Công nhân VSMT Cao Văn Dũng - Nụ cười của một trái tim yêu nghề
Anh Cao Văn Dũng - Công nhân VSMT Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn.
Anh Cao Văn Dũng - Công nhân VSMT Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn. Anh là công nhân xây dựng, nạo vét, khơi thông cống rãnh khu vực thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nghe qua tên nghề có thể hình dung nơi làm việc của anh là những cống rãnh đen ngòm nước thải. Chỉ bấy nhiêu đấy thôi cũng thấy được nỗi khó khăn, nguy hại trong công việc của anh.
Nhiệm vụ của anh Dũng là bảo đảm cho hệ thống cống thoát nước của thành phố được thông suốt. Để hoàn thành được mục tiêu này, anh cùng các đồng nghiệp phải nạo vét hố thu, trạm bơm nước thải, khơi thông cống rãnh. Đặc biệt, vì thuộc Đội Xây dựng của Công ty nên anh Dũng còn đảm nhận công việc xây dựng công trình thoát nước thải sinh hoạt.
Anh Cao Văn Dũng - Công nhân VSMT - Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn |
Sầm Sơn là thành phố du lịch thu hút nhiều du khách nên lượng rác thải, nước thải rất lớn kéo theo công việc của anh Dũng và cả đội càng thêm nhọc nhằn. Sống ở trên mặt đất nhưng phần lớn thời gian trong ngày anh Dũng lại ở dưới cống sâu. Hàng ngày, anh đi kiểm tra các hố ga và dọn dẹp rác thải trong đường ống cống. Vất vả nhất là khi mùa mưa đến, anh sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ “trực mưa”. Để dòng chảy thông suốt, không bị ứ nước, anh thường phải ngâm mình dưới lòng cống ô nhiễm để nạo vét bùn đất, chất thải. Anh phải bới móc, kéo từng gàu bùn, rác thải từ dưới lòng cống lên bờ, cho vào xe cải tiến rồi kéo hàng trăm mét đến địa điểm tập kết. Dưới lòng cống sâu, anh phải trực tiếp đối mặt với nước bẩn, bùn đọng ô nhiễm, mùi khí gas...cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Chỉ cần nghe mô tả và tưởng tượng ra đã khiến nhiều người nhăn mặt.
Anh Dũng tâm sự :“Sợ nhất là những ngày mưa, nóng ẩm, xuống hầm ngộp lắm. Mà ghê nhất là tai nạn nghề nghiệp như giẫm vào mảnh chai, mảnh sành hay bị kim tiêm chọc xuyên qua găng tay thường xuyên xảy ra”.
Anh Dũng đang thực hiện công việc xây dựng công trình thoát nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sầm Sơn. |
Anh Dũng đang thực hiện công việc xây dựng công trình lát đá vỉa hè |
Công việc nạo vét hố thu, trạm bom nước thải rất nặng nhọc và chứa nhiều hiểm nguy |
Vất vả là thế mà đã 20 năm trôi qua kể từ khi anh bắt đầu làm nghề. Hỏi sao có thể gắn bó lâu thế, anh cười hiền đùa: “Làm riết rồi quen ý mà. Trời sinh mỗi người một nghề. Nghề anh vất vả thế nhưng làm lâu cũng thấy yêu lắm. Hơn nữa tuy thu nhập thấpnhưng được cái có thời gian dành cho gia đình”.
Nhắc đến gia đình, ánh mắt anh Dũng thoáng hiện nỗi lo toan. Hoàn cảnh gia đình anh hiện nay còn nhiều khó khăn. Mẹ anh tuổi đã cao lại bị mù nên mọi việc sinh hoạt của bà đều do vợ chồng anh chăm sóc. Anh muốn dành nhiều thời gian cho gia đình có lẽ cũng vì muốn có thể tận tay chăm sóc mẹ. Vợ anh vì phải chăm lo cho gia đình nên không đi làm, hai con lớn thì thu nhập thấp và không ổn định. Vì vậy, chi phí trong nhà đều trông cậy vào đồng lương của anh. Thu nhập của công nhân môi trường vốn chỉ đủ cho nhu cầu sinh hoạt nên 5 người vẫn sống trong căn nhà cấp 4 đơn sơ hàng chục năm nay.
Căn nhà cấp 4 đơn sơ là nơi gia đình anh sinh sống hàng chục năm nay |
Tuy hoàn cảnh còn nhiều khó khăn và thiếu thốn nhưng anh Dũng vẫn không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Khi làm việc, dù xung quanh là nước cống đen ngòm, hôi thối, anh chẳng hề ca thán, khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi hiền lành, chân chất. Đó là nụ cười của một trái tim yêu nghề. Tinh thần sống và làm việc đó khiến cho mọi người đều yêu mến, nể trọng anh. Năm 2018 vừa qua, anh là một trong số ít công nhân được giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn khen thưởng là cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lao động.
Đó là thành quả xứng đáng dành cho những hi sinh không biết mệt mỏi của người công nhân vệ sinh môi trường Cao Văn Dũng.