Thứ sáu, 26/04/2024 12:23 (GMT+7)

Bức thiết hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp (Bài 1)

MTĐT -  Thứ sáu, 28/04/2023 14:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi được rà soát tổng thể, nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan ở Thanh Hóa mới ngỡ ngàng trước sự “sơ khai”, yếu kém, thậm chí là... chưa có gì trong việc xây dựng hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các khu công nghiệp (KCN)...

Khi được rà soát tổng thể, nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan ở Thanh Hóa mới ngỡ ngàng trước sự “sơ khai”, yếu kém, thậm chí là... chưa có gì trong việc xây dựng hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư hạ tầng muốn hoàn thiện theo quy định lại gặp không ít vướng mắc phát sinh cần được tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các KCN cũng bị “vạ lây”, chưa kể năng lực PCCC chung cho toàn KCN vẫn còn là những dấu hỏi...

tm-img-alt
Các nhà đầu tư hạ tầng KCN Bỉm Sơn có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu hạ tầng phòng cháy, chữa cháy.

Theo rà soát tình hình thực hiện quy định PCCC tại các KCN của Công an tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 9 KCN đã đi vào hoạt động - có nhà đầu tư thứ cấp xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong số đó, có 4 KCN nằm trong lòng Khu Kinh tế Nghi Sơn là các KCN số 1, số 2, số 5 và KCN Luyện kim; còn lại là các KCN phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, gồm: Lễ Môn, Đình Hương - Tây Bắc Ga, Lam Sơn - Sao Vàng, Hoàng Long và Bỉm Sơn. Đó là chưa kể, một số KCN đã được quy hoạch nhưng chưa được đầu tư hạ tầng, hoặc đang có hạ tầng dở dang nhưng chưa thu hút được doanh nghiệp nào vào hoạt động, như Thạch Quảng, Bãi Trành, Ngọc Lặc... Một sự thật bất ngờ với nhiều người là đến đầu tháng 4-2023, mới chỉ có KCN Lễ Môn (TP Thanh Hóa) đã được hoàn chỉnh và nghiệm thu về PCCC. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tất cả các KCN còn lại đều chưa được nghiệm thu PCCC đã đi vào hoạt động, trong đó, hồ sơ thiết kế liên quan đến công tác PCCC chưa bảo đảm quy định của Nghị định 136 năm 2020 của Chính phủ cũng như nhiều quy định pháp luật về PCCC trước đây.

Khảo sát tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động với hàng trăm nhà đầu tư gần như đã lấp đầy, nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu về hạ tầng kỹ thuật liên quan đến công tác PCCC theo các quy định hiện hành. Được thành lập theo Quyết định 913/QĐ-UBND, ngày 21-3-2013 trên cơ sở sáp nhập KCN Đình Hương và KCN Tây Bắc Ga, nhưng phần KCN Đình Hương cũ hiện không có chủ đầu tư hạ tầng nên chưa đơn vị nào đầu tư các hạng mục PCCC chung, việc quản lý và vận hành phần KCN này được tỉnh giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa từ nhiều năm qua. Phần KCN Tây Bắc Ga cũ đã được chủ đầu tư lắp đặt 40 trụ nước chữa cháy, nhưng sau nhiều năm đã xuống cấp, hiện chỉ 25 trụ có nước, 15 trụ khi mở van không hề có nước. Nếu xảy ra cháy nổ ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gần những trụ này, thì nguồn nước dự trữ PCCC sẽ không phát huy tác dụng. May mắn thay, hơn 5 năm qua, tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga mới xảy ra 3 vụ cháy nhỏ là cháy xe và các đống phế liệu nên doanh nghiệp và các đơn vị liên quan dễ dàng xử lý. Với một KCN hơn 200 ha, hiện có 275 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng hạ tầng PCCC còn khá “sơ khai” ở đây thực sự đáng lo ngại.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở KCN Tây Bắc Ga, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Điện lực Thanh Hóa, bày tỏ nỗi niềm: “Công ty tôi cũng như nhiều doanh nghiệp tại đây đã đầu tư hệ thống PCCC, nhưng nhiều họng nước của KCN ở bên ngoài hàng rào lại không có nước. Nếu xảy ra cháy lớn, chắc chắn không đủ nước để dập lửa những phút đầu, doanh nghiệp phải chịu thiệt hại đầu tiên chứ chẳng ai khác. Cộng đồng doanh nghiệp ở đây mong muốn KCN sớm có hạ tầng PCCC đầy đủ để yên tâm sản xuất”.

Những tháng cuối năm 2022, tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga đã có 105 doanh nghiệp bị phạt hoặc tạm đình chỉ do vi phạm các quy định về PCCC, trong đó có nhiều nguyên nhân liên quan đến hạ tầng khung PCCC của KCN chưa hoàn thiện. Một KCN được coi là trọng điểm của tỉnh với 11 doanh nghiệp FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư 31,1 triệu USD và 264 doanh nghiệp trong nước với số vốn đăng ký đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, thì việc có nhiều doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động liên quan đến PCCC ảnh hưởng lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Đáng lưu ý, năm 2022, giá trị sản xuất từ KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga đã đạt hơn 4.500 tỷ đồng; các doanh nghiệp tại đây đã nộp ngân sách tỉnh hơn 218 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KCN này đang giải quyết việc làm cho 8.150 lao động, những tháng vừa qua, nhiều lao động không có việc làm do doanh nghiệp của mình bị tạm đình chỉ.

Tương tự, tại KCN Bỉm Sơn với tổng diện tích gần 525 ha, nhưng có tới 3 nhà đầu tư hạ tầng với nhiều giai đoạn nên việc đầu tư hạ tầng PCCC không đồng bộ. Hạ tầng Bắc khu A do Công ty CP Đầu tư phát triển VID đầu tư từ năm 2013 với tổng vốn đầu tư 886 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 250 tỷ đồng nên nhiều hạng mục PCCC còn dang dở. Hạ tầng Nam khu A của KCN này do Công ty CP Tập đoàn Phục Hưng có trụ sở tại Hà Nội đầu tư từ 10 năm qua nhưng đến nay mới hoàn thiện 95% hạ tầng. Phần hạ tầng khung cho PCCC vẫn còn nhiều vướng mắc nên chưa bảo đảm các quy định hiện hành. Với hạ tầng khung PCCC Nam khu A của KCN Bỉm Sơn được giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng HUD 4 làm chủ đầu tư, vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện nên đơn vị vừa có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công giai đoạn 2 để gửi cơ quan chức năng thẩm duyệt.

Với KCN Lam Sơn - Sao Vàng thuộc địa bàn huyện Thọ Xuân và một phần trên đất Triệu Sơn, tuy đã được thành lập nhiều năm nhưng các phần hạ tầng đều dang dở. Vì nhiều lý do, hai doanh nghiệp lớn là nhà đầu tư hạ tầng ở đây vẫn cứ “đủng đỉnh” nên những điều kiện về PCCC gần như vẫn “bằng không”. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn, trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư đều “lắc đầu”, rồi “quay lưng” đến tỉnh khác để đầu tư.

Qua rà soát của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa, chiếu theo các quy định, hầu hết các KCN hiện nay đều thiếu đường giao thông cho xe chữa cháy, nguồn nước và hệ thống nước chữa cháy ngoài nhà, nguồn điện riêng dành cho hệ thống PCCC... Các chủ đầu tư hạ tầng nhiều năm qua cũng chưa trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới, chưa xây dựng giải pháp cứu nạn và hỗ trợ cứu nạn...

Không chỉ tại các KCN, nhiều cụm công nghiệp (CCN) mới hình thành, thậm chí đang được hoàn thiện gần đây, các nhà đầu tư hạ tầng cũng chưa chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng khung theo quy định. Những tháng đầu năm 2023 này, một số doanh nghiệp đầu tư vào CCN Bắc Hoằng Hóa (thuộc địa bàn các xã Hoằng Kim và Hoằng Phú) đang có kế hoạch đi vào sản xuất thì bị yêu cầu tạm dừng vì các điều kiện PCCC chung theo quy định mới chưa bảo đảm. Chủ đầu tư hạ tầng CCN này là Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa phải hoàn thiện thêm các thủ tục và hạng mục theo quy định PCCC nên đến đầu tháng 4 này, các doanh nghiệp đầu tư tại đây vẫn chưa thể phát triển sản xuất.

Qua tìm hiểu thực tế, nhiều nguyên nhân chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung PCCC của các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay không đến từ doanh nghiệp. Tại nhiều hội nghị tháo gỡ vướng mắc gần đây, ông Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh đều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hạ tầng PCCC các KCN trên địa bàn tỉnh lâu nay là do lỗi tổng hợp, trong đó có cả công tác quản lý Nhà nước của các cơ quan liên quan, từ vướng mắc các thủ tục đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng chưa thực sự trách nhiệm...

Bạn đang đọc bài viết Bức thiết hạ tầng khung phòng cháy, chữa cháy tại các khu công nghiệp (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Thanh Hoá

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.