Thứ sáu, 26/04/2024 14:02 (GMT+7)

Để đô thị miền Trung phát triển bền vững

MTĐT -  Thứ hai, 21/02/2022 10:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Là một trong những quốc gia trên thế giới phải chịu tác động xấu nhất của BĐKH, nước biển dâng… nên để các đô thị ven biển miền Trung phát triển bền vững, rất cần có nhiều giải pháp về kiến trúc, quy hoạch thích ứng hướng tới phát triển bền vững.

Cái giá của sự phát triển nóng

Việt Nam là nước nằm ở giáp Biển Đông, có bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam (chưa kể bờ biển của hơn 2.570 hòn đảo và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nằm ngoài Biển Đông). Do bờ biển nước ta trải dài trên 15 vĩ độ, lại có các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển trải qua hàng triệu năm cấu trúc địa tầng tạo thành nhiều vũng, vịnh, hang động tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên sơn thủy đa dạng hữu tình, hiếm có trên thế giới, mà tiêu biểu là quần thể núi và hang động ở Vịnh Hạ Long ở phía Bắc, được UNESCO xếp hạng là di sản thiên nhiên thế giới hay các bãi biển đẹp, thơ mộng, hệ sinh thái biển phong phú ở các đô thị biển miền Trung.

Hiện nay miền Trung nước ta đã hình thành hệ thống các đô thị ven biển có tiềm năng phát triển bền vững về du lịch và kinh tế tạo thành trục liên kết Bắc - Nam với TP Đà Nẵng là trung tâm cùng các đô thị lớn như Huế, Hội An, Tam Kỳ, Quãng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang. Sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, các đô thị biển nước ta, nhất là các đô thị biển miền Trung đã có nhiều thay đổi về diện mạo kiến trúc theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nghĩ dưỡng và kinh tế biển.

Để đô thị miền Trung phát triển bền vững

Một số đô thị như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An… có tốc độ đô thị hóa nhanh mất kiểm soát, dẫn đến sự xuất hiện dày đặc các dự án khách sạn cao tầng sang trọng, khu du lịch nghĩ dưỡng resort, sân golf… hiện đại, tiện nghi ở các khu vực ven biển có bãi biển rộng, đẹp, chiếm lĩnh thô bạo không gian và cảnh quan thiên nhiên, lấn át di sản kiến trúc truyền thống, ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động kinh tế của cư dân địa phương, gây khiếu kiện kéo dài làm mất an ninh xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường sinh thái ven biển.

Tình trạng trên hiện vẫn còn đang xảy ra ở một số dự án kinh doanh bất động sản, vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc và bảo vệ tài nguyên - môi trường biển. Đô thị hoá nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng sinh thái: tài nguyên đất bị tận dụng khai thác để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập; nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên nước... (Theo thống kê, hiện nay rừng ngập mặn mất đến 70%; khoảng 11% các rạn san hô bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi; khoảng 100 loài sinh vật biển có nguy cơ bị đe dọa…).

Tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển miền Trung cũng đang ở mức báo động, ô nhiễm môi trường biển do rác thải, nước thải vẫn chưa thuyên giảm. Đặc biệt tại Khánh Hoà, Ninh Thuận, ven bờ biển đã từng xuất hiện các lớp nhầy màu xám đen dày cả gang tay, lẫn với xác chết của sinh vật, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tại nhiều điểm tham quan, các hình ảnh ô nhiễm môi trường luôn để lại tiêu cực trong lòng du khách, nhất là trong những ngày nghỉ lễ.

Các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có hệ thống xử lý nước thải; du khách vứt rác tùy tiện; thức ăn thừa khách vứt trên bãi cát không được vệ sinh thu dọn. Ngoài ra, lượng chất thải sinh hoạt tăng nhanh, phần lớn chư¬a được xử lý, hoặc xử lý bằng phương pháp chôn lấp, thậm chí có nơi nước thải sinh hoạt được thải thẳng ra biển, ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, chất lượng các nguồn nước. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch, bãi tắm hiện yếu kém. Tình trạng này không chỉ gây mất mỹ quan, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh quốc gia trong mắt du khách quốc tế, mà rác thải còn bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống của cư dân.

Thế giới hôm nay đang đứng trước những hiểm họa không chỉ do thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu cùng mà còn phải chống chịu đại dịch Covid-19 diễn ra đã gần 2 năm nhưng không có chiều hướng suy giảm mà ngày càng diễn biến phức tạp với sự biến đổi của các chủng loại virut. Năm 2017, cơn bão Damrey tràn qua vùng biển Nam Trung bộ đã gây ra hậu quả to lớn về người, tài sản sinh kế của người dân, làm thiệt hại kinh tế vô cùng lớn cho các địa phương mà nó đi qua, đặc biệt là Khánh Hòa. Cơn bão Damrey như một lời nhắc nhở tàn khốc về sức tàn phá của thiên nhiên, mà đó không phải là cá biệt, những cơn bão như vậy sẽ còn xảy ra với đất nước chúng ta. Và trong thời gian cuối năm 2021 vừa qua, miền Trung cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và đời sống của nhân dân bởi một loạt cơn bão, lũ gây ra.

Giải pháp cho đô thị biển miền Trung

Là một trong những quốc gia trên thế giới phải chịu tác động xấu nhất của biển đổi khí hậu, nước biển dâng… nên để các đô thị ven biển miền Trung phát triển bền vững, rất cần có nhiều giải pháp về kiến trúc, quy hoạch thích ứng hướng tới phát triển bền vững.

1. Xu hướng lấn biển:

Đây là xu hướng mà nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã thực hiện thành công cách đây vài chục năm như Hà Lan, Nhật Bản, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Hồng Công… Lấn biển không chỉ là mở rộng quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội, phân bố dân cư… mà đó còn là giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo xu thế chung, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị hóa.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 khu lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã và đang được thực hiện tại Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM, Kiên Giang... Tuy nhiên, bên cạnh những dự án được triển khai bài bản, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thì một số dự án đã gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, làm xói lở bờ biển.

Để đô thị miền Trung phát triển bền vững

Có dự án phải ngừng triển khai do chưa đánh giá hết tác động môi trường, các yếu tố kỹ thuật liên quan làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Thậm chí, có dự án khi đang triển khai phải dừng lại để xem xét do ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, hay sự phản đối của người dân địa phương. Tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng san lấp, lấn biển tràn lan, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch; nghiêm trọng hơn nhiều chủ đầu tư còn lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý, làm “biến tướng” các dự án được phê duyệt để lấn biển trái phép với quy mô lớn.

Điển hình như tháng 3/2021, chính quyền TP Nha Trang đã phải cưỡng chế thu hồi đất dự án nằm đối diện danh thắng Hòn Đỏ có tổng diện tích 103.568 m2 (trong đó có 44.152 m2 mặt đất và 59.416 m2 mặt nước) với tổng vốn đầu tư khoảng 33 triệu USD, do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư dù đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ tháng 3/2012. Những vụ việc trên đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho địa phương, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, và đau lòng hơn, nhiều cán bộ lãnh đạo của Khánh Hòa đã phải vào vòng lao lý vì vi phạm pháp luật?!

2. Xây dựng các đô thị vệ tinh cho đô thị trung tâm

Đây là xu thế chung của thế giới, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Giải pháp này đã cho thấy việc đầu tư, phát triển các đô thị ven biển của các tỉnh miền Trung hiện nay đang đi đúng hướng. Tỉnh Bình Thuận hiện đã cho phép các nhà đầu tư có tiềm lực nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch phát triển không gian đô thị phức hợp trên dải đất ven biển. TP Phan Thiết được xem là đô thị trung tâm của tỉnh, gồm 15 khu đô thị, như: khu dân cư Nguyễn Thông; khu trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né; khu công viên - dịch vụ Hùng Vương; khu tái định cư kè sông Cà Ty...

Các khu đô thị này được mở ra ở rất nhiều khu vực ven biển quanh Phan Thiết, làm đô thị vệ tinh cho thành phố. Ở Khánh Hòa, ngoài TP Nha Trang là đô thị trung tâm, thì 2 khu vực được chọn làm đô thị vệ tinh là Bắc bán đảo Cam Ranh với 45 dự án và thị xã Ninh Hòa với các khu đô thị ven biển thuộc các phường Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải. Ngoài ra, các khu vực ven biển khác như Vạn Ninh, Cam Lâm… đang có tốc độ đô thị hóa cao cũng sẽ trở thành các đô thị vệ tinh. Trong nhiều năm qua, ngành du lịch Khánh Hòa đã không ngừng phát triển với những loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn.

Nhưng Khánh Hòa cũng đã phải trả giá bởi tư duy phát triển nóng, tầm nhìn hạn hẹp, không kể có cả lợi ích nhóm, nên cảnh quan quy hoạch bị phá vỡ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, về môi trường sinh thái biển gây bức xúc xã hội. Gần đây, Nha Trang đang có chuyển biến tích cực trong phát triển bền vững theo hướng tôn trọng thiên nhiên, cảnh quan môi trường và hệ sinh thái biển.

Quy hoạch đô thị ven biển với kiến trúc mở, thấp tầng, mật độ cây xanh lớn, những công viên chủ đề nằm giữa các khu đô thị là không gian công cộng thân thiện, mở tầm nhìn hướng ra biển, đón gió và không khí biển trong lành vào sâu trong nội địa. Hạ tầng đô thị được ngầm hóa, hệ thống thoát nước mưa, nước sinh hoạt được tách bạch và đặc biệt là xử lý nước thải sinh hoạt.

Những chuyễn biến có tính chủ động và tích cực của chính quyền Khánh Hòa thời gia gần đây, đặc biệt là sau Đại hội Đảng bộ Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã dần lấy lại niềm tin của nhân dân, trả lại tương lai tươi sáng cho Nha Trang, một thành phố biển đặc sắc, độc đáo nổi tiếng trên thế giới và hấp dẫn du khách bốn phương với những bãi cát rộng vàng óng, mịn màng, con người hiền hòa thân thiện và mến khách, môi trưởng cảnh quan tươi đẹp, thơ mộng, văn hóa ẩm thực phong phú…

Thay lời kết

Chúng ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới của Đất nước dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta trở thành nước giàu mạnh, bền vững và hùng cường. Nhưng chúng ta cũng đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, hiểm họa do biến đổi khí hậu và đại dịch gây ra. Vì thế hơn lúc nào hết, xây dựng các đô thị ven biển miền Trung phát triển bền vững để có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng là nhiệm vụ chiến lược, rất cần được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, mà trước hết là công tác quy hoạch đô thị.

Bạn đang đọc bài viết Để đô thị miền Trung phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.