Thứ hai, 29/04/2024 08:45 (GMT+7)

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Cơ hội để kiến tạo nên những 'tiểu vùng đô thị' đặc biệt

MTĐT -  Thứ năm, 27/10/2022 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp ở nội đô là cơ hội hiếm và quý để thành phố bù đắp cho các không gian còn thiếu hụt (không gian xanh, không gian công cộng…) và để phát triển các mô hình đô thị mới năng động, hiện đại...

Số liệu thống kê của Viện Quy hoạch xây dựng, giai đoạn trước năm 2020, TP Hà Nội đã triển khai di dời 95 cơ cở công nghiệp, trong đó 65 cơ sở sau di dời đã hình thành trường học, trung tâm dịch vụ thương mại, hạ tầng kỹ thuật, khu nhà ở; 30 cơ sở đã được duyệt chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

Đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở công nghiệp sau khi di dời nào được chuyển đổi thành không gian công cộng, công viên cây xanh cho người dân thủ đô và cũng chưa có bất kỳ công trình nào được công nhận là di sản công nghiệp. Nhiều công trình có giá trị văn hóa, lịch sử đã bị “xóa trắng”, lãng phí nguồn tài nguyên có giá trị lịch sử, văn hóa… Trong khi đó, thị dân vẫn đối mặt với tình trạng thiếu chỗ vui chơi, giải trí.

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Cơ hội để kiến tạo nên những 'tiểu vùng đô thị' đặc biệt
Khu "đất vàng" của Công ty thuốc lá Thăng Long. Ảnh tư liệu: Tài chính Doanh nghiệp

Tháng 7.20222, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, danh mục 9 cơ sở phải di dời gồm: Công ty In báo Nhân Dân Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên In báo Hà Nội mới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Cty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long; Công ty TNHH một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Trước thực trạng những năm qua là nhà máy di dời, không gian công cộng của Hà Nội vẫn thiếu thì nay, việc sử dụng những khu "đất vàng" như thế nào sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, tiếp tục là vấn đề quan tâm của nhiều người dân thủ đô cũng như các chuyên gia văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với KTS. Phạm Trung Hiếu, Giảng viên khoa Kiến trúc (Đại học Kiến trúc Hà Nội), về những hướng gợi mở mới cho vấn đề này.

Thưa kiến trúc sư, ông nghĩ sao về thực tế sử dụng không gian sau khi Hà Nội đã có kế hoạch từ năm 2019 về việc di dời hơn 90 cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực trung tâm?

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Cơ hội để kiến tạo nên những 'tiểu vùng đô thị' đặc biệt
KTS. Phạm Trung Hiếu, Giảng viên khoa Kiến trúc, Đại học kiến trúc Hà Nội.

KTS. Phạm Trung Hiếu: Theo tôi, chính sách di dời những công trình, hạng mục cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không còn phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành là một chính sách đúng. Tuy nhiên, cách đối xử với các khu đất, những công trình kiến trúc công nghiệp (một số có thể gọi là di sản công nghiệp) như thế nào thì đó lại là một câu chuyện cần quan tâm, bởi vì nó không chỉ đơn giản là di dời, xóa bỏ chức năng cũ và sau đó đưa chức năng mới vào.

Thời gian qua, một số cơ sở công nghiệp đã chuyển đổi thành các khu đất ở. Đây cũng là một trong những chức năng để thích ứng với nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên cần lưu ý, vùng đất trước đây phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp đều có mức độ ô nhiễm nhất định, việc chuyển đổi ngay các cơ sở công nghiệp này thành công trình dân dụng theo tôi hơi vội vàng. Ngoài việc gia tăng dân số nhanh chóng, gia tăng áp lực đến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện có của khu vực, người dân ở khu đô thị mới chưa hẳn đã có môi trường sống hoàn thiện.

Nhiều trường hợp tương tự về di dời nhà máy trên thế giới, trước khi chuyển đổi chức năng, họ thực hiện công tác nghiên cứu hiện trạng môi trường kỹ lưỡng, có những hoạt động cải tạo (đất, nước, không khí…) tại khu vực đã có cơ sở công nghiệp sau đó mới chuyển đổi chức năng cho cộng đồng sử dụng.

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2020, diện tích xây xanh/người của thành phố đạt 7,87m2/người, tăng 0,69m2/người so với năm 2015. Nhiều khu vực của Hà Nội, tỷ lệ không gian xanh chỉ đạt khoảng 2m2/người. Con số này thấp hơn so với chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc đưa ra là 10m2. Một số quốc gia có tỷ lệ cây xanh/đầu người cao như Singapore 30,3 m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người, Moscow (Nga) là 44 m2/người, Paris (Pháp) 25 m2/người...

Ông vừa đề cập đến cụm từ "di sản công nghiệp". Theo ông, loại hình di sản này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển văn hóa, kiến trúc của một đô thị? Hiện nay, Việt Nam đã có công cụ để xếp hạng di sản công nghiệp?

Cấu trúc của các công trình công nghiệp mang đậm dấu ấn khoa học, công nghệ của thời kỳ đó (dù bây giờ có thể lạc hậu), các cơ sở này đã từng đóng một vai trò quan trọng trong quá khứ. Nếu chúng ta xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở công nghiệp sẽ di dời mà bỏ qua không xác định lại giá trị của chúng tại thời điểm hiện tại, kiến trúc thành phố Hà Nội sẽ mất đi một mảng công trình quan trọng, có ngôn ngữ và phong cách riêng biệt. Lịch sử và văn hóa đô thị vì thế cũng không thể trọn vẹn không đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Hà Nội không cần và cũng không thể bảo tồn toàn bộ các cơ sở công nghiệp, mà cần đánh giá, chọn lọc, giữ lại một số công trình, hạng mục có kiến trúc, cấu trúc đặc trưng, gắn bó chặt chẽ với lịch sử xây dựng, phát triển của thành phố.

Thực tế hiện nay, các cơ sở công nghiệp đều chưa được lập hồ sơ để xác định giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, công nghệ… Các văn bản pháp lý chưa đề cập đến thể loại công trình này để cho hướng dẫn cụ thể - điều này đồng nghĩa với việc chưa có công cụ để xếp hạng. Các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý nên cùng ngồi lại để hoàn thiện bước tiên quyết này.

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Cơ hội để kiến tạo nên những 'tiểu vùng đô thị' đặc biệt
Quỹ đất của Nhà máy Dệt 8.3 cũng đã được chuyển đổi thành đất nhà ở. Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Trởi lại với vấn đề Hà Nội đã có quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp ra khỏi trung tâm thành phố trong thời gian tới. Theo kiến trúc sư, những không gian này nên được chuyển đổi như thế nào? Cơ hội nào cho thành phố để quỹ đất này đóng góp vào mục tiêu Hà Nội là thành phố sáng tạo?

Đây là cơ hội hiếm và quý để thành phố có quỹ đất lớn bù đắp cho các không gian còn thiếu hụt (không gian xanh, không gian công cộng…), quỹ đất để phát triển các mô hình đô thị mới năng động, hiện đại hơn xứng đáng với danh hiệu thành phố sáng tạo mà UNESCO đã công nhận từ năm 2019.

Các khu đô thị hiện nay đang phát triển rất nhiều tiện ích hưởng thụ, nhưng lại chưa nhiều những tiện ích hướng tới sự phát triển sáng tạo, chưa có nhiều không gian định hướng phát triển cá nhân, phát triển con người một cách phong phú. Điều này cũng dễ hiểu, vì các chủ đầu tư tư nhân khi thực hiện dự án sẽ đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu. Thành phố có thể đưa ra khuyến nghị với các nhà đầu tư về những mô hình phát triển đa năng, đa nhiệm mới, hướng tới phong cách sống năng động, có trách nhiệm với cộng đồng, có nhiều không gian công cộng thúc đẩy sự sáng tạo của giới trẻ, hoàn thiện con người hơn.

Kiến trúc sư có gợi ý nào về các mô hình phát triển tại các vị trí cơ sở công nghiệp sau khi di dời?

Với 9 khu đất sau khi di dời nhà máy, tùy vào quy mô, cấu trúc, vị trí, ý nghĩa lịch sử…, thành phố có thể mở ra các cuộc hội thảo mời các nhà quản lý, chuyên gia, chủ đầu tư, người dân đưa ra ý tưởng về mô hình phát triển tại những địa điểm này. Từ đó lựa chọn mô hình phù hợp, sau đó mới tiến hành công tác quy hoạch, kiến trúc cụ thể.

Các khu đô thị hiện nay đang phát triển rất nhiều tiện ích hưởng thụ, nhưng lại chưa nhiều những tiện ích hướng tới sự phát triển sáng tạo, chưa có nhiều không gian định hướng phát triển cá nhân, phát triển con người một cách phong phú.

Ví dụ như đối với vị trí Nhà máy xe lửa Gia Lâm, dựa vào bối cảnh đặc trưng của nhà máy chúng tôi đề xuất xây dựng mô hình không gian sáng tạo đa chức năng. Mục tiêu là thiết kế một không gian sáng tạo từ một địa điểm lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, có cấu trúc nhà xưởng đặc trưng.

Dựa vào chính cấu trúc chính của nhà xưởng cũ đó, chúng tôi kiến tạo một quần thể bao gồm: Bảo tàng ngành đường sắt, bảo tồn những giá trị của ngành, không gian sáng tạo để cộng đồng có thể thả sức thử nghiệm ý tưởng nghệ thuật của mình, và cuối cùng là công viên nghệ thuật cho trẻ em vui chơi và trải nghiệm…

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Cơ hội để kiến tạo nên những 'tiểu vùng đô thị' đặc biệt
Phương án tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở chuyển đổi công trình Nhà máy Xe lửa Gia Lâm của nhóm kiến trúc sư Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Còn tại vị trí Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (nơi xảy ra vụ cháy vào cuối tháng 8.2019) có thể phát triển một Trung tâm nghiên cứu về môi trường, có những phòng thí nghiệm công nghệ cao nghiên cứu những vấn đề của môi trường đô thị, là nơi tập trung cộng đồng những người yêu thích và bảo vệ thiên nhiên. Công tác đầu tiên của trung tâm là nghiên cứu xử lý vấn đề môi trường tại chỗ (tác động của vụ cháy) không để ảnh hưởng tới cộng đồng trong tương lai.

Khu vực Nhà máy bia Hà Nội có thể nghiên cứu đề xuất mô hình Không gian văn hóa ẩm thực, có những không gian nghiên cứu, giới thiệu về đồ uống, không gian vui chơi lễ hội kết hợp hoạt động du lịch của thành phố…

Dựa vào nhu cầu phát triển của xã hội, dựa vào bối cảnh xây dựng các cơ sở công nghiệp, Hà Nội có thể kiến tạo nên những tiểu vùng đô thị, ở đó cư dân được định hướng phong cách sống hiện đại, tích cực, có trách nhiệm, thích thử nghiệm hơn so với những mô hình khu đô thị đang tồn tại. Đó là điều tất yếu như khi mô hình khu đô thị mới vượt qua mô hình các khu tập thể trước đây.

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Cơ hội để kiến tạo nên những 'tiểu vùng đô thị' đặc biệt
Vụ hoả hoạn nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông hồi tháng 8.2019 đến vụ cháy nhà máy hóa chất tại Cảng Đức Giang (quận Long Biên) cách đây chưa lâu là những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường của những nhà máy sản xuất có sử dụng hóa chất đang tồn tại trong khu dân cư thủ đô Hà Nội. Ảnh: Dân Việt

Như mô tả của ông thì rõ ràng cơ hội thì đã có, vấn đề bây giờ là cần làm gì để biến điều đó thành hiện thực?

Để hiện thực hóa mong muốn này, đầu tiên cần phải có chính sách, cơ chế tương ứng. Để có thể xây dựng những mô hình đô thị mới tại các khu vực có các cơ sở công nghiệp di dời cần có sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và cộng đồng dân cư.

Trước hết, cần tổ chức hội thảo với sự tham gia của các nhà chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về quy hoạch, thiết kế đô thị, kiến trúc, môi trường, văn hóa, xây dựng… để đưa ra hệ tiêu chí đánh giá, xếp loại các công trình kiến trúc công nghiệp.

Khi đã đạt được sự đồng thuận của hội đồng các nhà chuyên môn với những khuyến nghị cụ thể, đề xuất các cuộc hội thảo đối với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và cộng đồng dân cư. Việc hài hòa lợi ích giữa các bên là yếu tố quan trọng để đạt được sự đồng thuận.

Nếu tiến trình đó được thực hiện, chắc chắn công cuộc di dời, chuyển đổi các cơ sở công nghiệp sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của Hà Nội, mang lại một nguồn năng lượng tích cực cho thành phố và người dân.

Cảm ơn kiến trúc sư!

Theo Kinh tế Đô Thị, thực hiện theo QH 1259, sau năm 2020, Hà Nội dự kiến tiếp tục di dời 113 cơ sở công nghiệp:

39 cơ sở ở khu vực nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm: 6; Đống Đa: 14; Ba Đình: 2; Hai Bà Trưng: 17). Quỹ đất sau khi di dời ưu tiên tuyệt đối cho phát triển trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe, cây xanh.

22 cơ sở ở khu vực nội đô mở rộng (Cầu Giấy: 2, Thanh Xuân: 9, Hoàng Mai: 11), quỹ đất sau di dời ưu tiên phát triển đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

52 cơ sở ở khu vực đô thị mới bắc và nam sông Hồng sẽ di dời (Hà Đông: 28, Bắc Từ Liêm: 6, Nam Từ Liêm: 2, Long Biên: 16), quỹ đất sẽ dành phát triển đô thị mới sau khi đã bố trí cân đối đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Bạn đang đọc bài viết Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Cơ hội để kiến tạo nên những 'tiểu vùng đô thị' đặc biệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Nguyễn Lê/nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.