Thứ bảy, 27/04/2024 23:49 (GMT+7)

Chờ quyết định của tỉnh về những nhà máy bỏ hoang, vẫn cấp nước ở Hưng Yên

MTĐT -  Thứ ba, 25/04/2023 15:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã có phản hồi liên quan đến phản ánh của Báo Lao Động về hoạt động của 16 nhà máy nước sạch trong chương trình NTP trên địa bàn tỉnh.

tm-img-alt
Nhà máy nước sạch xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động, Hưng Yên) hoạt động từ năm 2014, nhưng đã bỏ hoang cách đây 5 năm. Ảnh: Trần Tuấn

Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh việc hoạt động của 16 nhà máy nước sạch nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn (chương trình NTP) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, các nhà máy này có 60% vốn của Nhà nước nhưng từ lâu đã được giao cho các công ty tư nhân quản lý và không có đóng góp bất cứ nguồn thu nào về ngân sách.

Bên cạnh đó, một số nhà máy từ lâu đã bỏ hoang, không hoạt động, trở thành trung gian mua buôn nước sạch từ đơn vị khác cung cấp cho người dân.

Trước đó, khi thu tiền nước sạch của người dân, một số nhà máy nước chỉ thu theo sổ, không cấp hoá đơn theo quy định.

Theo phân tích của các chuyên gia, Luật sư vụ việc này có dấu hiệu vi phạm Luật Đầu tư công, dấu hiệu của hành vi trốn thuế.

Chưa trích nộp về ngân sách nhà nước do có vướng mắc pháp lý?

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 42 nhà máy cấp nước sạch. Trong đó, có 16 nhà máy thuộc chương trình NTP, cấp nước cho địa bàn 28 xã.

Các nhà máy này được xây dựng theo nguồn vốn ngân sách trung ương là 60%, vốn đối ứng của địa phương là 30% và vốn nhân dân đóng góp là 10%.

Tuy nhiên, thời điểm đó, khi đầu tư xong phần vốn Nhà nước, bàn giao cho xã thực hiện nốt phần đối ứng để quản lý, vận hành thì gặp khó khăn do các xã không kinh phí bỏ ra để thực hiện. Vì vậy, các xã đã tạm giao cho một số doanh nghiệp để đầu tư nốt 30% phần đối ứng, sau đó quản lý, khai thác.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Văn Kình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên - trao đổi với Báo Lao Động. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Kình xác nhận, đến thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn tự thu chi, chưa trích nộp nguồn thu về ngân sách theo tỉ lệ Nhà nước đã góp vốn 60% ban đầu.

"Việc chưa trích nộp nguồn thu về ngân sách là do vướng mắc. Bởi thời điểm bàn giao các nhà máy này cho doanh nghiệp tư nhân quản lý lại chưa có hành lang pháp lý, quy định cho việc bàn giao này", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên nói.

Chờ phê duyệt của UBND tỉnh để xã hội hoá các nhà máy nước

Ông Nguyễn Văn Kình cho biết thêm, tỉnh Hưng Yên đã có chủ trương xã hội hoá, giao toàn bộ các nhà máy nằm trong chương trình NTP cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý, sử dụng, vận hành nhưng hiện vướng mắc về Luật quản lý tài sản công.

Địa phương này cũng đã có nhiều văn bản hỏi Chính phủ, Bộ Tài chính về vấn đề này. Sau đó, đã nhận được văn bản trả lời là giữ nguyên hiện trạng để đảm bảo cấp nước cho người dân và chờ văn bản hướng dẫn mới.

"Tháng 6.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43 về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch thì đã có hành lang pháp lý cho việc xã hội hoá này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tham mưu, báo cáo UBND tỉnh việc triển khai, thực hiện Nghị định 43. Hiện, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch này", ông Nguyễn Văn Kình nói thêm.

tm-img-alt
Nhà máy nước sạch thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động) đã được công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn – Nagaoka mua lại trước khi Hưng Yên triển khai Nghị định 43. Ảnh: Trần Tuấn

Về vấn đề này, cùng trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho rằng, nếu các doanh nghiệp đã thu hồi lại phần vốn đã đóng góp, đầu tư thì chính quyền địa phương hoàn toàn có thể huỷ hợp đồng hợp tác với các đơn vị tư nhân đó.

Đồng thời thu hồi lại các tài sản đó để tự vận hành hoặc giao đấu thầu, xã hội hoá.

"Nếu đấu thầu thì phải có định giá tài sản, thanh lý các tài sản do các bên đóng góp. Lúc đó ai bỏ thầu cao thì được chứ không thể ưu tiên các doanh nghiệp đã được giao từ trước đó", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Giá nước qua trung gian không bị chênh?

Ông Nguyễn Văn Kình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên - cho biết thêm, người dân mua nước qua trung gian là 5 nhà máy nằm trong chương trình NTP không bị chênh giá.

"Ví dụ, nhà máy Phạm Ngũ Lão mua buôn nước từ Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka thì giá bán ra vẫn như người dân mua trực tiếp từ công ty này. Do khung giá nước của từng đơn vị cung cấp đã được UBND tỉnh phê duyệt" - ông Nguyễn Văn Kình nói.

Tuy vậy, theo ghi nhận của phóng viên, cùng là nguồn nước từ Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn nhưng 2 địa phương giáp ranh nhau là thị trấn Lương Bằng và xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động) giá đã khác nhau. Trong khi giá nước tại xã Phạm Ngũ Lão là 8.300 đồng/m3 thì tại thị trấn Lương Bằng là 9.500 đồng/m3.

Bạn đang đọc bài viết Chờ quyết định của tỉnh về những nhà máy bỏ hoang, vẫn cấp nước ở Hưng Yên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Trần Tuấn/Báo Lao Động

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề