Đài tưởng niệm Thượng tướng Phùng Thế Tài
Ngày 1/11/2020, nhà thơ Phùng Hiệu đã thỉnh ba pho tượng đồng về cúng an vị tại nhà thờ. Ngày 29/12/2020, nhà thờ và Đài tưởng niệm nhà thờ Họ Phùng VN được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Người cận vệ đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam - Thượng tướng Phùng Thế Tài đã qua đời hơn 6 năm qua, tuy nhiên, một ước mơ nho nhỏ của ông chỉ mới được một phần hiện thực.
Ước mơ của vị tướng sắp trở thành hiện thực
Là một trong những vị tướng được mệnh danh là Lão thành cách mạng, cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Phùng Thế Tài ngoài những chiến công lớn được ghi vào lịch sử, xung quanh ông còn có rất nhiều giai thoại gắn liền với khoảng thời gian được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Trong suốt thời gian đó, ông đã rất nhiều lần bảo vệ và đưa Bác đi về an toàn trên biên giới Việt Trung, thoát khỏi sự truy lùng gắt gao của quân Tưởng Giới Thạch. Bên cạnh đó, Thượng tướng cũng là Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam, đã góp công trong những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, trong mặt trận Điện Biên Phủ và đặc biệt là mặt trận Hà Nội, năm 1950 và mùa hè năm 1953.
Trong vai trò là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, ông đã vạch ra kế hoạch và chỉ huy 2 trận đánh sân bay Bạch Mai và sân bay Gia Lâm. Bằng sự mưu trí và lòng dũng cảm lẫn sự quyết tâm cao độ của người chỉ huy, trong trận đánh này, quân ta đã tiêu diệt tổng cộng 43 máy bay địch và nhiều kho xăng bị đốt cháy, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước trên tất cả các chiến trường phối hợp và đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong những năm tháng chiến đấu xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, thượng tướng Phùng Thế Tài đã đặt dấu chân mình trên khắp các vùng miền lãnh thổ. Trong một lần công tác tại vùng đất Tây Nguyên, ông bỗng yêu thích vùng đất Lâm Đồng vì nơi đây không khí trong lành thoáng mát với núi đồi thoải thoải, cây cối tốt tươi, phong cảnh hữu tình, bốn mùa mưa nắng. Từ đó, thượng tướng Phùng Thế Tài từng ước mơ ngày sau, tại vùng đất này, sẽ có một nhà thờ tộc để thờ cúng tổ tiên, những vị danh tướng, danh thần mang họ Phùng từng có công với dân tộc và đất nước. Bên cạnh đó là một ngôi nhà lưu niệm nho nhỏ, nằm cạnh nhà thờ tộc Phùng cùng một tấm bia ghi dấu tên mình để lưu giữ những kỷ vật, kỷ niệm của Bác Hồ và những tướng lĩnh, những người đồng chí đã cùng Thượng tướng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng ước mơ đó bị thời gian phai nhạt dần vì tuổi cao sức yếu và khó khăn đi lại để thực hiện. Sau ngày ông mất (21/3/2014), gia đình, dòng tộc và đặc biệt là người vợ của ông đã cùng quyết tâm thực hiện ước mơ này.
Sở dĩ Thượng tướng Phùng Thế Tài chọn vùng đất này làm nơi lưu giữ và trưng bày các kỷ vật là vì một kỷ niệm đã khắc sâu trong tâm trí ông. Đó là vào năm 1946, ông tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị trù bị Đà Lạt với phái đoàn Pháp. Hội nghị này nhằm chuẩn bị cho hội nghị Fontainebleau sẽ diễn ra tại Pháp sau đó 3 tháng. Tuy không đạt thỏa thuận gì về mặt chính trị nhưng khi bế mạc, hai bên đã đồng ý nhóm họp lần nữa ở Pháp. Và hội nghị Fontainebleau chính là kết quả của hội nghị Đà Lạt.
Đài tưởng niệm thượng tướng Phùng Thế Tài |
Sau ngày ông mất, để thực hiện ước mơ này, người con út của ông là anh Phùng Thế Tám đã cùng với hai người em trong họ là nhà thơ, nhà báo Phùng Hiệu, anh Phùng Quốc Hưng đã nhiều lần đi đến vùng đất Lâm Đồng tìm một khu đất phù hợp với ước nguyện của ông. Trong những tháng ngày rong ruổi trên trên vùng đất cao nguyên Lâm Hà, may sao, vào giữa tháng 9/2014, qua kết nối với vài anh em trong họ, nhóm anh Phùng Thế Tám gặp được hai người anh em cùng họ là anh Phùng Văn Quyến và Phùng Văn Luyện, cả hai đều là những người nhiệt tình, biết nghĩ đến công ơn gia tộc tổ tiên, có tâm huyết với công việc của dòng họ. Sau khi nghe nhóm anh Phùng Thế Tám nói về nguyện vọng của thượng tướng Phùng Thế Tài cả hai anh Quyến và Luyện lập tức ủng hộ ý tưởng này. Nói là làm, ngay sau đó anh Phùng Văn Luyện quyết định công đức ngay 5.000 m2 đất tại xã Tân Hà, Huyện Lâm Hà để làm nhà thờ và khu tưởng niệm cố thượng tướng.
Đến giữa năm 2015, nhóm anh em họ Phùng gồm Tiến sĩ Phùng Thế Tám, nhà thơ Phùng Hiệu, Phùng Văn Quyến, Phùng Văn Luyện, Phùng Quốc Hưng và một số anh em họ Phùng ở các tỉnh thành như TPHCM, Đồng Nai, Lâm Đồng nhóm họp và quyết định thành Lập Ban Quản Lý xây dựng nhà thờ họ Phùng, Khu lưu niệm và Đài tưởng niệm Thượng tướng Phùng Thế Tài.
Nhà thờ Họ Phùng Việt Nam tại Lâm Hà - Lâm Đồng |
Năm 2015, anh Phùng Văn Luyện cùng vợ ký giấy giao đất cho Ban quản lý xây dựng để tiến hành khởi công xây dựng. Nhà thơ Phùng Hiệu tiến hành vẽ bản thiết kế xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền kêu gọi con em họ Phùng cùng đóng góp kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, để có kinh phí xây dựng một khu liên hợp gồm nhà thờ tộc, nhà lưu niện và đài tưởng niệm từ việc đóng góp từ những người trong họ là điều không dễ dàng, vì thế, thời gian, tiến độ xây dựng bị chậm so với dự kiến ban đầu. Sau hơn 1 năm vận động, số tiền đóng góp của vài chục người con cháu họ Phùng bao gồm các thành viên trong Ban quản lý xây dựng vẫn không đủ để san lấp mặt bằng và thiết lập hạ tầng cơ sở. Thấy vậy, tiến sĩ Phùng Thế Tám dùng số tiền của gia đình anh cùng góp vào để hoàn thiện mặt bằng, hạ tầng, đường xá và xây trước Đài tưởng niệm cho cố thượng tướng Phùng Thế Tài trong khuôn viên nhà thờ. Cuối năm 2015, Đài tưởng niệm được xây dựng hoàn thành và khánh thành trước khi khởi công xây dựng nhà thờ tộc.
Đài tưởng niệm thượng tướng Phùng Thế Tài cao 4,2 m, rộng 4 m bằng chất liệu bê tông cốt thép kiên cố. Phía trên Đài được đắp dòng chữ bằng xi măng: “Tưởng nhớ tướng quân Phùng Thế Tài”, phía dưới được lắp vào 3 tấm đá hoa cương, trong đó có 2 tấm khắc tiểu sử và chiến công của thượng tướng Phùng Thế Tài, tấm còn lại được khắc bút tích nhận xét về ông của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đài được xây dựng hướng về phía Tây Bắc với phía trước là hồ nước rộng lớn, có núi đồi nhấp nhô bao bọc hợp với phong thủy núi sông, với thiên nhiên trong lành, phong cảnh hữu tình, đất trời giao cảm đúng như ước nguyện của cố thượng tướng. Bên cạnh Đài tưởng niệm là nhà thờ tộc Phùng đang tiến hành xây dựng để hình thành một khu liên hợp mang tính tâm linh pha lẫn ý nghĩa lịch sử và sắc thái văn hóa dân tộc.
Hai năm sau, nhà thờ Họ Phùng Việt Nam cũng được xây dựng hoàn thành. Ngày 1/11/2020, nhà thơ Phùng Hiệu đã thỉnh ba pho tượng đồng (do anh tạo mẫu) về cúng an vị tại nhà thờ. Ngày 29/12/2020, nhà thờ và Đài tưởng niệm được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Từ khi hoàn thành dự án đã có rất nhiều con cháu và các đoàn thể trong và ngoài họ đã về dâng hương tưởng nhớ cố thượng tướng, trong đó có cả đoàn của Hội đồng Họ Phùng Việt Nam do Trung tướng Phùng Khắc Đăng dẫn đầu đến đặt hoa, dâng hương tưởng nhớ.
Có thể nói công trình được hoàn thành theo ước nguyện của cố Thượng tướng Phùng Thế Tài là sự toàn tâm toàn ý của những người anh em họ Phùng có tâm với dòng tộc, thể hiện tình huyết thống, sự gắn bó keo sơn để cùng chung tay hướng về cội nguồn, ghi nhớ công ơn to lớn của tổ tiên dòng tộc.