Thứ hai, 29/04/2024 09:26 (GMT+7)

Cảnh giác với viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn ở trẻ

MTĐT -  Thứ hai, 19/09/2022 16:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến một vài biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Viêm mũi xoang do các nhóm nguyên nhân nhiễm khuẩn cấp tính điển hình, thường bắt đầu với viêm nhiễm virus đường hô hấp trên, kéo dài hơn 10 ngày. Trong một số trường hợp, viêm mũi xoang nhiễm khuẩn cấp tính thứ phát, hậu quả của bít tắc lỗ thông mũi xoang (do phù nề niêm mạc) và có thể do sự tổn thương hệ thống màng nhầy lông chuyển.

Kết quả cuối cùng là ứ đọng chất nhầy trong xoang và tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Các tác nhân phổ biến nhất gây ra viêm xoang cấp tính bao gồm: Streptococcus Pneumonia, Haemophilus Influenza và Moraxella Catarrahalis.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: Dị ứng, trào ngược dạ dày - thực quản, hít phải các chất kích thích (bụi, khói thuốc lá, hóa chất…).

Bất thường về giải phẫu mũi xoang (vẹo vách ngăn, xoang hơi cuốn giữa, quá phát mỏm móc, bóng sàng)… cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm mũi xoang cấp.

Sau khi viêm nhiễm đường hô hấp trên do virus 5 - 7 ngày, triệu chứng ngày càng xấu đi hoặc kéo dài hơn 10 ngày chưa khỏi bệnh thì cần nghĩ đến viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn.

Các triệu chứng chính viêm mũi xoang cấp tính gồm có: Người bệnh có cảm giác đau và nhức ở vùng mặt; Sưng và nề vùng mặt; Tắc ngạt mũi, chảy mũi, dịch đổi mầu hoặc mủ ra mũi sau. Người bệnh ngửi kém hoặc mất ngửi, có mủ trong hốc mũi kèm theo sốt. Bên cạch đó, người bệnh còn có các triệu chứng phụ như: Đau đầu, thở hôi, mệt mỏi, đau răng, ho, đau nhức ở tai...

Cảnh giác với viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn ở trẻ - Ảnh 2.
Trẻ bị viêm mũi xoang cấp tính sẽ có cảm giác đau và nhức ở vùng mặt.

Soi mũi là cần thiết với tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bị viêm mũi xoang. Cần chú ý phát hiện chất nhầy mủ, sung huyết, dị hình vách ngăn… Phương pháp nội soi mũi là cần thiết để xác định viêm mũi xoang. Những dấu hiệu có giá trị bao gồm: Mủ nhầy tại phức hợp lỗ ngách và ngách sàng bướm, sự phù nề, sung huyết… niêm mạc mũi. Đối với viêm mũi xoang cấp tính do nhiễm khuẩn, nội soi rất hữu ích cho chẩn đoán và lấy bệnh phẩm từ khe giữa.

Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI)... Tuy nhiên, hình ảnh trong viêm mũi xoang cấp tính do nhiễm khuẩn sẽ không được rõ ràng, trừ khi có biến chứng.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) của xoang thường ít được thực hiện hơn CT Scanner, bởi vì phương pháp này không tạo được hình ảnh xương rõ ràng. Tuy nhiên, MRI thường có thể giúp phân biệt được dịch nhầy còn đọng lại trong xoang với khối u của nhu mô khác, dựa trên những đặc điểm đậm độ tín hiệu, mà có thể không phân biệt được trên phim CT Scanner; chính vì vậy MRI có thể rất có giá trị để phân biệt xoang có khối u với xoang có ứ đọng dịch. MRI cũng là một phương pháp hữu ích khi nghi ngờ có bệnh tích xâm lấn ổ mắt - nội sọ.

Xét nghiệm không thực sự có giá trị trong việc đánh giá viêm mũi xoang cấp tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp viêm mũi xoang cấp tính cũng cần tiến hành một số xét nghiệm để đánh giá tình trạng suy giảm miễn dịch, HIV, bệnh tự miễn…

Cảnh giác với viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn ở trẻ - Ảnh 3.
Khi mắc bệnh viêm mũi xoang cấp tính cần dùng thuốc đúng chỉ định theo phác đồ của bác sĩ.

Việc điều trị viêm mũi xoang cấp tính chủ yếu là điều trị nội khoa. Phẫu thuật chỉ đặt ra trong những trường hợp cần thiết. Rửa mũi và xịt mũi sẽ là rất cần thiết. Vì việc rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương, có thể giúp giữ ẩm và làm sạch dịch trong hốc mũi.

Xịt trực tiếp Corticoid vào mũi có thể làm giảm tiết dịch (ít gây ảnh hưởng đến toàn thân). Phẫu thuật xoang được chỉ định nếu điều trị nội khoa không kết quả. Điều trị phẫu thuật có thể cần thiết nếu có những bằng chứng về tổn thương niêm mạc hoặc tắc phức hợp lỗ ngách (khi được xác định bằng CT Scanner hoặc khám nội soi) vẫn dai dẳng mặc dù đã điều trị liên tục. Bệnh nhân chắc chắn có các bất thường về giải phẫu mũi xoang có thể cũng phải phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang dựa trên một số quan sát thấy vị trí của lỗ thông mũi xoang không bình thường, có thể sẽ không đảm bảo cho dẫn lưu xoang trực tiếp của dòng niêm dịch hoặc chít hẹp giải phẫu phức hợp lỗ ngách. Niêm mạc mũi xoang bị tổn thương sẽ khó hồi phục và làm mất chức năng hệ thống lông chuyển, ảnh hưởng đến sự dẫn lưu dịch. Phẫu thuật xoang mở cho phép sinh thiết xoang và mở lỗ dẫn lưu vào hốc mũi.

Tóm lại: Sau khi mắc bệnh viêm mũi xoang cấp tính cần dùng thuốc đúng chỉ định theo phác đồ của bác sĩ. Không được tự ý điều trị theo mách bảo, không lạm dụng kháng sinh.

Để phòng bệnh cần có chế độ điều trị, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý. Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích (bụi, khói thuốc lá, hóa chất…). Quan tâm điều trị trào ngược dạ dày - thực quản. Giải quyết các bất thường về giải phẫu mũi xoang (vẹo vách ngăn, xoang hơi cuốn giữa, quá phát mỏm móc, bóng sàng). Nạo VA quá phát, điều trị các khối u vòm mũi họng. Khi mắc bệnh viêm đường hô hấp, bệnh toàn thân cần điều trị triệt để./.

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cảnh giác với viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn ở trẻ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.