Thứ hai, 29/04/2024 05:52 (GMT+7)

Câu chuyện xả rác: Thật mạnh tay sẽ đủ sức răn đe

MTĐT -  Thứ hai, 13/05/2019 17:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Câu chuyện xả rác bừa bãi, bạ đâu vứt đấy không còn là hiện tượng cá biệt, mà đã trở thành mặc định trong lối sống của đại bộ phận người dân Việt.

Mới đây, phố đi bộ Hồ Gươm thực hiện thí điểm ghi hình, xử phạt tới 7 triệu đồng với những người vứt rác bừa bãi đã mang lại những hiệu quả tích cực. Sau gần 1 tháng triển khai, tình trạng vứt rác bừa bãi tại đây đã được cải thiện rõ rệt.

Nhiều công nhân môi trường cũng chia sẻ, từ khi được triển khai công việc của họ cũng đỡ vất vả hơn. Thay vì phải dọn rác nhiều như trước giờ công nhân chỉ quét dọn đường phố, quét dọn lá rụng…

Từ ngày 26/4, hàng loạt biển cảnh báo với nội dung về mức xử phạt cho hành vi xả rác bừa bãi đã được đặt trên phố đi bộ hồ Gươm. Hai máy quay cố định đặt tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay. Hơn 30 nhân viên môi trường làm việc hàng ngày ở khu vực này sẽ nhắc nhở, dùng điện thoại thông minh ghi hình những người cố tình vứt rác bừa bãi.

Việc ghi hình, xử phạt người xả rác trên bố đi bộ đã đem lại những hiệu quả tích cực. Ảnh: Internet.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trong thời gian thí điểm ghi hình xử phạt xả rác, đơn vị đã huy động cả khối văn phòng để đi tuyên truyền cho người dân vào tất cả các ngày trong tuần, về việc không được vứt rác bừa bãi. Khi phát hiện hàng quán, khách du lịch xả rác bừa bãi thì nhân viên môi trường ghi hình làm bằng chứng. "Sau đó liên hệ công an khu vực đến lập biên bản ngay; còn với hàng quán có địa chỉ cụ thể thì đơn vị tổng hợp video gửi cho chính quyền xử phạt", đại diện Urenco nói.

Việc xả rác bừa bãi, vô ý thức đã không còn là câu chuyện mới, nhất là sau mỗi kỳ nghỉ lễ. Rõ ràng cho dù có tuyên truyền, có hô hào thì đây vẫn là bài toán khiến các nhà quản lý đau đầu vì đó là hành vi nằm ở ý thức của mỗi người. Thế nhưng, cứ phạt thật mạnh tay thì ai cũng sợ, câu chuyện ở phố đi bộ Hồ Gươm là một ví dụ điển hình.

Singapore được mệnh danh là "thành phố sạch nhất thế giới", thế nhưng để có được như ngày hôm nay, cách đây vài chục năm, người dân Singapore cũng ý thức rất kém, xả rác, khạc nhổ bừa bãi. Chỉ kêu gọi không chẳng giải quyết được gì, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã phải dùng biện pháp xử phạt rất nặng để răn đe người vi phạm.

Singapore được mệnh danh là "thành phố sạch nhất thế giới". Ảnh: Internet.

Hình thức tố giác người vi phạm đã được sử dụng, để giảm bớt gánh nặng cho nhà nước. Người tố giác sẽ được thưởng 1/2 số tiền nộp phạt. Người vi phạm ngoài bị phạt tiền ra, còn bị phạt đánh một roi, bắt đi lao động công ích 3 tháng (dọn rác, móc cống) và bị đăng hình ảnh của mình trên báo.

Để công bằng, người tố cáo có thể quay video hành vi vi phạm. Ngoài ra, camera theo dõi của các cửa hàng, căn hộ cũng có thể trích đoạn tố cáo người vi phạm.

Tại Nhật Bản, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị sẽ bị xử rất nặng và lực lượng chức năng luôn theo đuổi đến cùng. Ở đây còn có hệ thống camera quan sát vô cùng hiện đại, dù người vi phạm che chắn đến đâu, chỉ cần “mắt thần” quét qua đôi mắt của nghi phạm là đã có thể chỉ đích danh người đó. Khi cần thiết đối chiếu hình ảnh, tủ quần áo của người này còn có thể bị lục tung để tìm ra đúng bộ quần áo mặc lúc “gây án”. Người vi phạm lỗi này thường sẽ tái phạm, do đó lực lượng cảnh sát khi đặt nghi vấn sẽ bố trí người theo dõi, thu thập bằng chứng chắc chắn rồi mới xử phạt. Ở Nhật người ta cho phép việc chụp ảnh người làm xấu bộ mặt đô thị rồi dán ngay nơi họ vi phạm để cảnh cáo.

Tại Hong Kong, người ta sử dụng biện pháp truy tìm ADN từ mẩu rác của người vứt để phân tích, từ đó phác thảo chân dung rồi dán khắp phố để thông báo về người đã xả rác bừa bãi.

Chính quyền Anh thực hiện biện pháp trừng phạt tại chỗ đối với những hành vi như vứt rác, tàn thuốc, tờ rơi, phân vật nuôi... ở nơi công cộng. Bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm, đội tuần tra sẽ viết phiếu phạt tại chỗ và tiền phạt phải được thanh toán trong vòng 14 ngày. Nếu không nộp phạt, người vi phạm có thể bị truy tố hoặc triệu tập ra tòa. Theo tờ The Sun (Anh), mức phạt hiện nay đã tăng lên 150 bảng Anh (khoảng 209 USD), gấp đôi so với mức cũ. Bên cạnh đó, tài xế xe cũng phải chịu trách nhiệm nếu người ngồi trong xe ném rác ra ngoài cửa xe.

Một trong những thành phố mạnh tay xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng phải kể đến Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất). Bất kỳ ai vứt tàn thuốc trái nơi quy định sẽ bị phạt khoảng 136 USD. Nếu bị thanh tra TP bắt gặp, mức phạt sẽ tăng gấp đôi và tăng gấp 3 trong trường hợp tái phạm.

Tại Dubai, bất kỳ ai vứt tàn thuốc trái nơi quy định sẽ bị phạt khoảng 136 USD. Ảnh: Internet.

Việc áp dụng các biện pháp xử lý cứng rắn như một số quốc gia trên thế giới đối với hành vi xả rác bừa bãi là gợi ý quan trọng trong quản lý môi trường ở Việt Nam.

Nghị định số 155/2016/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt rất nhiều hành vi làm tổn hại môi trường như vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ, đánh giá tác động, gây ô nhiễm môi trường; vi phạm về quản lý chất thải; bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, lễ hội... trong đó các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư được người dân thành phố rất quan tâm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng từng đưa ra nhiều hình thức xử phạt. Thế nhưng, chưa có luật nào đủ sức răn đe.

Rõ ràng, việc trông chờ vào sự thay đổi nhận thức của cộng đồng là điều bất khả thi. Thay vào đó, sự nghiêm khắc của pháp luật và sự cứng rắn của người thực thi pháp luật sẽ đem lại hiệu quả hơn trong việc xử lý người vi phạm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Câu chuyện xả rác: Thật mạnh tay sẽ đủ sức răn đe. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.