Thứ bảy, 27/04/2024 19:44 (GMT+7)

Cát ở Đồng bằng sông Cửu Long- Trước mối nguy cạn kiệt (Bài 1)

MTĐT -  Chủ nhật, 15/10/2023 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) vừa phối hợp cùng các đối tác công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới thực hiện nghiên cứu trên quy mô toàn vùng.

Ông Hà Huy Anh, người quản lý quốc gia dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL của WWF Việt Nam cho biết: “Đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới được thực hiện trên quy mô toàn ĐBSCL và được khởi động từ tháng 3.2022, gồm các hoạt động khảo sát thực địa, thu thập các dữ liệu trên hai nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu để ước tính trữ lượng cát hiện có ở ĐBSCL với tầm nhìn 2030-2040”.

khai-thac-cat-song-hau-hh.jpg
Khai thác cát trên sông Hậu - Ảnh: H.H

Theo kết quả nghiên cứu, với tốc độ khai thác cát hiện tại ở ĐBSCL dao động từ 35 - 55 triệu mét khối/năm, trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035. Cũng theo ông Hà Huy Anh, sau gần 20 tháng đo đạc, khảo sát, phân tích trên chiều dài hơn 550km, thì với sự bồi lắng, tích tụ lâu dài, ĐBSCL còn trên dưới 500 triệu mét khối cát.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc khai thác và bù đắp cát cho đồng bằng hiện nay chênh lệch cực lớn. Số lượng bị khai thác từ 35 - 55 triệu mét khối, trong khi lượng cát từ thượng nguồn về chỉ từ 2 - 4 triệu mét khối/năm. Ngoài ra, lượng cát không được tích tụ ở đồng bằng mà trôi ra Biển Đông được ghi nhận lên tới 0,6 triệu mét khối/năm.

cat-5.jpg
Nhiều công trình giao thông ở ĐBSCL đang đói cát - Ảnh: Mỹ Tho

Từ đó, WWF Việt Nam cho rằng số liệu công bố dựa trên trữ lượng thăm dò tại các khu vực mỏ cát có tiềm năng khai thác. Con số 367 - 550 triệu mét khối là toàn bộ cát còn lại dưới các đáy dòng sông chính ở ĐBSCL.

Trữ lượng cát còn lại ở đáy các dòng sông được công bố không đồng nghĩa với việc đoạn sông nào cũng có cát. Theo số liệu khảo sát tại Tân Châu, có đến 90% bề ngang đáy sông có cát. Nhưng giữa sông Hậu tại TP.Cần Thơ chỉ có khoảng 50% bề ngang đáy sông có cát. Có những vị trí lớp cát chỉ phủ đáy 20 - 30cm. WWF khuyến cáo không phải toàn bộ trữ lượng cát ở ĐBSCL có thể khai thác được, nó nằm trong giới hạn cho phép trong tổng số cát của vùng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện trữ lượng cát ở đáy sông đo đạc được tại vùng ĐBSCL là lượng cát đã được tích lũy từ hàng ngàn năm qua, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng bằng.

Điều đáng quan ngại là qua khảo sát mới đây của cơ quan chức năng, lượng cát đổ về vùng ĐBSCL từ thượng nguồn đã giảm xuống còn 2 - 4 triệu mét khối/năm, do phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện ở thượng nguồn. Như vậy, với tốc độ khai thác cát như hiện nay tại vùng ĐBSCL (35 - 55 triệu mét khối/năm) thì trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ĐBSCL được dự báo sẽ cạn kiệt trong khoảng 10 năm tới, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu của đồng bằng.

dinh-tuyen-3.jpg
Một thời gian dài cát được khai thác quá mức - Ảnh: L.Đ.T

Qua các dữ liệu trên có thể thấy bình quân mỗi năm lượng cát sông Mê Kông bổ sung cho ĐBSCL chỉ bằng 1/15 lượng cát bị khai thác khỏi lòng sông. Cán cân bồi đắp và khai thác cát ở ĐBSCL mất cân bằng và thâm hụt bình quân lên đến hơn 42 triệu mét khối cát/năm. Điều này cho thấy gần như không có giải pháp nào có thể bù đắp được lượng cát thâm hụt này.

Qua khảo sát, WWF Việt Nam cho rằng việc khai thác cát sông quá mức được xem là một trong những tác nhân chính gây ra sự thâm hụt trầm tích, dẫn đến gia tăng xói mòn lòng sông, sạt lở bờ sông, bờ biển, khuếch đại thủy triều và gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô.

Theo kết quả gần nhất là đến cuối năm 2022, toàn vùng ĐBSCL có đến 596 vị trí sạt lở bờ sông (với tổng chiều dài 582,7km) và 48 vị trí sạt lở bờ biển (tổng chiều dài 221,7km), trong đó có 99 điểm được phân loại đặc biệt nguy hiểm.

ts.-sepehr-eslami-truong-nhom-tu-van-lien-doanh-deltares-ha-lan-phat-bieu-tai-hoi-nghi.-anh-hoa-hoi..jpg
TS Sepehr Eslami, Trưởng nhóm tư vấn Liên doanh Deltares - Ảnh: H.H

TS Sepehr Eslami, Trưởng nhóm tư vấn Liên doanh Deltares cho rằng: “Lượng cát của ĐBSCL chỉ tồn tại tối đa khoảng chục năm nữa, nếu duy trì tốc độ khai thác như hiện nay”. Dự báo trên được TS Sepehr Eslami công bố tại hội thảo về xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL chiều 29.9, do Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, cùng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam đồng tổ chức.

Bạn đang đọc bài viết Cát ở Đồng bằng sông Cửu Long- Trước mối nguy cạn kiệt (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Văn Kim Khanh/1thegioi.vn

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề