Thứ hai, 29/04/2024 05:02 (GMT+7)

Chây ì không chịu trả nhà công vụ, có thể cưỡng chế?

MTĐT -  Thứ sáu, 24/04/2020 10:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, 12 cựu quan chức đã bị nêu tên vì chây ì trong việc bàn giao lại nhà ở công vụ nhận được sự quan tâm của dư luận.

Đợi chính sách hóa giá nhà

Mới đây, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

12 cựu quan chức này đã được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức, nhưng nay các quan chức này đã nghỉ hưu, theo quy định họ phải trả lại nhà công vụ cho nhà nước. Thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này từ 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ.

Theo đó, một trong những trường hợp này cho rằng, chưa trả nhà vì đợi chính sách hóa giá nhà.

Tòa CT1-CT2, Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: TNCK.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Tiền phong, ông Vũ Mạnh Cường, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà ở (Bộ Xây dựng) cho biết, trước đây khi chưa có khái niệm nhà ở công vụ cũng như luật, chính sách nhà ở công vụ chỉ là những văn bản dưới luật.

Vì vậy, mới có một thời gian, nhà ở công vụ sau khi các cán bộ về hưu đều được hóa giá mua đứt. Sau này, Luật Nhà ở 2005 lần đầu tiên có quy định về nhà ở công vụ đã chấm dứt tình trạng bán nhà ở công vụ cho chính cán bộ công chức khi về hưu.

“Sau này, Luật Nhà ở 2014 một lần nữa khẳng định nhà ở công vụ không được bán cho người đang thuê. Nếu hóa giá là không phù hợp và không đúng luật. Muốn hóa giá phải sửa Luật. Chính sách nhà ở công vụ xây dựng ra là tuyệt đối không được bán. Nếu bán lấy đâu ra nhà bán cho cán bộ vì quỹ nhà công vụ ít” - ông Cường nói.

Theo ông Cường, nhà công vụ là tài sản của Nhà nước (mua hoặc đầu tư xây dựng) bố trí cho cán bộ thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ. Quy định rõ, hết thời gian đảm nhận chức vụ phải trả lại nhà công vụ. Trường hợp, khi cán bộ về địa phương mà không có nhà ở sẽ có chính sách bố trí chứ không được mua lại nhà ở công vụ.

Ông Cường cho rằng, Luật Nhà ở 2014 sau này rất nhân văn khi có quy định, nếu cựu cán bộ khi về hưu khó khăn về nhà ở được mua nhà ở xã hội.

Có nể nang, né tránh hay không?

Trong khi đó, trao đổi với VTCNews, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, sự việc để lại bài học lớn với cán bộ cũng như cơ quan, tổ chức.

Theo ông Hùng, nếu đã 2-3 lần nhắc nhưng họ không trả nhà công vụ thì các tổ chức Đảng phải kiểm điểm, phải nhắc nhở và công khai danh tính những người này.

“Nêu rõ những người này là ai, họ tên đầy đủ chứ không phải viết tắt. Công khai ở đây không nhằm mục đích bêu xấu họ mà để rút ra bài học, khi đã về hưu thì phải trả lại phòng cho cơ quan, trả lại nhà công vụ”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, cũng cần phải thận trọng ở chỗ, cơ quan, tổ chức phải kiểm tra lại xem đã thông tin đầy đủ về việc yêu cầu trả nhà đến tận tay tất cả những cán bộ này chưa, hoặc trong những cán bộ đó có ai thực sự gặp gặp khó khăn không.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đặt vấn đề phải xem xét có sự nể nang, né tránh khi thu hồi nhà công vụ hay không.

“Tôi được biết có những người đã nghỉ từ những khoá trước, như vậy là đã rất nhiều năm những vẫn chưa trả nhà, như vậy cơ quan thu hồi cũng đã làm hết trách nhiệm chưa?

Việc yêu cầu trả nhà công vụ phải có thông báo thời hạn rõ ràng, chẳng hạn sau 3 tháng hoặc 6 tháng thì phải trả lại chứ không thể để nhiều năm như vậy”.

Có thể tiến hành cưỡng chế?

Về vấn đề này, trao đổi với Infonet, luật sư Đào Ngọc Lý – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, những nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề này đều đã được quy định khá rõ, đơn cử như: Luật Nhà ở năm 2014 (hiệu lực từ 01/07/2015), Quyết định 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chuẩn nhà ở công vụ và Thông tư số 29/2015/TT-BXD ngày 29/12/2015 của Bộ Xây Dựng về quản lý, sử dụng nhà ở công vụ. Các văn bản pháp luật này đã xác định cụ thể mỗi nhóm đối tượng cán bộ nhất định, được hưởng tương ứng theo cấp độ nhà nào, diện tích bao nhiêu, trang thiết bị kèm theo mỗi cấp độ cán bộ đó.

"Pháp luật cũng quy định khá cụ thể trình tự và thời hạn phải trả nhà công vụ khi cán bộ không còn đương chức nữa. Đầu tiên, cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà phải thông báo cho người thuê nhà biết, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát hiện trạng nhà ở để lập Biên bản bàn giao nhà ở công vụ.

Cũng theo luật sư Đào Ngọc Lý, trong trường hợp đối tượng phải trả nhà công vụ cố tình trì hoãn thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế. Thủ tục và trình tự cưỡng chế đã được quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 29/2015/TT-BXD. Theo đó, thời hạn thực hiện cưỡng chế thu hồi là không quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chây ì không chịu trả nhà công vụ, có thể cưỡng chế?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.