Thứ sáu, 03/05/2024 05:15 (GMT+7)

Các triệu phú cần giảm phát thải carbon

MTĐT -  Thứ năm, 09/02/2023 10:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo một nghiên cứu mới của GS. Stefan Gössling, ngành du lịch tại Đại học Linnaeus, chỉ trong vài thập kỷ tới, các triệu phú là nhóm phát thải gần ba phần tư lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.

Theo một nghiên cứu mới của GS. Stefan Gössling, ngành du lịch tại Đại học Linnaeus, chỉ trong vài thập kỷ tới, các triệu phú là nhóm phát thải gần ba phần tư lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.

tm-img-alt
Các triệu phú thường mua sắm nhiều, sử dụng du thuyền, chuyên cơ… gây phát thải carbon gấp nhiều lần người bình thường.

Kết quả này được công bố trên tạp chí Cleaner Production Letters vào tháng 11/2022. GS. Gössling đã xác định rằng 1% dân số thế giới đang phát thải 50% tổng lượng khí thải từ việc di chuyển hàng không thương mại, phần lớn là khách hàng bay hạng phổ thông đặc biệt (premium class, tức cấp độ ở giữa hạng phổ thông và hạng thương gia). Đó là những khách hàng giàu có, bay thường xuyên.

GS. Gössling và đồng nghiệp Andreas Humpe tại Đại học Khoa học Ứng dụng München (Đức) đã phát triển một mô hình để tính toán sẽ có bao nhiêu triệu phú trên thế giới vào năm 2050 và lượng khí thải mà họ sẽ tạo ra.

Kết quả cho thấy tỷ lệ triệu phú trên thế giới sẽ tăng từ 0,7% hiện nay lên 3,3% vào năm 2050. Theo mô hình, lượng khí thải của họ sẽ tương đương với 72% hạn mức khí thải cho phép còn lại. Điều này làm giảm đáng kể khả năng duy trì biến đổi khí hậu ở mức 1,5oC.

Sự gia tăng khí thải liên tục của những người giàu có top đầu sẽ khiến quá trình chuyển đổi carbon thấp khó xảy ra hơn, vì mức tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng của những người giàu nhất này có thể vượt quá khả năng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của hệ thống. Nhóm của ông đặt câu hỏi liệu các biện pháp chính sách có đủ để đáp ứng các mục tiêu khí hậu?

Một trong những câu hỏi cụ thể mà Gössling và Andreas đặt ra liên quan đến luật buộc những người giàu có phải đưa vào những công nghệ không tạo ra khí thải CO2. Điều này sẽ đòi hỏi một lượng lớn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng để sản xuất nhiên liệu. Nhưng ngay cả ở mức độ sử dụng năng lượng như hiện nay thì cũng khó đạt được mục tiêu đó.

GS. Gössling dẫn chứng rằng: “Để loại bỏ sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí đốt của Nga và để giảm phát thải khí nhà kính, các quốc gia như Đức, Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch đã tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư vào năng lượng gió ngoài khơi. Điều này sẽ đặt thêm áp lực lên các kế hoạch vốn đã đầy tham vọng của châu Âu nhằm sản xuất một nửa lượng điện từ năng lượng gió vào giữa thế kỷ”.

Một vấn đề quan trọng khác là liệu có thể sản xuất đủ nhiên liệu hàng không bền vững cho phần nhỏ dân số này không, hoặc liệu nhu cầu năng lượng của những người giàu có nhất sẽ buộc các nhà quản lý phải đưa ra những chính sách quản trị và kiểm soát để cấm việc di chuyển hàng không hạng đặc biệt và sử dụng máy bay tư nhân?

Ba rào cản lớn

Tuy nhiên, GS. Gössling nhấn mạnh rằng ngay cả khi các biện pháp chính sách hạn chế nguồn phát thải cao là bắt buộc và cần thiết (chẳng hạn như thuế lũy tiến đối với khí thải) thì chúng vẫn khó thực hiện bởi ba rào cản.

Rào cản đầu tiên là sự nhận thức giữa các nhà hoạch định chính sách về việc những người giàu có phải bị hạn chế trong việc sử dụng năng lượng và thể hiện trong các quyết định đầu tư của họ. Ở hầu hết các quốc gia, việc tích lũy của cải vẫn luôn được coi là mong muốn của mọi người và có lợi cho tăng trưởng kinh tế nói chung.

Rào cản thứ hai là môi trường chính trị ngày càng phân cực. Trong đó, các chính trị gia không có can đảm để đề xuất, chứ chưa nói đến việc thực hiện các chính sách giảm thiểu phát thải. Ở nhiều quốc gia đã từng gọi mình là người tiên phong về biến đổi khí hậu, việc lật ngược các chính sách đã ban hành trước đó đang diễn ra (ví dụ như Thụy Điển).

Rào cản thứ ba là thiết kế các chính sách giúp giảm lượng khí thải của những người giàu có một cách đáng tin cậy. Những cuộc thảo luận về việc đóng góp khí thải của những người giàu có nhất đã xuất hiện nổi bật trên các phương tiện truyền thông toàn cầu, nhưng có rất ít bằng chứng về việc các chính trị gia đưa vấn đề này vào hệ thống hoặc vượt ra ngoài những biện pháp can thiệp dựa trên thị trường như tăng thuế carbon (với mức tăng tương đối nhỏ). Chính vì thế, việc giải quyết với những người giàu có sẽ là một công việc phức tạp.□

Nguồn: https://phys.org/news/2023-01-strong-political-action-millionaires-enormous.html

Bạn đang đọc bài viết Các triệu phú cần giảm phát thải carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Trang Linh dịch/tiasang.com.vn

Cùng chuyên mục

Pin thể rắn có sớm thay thế pin truyền thống?
Mặc dù được coi là một sản phẩm không thể thiếu của xã hội hiện đại khi đem lại sức sống cho các thiết bị điện tử dân dụng cũng như xe điện, pin thể rắn vẫn còn là một thách thức chưa dễ hóa giải.
Hiện trạng và giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà (ĐMTMN).
Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.