Thứ bảy, 04/05/2024 03:44 (GMT+7)

Người chị cả truyền cảm hứng yêu nghề của Tổ môi trường số 8

MTĐT -  Thứ hai, 22/04/2024 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Tuyết - Tổ trưởng Tổ môi trường số 8, Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, đã trở thành chị cả. Chị là người truyền ngọn lửa yêu nghề tới các thế hệ công nhân vệ sinh môi trường.

Nơi làm việc là gia đình thứ hai

Tổ môi trường số 8, Chi nhánh Đống Đa (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) do chị Nguyễn Thị Tuyết làm Tổ trưởng gồm 23 công nhân, lao động chịu trách nhiệm duy trì vệ sinh môi trường tại địa bàn phường Trung Liệt và phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa). Đây là địa bàn tập trung đông dân cư, chợ dân sinh, các tuyến đường lớn… nên khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất nhiều.

Chị Nguyễn Thị Tuyết trong ca làm việc.
Chị Nguyễn Thị Tuyết trong ca làm việc.

Nhận thức được vấn đề đó nên trong nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Tuyết và các thành viên trong Tổ môi trường số 8 luôn xác định công tác đảm bảo an toàn cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.

Nói như vậy là bởi, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, nhân sự của Tổ môi trường số 8 có nhiều biến động. Dẫu vậy, ở bất cứ thời điểm nào, việc “giữ lửa” nghề, hay công tác truyền nghề… luôn là một trong những nhiệm vụ được chị Nguyễn Thị Tuyết và các thành viên trong tổ quan tâm thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ, phần lớn công nhân vệ sinh môi trường khi mới tuyển dụng là lao động phổ thông, chưa được đào tạo bài bản. Do đó, khi về với “gia đình Tổ môi trường số 8”, những lao động mới sẽ được những lao động có kinh nghiệm kèm cặp, chỉ dẫn, giúp đỡ từ việc nhỏ như bó chổi, đến cách cầm xẻng, chổi, đẩy thùng rác sao cho đúng quy trình… để đảm bảo sức khoẻ và hiệu quả công việc.

Đặc biết, phần lớn công nhân đồng nghiệp của chị trong tổ sản xuất đều là người ngoại tỉnh, phải thuê phòng trọ làm ở Hà Nội… nên với vai trò là tổ trưởng, người chị cả trong “gia đình Tổ môi trường số 8”, chị Nguyễn Thị Tuyết luôn cân đối nhân sự, thậm chí đi làm tăng ca… để các công nhân trong tổ làm việc xa nhà có thời gian nghỉ phép về thăm gia đình.

“Cả năm trời, những công nhân vệ sinh môi trường đã dành toàn bộ thời gian để góp phần xây dựng Thủ đô luôn xanh, sạch, đẹp. Do đó, đã thành thông lệ, vào dịp lễ, Tết những thành viên có nhà ở Hà Nội, hoặc gần Hà Nội đã thống nhất sẽ đảm nhận thêm công việc của những người chị, người em ở tỉnh xa, để họ được về quê ăn Tết một cách trọn vẹn nhất” - chị Nguyễn Thị Tuyết tâm sự.

Sự chọn lựa không hối tiếc

Tranh thủ giờ giải lao, trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ thêm, thời gian làm việc của công nhân vệ sinh môi trường thường bắt đầu từ 17 giờ ngày hôm trước đến 2, 3 giờ sáng hôm sau. Thời gian làm việc thất thường, kéo dài, kèm theo những nỗi vất vả, nặng nhọc, độc hại… đã khiến nghề vệ sinh môi trường trở thành một loại công việc “cực chẳng đã”. Vậy nhưng chị vẫn quả quyết rằng: “Nếu được lựa chọn lại, mình vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này, không hề hối tiếc”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết và một số thành viên trong tổ tranh thủ giờ nghỉ giao ca trao đổi các kinh nghiệm trong quá trình làm việc.  
Chị Nguyễn Thị Tuyết và một số thành viên trong tổ tranh thủ giờ nghỉ giao ca trao đổi các kinh nghiệm trong quá trình làm việc.

Chị nói thêm: “Nghề nào cũng có cái hay, cái dở của nó… Vấn đề là mình chọn cái gì là đích, làm mục tiêu để phấn đấu. Với chúng tôi, những công nhân Tổ môi trường số 8 nói riêng, hay những đồng nghiệp ở tổ khác, đơn vị môi trường khác, thì sự chia sẻ, tình yêu thương của các thành viên trong tổ chính là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề; hăng say lao động để tô thêm nét đẹp của Thủ đô”.

Qua tìm hiểu, tôi “vỡ ra” thêm, rằng ngoài sự đoàn kết, sự chia sẻ của các thành viên trong tổ, một trong những động lực lớn lao giúp chị gắn bó với nghề đến nay chính là gia đình nhỏ. Mặc dù gia cảnh rất khó khăn, bởi chồng chị bệnh nặng, mất khả năng lao động; con cái đang tuổi ăn học, nhưng cả 2 cháu đều rất hiểu chuyện, chăm ngoan học giỏi, biết lo toan việc nhà…

“Nhà chị có 2 con gái, cháu lớn vừa tốt nghiệp đại học, cháu thứ 2 đang học tại một trường đại học lớn của Hà Nội. Các cháu rất ngoan ngoãn biết giúp mẹ lo toan việc nhà, cả hai cháu đều vừa đi học vừa đi làm để phụ giúp bố mẹ về kinh tế” - chị khoe với tôi, rồi nở nụ cười, niềm hạnh phúc hiện trên khuôn mặt.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị Nguyễn Thị Tuyết còn dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động xã hội kết hợp với Công đoàn Chi nhánh Đống Đa và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội giúp sức quyên góp và tham gia công tác thiện nguyện.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Chi nhánh Đống Đa cho biết, chị Nguyễn Thị Tuyết đã có hơn 30 năm ngắn bó với nghề vệ sinh môi trường. Dù ở bất cứ giai đoạn nào, thời điểm nào, chị Tuyết vẫn thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình đối với các nhiệm vụ được giao…Với kinh nghiệm của mình, chị Nguyễn Thị Tuyết quả thực là một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, công nhân ngành vệ sinh môi trường noi theo.

Trần Lệ Thủy - Chi nhánh Đống Đa,

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Người chị cả truyền cảm hứng yêu nghề của Tổ môi trường số 8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo kinhtedothi.vn

Cùng chuyên mục

Người làm đẹp môi trường
Gắn bó với nghề môi trường của ngành hơn 13 năm, dù công việc nặng nhọc, vất vả nhưng anh Nguyễn Hữu Vinh luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.