Thứ hai, 29/04/2024 21:48 (GMT+7)

Cải thiện môi trường làm việc, bảo vệ sức khoẻ người lao động

Bảo My -  Thứ tư, 27/09/2023 14:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp (BNN), bảo vệ sức khoẻ cho người lao động (NLĐ).

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh Bắc Giang có 826 DN có yếu tố có hại với tổng số 240 nghìn lao động làm việc đang được quản lý. Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Thông tư số 19/2011/TT-BYT (hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe NLĐ và BNN), hằng năm, DN phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần để đánh giá yếu tố có hại phù hợp với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Theo bác sĩ Đặng Bá Hiểu, Trưởng Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), ngoài chấp hành quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, việc quan trắc môi trường lao động còn có ý nghĩa phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng của yếu tố có hại trong môi trường lao động đối với sức khỏe NLĐ.

Dựa trên kết quả các mẫu đo cụ thể (áp dụng với từng lĩnh vực sản xuất) mà đơn vị quan trắc sẽ đánh giá được các yếu tố nguy cơ phát sinh BNN. Từ đó, yêu cầu DN tổ chức khám sức khỏe cho những lao động làm việc ở những vị trí tương ứng, kịp thời phát hiện các bệnh liên quan đến nghề nghiệp để điều trị, bố trí công việc phù hợp.

Qua kiểm tra trong số 826 DN thì có tới 601 DN không thực hiện quan trắc môi trường, chiếm tỷ lệ 73,2%; 68% DN không lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, 53% đơn vị chưa có phòng y tế.

Quy định là vậy song vẫn còn nhiều DN chưa thực sự quan tâm thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Năm 2022, ngành Y tế đã tổ chức tổng điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá và phân cấp quản lý đối với cơ sở lao động có yếu tố nguy hại gây BNN trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra trong số 826 DN thì có tới 601 DN không thực hiện quan trắc môi trường, chiếm tỷ lệ 73,2%; 68% DN không lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, 53% đơn vị chưa có phòng y tế.

Những ngành nghề tiềm ẩn yếu tố có nguy cơ cao gây BNN như: Xây dựng, khai thác mỏ, hoá chất, cơ khí. Các lĩnh vực này thường phát sinh nhiều bụi, khí độc, tiếng ồn… Những DN không quan trắc môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 7, điều 12, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, DN không lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ hoặc thực hiện không đúng sẽ bị xử phạt từ 1 đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay cơ quan chức năng vẫn chủ yếu nhắc nhở, yêu cầu DN khắc phục.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khoẻ NLĐ và BNN tại các cơ sở sản xuất vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của NLĐ, chủ sử dụng lao động trong các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Nếu như năm 2022 cơ quan chuyên môn không phát hiện trường hợp nào mắc BNN thì 7 tháng đầu năm 2023 qua khám sàng lọc hơn 10,6 nghìn công nhân các bác sĩ đã phát hiện một nữ công nhân 38 tuổi mắc bệnh lao nghề nghiệp, tỷ lệ thương tổn cơ thể 36%.

Các bác sĩ nhận định con số phát hiện nói trên chưa phản ánh hết thực tế bởi những yếu tố gây hại trong môi trường làm việc luôn tiềm ẩn. Hiện ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có đủ năng lực quan trắc môi trường, khám sức khỏe BNN thì còn một số đơn vị tư nhân tham gia lĩnh vực này. Vì vậy, có DN hợp đồng với đơn vị tư nhân song không báo cáo kết quả về cơ quan quản lý nhà nước theo quy định để theo dõi, giám sát chất lượng.

Cũng có đơn vị cố tình cắt giảm thủ tục, chi phí, không khám sức khỏe hết cho số lao động làm việc ở những vị trí nguy hiểm, độc hại. Điều này vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe NLĐ bởi khi trải qua quá trình tiếp xúc thường xuyên, lâu dài các yếu tố gây nguy hại đến sức khoẻ NLĐ mới phát sinh thành BNN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động và đời sống.

Nâng cao ý thức chấp hành, chủ động phòng ngừa

Những năm gần đây, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh thu hút hàng nghìn nhà đầu tư mở xưởng sản xuất, chế biến, giải quyết việc làm cho NLĐ địa phương và các tỉnh trong cả nước. Hằng năm, Sở Y tế ban hành kế hoạch chăm sóc và nâng cao sức khỏe, phòng, chống BNN cho NLĐ trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại các DN trên địa bàn. Đặc biệt từ năm 2022, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Trung tâm Y tế các khu công nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý, theo dõi công tác an toàn lao động tại các DN.

Đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bên cạnh những đơn vị chưa quan tâm thì đã có nhiều DN chú trọng sử dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đầu tư thiết bị máy móc làm giảm thiểu yếu tố có hại ra môi trường, xây dựng nơi làm việc an toàn, thân thiện. Đơn cử Công ty TNHH Hanson Vina, xã Quang Tiến (Tân Yên) hoạt động lĩnh vực may mặc xuất khẩu từ năm 2013 đến nay. Hiện DN có hơn 600 công nhân.

Định kỳ hằng năm DN phối hợp với cơ quan chức năng quan trắc môi trường lao động. Một số tồn tại trong môi trường làm việc được chủ DN nhanh chóng khắc phục. Đơn cử như những nơi thiết bị vận hành phát sinh nhiệt cao, khu sản xuất tập trung đông công nhân đều được bổ sung quạt thông gió, tường cách âm làm giảm tiếng ồn. NLĐ đeo khẩu trang, sử dụng đồ bảo hộ bảo đảm an toàn lao động. Mới đây, DN tổ chức quan trắc môi trường, các chỉ số đều đạt yêu cầu.

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, Sở tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thường xuyên rà soát, thống kê những DN hoạt động trong các lĩnh vực có yếu tố nguy cơ cao để quản lý chặt chẽ.

Nhắc nhở các DN thực hiện nghiêm quy định quan trắc môi trường hằng năm để có đánh giá chính xác mức độ gây hại tới sức khỏe NLĐ, từ đó yêu cầu chủ sử dụng có giải pháp cải thiện môi trường lao động”. Cùng đó, bản thân NLĐ cần tự nâng cao ý thức phòng ngừa, chấp hành nghiêm việc sử dụng đồ bảo hộ cá nhân; chủ động đề xuất, kiến nghị với chủ DN đầu tư cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn cho chính mình, đồng thời góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động.

Bạn đang đọc bài viết Cải thiện môi trường làm việc, bảo vệ sức khoẻ người lao động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...