Chủ nhật, 28/04/2024 05:01 (GMT+7)

Cuối năm dọn nhà, biết vứt rác ‘khủng’ ở đâu?

MTĐT -  Thứ sáu, 25/01/2019 11:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều hộ dân than trời vì cuối năm dọn nhà mà không biết bỏ rác khủng như ghế sofa, bàn, tủ, tivi, cửa sổ… đi đâu vì đơn vị thu gom không nhận.

Thùng chứa rác không thể chứa nổi rác “khủng” và đơn vị thu gom rác không chịu nhận những loại rác này là thực trạng chung của nhiều hộ dân. Chính vì thế nhiều khu đất trống, góc công viên, chân cầu vô tình trở thành nơi chứa rác. Nhiều hộ dân thắc mắc nếu có rác khủng thì người dân phải để ở đâu và gọi ai.

Người gom rác không nhận gom

Những ngày cuối năm này, các con đường có bãi đất trống hoặc chân cầu vượt như cầu Thị Nghè (quận 1), đường Trường Sa (quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh), đường Võ Văn Kiệt (quận 1), đường Nguyễn Văn Linh (quận 7)… trở thành nơi chứa các loại rác khủng như nệm, ghế, bồn cầu hư, ghế sofa, manơcanh…

Chị Tống Phương (quận 9) chia sẻ: “Cuối năm gia đình tôi thay tủ đựng quần áo và tủ lạnh mà không biết để đâu. Thùng rác thì nhỏ, tôi đành để kế bên thùng rác nhưng một tuần trôi qua đơn vị thu gom không lấy đi. Tôi có ra hỏi thì họ nói đây là rác khủng, họ chỉ thu gom rác sinh hoạt thôi. Sau đó tôi phải năn nỉ họ, gửi họ thêm tiền để họ mang đi giùm vì chẳng lẽ có mỗi cái tủ mà phải thuê xe chở đi lên quận, mà cũng không rõ quận gom ở đâu. Về phần cái tủ lạnh, tôi phải đi hỏi mấy xóm trọ nhờ họ lấy về dùng cho bớt lãng phí, may sao có người lấy”.

Theo chị Phương, rất nhiều gia đình có nhu cầu thay đổi giường tủ, bàn ghế cũ, bàn thờ ông địa… nhưng không biết đem đi đâu, cho thì không ai lấy, người thu gom rác không nhận. “Chính vì khó khăn như vậy nên nhiều hộ dân đã chở ra ven cầu, gầm cầu đổ bỏ” - chị Phương nói.

Rác khủng trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. Ảnh: Đào Trang.

Trong vai một người muốn thuê vận chuyển rác khủng, chúng tôi hỏi thuê chị CTTN, một đơn vị thu gom rác dân lập trên địa bàn quận Thủ Đức. Chị N. cho biết: “Mặc dù người dân có trả tiền tôi cũng không nhận thêm các loại rác quá cỡ nữa. Bởi trạm rác ở quận bây giờ không còn tiếp nhận rác cồng kềnh, ngoại trừ rác sinh hoạt. Thôi thì người dân cứ mang rác ra bãi đất trống đổ bỏ, ra Tết rồi tính tiếp”.

Trong khi đó, đại diện giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận Thủ Đức cho biết rác cồng kềnh thì công ty vẫn cho người tiếp nhận. Tuy nhiên, người dân phải tháo dỡ cho nhỏ lại để từng món đồ có diện tích 10-15 cm thôi. Nếu đảm bảo kích cỡ trên thì trạm trung chuyển vẫn tiếp nhận rác bình thường.

Đau đầu xử lý ghế sofa, nệm cũ

Nhà ở gần cầu Thị Nghè, bà Nguyễn Thị An cho biết chỉ cần qua một đêm, đến sáng hôm sau là bỗng dưng thấy xuất hiện giường, ghế, bàn, tủ, sofa đầy gầm cầu. “Chúng tôi mong TP có biện pháp xử lý đối với những loại rác này vì đó là nhu cầu có thật của người dân, họ sẵn sàng đóng phí thêm” - bà An kiến nghị.

Tại phường 4, quận Tân Bình, lãnh đạo UBND phường chưa xử phạt trường hợp nào về việc vứt rác khủng vì đa số toàn đổ trộm. Đối với việc thu gom rác khủng thì người dân tự phải chở lên điểm thu gom rác của quận bố trí hoặc thỏa thuận với đơn vị thu gom để trả chi phí cho họ chuyển đi giùm. Trường hợp dân vứt ra bãi rác trống thì cuối cùng UBND phường phải chịu trận, sau đó thu gom đưa về nơi tiếp nhận của quận.

Đại diện UBND phường Cầu Kho (quận 1) cũng cho hay hiện nay đa phần người dân đều gặp khó trong việc xử lý rác khủng. Sau đó, họ mang rác ra khu đất trống để bỏ và cuối cùng phường đứng ra dọn dẹp.

Người dân tự thỏa thuận phí với người thu gom rác

Đại diện Sở TN&MT TP cho biết đối với chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn TP, Sở đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện (và đang tiếp tục ban hành thêm nhiều dự thảo liên quan) như sau:

- Người dân có thể tự vận chuyển hoặc tự thỏa thuận với chủ thu gom, yêu cầu dịch vụ thu gom, vận chuyển đến nơi tiếp nhận (trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc vị trí do UBND quận, huyện quy định).

- Rác cồng kềnh có thể được tháo rã và giảm thể tích trước hoặc sau khi chuyển đến nơi tiếp nhận và được vận chuyển, xử lý như chất thải rắn sinh hoạt. Chi phí tháo rã và giảm kích thước chất thải rắn cồng kềnh được tự thỏa thuận giữa các bên theo cơ chế giá dịch vụ.

- Việc thu gom, vận chuyển rác cồng kềnh từ các vị trí do UBND quận, huyện quy định đến cơ sở xử lý chất thải được thực hiện định kỳ ít nhất một lần/tháng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều người dân không hề biết phải xử lý làm sao với các loại rác khủng này. Đây là nguyên nhân khiến cho các bãi đất trống, lề đường trở thành nơi chứa nệm, ghế soga, bàn ghế cũ… trong những ngày cuối năm.

Theo PLO

Bạn đang đọc bài viết Cuối năm dọn nhà, biết vứt rác ‘khủng’ ở đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề