Thứ ba, 30/04/2024 03:11 (GMT+7)

Đồng Nai: Dân kêu cứu vì lòng hồ 3/2 bị “xẻ thịt”!

Nhóm PV miền Đông -  Thứ hai, 05/07/2021 19:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ðất lấn chiếm lòng hồ vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tình trạng đang diễn ra ở khu vực hồ 3/2 hay còn gọi là hồ Bà Long, hồ thủy lợi lớn ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Ðồng Nai

Mất kiểm soát !

Nhiều năm qua, ông Vũ Xuân Nghinh và một số hộ dân ở ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom gửi nhiều đơn đến các cơ quan chức năng ở huyện Trảng Bom và tỉnh Đồng Nai tố cáo hành vi lấp đất lấn chiếm hồ 3/2 và sang bán, xây cất nhà trái phép trên đất lòng hồ thủy lợi Bà Long, còn gọi là hồ 3/2

“Hồ 3/2 là công trình thủy lợi điều tiết nước tưới tiêu cho các cánh đồng từ thập niên 80, nhân dân huyện Thống Nhất cũ đã kỳ công đắp đập giữ nước với diện tích hơn 18ha vậy mà nay họ đổ đất lấp hồ để lấn chiếm nên lòng hồ chỉ còn khoản 13ha. Tôi tố cáo từ năm 2018 khi họ đang lấp đất lấn ra lòng hồ, phân lô bán đất cho người dân nơi khác tới ở. Trong vùng lấp đất lấn ra hồ có cả khu nghỉ dưỡng, biệt thự gỗ của người thân một cán công an tỉnh” ông Nghinh cho biết.

Hồ Bà Long (còn gọi là hồ 3/2) càng ngày càng thu hẹp

Trong đơn, ông Nghinh và người dân còn chỉ ra một số trường hợp lấn chiếm đất lòng hồ được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay việc lấn chiếm đất công vẫn không được xử lý dẫn đến tình trạng sang bán, xây cất nhà trái phép. Qua hơn 10 năm, từ khu vực không dân cư, hàng trăm căn nhà đã mọc lên trên vùng đất trước đây là mặt nước hồ.

Tại khu vực sát hồ, một khu dân cư tự phát mọc lên với đông đúc nhà trọ công nhân, nhà ở tư nhân được xây dựng kiên cố, thậm chí có cả nhà vườn xây ra tận mép hồ. Việc sang nhượng, mua bán nhà đất tại đây cũng trở nên sôi nổi. Bà N, người đang rao bán khu đất cạnh bờ hồ 3/2 diện tích 800m2 với giá 4,5 tỷ đồng cho biết, hiện trạng là đất trồng cây lâu năm, sổ chung. Người này cam đoan bao xây nhà không phép và trấn an: “Ở đây nhà đều xây không phép cả”!

Theo thông tin trên ứng dụng tra cứu nhanh thông tin đất tại tỉnh Đồng Nai (DNAI.LIS) thì các thửa đất đã bị lấp đất là hồ nước. Một căn biệt thự gỗ xây cất trong khu sân vườn rộng hơn 2.000m2 với nhiều công trình xây dựng sang trọng lấn ra mặt hồ. Bọc qua bên kia bơ hồ là nhiều nhà yến và nhà ở. Tất cả những vị trí này, theo người tố cáo, đều là lòng hồ nước.

Rõ ràng nhất là dưới chân đập 3/2, ngay van xả nước cánh đồng ruộng 3 vụ nổi tiếng của xã Hố Nai 3 (thuộc tổ 30, ấp Thái Hòa), một “dự án” rộng nhiều hecta đã được đổ đất cao trên ruộng hơn 1m, đang xây dựng và làm hồ. Phía tiếp giáp với cống xả đã trồng 2 hàng cây như cảnh quan một khu nghỉ dưỡng. Định vị trên DNAI.LIS thì “dự án” này thuộc 3 thửa đất 488, 489 và 327, tờ số 10, mục đích sử dụng là Đất trồng lúa nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho biết: “Chúng tôi nhận thông tin đã cho xem xét kiểm tra và đang xử lý sai phạm này”.

Đất “bốc hơi” 

Đơn tố cáo, khiếu nại của người dân cuối cùng cũng được chính quyền tiếp nhận. Trong văn bản trả lời mới đây, bà Lương Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho rằng: “Qua kết quả kiểm tra hiện trạng, chồng ghép bản đồ ranh mốc hồ 3/2, do Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi quản lý xác định: Thửa đất số 357, tờ bản đồ số 10 nằm ngoài ranh mốc hồ 3/2”.

Ngoài ra, công văn trả lời còn nêu rõ: “Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân tại đây theo hồ sơ đăng ký cấp giấy đã được UBND xã Hố Nai 3 thẩm tra, xác minh và lấy ý kiến khu dân cư: Đất có nguồn gốc tự khai phá năm 1990, sử dụng ổn định, không tranh chấp, đủ điều kiện cấp giấy theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, công văn trả lời của UBND huyện Trảng Bom như một cách thừa nhận đã hợp thức hóa một số diện tích đất “đủ điều kiện”. Lập luận này đã gặp phải sự phản ứng tiếp theo của người dân. Ông Vũ Xuân Nghinh khẳng định: “Chúng tôi là dân sống lâu năm tại khu vực này nên biết rất rõ đâu là đất công tại hồ nước. Thực tế, thửa số 357 tờ bản đồ số 10 trước đây là tờ số 25. Nếu UBND huyện cho rằng đó là đất do khai phá thì chỉ cần lấy tờ bản đồ địa chính 25, thời điểm năm 2000 của Sở TN&MT cấp cho huyện Trảng Bom sẽ biết ngay nguồn gốc đất”.

Theo hồ sơ người dân còn lưu giữ, và bản đồ đất đai năm 2000 thì hồ 3/2 có diện tích là 182.035m2, nhưng theo bản đồ mới năm 2009, diện tích hồ 3/2 chỉ còn 142.642m2. Như vậy gần 40.000m2 đất hồ thủy lợi đã “bốc hơi” nhưng chưa có sự trả lời rõ ràng từ chính quyền xã Hố Nai 3 và UBND huyện Trảng Bom. Theo người dân thì diện tích đất mất đi đang nằm trong số đất bị lấn chiếm.

Một trong những công trình đang xây dựng trên mặt hồ trước đây

Mặt khác, khu vực đất bị tố cáo lấn chiếm đất công, chính quyền huyện Trảng Bom và đích thân bà Lương Thi Lan, Phó Chủ tịch và bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đã nhiều lần giải quyết và ra quyết định xử phạt các đối tượng lấn chiếm hồ 3/2. Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đã lập hàng chục biên bản (trong đó có một số trường hợp hiện đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có hành vi lấn chiếm hồ 3/2. Sở NN&PTNT cũng có văn bản gửi UBND huyện Trảng Bom về việc xử lý vi phạm lấn chiếm đất hành lang bảo vệ an toàn hồ chứa nước 3/2.

Câu chuyện lấp ao và “đặc quyền” 

Người đứng tên hợp pháp thửa đất số 1, tờ bản đồ số 11, bộ địa chính xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom là ông Nguyễn Văn Hưng đã làm đơn xin lấp một ao nước tù rộng 6.700m2, tồn tại trên thửa đất nhiều năm gây ô nhiễm trong khu dân cư. Trong quá khứ, nơi đây từng xảy ra nhiều vụ đuối nước làm 4 người tử vong. Hiện đang vào mùa mưa, ao đọng nước sâu nguy hiểm, chủ đất xin lấp để trồng cây tạo bóng mát. Khu vực ao nước cũng được các ban ngành kiểm tra thật tế và kết luận, không có tác dụng nuôi trồng thủy sản, hiện người dân sống bao quanh xả nước sinh hoạt, vứt xác động vật và rác gây ô nhiễm.

Ngày 20/1/2021, UBND huyện Trảng Bom có văn bản trả lời không đồng ý cho lấp ao để trồng cây xanh, đồng thời yêu cầu chủ đất làm đơn đăng ký thửa đất trên vào quy hoạch đất trồng cây lâu năm trong quy hoạch 10 năm từ 2021 – 2030. Trên thực tế, quy hoạch 2021 - 2030 UBND các huyện trong tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất từ lâu và chuyển về UBND tỉnh từ đầu năm nay để phê duyệt quy hoạch mới và thông qua vào tháng 6/2021. Bên cạnh đó, theo quy hoạch cũ, thửa đất mà ông Hưng đang xin chuyển từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất trồng cây xanh, thuộc diện đất ở nông thôn theo quy hoạch đã công bố.

Ao nước mà ông Hưng xin lấp rộng hơn 6.000m2 nằm trên thửa đất, tiếp giáp với 2 bờ là con đường nhựa nông thôn mới nối với QL1A và đường dân sinh vào khu dân cư bên trong. Một người dân cho biết: “Cái ao này mùa mưa nước ngập rất sâu, con nít ra chơi nguy hiểm lắm nên ai cũng mong chủ đất lấp lại cho sạch sẽ, an toàn. Nhiều người bị té xuống áo và từng có 4 người chết. Trước năm 2000, đây là đất bằng. Khi làm đường họ đào đất, đá đem đi nên hình thành cái ao chứ có ai nuôi cá lươn gì ở đây”.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Trảng Bom ông Lê Mạnh Hùng cho biết: “Khu vực này là quy hoạch đất ở nông thôn nhưng thửa đất này là quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản nên họ phải xin đưa vào quy hoạch đất giai đoạn 2021 – 2030 là đúng (?), còn muốn chuyển mục đích sử dụng trường hợp này là phải xin Sở Tài nguyên Môi trường” Trong khi đó, Phó Chủ tịch huyện, người đã ký văn bản trả lời dân, ông Lê Ngọc Tiên nói: “Chúng tôi đã có văn bản trả lời do các ban ngành tham mưu đưa ra. Chúng tôi làm đúng quy định.”

Tuy nhiên, theo Luật sư Phạm Quốc Vượng giải thích: “Vấn đề quy hoạch đất được thiết lập theo vùng, khu vực được thông qua từ xã lên huyện và lên tỉnh. Quy hoạch là trong khoảng thời gian xác định chứ đâu phải mục đích sử dụng thửa đất mà nhà nước cấp trong bản đồ quản lý đất, còn việc phải yêu cầu xin chuyển mục đích sử dụng từ đất Nuôi trồng thủy sản sang đất Trồng cây lâu năm thì theo Thông tư 33 đã nói rõ, chỉ khai báo biến động đất cho cơ quan chức năng địa phương”

Trên địa bàn huyện Trảng Bom, hiện tượng san lấp đất ruộng lúa, hồ nước để xây dựng các công trình nhà ở diễn ra rất nhiều, trong đó phải kể đến trường hợp hồ Bà Long ở xã Hố Nai 3 (người dân địa phương thường gọi là hồ 3/2). Đây là hồ thủy lợi điều tiết nước bên cạnh khu Công nghiệp Sông Mây vốn diện tích mặt hồ rất rộng nhưng hiện nay đã bị thu hẹp do người dân san lấp, lấn chiếm, xây dựng khu nhà ở, biệt thự gỗ trái phép.

Ông N.V.S, một người thường giúp đỡ dân xin giấy cải tạo đất tại xã Sông Trầu nói: “Họ im lặng làm, khi bị kiểm tra xong lại tiếp tục sang lấp, ruộng lúa ao hồ gì cũng lấp rồi xây dựng, ngay cả dưới đường điện cao thế cũng lấp đất phân lô bán nền được, còn dân mà cầm đơn đi xin phép không dễ gì cho. Thông tư 33 đã nói rõ không cần xin chỉ yêu cầu khai báo biến động đất là xong nhưng họ cứ trả lời là phải đi xin chuyển mục đích sử dụng”.

Rõ ràng, đất “bốc hơi” đã bằng nhiều cách được “hợp thức hóa” và sang lấp chiếm dụng trái phép. Câu hỏi đặt ra, trong khi người dân xin lấp ao ngay trên mảnh đất mà mình sở hữu lại bị làm khó, trong khi hàng chục ngàn mét vuông mặt nước hồ 3/2 bị sang lấp, bao chiếm trái phép lại ngang nhiên tồn tại, thậm chí còn được tạo điều kiện cấp sổ đỏ!?

Theo thông tin của chúng tôi, UBND tỉnh Ðồng Nai hiện đã yêu cầu  Thanh tra tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Vũ Xuân Nghinh và một số công dân tại ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom về việc một số hộ dân bao chiếm đất công lòng hồ 3/2, sau đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Dân kêu cứu vì lòng hồ 3/2 bị “xẻ thịt”!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...