Thứ tư, 08/05/2024 07:20 (GMT+7)

Cảnh giác khoảng cách từ chủ trương đến thực thi

MTĐT -  Thứ tư, 20/07/2022 08:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Câu chuyện quy hoạch và thực hiện quy hoạch của Thủ đô Hà Nội mươi mười lăm năm trở lại đây luôn luôn là diễn đàn nóng bỏng, là nỗi lo toan thường ngày của đông đảo người dân mỗi khi chứng kiến nạn tắc đường triền miên, tình trạng mưa ngập úng đường phố…

tm-img-alt

Hẳn nhiều người còn nhớ cụm từ “băm nát quy hoạch” bỗng trở nên “hot” cách đây khoảng 5 năm bởi một nhân vật cũng khá “hot” lúc bấy giờ, đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi ấy, ông Nguyễn Đức Chung.

Ngày ấy, tại buổi tổng kết của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chiều 04/01/2017, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tự nhận là người ngoại đạo về quy hoạch kiến trúc, nhưng khi nhận nhiệm vụ mới, ông đã đọc rất nhiều tài liệu về các đô thị thế giới. Đối chiếu với tiêu chuẩn thành phố xanh trong tương lai, ông nhận thấy “quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi có những vấn đề đang chệch hướng”.

Dẫn chứng cho nhận thức mới sau khi đọc rất nhiều tài liệu của mình, ông Chung cho rằng quy hoạch cũ nêu rất rõ bao nhiêu dân thì phải có một bệnh viện. "Nhưng bây giờ di dời hết bệnh viện ra ngoại ô, không hiểu sau này người dân phải đi mấy chục km mới đến bệnh viện. Thế giới người ta định nghĩa từ nhà ra đến bệnh viện đi bộ chỉ 15 phút, thành phố của tương lai là như vậy".

Theo ông Chung, thành phố đã không tận dụng được giá trị bất động sản trong rất nhiều năm, gây lãng phí. Nếu những năm 1990, khi mở đường, chúng ta lấy rộng ra hai bên 200 - 300 m mặt đường “thì thành phố đã giàu lắm rồi, chúng ta có đủ tiền để phát triển hạ tầng không kém gì các nước khác”.

“Giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”, người đứng đầu chính quyền Thủ đô khi ấy đã nói như vậy.

Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ tốt đẹp lên, ngờ đâu, kết quả 5 năm sau, nội dung của bản Kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây đã nêu ra những đường nét cụ thể rõ như ban ngày của cái sự “băm nát” ấy nó diễn biến ma quái như thế nào trong việc thực hiện quy hoạch trên một con đường có thể coi là hoành tráng nhất, hiện đại nhất Thủ đô với những tòa nhà chọc trời, với con đường rộng 6 làn xe chạy dài tít tắp với một tuyến xe buýt nhanh cứ 5 phút/chuyến và có hẳn một làn đường riêng…

Kết luận thanh tra cho hay, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp điều chỉnh; điều chỉnh không tính toán đến sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiếu thủ tục theo quy định về điều chỉnh, vi phạm Luật Xây dựng 2014, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Cùng với đó là Sở QH-KT ngoài các vi phạm về điều chỉnh như UBND TP Hà Nội còn nhiều lần vượt thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Chỉ xin nêu một góc nhỏ, chẳng hạn như tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy có 3 lô đất là ô góc: ô đất có ký hiệu 4.1-CC, 3.7-CC (tòa nhà Hà Nội Center Point do Hacinco làm chủ đầu tư), 9.1-CC (tòa nhà Diamond Flower do Handico 6 làm chủ đầu tư) đã được UBND TP Hà Nội, Sở QH-KT, Sở Xây dựng “hô biến” từ đất công cộng thành đất hỗn hợp với chức năng thương mại, văn phòng, dịch vụ, nhà ở. Tòa nhà Hà Nội Center Point được nâng cả chục tầng, tăng mật độ xây dựng từ 26 - 52%; tòa nhà Diamond Flower được tăng từ 6 lên 39 tầng, mật độ xây dựng từ 33% lên 40,05%, tỷ lệ sử dụng đất từ 1,24 lần lên 13,4 lần…

Cơ quan thanh tra cũng đã chỉ ra sự tùy tiện của Sở Xây dựng Hà Nội trong cấp giấy phép xây dựng: nội dung không ghi màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng...

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao những vi phạm rõ ràng như thế, có thể mắt nhìn thấy được, tay sờ vào được mà có thể tồn tại cả chục năm trời giữa một nơi trung tâm sản sinh ra toàn bộ hệ thống pháp luật của một quốc gia?

Hẳn bạn đọc sẽ phát hiện ra một lỗ hổng pháp lý khá nghiêm trọng trong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở con đường huyết mạch này, đó là có một khoảng cách trách nhiệm giữa vĩ mô và vi mô, giữa chủ trương và thực thi, giữa nguyên tắc và chi tiết, giữa Trung ương và địa phương…

Ai cũng biết, Hà Nội khác hẳn với tất cả những địa phương khác trong cả nước bởi một sứ mạng cao cả, đó là Thủ đô của một quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa là việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội không chỉ là trách nhiệm của riêng Hà Nội mà là còn của cả nước, không chỉ của UBND Thành phố mà còn là của cả các bộ ngành Trung ương. Vì thế, Hà Nội đã có hẳn một bộ luật riêng, đó là Luật Thủ đô.

Thời gian gần đây, Quốc hội đã nhiều lần bàn đến việc sửa đổi Luật Thủ đô. Trong một cuộc họp mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Luật Thủ đô được thông qua năm 2012 có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Luật Thủ đô còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng chung, mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, xử lý các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại (như vấn đề ùn tắc giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học, chỉnh trang, tái thiết bộ mặt đô thị...).

Luật pháp luôn luôn hoàn thiện sau sự phát triển muôn hình muôn vẻ của cuộc sống và luôn luôn tồn tại những lỗ hổng và bị lợi dụng. Nói như vậy không có nghĩa là biện hộ cho những sai phạm trong việc “băm nát” quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu mà chỉ xin cảnh báo rằng, các nhà hoạch định chính sách hãy cảnh giác với khoảng cách từ chủ trương đến thực thi đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống chứ không riêng chỉ ở vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch quản lý đô thị.

Nhân đây, xin nêu thêm một nỗi lo lắng của người viết bài này, đó là trong quá trình thảo luận về sửa đổi Luật Thủ đô sắp tới đang tập trung vào 4 định hướng lớn:

Thứ nhất, tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, giảm tầng nấc trung gian, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn của Thủ đô.

Thứ hai, tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực: tổ chức bộ máy chính quyền, biên chế, tài chính - ngân sách, đầu tư, xây dựng, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, an sinh xã hội, nông nghiệp, giữ gìn an ninh trật tự... nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của Thành phố.

Thứ ba, xây dựng những cơ chế chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Thứ tư, thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của vùng, của đất nước.

Như vậy, xu hướng gia tăng quyền và cơ chế đặc thù cho Thủ đô là rất rõ ràng. Tuy nhiên, giao quyền phải đi liền với trách nhiệm. Chứ chỉ cần nhìn riêng một góc về lĩnh vực quản lý đô thị và quản lý xây dựng của Hà Nội trong những năm gần đây thì những nỗi lo về tương lai của Thủ đô rất khó nguôi ngoai trong mỗi người dân.

Bạn đang đọc bài viết Cảnh giác khoảng cách từ chủ trương đến thực thi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới