anh Tuấn trải qua nhiều khó khăn, vất vả bởi việc xử lý rác thải thời điểm ấy còn nhiều bất cập. Mỗi ngày, anh phải đi về hơn 60 km, có lúc phải ở lại công trường. Dấn thân vào công việc, anh nhận ra rằng để tiến xa hơn, cần cù là chưa đủ mà phải có kiến thức, vì vậy anh quyết tâm nâng cao trình độ.

Biến rác thải thành tài nguyên - Ảnh 2.
Anh Cao Văn Tuấn giới thiệu về các vật liệu xây dựng được tái chế từ rác thải

Được công ty tạo điều kiện về thời gian lẫn chi phí học tập, từ năm 2003, anh theo học lập trình hệ trung cấp tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM, sau đó tiếp tục học lên đại học (hệ vừa học vừa làm) tại ĐH Đà Nẵng, chuyên ngành quản trị kinh doanh. "Quá trình học kéo dài suốt 6 năm, ban ngày đi làm, buổi tối đi học, lúc nào cũng bận rộn nhưng nhìn lại, tôi thấy rất xứng đáng. Việc học giúp tôi có thêm nhiều kiến thức để bổ trợ cho công việc" - anh Tuấn tâm sự.

Ghi nhận nỗ lực của anh, năm 2009, ban giám đốc cất nhắc anh lên làm phó trưởng Phòng Kiểm tra chất lượng. Đến năm 2015, anh giữ vị trí trưởng Phòng Kiểm tra chất lượng (nay là Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng). Dù ở vị trí nào anh cũng luôn làm tốt, càng khó khăn, lại càng "máu lửa". Trong giai đoạn TP HCM chống dịch, không ít người lao động tại công ty lo ngại việc thu gom, xử lý rác thải y tế. Để động viên anh em, anh xung phong đi vào các điểm nóng, lăn xả làm việc.

Tận dụng nguồn nguyên liệu từ rác thải

Không chỉ tâm huyết, anh Tuấn còn đề xuất hàng chục sáng kiến hữu ích, giúp đơn vị tiết kiệm và làm lợi hàng tỉ đồng. Có năm anh được công nhận đến 5 sáng kiến.

Trong số rất nhiều sáng kiến được công nhận thì anh Tuấn đặc biệt tâm đắc với những đề tài về thu gom, tái chế rác, bởi ngoài hiệu quả kinh tế còn giúp nâng cao ý thức trong cộng đồng. Tiêu biểu như sáng kiến thí điểm tổ chức thu gom, trung chuyển và chuyển giao xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại công trường Gò Cát.

Mỗi ngày, TP HCM thu gom xử lý khoảng 9.500 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó có lẫn 1% chất thải rắn công nghiệp thông thường… do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hoặc hộ kinh doanh lén xả thải ra môi trường gây ô nhiễm. Để giảm thiểu tình trạng trên, anh Tuấn đề xuất xây dựng mô hình thu gom, trung chuyển và chuyển giao xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Với mô hình này, chất thải sau khi được thu gom sẽ vận chuyển về công trường Gò Cát. Tại đây, chất thải sẽ được phân loại, giảm kích thước bằng máy nghiền phá, qua băng tải đến sàng lồng để tách các chất trơ như gạch, cát, thủy tinh, kim loại, sau đó nghiền nhỏ và vận chuyển đến Công ty TNHH Siam City Cement làm chất đốt trong lò nung xi-măng.

Tính đến tháng 4-2023, 16.800 tấn chất thải đã được xử lý bằng cách này, giúp tiết kiệm cho ngân sách thành phố hơn 10 tỉ đồng chi phí thu gom, xử lý rác thải và làm lợi cho đơn vị 8,4 tỉ đồng. Đề án cũng giúp giải quyết vấn đề tồn tại trong công tác quản lý và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại thành phố, chấm dứt tình trạng đổ lẫn trong chất thải sinh hoạt và tận dụng nguồn nguyên liệu từ rác thải.

Cũng với mục tiêu biến chất thải thành tài nguyên, anh Tuấn đã cho ra đời sáng kiến tái chế tro xỉ lò đốt chất thải thành vật liệu xây dựng. Anh Tuấn cho biết hiện nay tro lò đốt chất thải y tế vẫn được lưu giữ bằng cách chôn lấp an toàn, đóng bãi vĩnh viễn. Cùng với các đồng nghiệp, anh Tuấn đã mày mò nghiên cứu giải pháp kiểm soát các yếu tố nguy hại và tái chế thành vật liệu xây dựng như các loại gạch, bê-tông, tạo hạt... Điều này giúp tận dụng chất thải thứ cấp từ hoạt động xử lý chất thải để tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường đồng thời mang lại lợi ích rất lớn về quản lý chất thải thứ cấp.

Tận tâm với thợ trẻ

Ý chí vượt khó, tinh thần sáng tạo của anh Tuấn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều lao động trẻ trong công ty. Anh Nguyễn Hữu Phước, nhân viên Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, nhận xét: "Nhân viên mới luôn được anh kèm cặp, hướng dẫn tận tình cho đến lúc thạo việc. Anh cũng tạo điều kiện cho mọi người làm việc đúng sở trường để phát huy năng lực sáng tạo".

Bạn đang đọc bài viết Biến rác thải thành tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Thanh Nga/nld.com.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.