Đến năm 2025, rác thải toàn tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 980 tấn/ngày
Cùng với nước sạch, rác thải đang là vấn đề nhức nhối cả ở khu vực thành thị và nông thôn bởi việc thu gom, xử lý rác vẫn chủ yếu là chôn lấp, đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường...
Theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh Vĩnh Phúc, trung bình mỗi ngày, tại Vĩnh Phúc, lượng rác thải ra là 920 tấn, trong đó, khu vực đô thị khoảng 350 tấn, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn. Tỷ lệ thu gom rác thải ở thành thị mới đạt 96%, tần suất 1 lần/ngày; ở khu vực nông thôn đạt 76%, tần suất trung bình từ 1-3 ngày/lần.
Để xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về công tác bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải như: Quyết định số 55 của UBND tỉnh về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3421 về ban hành mức giá tạm thời xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 3217 về tăng cường quản lý thu gọm, vận chuyển và xử lý chất thải trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Giai đoạn 2016-2022, ngân sách tỉnh cấp gần 1.870 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó chủ yếu cho hoạt động quản lý rác thải sinh hoạt, đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Tính đến nay, toàn tỉnh có 34 doanh nghiệp, 117 hợp tác xã và tổ dịch vụ môi trường với 15 xe ép rác, 15 ô tô, khoảng 1.225 xe đẩy tay, xe máy có gắn thùng tự chế chở rác.
Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý rác thải còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo Quyết định số 673 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2020, Vĩnh Phúc sẽ hình thành 5 khu xử lý chất thải rắn tập trung quy mô liên huyện, 274 điểm tập kết rác thải, 56 lò đốt rác công suất nhỏ quy mô cấp xã nhưng đến nay mới hình thành được 1 cơ sở xử lý tập trung tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương do Công ty cổ phần môi trường công nghệ Việt làm chủ đầu tư, công suất khoảng 75 tấn/ngày. Tại thành phố Vĩnh Yên, bãi rác tạm ở khu công nghiệp Khai Quang rộng gần 2 ha, hoạt động cách đây nhiều năm đã đầy, dừng hoạt động từ năm 2018. Thành phố phải dùng một số địa điểm để làm bãi rác tạm và chưa thực hiện được các giải pháp xây dựng bãi rác quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Ở thành phố Phúc Yên do chưa bố trí được địa điểm xử lý rác thải nên địa phương phải vận chuyển rác đến các địa bàn khác để xử lý. Còn ở khu vực nông thôn, do lượng rác thải ngày càng tăng, 232 bãi rác tạm dần rơi vào tình trạng quá tải.
Theo dự báo của Sở TNMT tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 2025, mỗi ngày, lượng rác thải trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 980 tấn, gây áp lực lên hệ thống thu gom, xử lý rác, nhất là đối với những vùng trung tâm phát triển đô thị, công nghiệp, vùng lõi nằm trong quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc.
Để xử lý rác, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 3235 về phê duyệt đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 2.138,3 tỷ đồng, gồm các hạng mục: xây dựng các điểm tập kết trung chuyển; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; cải tạo phục hồi môi trường các bãi rác cũ; tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình. Riêng năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ thu gom, xử lý rác đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn là 80% và hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại các địa bàn thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương, huyện Tam Đảo. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch.
Thực hiện được các nhiệm vụ trên, Vĩnh Phúc đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ được ưu tiên hàng đầu. Tỉnh sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý lộ trình của các phương tiện tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn; áp dụng công nghệ số và chuyển đổi hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải bằng hình thức phù hợp thực tiễn và quy định pháp luật hiện hành nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện của đơn vị cung cấp dịch vụ...
Cũng theo Sở TNMT tỉnh Vĩnh Phúc, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải là bài toán khó nên giải pháp lâu dài để giữ gìn vệ sinh môi trường là cải thiện ý thức tự giác bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung của người dân. Cùng với đó, huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hưởng ứng của người dân, các tổ chức, đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, thu gom rác thải và vệ sinh môi trường nói riêng. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi xả, thải rác không đúng nơi quy định để răn đe, giáo dục.
Chia sẽ với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết, những năm qua, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung triển khai có hiệu quả Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, môi trường, xây dựng, phương án giá dịch vụ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân để việc xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại, quy mô lớn. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất ban hành giá dịch vụ chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải để làm cơ sở tổ chức đấu thầu hoặc đặt hàng/giao nhiệm vụ, ký hợp đồng và thanh toàn cho đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp làm ảnh hưởng đến môi trường sống./.