Thứ hai, 06/05/2024 23:42 (GMT+7)

Cựu chiến binh kể chuyện: Những “Bông hồng Củ Chi” trong trận đánh bót Vuông Lầu

Nhị Tâm- Nguyễn Sơn -  Thứ tư, 26/07/2023 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã hơn 40 năm trôi qua, kể từ ngày 21/5/1974 đến nay, có thể không mấy ai còn lưu giữ được hình ảnh về sự kiện đáng trân trọng ấy, nhưng đối với người đã qua cuộc chiến chắc chắn chưa phôi pha trong ký ức.

Đó là kỷ niệm đẹp và hãy tự hào vì đã được làm chứng nhân lịch sử của một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, của thế hệ Bác Hồ.

tm-img-alt
Ban Lên lạc TTKC Đặc công Gia Định 4 họp mặt truyền thống 

Bót Vuông Lầu của bọn địa phương quân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi nằm rất sâu trong vùng chúng kiểm soát. Nếu từ căn cứ Rừng Làng đi tới bót Trung Hưng chỉ phải vượt qua lộ số 2, thì từ đây phải đi tiếp quãng đường xa hơn, khó hơn, nguy hiểm hơn nhiều lần, phải vượt thêm hai con lộ và đường Quốc lộ số 1; qua bót Suối Sâu của địch mới tiếp cận được Vuông Lầu thuộc xã Thái Mỹ, một xã ở phía nam Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) giáp với huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Nhiệm vụ của Quân khu giao cho Tiểu đoàn phải tổ chức đánh tiêu diệt bót Vuông Lầu và các bót khác như: Mũi Côn Tiểu, Mỹ Khánh… nhằm mở rộng vùng giải phóng, tạo hành lang cho cánh quân chủ lực từ hướng Đức Hòa, Đức Huệ tiến sát Sài Gòn. Quy mô và bố phòng của mục tiêu này tương tự như bót Trung Hưng, chỉ khác là chúng ở giữa vùng lúa nước đang mùa phát triển.

Việc đưa quân đến đánh và việc lui quân sau trận chiến gặp rất nhiều trở ngại, phải vượt qua nhiều con lộ, nguy cơ có lính phục kích rất cao; phải băng qua nhiều cánh đồng lúa nước đang thì con gái, giữa những đêm tối trời cuối mùa mưa, lầy lội…

Nếu có thương vong, lực lượng cáng thương sẽ rất khó khăn và không dễ huy động sức dân ở vùng sâu, bởi sự kìm kẹp gắt gao của bọn tay sai ác ôn; căn cứ du kích bám trụ thì không đủ sức, không bảo đảm an toàn để bộ đội ém quân qua đêm. 

tm-img-alt
Lễ khánh thành nhà nghĩa tình đồng đội 

Để đảm bảo chắc thắng, sau khi trinh sát điều nghiên mục tiêu, Tiểu đoàn quyết định sử dụng 2 mũi chiến đấu (gấp 2 lần quân số đánh bót Trung Hưng) và giao Đại đội 3 làm chủ công. Ngoài ra, BCH Tiểu đoàn còn tăng cường một lực lượng tinh nhuệ của Trung đội trinh sát và cử bộ phận quân y, hậu cần của Tiểu đoàn cùng đi.

Nguyễn Sơn tham gia trận này với trách nhiệm là Tham mưu trưởng, đôn đốc, kiểm tra và chỉ đạo tác chiến bảo đảm thắng lợi. Việc dùng hai mũi tấn công bằng phương pháp “luồn sâu, lót sẵn” đòi hỏi phải có sự hợp đồng binh chủng rất chặt chẽ, kỹ thuật tiềm nhập phải đặc biệt cao để không những bảo đảm thời gian, an toàn, bí mật cho mũi mình mà còn phải “giữ bí mật” cho mũi bạn nữa.

Việc đưa quân xuống vùng rất sâu, rất xa với quân số cấp Đại đội để tác chiến trong một đêm rồi rút ngay về căn cứ là điều vô cùng táo bạo. Nếu như khi xuất kích mà gặp địch thì phải đánh rồi lui quân hoặc tiếp cận mục tiêu là điều không khó quyết định, nhưng khi trên đường thu quân sau trận đánh mà gặp địch chặn đường ở mấy con lộ “tử thần” thì thật là nan giải…

Tất cả những tình huống đó đều có thể xảy ra, buộc người chỉ huy tác chiến phải tiên liệu và có phương án xử lý sao cho linh hoạt, chắc thắng. Thật khó có thể tưởng tượng được quá trình bố trí, cảnh giới, dẫn đường vượt lộ, băng đồng, luồn lách qua các đồn bót, dày đặc để đưa quân vào tiếp cận mục tiêu, đảm bảo thời gian nổ súng đúng giờ G.

Tất cả các tổ chiến đấu của 2 mũi chủ công đều phải “ngụy trang cơ bản” ngay từ căn cứ, chỉ trừ gương mặt để bôi trát cuối cùng, tránh bị “lộ tẩy” lúc hành quân. Đêm tối, đường bờ ruộng lầy lội bùn sình, người đi sau nối gót người đi trước, nhanh chóng, lặng lẽ hướng tới bìa ấp Vuông Lầu. 

“Chỉ huy sở” của trận đánh ở ngay bờ ruộng gần đến hàng rào ngoài cùng, nơi mũi 1 mở cửa tiềm nhập. Giờ G đã đến, vẫn chưa thấy động thái khác thường. Có thể hiểu là các mũi tiềm nhập chưa đến mục tiêu và địch cũng chưa hề phát hiện gì nghi vấn. Thời gian như đè nặng lên tất cả những cán bộ chỉ huy và các chiến sĩ yểm trợ trận đánh: 5 phút, 7 phút, 10 phút chậm rãi trôi qua, hồi hộp chờ đợi…

Rồi! bộc phá, thủ pháo… và cả súng địch thi nhau nổ rền. Rõ ràng, chỉ có 1 mũi ém sẵn được các mục tiêu, còn lại mũi kia buộc phải “đánh cường tập” vì chưa kịp luồn sâu, lót sẵn theo hợp đồng binh chủng. Biết chắc “đánh cường tập” là tình thế bắt buộc đối với lính đặc công.

Sự hy sinh, tổn thất, thương vong là khó tránh khỏi. Cả chỉ huy sở và lực lượng du kích xã Thái Mỹ phối hợp, nhanh chóng triển khai phương án chuyển thương về căn cứ. Trận đánh kết thúc, đồn giặc bị tiêu diệt nhưng thắng lợi không hoàn toàn như ý muốn.

Ta phải nhờ lực lượng du kích và một số cơ sở tin cậy trong ấp làm nhiệm vụ cáng thương, vì quân số của đơn vị không đủ sức. Đây là quyết định táo bạo, lần đầu tiên để người dân trong ấp đi vào căn cứ của đơn vị ở ven sông Sài Gòn, thuộc xã An Nhơn Tây. Thế mới biết lòng dân đối với cách mạng cao đẹp biết dường nào. Họ không quản đêm đen, không sợ bị bom đạn, thậm chí không ngại “trả lời chất vấn” nếu hôm sau địch “tra khảo” về lý do vắng mặt ngay trong đêm có “Việt Cộng” đánh đồn?

Minh Tấn là một trong những cô gái tải thương đêm đó, dáng vóc thanh mảnh, chưa tròn 18 tuổi, chưa hề ra vùng giải phóng lần nào, dám tình nguyện xung phong, hăng hái khiêng cáng thương binh, đi nhanh thoăn thoắt. Trời bừng sáng, cũng là lúc đoàn người vừa về đến căn cứ. Tất cả số “dân công”, “du kích” giúp đỡ tải thương đều phải ở lại căn cứ với đơn vị một ngày, đợi đến khi trời tối mới theo đường cũ trở về nhà. 

tm-img-alt
Lễ bàn giao sửa chữa nhà tình thương

Chỉ nửa đêm cáng thương từ trận địa về và trọn một ngày sinh hoạt chung với “quân giải phóng”, bao nhiêu ấn tượng đẹp, thật đẹp đã để lại trong lòng cả những người lính và các cô gái dễ thương. Kỷ niệm ấy đã hằn sâu trong ký ức mỗi người mà mãi sau ngày giải phóng, cho đến bây giờ, không có ai trong số họ quên mối tình quân dân thắm thiết ấy.

Mỗi khi hồi tưởng về nghĩa cử đó, lại càng nhận thấy đầy ắp tình người, tình quân dân thắm thiết; càng khâm phục lòng dũng cảm, can trường của người dân nơi đây. Nếu không được sự “chia lửa” đó, không biết số thương binh này sẽ phải “chịu trận” đến cỡ nào? Cũng may thay, quân đội cách mạng luôn có dân, luôn được dân che chở, giúp đỡ.

Trong cuộc đời binh nghiệp, dù đã được gần dân, đi đến đâu cũng được nhân dân thương yêu đùm bọc nhưng nhớ đến các cô gái trẻ măng ở trong ấp chiến lược dám “xả thân”, dám “liều mạng”, xung phong đi tải thương vào vùng giải phóng, vì bộ đội giải phóng thì ai nấy đều cảm động và mãi mãi biết ơn. Điều đó thể hiện lòng yêu nước, chí căm thù giặc của những người dân, mặc dù đang ngày đêm phải sống trong ấp chiến lược của địch mà vẫn hướng về cách mạng, ủng hộ quân giải phóng. Hèn chi, bọn lính ngụy ác ôn thường bảo họ “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”.

   

Bạn đang đọc bài viết Cựu chiến binh kể chuyện: Những “Bông hồng Củ Chi” trong trận đánh bót Vuông Lầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Chia sẻ khó khăn cùng người dân trong mùa hạn, mặn
Do ảnh hưởng của tình hình hạn, mặn kéo dài làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thiếu nước sinh hoạt, thời gian qua, các cấp Hội tại Long An đã có nhiều việc làm thiết thực để hỗ trợ nước sinh hoạt.
Bài thơ: Em thương anh...
Em thương anh! Thương mọi điều anh ạ///Cả tiếng cười, cả giọng nói ấm êm//Cả những chuyện anh vẫn kể hàng đêm///Từng câu chữ nhát gừng nhưng mộc mạc 
Khai mạc Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024
Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024, quy tụ 145 vận động viên tiêu biểu đến từ 9 địa phương gồm: TP Bắc Giang và các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động.

Tin mới