Thứ sáu, 03/05/2024 10:23 (GMT+7)

Cải tạo hệ thống cấp, thoát nước đô thị Sa Pa

MTĐT -  Thứ sáu, 20/10/2023 16:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại Sa Pa, hệ thống thu gom, xử lý nước thải đã được đầu tư, tuy nhiên chưa được đồng bộ cũng như “độ phủ” chưa rộng.

Sa Pa là đô thị du lịch có vị trí địa lý, khí hậu đặc thù; tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh khiến vấn đề cấp, thoát nước chịu nhiều tác động. Để phát triển dịch vụ, du lịch thuận lợi, vấn đề liên quan đến cấp thoát nước tại Sa Pa cần được quan tâm nhiều hơn.

Trong quy hoạch vùng về đô thị tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, thị xã Sa Pa có vị trí quan trọng, đây là đô thị đặc biệt, không chỉ là “của riêng” Lào Cai, của Việt Nam mà còn ở tầm quốc tế. Để phục vụ khách du lịch, bên cạnh dịch vụ lưu trú, Sa Pa còn phải đảm bảo vấn đề cấp nước, thoát nước.

Với đặc thù là đô thị “trên cao”, vấn đề cấp nước của Sa Pa tập trung chủ yếu vào khai thác nước mặt. Để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, Sa Pa đối mặt với “bài toán” làm thế nào để có đủ nguồn nước và nước đạt chất lượng trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng.

241.jpg

Với đặc thù đô thị trên cao, ngoài hồ Mắt Ngọc, Sa Pa cần có thêm 4 - 5 hồ tích nước điều hòa. Đây là giải pháp để lưu trữ lượng mưa tập trung theo mùa, tránh việc trong mùa mưa, lượng nước lớn không được lưu trữ sẽ “chảy tuột” xuống khu vực vùng thấp, đến mùa khô lại thiếu nước. Các hồ tích nước cũng sẽ góp phần tạo cảnh quan, điều hòa khí hậu của đô thị Sa Pa.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Song song với cấp nước, vấn đề thoát nước mưa, thoát nước thải cũng cần được đầu tư đồng bộ. Theo ông Chính, hệ thống này cần thông thoáng, kết hợp tốt với nhau thông qua quản lý, vận hành. Vấn đề thoát nước không đơn thuần là thoát nước bẩn, mà còn phải xử lý tốt trước khi đưa ra môi trường và đây thường là các công trình “đắt tiền”.

Tại Sa Pa, hệ thống thu gom, xử lý nước thải đã được đầu tư, tuy nhiên chưa được đồng bộ cũng như “độ phủ” chưa rộng. Trên địa bàn thị xã Sa Pa có 2 nhà máy xử lý nước thải được xây dựng và đưa vào vận hành, có tổng công suất thiết kế xử lý 7.500 m³/ngày - đêm với công nghệ hiện đại. Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt các tiêu chuẩn xả thải theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nước thải sinh hoạt tại một số tuyến phố chính hiện đã được thu gom theo hệ thống riêng, tách biệt với hệ thống thoát nước mặt (nước mưa). Qua hệ thống ống dẫn và các trạm bơm, nước thải sinh hoạt được đưa về nhà máy xử lý trước khi xả ra môi trường. Xử lý nước thải là yêu cầu bắt buộc đối với các đô thị, chưa kể Sa Pa ở trên cao, đầu nguồn các con suối đổ về hạ lưu. Do đó, việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở Sa Pa góp phần rất lớn đảm bảo vệ sinh môi trường vùng hạ lưu.

242.jpg

Thế nhưng, 2 nhà máy xử lý nước thải mới vận hành 30% tổng công suất. Hiện nay, việc thu gom nước thải để đưa về nhà máy xử lý gặp khó do hạ tầng đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Vấn đề khó khăn nhất trong xử lý nước thải hiện nay mà Sa Pa gặp phải là địa hình chia cắt mạnh, hướng thoát nước thải không tập trung theo một hướng, nên khi đầu tư xây dựng cần tính toán kỹ để tìm ra hướng thoát nước chung rồi đấu nối với hệ thống thu gom. Sa Pa đã sử dụng các trạm bơm tăng áp để có thể đưa được nước thải từ hệ thống thu gom về nhà máy xử lý.

Theo ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, địa phương đang hướng đến việc xây dựng một đô thị sạch, bền vững nên vấn đề cấp nước, xử lý nước thải sinh hoạt rất được quan tâm.

Kinh phí đầu tư dự án xử lý nước thải là rất lớn nên trước mắt, Sa Pa đang đầu tư, tập trung xử lý cục bộ tại các hộ, khu vực kinh doanh dịch vụ, nhà hàng để hàm lượng nước thải có nguy cơ ô nhiễm đưa ra môi trường ít nhất.

Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa

“Đối với các công trình đầu tư về nhà ở, trong quá trình thẩm duyệt, cấp phép nhà ở riêng lẻ, vấn đề phân loại, xử lý nước thải tại nguồn được chú trọng, trở thành một trong những điều kiện để đánh giá khi đầu tư” - ông Liễn nói.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, vấn đề thoát nước mặt, chống ngập úng của Sa Pa hiện đang gặp nhiều khó khăn do đặc thù khí hậu, bão lũ, mưa lớn xảy ra cục bộ. Bởi vậy, việc thiết kế hạ tầng đô thị phải được tính toán kỹ để ứng phó với biến đổi khí hậu, đường hướng thoát nước tập trung. Khi các đô thị mới được xây dựng cũng phải có tính kết nối chung với các đô thị lân cận để có phương án thoát nước tốt nhất.

243.jpg

Hướng tới các tiêu chí đô thị loại 4, Sa Pa tiếp tục quan tâm vấn đề cấp thoát nước theo đề án xây dựng hạ tầng đô thị Sa Pa, đề xuất với tỉnh sớm đầu tư các công trình cấp thoát nước, xử lý nước thải cho đô thị Sa Pa.

Bạn đang đọc bài viết Cải tạo hệ thống cấp, thoát nước đô thị Sa Pa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bắc Giang: Những bãi rác tự phát gây ô nhiễm
Phong trào dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các địa phương quan tâm triển khai tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Bài thơ: Yên bình
Em hãy sống một đời bình yên nhé///Nhìn mọi điều như đứa trẻ giản đơn///Như bản chất vốn sinh ra là thế///Bận lòng gì vài ba chuyện thiệt hơn.