Thứ ba, 30/04/2024 07:12 (GMT+7)

Cần lời giải cho bài toán thiếu điện ở miền Bắc

MTĐT -  Chủ nhật, 18/06/2023 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

 Thiếu điện chưa bao giờ là vấn đề ít được quan tâm, đặc biệt từ khi đất nước phát triển, nhu cầu về điện tăng mạnh. Mùa hè năm nay, sau nhiều năm ngành điện cung ứng đủ cho người dân và sinh hoạt, miền Bắc lại thiếu điện khá nghiêm trọng…

Cần lời giải cho bài toán thiếu điện ở miền Bắc ảnh 1
Hồ Thủy điện Hòa Bình giữ vai trò điều tần, điều áp trong hệ thống điện quốc gia cũng cạn nước

Khắp nơi thiếu điện

Cắt điện diện rộng và liên tục gần như toàn miền Bắc bắt đầu ngay từ những ngày đầu tháng 6, khi những đợt nắng nóng đầu tiên xuất hiện. Cuối tháng 5-2023, Bộ Công Thương đưa ra tính toán cho biết, miền Bắc có thể thiếu đến 4.900MW trong mùa hè này, nhưng đa số người dân không hình dung được mức độ thiếu điện trong thực tế. Đến ngày 7-6-2023, Bộ Công Thương chính thức thông tin về tình hình thiếu điện.

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tại thời điểm đó, tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Tính đến ngày 6-6, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp. Chưa kể, nhiều tổ máy nhiệt điện than bị sự cố dài ngày (Vũng Áng 1 tổ, Phả Lại 1 tổ, Cẩm Phả 1 tổ, Nghi Sơn 2 1 tổ). Điển hình như ngày 1-6, tổng công suất không huy động được từ các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc bị sự cố và suy giảm công suất lên đến 1.030MW.

Cần lời giải cho bài toán thiếu điện ở miền Bắc ảnh 2
Thợ điện kiểm tra thiết bị giữa trời nắng nóng

Về khả năng truyền tải điện, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500MW đến 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố. “Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 - 2.700MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh).

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày” - ông Trần Việt Hòa thông tin. Theo vị đại diện này, tình trạng cắt điện xảy ra tại 30 tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công suất tiết giảm điện ở thời điểm cao nhất ở khoảng 30% công suất sử dụng, tương đương với trên 20.000MW. Còn trung bình ngày, sản lượng điện tiết giảm từ 6 - 10% sản lượng, tùy vào thời tiết, chẳng hạn như ngày 6-6 thời tiết mát mẻ hơn, sản lượng tiết giảm khoảng 6%.

Sau đợt nắng nóng đỉnh điểm, miền Bắc nhiều nơi đã có mưa. Thời tiết mát dịu hơn, nhu cầu tiêu dùng điện giảm và tình hình cấp điện cũng được cải thiện nên số địa phương bị cắt điện ít hơn, thời gian mỗi lần cắt cũng giảm đi. Dù vậy, báo cáo mới nhất của EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, đối với nguồn nhiệt điện than miền Bắc, nguồn nhiên liệu than cho sản xuất được đảm bảo. Tuy nhiên sự cố tại các nhà máy nhiệt điện than vẫn chưa giải quyết xong dẫn đến tổng sự cố dài ngày thiếu 2.100MW, tổng sự cố ngắn ngày thiếu 300MW. Các hồ lớn đều trên mực nước chết, tuy nhiên chưa nhiều, nếu tính tổng công suất đặt các nhà máy này xấp xỉ 5.000MW (Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ...). Hiện các hồ đang tích thêm nước để có độ an toàn phát điện thời gian tới. Một trong những giải pháp liên tục mà Chính phủ và Bộ Công Thương kêu gọi thực hiện là tiết kiệm điện, cho thấy khả năng cấp đủ điện trong những ngày nắng nóng còn lại của mùa hè rất mong manh.

Sinh hoạt đảo lộn, sản xuất đình trệ

Tại Hà Nội, nhiều người dân tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm cho biết, hơn 30 năm qua họ chưa từng thấy khu vực mình sinh sống bị cắt điện cho đến những ngày vừa rồi. Ở các quận, huyện ngoại thành, tình trạng cắt điện xảy ra thường xuyên hơn, có nơi kéo dài đến hơn 12 tiếng/ngày. Các thiết bị làm mát như quạt tích điện, ắcquy luôn “cháy hàng” trên thị trường.

Quảng Ninh là địa phương có du lịch phát triển nhất tại miền Bắc nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng mất điện kéo dài. Các nhà hàng, khách sạn không có máy phát dự phòng hoặc máy công suất nhỏ không đủ dùng cũng nhận phản hồi tiêu cực từ khách hàng. Anh Nguyễn Hưng (chủ kinh doanh một nhà hàng tại Quảng Ninh) cho biết: “Nhiều khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh khác về Quảng Ninh nghỉ hè, tắm biển, nhưng đến đây cũng bị cắt điện. Họ cảm thấy rất bức xúc, bực bội với nhà hàng, sau đó nhiều người trả phòng sớm để về”. Tại thời điểm đó, hơn một nửa số nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh hoạt động cầm chừng. Ngay sau đó, tỉnh Quảng Ninh đã phải làm việc với điện lực địa phương lên phương án cấp điện cho khách hàng ưu tiên nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng… nơi tập trung nhiều khu công nghiệp tại miền Bắc, cắt điện không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn tác động tiêu cực đến sản xuất. Mới đây, 3 hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cảng biển và logistic gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam vừa có công văn gửi EVN, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng phản ánh tình trạng mất điện gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Theo đó, việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro, doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng. Tỉnh Bắc Giang cũng phải họp khẩn để đưa ra phương án cấp điện, trong đó ưu tiên cấp điện ban ngày cho sản xuất, tiết giảm điện sinh hoạt trên toàn tỉnh và cấp điện sinh hoạt vào ban đêm, tiết giảm điện sản xuất.

Theo ông Trần Văn Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP thiết bị điện MBT, hoạt động của công ty bị đảo lộn khi mấy ngày qua xưởng sản xuất bị cắt điện liên tục từ 7h đến 17h. “Mọi năm nếu cắt điện, ngành điện đều báo trước khoảng 2 ngày để doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nhưng năm nay chỉ báo trước 2 tiếng khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Việc mất điện ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng, thời gian giao hàng. Do đó, công ty có thể đối diện với nguy cơ bị phạt chậm đơn hàng, thậm chí mất đơn hàng”.

Lập lại cân bằng cho hệ thống

Tại cuộc tọa đàm “Giải quyết bài toán thiếu điện, cách nào?” mới diễn ra, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực đỉnh. Khoảng đầu tháng 7, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn nên nếu không có gì thay đổi, căng thẳng cấp điện tại miền Bắc mùa hè năm nay sẽ được giải tỏa. Dù vậy, hiện tượng El Nino tái diễn, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng vẫn khiến áp lực cấp điện gia tăng. Đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN, ngoại trừ các lý do như thời tiết khiến thủy điện khô hạn, các tổ máy nhiệt điện gặp sự cố thì từ năm 2016 đến nay, miền Bắc chưa có thêm dự án nguồn điện nào khởi công và cũng gần như không có thêm lưới truyền tải nào mới. Do đó, khi nhu cầu điện tăng trưởng mạnh, miền Bắc không tránh khỏi thiếu điện.

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, lý do thiếu điện là vì gần như miền Bắc không có nguồn cung điện mới. Giai đoạn 2019, các chuyên gia đã thảo luận về cơ chế thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo ở miền Bắc. Lúc đó, cơ chế giá FIT (giá ưu đãi) lần thứ 2 cho điện mặt trời chưa được ban hành. Trong một dự thảo do Bộ Công Thương đưa ra đã có nêu vấn đề cần phải phân vùng để có ưu đãi giá khác nhau. “Ví dụ các khu vực thuận lợi đầu tư, nắng tốt, nhưng nghẽn về lưới truyền tải thì nên hạn chế bằng giá FIT thấp. Thay vào đó ưu tiên cho khu vực miền Bắc, khu vực khó khăn, không thuận lợi bằng giá FIT cao hơn. Nhưng dự thảo này không được thông qua. Chúng tôi không biết làm sao những phân tích, đánh giá, đề xuất đó không được chấp nhận và chúng ta có giá FIT 2 ngang bằng giữa khu vực miền Bắc với nơi khác.

Điều này dẫn đến vấn đề nhà đầu tư nhìn nhận rõ ràng xây dựng ở miền Bắc khó khăn hơn nhiều, nắng kém hơn khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận, nên họ tiếp tục dồn vốn vào các dự án điện mặt trời, sau là điện gió về những khu vực Tây Nguyên, Bình Thuận, Ninh Thuận, những nơi đang bị nghẽn truyền tải rất lớn. Đó là lý do có lượng nguồn điện mới rất lớn nhưng sử dụng chưa hiệu quả” - ông Hà Đăng Sơn nói. Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023 - 2024. Nguyên nhân vì miền Bắc gần như không có nguồn mới nào cả. Ngay cả nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công. Thủy điện thì 3 - 4 năm qua đều đã xây dựng hết cả rồi. Điện tái tạo tại miền Bắc xây dựng khó khăn hơn miền Trung và miền Nam. Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt tạo điều kiện tối đa cho điện mặt trời mái nhà không nối lưới, nhưng đến nay chưa có cơ chế, chính sách thực hiện. Đầu tư điện khí thì khó khăn, mất nhiều thời gian, do đó nguy cơ thiếu điện còn cao.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung cho hay, tăng trưởng kinh tế miền Bắc mấy năm nay tăng cao hơn phía Nam nhưng không có thêm nguồn điện nào. “Nguyên nhân do hệ thống không phản ứng, không vận hành. Theo tôi, nhìn thấy thiếu hụt là phải nhìn cơ hội đầu tư, kinh doanh, là cơ hội để phát triển chứ không phải là nút thắt để kìm hãm sự phát triển. Cần thay đổi cách thức làm chính sách, vận hành chính sách, xử lý vấn đề, còn không sẽ vẫn tiếp tục trì trệ”- ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm. Theo ông Nguyễn Đình Cung, nên nhìn vấn đề một cách thực tế là đang thiếu điện và cần giải pháp, thay vì tính cơ cấu nguồn điện như thế nào, giá điện tái tạo ra sao… Kế hoạch hành động thì cả năm chưa chắc đã có, do đó cần xử lý vấn đề gặp phải trong tổng thể, sau đó mới tính cân bằng về cơ cấu nguồn.

Nêu quan điểm về việc thiếu điện và giải pháp, Giáo sư, TS Trần Đình Long - Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Điện lực Việt Nam) cho rằng, tình trạng cắt điện trên diện rộng không phải năm nào cũng diễn ra. Đây là yếu tố khách quan, nằm ngoài khả năng tính toán của ngành điện. Bên cạnh nguồn cung thiếu, mức độ tăng phụ tải trong những ngày nắng nóng rất cao, có ngày tăng lên 30 - 40%. Do vậy, để đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, sinh hoạt trong thời điểm này là rất khó. “Việc cung ứng điện phụ thuộc rất nhiều vào cân đối nhu cầu và khả năng đáp ứng, trong khi khả năng đáp ứng là hữu hạn.

Bởi nguồn là nước, nhiên liệu, khí, dầu, than bị ràng buộc nhiều yếu tố, trong khi mình không chủ động được và phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là lập lại cân bằng cho hệ thống, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn. Để làm được thì trước hết phải cắt nhu cầu, thay đổi tư duy của người sử dụng điện. Trước nay ta chỉ quan tâm đến khả năng đáp ứng nhu cầu mà không để ý đến vấn đề quản lý nhu cầu sử dụng. Để vượt qua được mùa hè này thì tiết kiệm điện và giải pháp tốt nhất là quản lý nhu cầu điện là rất quan trọng” - Giáo sư, TS Trần Đình Long nói.

Với Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, nguồn năng lượng tái tạo gia tăng. Tuy nhiên, do thời gian hoàn thiện dự án kéo dài 3 - 5 năm nên để đảm bảo mục tiêu, cần bắt tay vào việc thí điểm càng sớm càng tốt.

Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay

Giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6-2023

Cần lời giải cho bài toán thiếu điện ở miền Bắc ảnh 3
Vận hành tối đa đường dây 500kV Trung - Bắc để chuyển điện cho miền Bắc

Bộ Công Thương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII, đẩy nhanh tiến độ Nhà máy điện Quảng Trạch II; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc. Phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công Thương trong tháng 6-2023; nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở; cơ chế mua bán điện trực tiếp (hoàn thành trong tháng 7 năm 2023); Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong tham gia thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6 năm 2023; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xử lý các vướng mắc phát sinh…

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Trước tiên phải biết nguyên nhân của thiếu điện là gì? Thiếu điện do nguyên nhân nắng nóng và hạn hán là việc của trời, nhưng không phải chúng ta không dự báo trước được. Thêm nữa, công suất lắp đặt thì lớn nhưng chúng ta không có dự phòng và đang phải vận hành hệ thống điện theo kiểu “giật gấu vá vai”. Đường truyền tải điện cũng là vấn đề. Hiện không thể truyền tải nhiều điện từ miền Nam, miền Trung ra cứu miền Bắc do giới hạn công suất truyền tải. Do đó, phải xác định việc thiếu điện sẽ còn kéo dài thời gian tới. Nguyên nhân sâu xa hơn nữa cần phải “mổ xẻ” là việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống, thiếu điện đã được cảnh báo, nhưng chúng ta chưa có hành động rõ ràng.

Nhưng nếu thiếu điện mà chỉ nhìn vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là không đúng, ở đây cần làm rõ vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Một trong những vướng mắc mà các tập đoàn, tổng công ty và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đang gặp phải là chậm phát triển các dự án năng lượng mới. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp cao nhất, câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt như kìm hãm sự phát triển. Do đó, phải thay đổi từ cách làm chính sách. Phải làm sao để thị trường vận hành, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh. Như vậy mới giải quyết được vấn đề. Với thiếu điện hiện tại, cần tập trung giải quyết các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư, phải cấp tập hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt.

Bạn đang đọc bài viết Cần lời giải cho bài toán thiếu điện ở miền Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo anninhthudo.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...