Thứ ba, 30/04/2024 06:19 (GMT+7)

Dạo qua kinh tế đêm của thành phố

MTĐT -  Thứ hai, 17/04/2023 14:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kinh tế đêm không chỉ là một trong những biện pháp phục hồi kinh tế hay một yếu tố cải thiện thu nhập cho người dân, mà còn là lối sống và biện pháp để tăng chất lượng sống của các đô thị.

Đêm có tiếng thở dài, đêm có tiếng ngậm ngùi... Tuy nhiên, đêm thành phố không phải ở đâu và lúc nào cũng thế. Tùy địa điểm, tùy thời gian và tùy tâm trạng của thị dân hay khách vãng lai mà đô thị về đêm có nhiều sắc màu và tiếng lòng khác nhau.

Đô thị lớn có nhiều nguồn thu nhập khác với đô thị nhỏ, không chỉ về sản xuất mà quan trọng hơn cả là về giao thương và dịch vụ. Hơn nữa, các hoạt động kinh doanh tùy loại hình đều diễn ra liên tục từ ngày đến đêm chứ không nhất thiết dừng lại ở một thời điểm nào.

Chợ đêm còn nhiều dư địa phong phú

Từ hè năm rồi, chợ Bến Thành thay vì đóng cửa lúc 5 giờ chiều như thông lệ hàng chục năm, đã mở cửa tiếp tục đón khách đến 9-10 giờ tối. Những ngày gần đây, cùng dạo chợ ban đêm với người thân, chúng tôi nhận ra kha khá các nhóm du khách nước ngoài ghé vào mua sắm. Họ không chỉ chọn lựa quần áo, bánh kẹo và đồ lưu niệm mà còn tìm đến khu vực ẩm thực để thưởng thức các loại bún, phở, nước trái cây…

Phần lớn du khách là “khách Tây”, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc. Họ thong dong đi lại ở khu vực ngã tư trung tâm chợ nhà lồng. Ánh đèn trong nhà lồng sáng choang, đường đi lối lại sạch sẽ, tạo cảm giác an toàn và hưng phấn. Khung cảnh xinh tươi tại đây ít nhiều gợi nhớ những “phiên chợ đêm” vào những ngày cận Tết.

Dạo qua kinh tế đêm của thành phố
Ban đêm, du khách nước ngoài vào chợ Bến Thành mua sắm quần áo, hàng lưu niệm, thưởng thức ẩm thực. Sắp tới khi metro hoạt động, chợ Bến Thành về đêm sẽ có thêm cơ hội thu hút khách đến từ các quận huyện xa trung tâm (chụp lúc 7giờ 30 tối 21.3.2023).

Theo thông tin từ ban quản lý chợ, đến nay đã có 300 chủ quầy sạp tham gia bán hàng đêm. Hỏi chuyện một số chủ quầy, chúng tôi được biết lúc chợ “chạy thử” việc bán đêm, khách đến còn “lai rai” nhưng nay đang nhiều lên. Có người tâm sự: “Mình ráng ở lâu để thêm đồng nào hay đồng đó, đỡ buồn hơn thời Covid-19 cô quạnh”. Một bạn nhân viên trẻ của quầy cà phê vợt chia sẻ: “Buổi tối, ít khách hỏi cà phê nên chúng em đang tìm thêm các loại giải khát “là lạ” phù hợp với không khí đêm cho khách”.

Lúc này, chung quanh chợ Bến Thành không còn các quầy sạp chợ đêm dựng trên lòng đường như trước nhưng ở các con phố nhỏ Lưu Văn Lang, Nguyễn An Ninh vẫn tấp nập người lui tới. Khách dừng chân ở các tiệm vàng, cửa hàng quần áo, tiệm spa, quán xá, nhà hàng và kể cả các hàng rong. Nhìn chung, chợ Bến Thành và ba con phố bao quanh đang lộ diện trở lại sức sống ban đêm và có thể gia tăng nếu có thêm nhiều biện pháp quảng bá và tiếp thị mạnh mẽ.

Dạo qua kinh tế đêm của thành phố

Theo chúng tôi, ngoài người nước ngoài, chợ cần tăng cường tiếp cận khách hàng trong nước. Thông qua nhiều phương tiện truyền thông, cả hai đối tượng này cần biết đến khu vực chợ Bến Thành là nơi đang có sinh hoạt thương mại và dịch vụ ban đêm.

Hiện tại quang cảnh ở Cửa Nam là mặt chính của chợ, nơi đặt tháp đồng hồ vẫn còn “buồn hiu” vì không có đèn chiếu sáng đủ sức chào mời. Chợ Bến Thành rất cần có các bảng đèn led đa dạng để chiếu hình ảnh quảng cáo cho chợ và các sản phẩm độc đáo.

Đặc biệt, bốn mặt tiền của chợ, nhất là cửa chính nên sử dụng nghệ thuật xếp đặt ánh sáng (lighting arts) làm nổi bật kiến trúc đặc sắc của ngôi chợ nhà lồng hơn 110 năm tuổi. Dưới “bàn tay phù thủy” của lighting arts, những câu chuyện và hình ảnh lịch sử, văn hóa, du lịch của Sài Gòn và Việt Nam sẽ thể hiện kỳ thú trên mặt tiền chợ hàng đêm.

Dạo qua kinh tế đêm của thành phố

Hơn nữa, các ngôi chợ từ xa xưa vốn dĩ không chỉ là nơi bán hàng hay ăn uống mà còn là điểm sinh hoạt văn nghệ. Nhiều điểm cố định bên trong và bên ngoài chợ Bến Thành xứng đáng là “sân khấu đường phố” cho các loại hình diễn xướng gọn nhẹ như đàn ca tài tử, biểu diễn nhạc cụ, hát rong, ảo thuật và xiếc. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy văn nghệ và lễ hội đi liền với chợ, các cửa hàng sẽ giúp gia tăng khách tiêu dùng. Đồng thời những sự kiện nghệ thuật dân gian ở các nơi công cộng còn tạo thêm nét hấp dẫn cho cuộc sống đô thị.

“Phố đi bộ bình dân” và “phố đi bộ lịch lãm”

Cách chợ Bến Thành không xa là phố đi bộ Bùi Viện, từ lâu nổi tiếng là khu Tây ba-lô nhưng thực ra du khách khá giả cũng ghé đến. Từ trước 1975, nơi đây có lúc mang tên “Ngã tư quốc tế”, đến bây giờ vẫn là địa chỉ “ngoại kiều” tụ họp để uống bia, nhậu nhẹt, nghe nhạc, nhảy nhót… Ánh đèn, không khí và phong cách náo nhiệt ở đây tương tự phần nào những con phố không ngủ của Bangkok hay các đô thị lớn của Âu Mỹ.

Sau đại dịch Covid-19, khách nước ngoài ít đi thì lại có khách Việt Nam, khá nhiều là bạn trẻ tìm đến, mặc dù giá cả ăn uống của phố Bùi Viện không rẻ.

Dạo qua kinh tế đêm của thành phố
Phố đi bộ Bùi Viện với nhiều hoạt động hàng quán, ca nhạc thu hút du khách trong và ngoài nước, vẫn còn vắng vẻ trong các ngày thường (chụp 6 giờ 30 tối 21.3.2023).

Hiện tại các hoạt động quán xá cũng như các vũ trường hay các tiệm karaoke trên toàn thành phố đều phải dừng lại vào 12 giờ đêm. Nhưng với phố đi bộ Bùi Viện, một số hộ kinh doanh cho rằng chính quyền nên “nới” giờ mở cửa đến 2-3 giờ sáng. Bởi lẽ đơn giản, du khách nước ngoài đến vui chơi trong kỳ nghỉ của mình sẽ không lo “ngủ sớm để giữ sức đi làm”.

Hẳn nhiên, việc mở cửa các cơ sở giải trí thâu đêm cần được xem xét kỹ nhiều mặt, trong đó phải chú ý ảnh hưởng đến dân cư tại chỗ và các tệ nạn giấu mặt. Sắp tới chính quyền Thành phố cần có khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để quy hoạch nơi nào được kinh doanh giải trí theo giờ quy định bình thường và cá biệt.

Cũng là “phố đi bộ” nhưng đường Nguyễn Huệ là một dạng khác. Từ lúc ra đời vào năm 2015, nơi đây là chốn dạo chơi ngắm cảnh, thưởng thức gió sông và không khí trong lành của nhiều thị dân tại chỗ và du khách ở các khách sạn gần đấy. Vào các tối lễ hội, phố đi bộ hóa thành “biển đi bộ” đông đặc người; nhất là khi có sân khấu ca nhạc ngoài trời hay trực tiếp truyền hình bóng đá, hoặc các buổi bắn pháo bông. Tuy vậy, vào các ngày thường, ngoài các quán cà phê, nhà hàng dọc theo đại lộ, phần lớn là sang trọng, người ta không thấy có hoạt động mua sắm và văn hóa nào đáng kể.

Hình ảnh thương mại thường thấy ở phố đi bộ Nguyễn Huệ chỉ là những chiếc xe hai bánh, những gánh hàng rong bán đồ ăn vặt và nước giải khát. Đáng buồn hơn nữa là chúng có hình thức nhếch nhác, tạm bợ còn chủ nhân thì luôn trong tình trạng dáo dác, đề phòng bảo vệ xua đuổi.

Dạo qua kinh tế đêm của thành phố

Phải chăng nên xem Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và các con phố nhỏ ngang dọc chính là những “phố đêm tao nhã”, chỉ ưu tiên cho những hoạt động giải trí và thưởng ngoạn hướng thượng, không xô bồ? Các sản phẩm mua sắm và ẩm thực ở khu vực này, bao gồm cả cách trình bày cửa hàng và các xe bán hàng hay kiosk, cần được chọn lọc và đạt tiêu chuẩn mỹ thuật.

Những tòa nhà cổ kính hay đẹp như Nhà hát Thành phố, trụ sở UBND Thành phố, Kho bạc, khách sạn Rex, khách sạn Grand, khách sạn Majestic đều cần được chiếu sáng lộng lẫy về đêm. Chính quyền và doanh nghiệp nên dùng không gian phía trước các tòa nhà lịch lãm cho các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật vào các buổi tối cuối tuần.

Riêng bến Bạch Đằng chính là phố đi bộ bờ sông và là phố đi bộ nối dài của đại lộ Nguyễn Huệ. Dải đất mỹ lệ này cần được tái tạo như một phức hợp kỳ thú bên sông nước, tập hợp nhiều loại hình thưởng ngoạn du lịch, văn hóa và lịch sử. Và từ đấy, phố đi bộ bờ sông có thể nối tiếp qua khu vực bến Nhà Rồng - Khánh Hội để góp phần hỗ trợ quận 4 biến đổi thành khu vực thương mại - dịch vụ phát triển mới.

“Đại phố ẩm thực” và “tiểu phố ăn khuya”

Với “phố ẩm thực”- từ thế kỷ trước, Chợ Lớn (quận 5 và 6) lừng danh với một loạt nhà hàng Hoa như Đồng Khánh, Bát Đạt, Arc En Ciel, Hào Huê, Đại La Thiên, Soái Kình Lâm… Phố chạy suốt từ đại lộ Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo) đến đại lộ Tổng đốc Phương (Châu Văn Liêm).

Ngoài ra, Chợ Lớn còn có hàng trăm tửu lầu, tiệm ăn, quán trà, quán chè, xe mì lớn nhỏ - hội tụ từ sáng đến khuya, quanh địa điểm các thương hiệu lớn. Chính quyền và các doanh nghiệp cùng các hội quán người Hoa cùng sớm chung tay khôi phục và bổ sung các nhà hàng đẳng cấp cao của Chợ Lớn tại các con phố chính. Đồng thời nên khuyến khích và quảng bá một số tụ điểm “ăn khuya” bình dân đặc sắc (cháo, mì, chè, bánh trái…) ở các góc phố thuận lợi. Với tay nghề và truyền thống kinh doanh lâu đời, Chợ Lớn sẽ thực sự trở thành một đại phố ẩm thực và nhiều tiểu phố ăn khuya, không chỉ về đồ ăn thức uống của “Trung Hoa cẩm tú” mà còn là nơi giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt Nam và Âu Mỹ.

Các phố chuyên doanh ẩm thực về đêm như thế còn có thể thành lập ở những địa điểm liên kết giao thông nhiều quận, các thương xá lớn, các bãi đất rộng. Trong khi ấy, các “phố ốc”, “phố nhậu” dân dã đang tràn ngập ở nhiều con đường và các ngõ hẻm hay bên các bờ kè cũng cần sắp xếp quy củ, sao cho không ảnh hưởng đến đời sống dân cư địa phương.

Dạo qua kinh tế đêm của thành phố
Đề án Phố đêm Chợ Lớn của UBND quận 6 dự kiến tổ chức trên các tuyến đường xung quanh chợ Bình Tây, theo phương án xã hội hóa thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm tổ chức và vận hành. Ảnh: Quỳnh Trần/Vnexpress

Kinh tế đêm còn gồm văn hóa, giáo dục

Từ lâu đô thị ban đêm không chỉ có các hoạt động ăn chơi hay thưởng ngoạn lạc thú. Người dân thành phố còn có nhu cầu học hỏi kiến thức và văn hóa sâu rộng. Điều đáng mừng, tại TP.HCM từ nhiều thập kỷ qua, các trường đại học tại chức, trường ngoại ngữ, tin học, kỹ thuật và nghệ thuật vẫn luôn sáng đèn ở nhiều quận huyện. Chỉ riêng trường ngoại ngữ và trường tin học, trên địa bàn thành phố đã có gần 2.000 cơ sở. Xét về khía cạnh kinh tế, đây cũng là một phần quan trọng của “công nghiệp đào tạo” phục vụ hàng triệu người, sử dụng một khối lượng nhà cửa, nhân lực lớn lao và có nguồn doanh thu đáng kể.

Bên cạnh các cơ sở giáo dục ban đêm (evening education), hoạt động của các rạp hát, nhà văn hóa, phòng trà, đều là lực lượng đáng kể của tiêu dùng và thu nhập. Trong khi ấy, về văn hóa, vẫn có khá nhiều hoạt động liên quan tâm linh như thăm viếng và tham dự lễ nghi ở các đền chùa, nhà thờ, thánh thất diễn ra vào buổi tối. Các hoạt động này dẫn đến các dịch vụ “ăn theo” nhiều mặt từ cung cấp lễ vật đến quà tặng và các vật phẩm thờ phượng, ẩm thực… Tất cả các hoạt động kinh doanh, giáo dục và văn hóa muôn màu muôn vẻ sau 6 giờ tối ở các thành phố đều cần được khảo sát đầy đủ để có biện pháp hỗ trợ từ người sử dụng đến người phục vụ.

Chúng ta cần coi kinh tế đêm là hoạt động nối tiếp kinh tế ngày và có những đặc thù cần được nhận diện và phát triển phù hợp. Về lâu dài, kinh tế đêm không chỉ là một trong những biện pháp phục hồi kinh tế hay một yếu tố cải thiện thu nhập cho người dân mà còn là lối sống và biện pháp để tăng chất lượng sống của các đô thị.

Trên thế giới, nhiều thập niên trở lại đây xuất hiện khái niệm night economy - kinh tế đêm để chỉ những hoạt động làm ra tiền sau 5 hay 6 giờ tối và có thể kéo đến rạng sáng. Có những nơi như New York, Las Vegas, Hồng Kông, Bangkok được coi là “thành phố không ngủ”. Một số nơi, tính ra doanh thu về đêm có thể ngang hoặc vượt các hoạt động làm ăn ban ngày. Sự hấp dẫn của kinh tế đêm là có thật, muôn màu muôn vẻ.

Với Việt Nam, từ lúc kinh tế thị trường trở lại, nhiều đô thị lớn và thành phố du lịch đã hoạt động nhộn nhịp về đêm. Từ tháng 7.2020, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam (Quyết định 1129) song thời điểm ấy “cơn bão” Covid-19 bắt đầu hoành hoành. Đến nay, trên đường tìm kiếm các giải pháp hồi phục kinh tế sau đại dịch, câu chuyện kinh tế đêm đang được chính quyền các địa phương chú ý.

Trong đó, chính quyền TP.HCM đã chủ trương bổ sung kinh tế đêm vào kế hoạch kinh tế - xã hội 2021-2025, đồng thời giao cho quận 1, 7, 11, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ lập đề án thí điểm. Thiết nghĩ, kinh tế đêm cần có sự nhìn nhận và đầu tư thỏa đáng của chính quyền, giới kinh doanh và toàn xã hội. Chúng ta cần coi kinh tế đêm là hoạt động nối tiếp kinh tế ngày và có những đặc thù cần được nhận diện và phát triển phù hợp. Về lâu dài, kinh tế đêm không chỉ là một trong những biện pháp phục hồi kinh tế hay một yếu tố cải thiện thu nhập cho người dân mà còn là lối sống và biện pháp để tăng chất lượng sống của các đô thị.

Mong thay, nhiều vấn đề liên quan kinh tế đêm như an ninh, vệ sinh, môi trường và tâm lý xã hội cần được tính đến và có giải pháp đồng bộ, căn cơ chứ không phải chỉ là các biện pháp kinh tế đơn thuần, hay nhắm đến mục tiêu thu nhập đơn thuần!

TP.HCM có chợ Bến Thành và nhiều chợ nhà lồng to đẹp như chợ Bình Tây, chợ Tân Định hay chợ Hòa Bình. Nếu tổ chức tốt nhiều hoạt động phối hợp đa lĩnh vực, các chợ này cũng như các thương xá tiêu biểu và các con phố kế cận đều có thể trở thành “chợ đêm”, “phố đêm” thường ngày hay cuối tuần, đủ sức quyến rũ đông đảo thị dân và khách bốn phương.

Ngoài ra, thành phố còn có các chợ chuyên doanh hay hàng phố đặc sản như hoa tươi, cây cảnh, đồ cổ, thuốc bắc, đồ cưới hỏi, nhạc cụ và sách báo… đều là những điểm đến cả ngày lẫn đêm, có sức hấp dẫn riêng biệt.

Bạn đang đọc bài viết Dạo qua kinh tế đêm của thành phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Phúc Tiến/nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...