Thứ hai, 29/04/2024 23:01 (GMT+7)

Du lịch cộng đồng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

ThS. Vũ Thế Phiệt -  Thứ bảy, 13/01/2024 08:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc, mang đậm các đặc trưng cơ bản về Đất nước và Con người Việt Nam.

I. Khái quát về Du lịch Cộng đồng

1.1. Khái niệm Du lịch Cộng đồng        

Du lịch Cộng đồng (Community Based Tourism) là du lịch dựa vào cộng đồng (như văn hóa, tín ngưỡng, cảnh đẹp, đặc sản, con người…) để thu hút khách và thu lợi nhuận. Giải thích một cách rõ hơn, loại hình này dựa vào những đặc trưng sẵn có nhưng phải hấp dẫn của cộng đồng địa phương để “mời gọi” du khách đến và hấp dẫn họ quay trở lại những lần sau. Thông thường, sản phẩm Du lịch Cộng đồng do chính người địa phương, người hiểu rõ và chính xác nhất mọi thứ hem làm sản phẩm phục vụ du khách và họ là người trực tiếp quản lý, khai thác, phục vụ.

tm-img-alt
Hiện nay, Du lịch Cộng đồng đang được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa. Ảnh: ITN

Du lịch Cộng đồng được xuất hiện từ những năm 1970 và cho đến nay đã phát triển phổ biến ở hầu hết các châu lục, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở Châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và Châu Á. 

Ở Việt Nam, Du lịch Cộng đồng được định nghĩa tại Khoản 15 Điều 3 Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”Như vậy, khái niệm Du lịch Cộng đồng chứa đựng các nội dung chủ yếu như sau:                                                         

- Du khách là tác nhân bên ngoài, là tiền đề mang lại lợi ích kinh tế và sẽ có những tác động nhất định kèm theo việc thụ hưởng các giá trị về môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn khi đến với một cộng đồng địa phương cụ thể.

- Cộng đồng địa phương là người kiểm soát các giá trị về mặt tài nguyên du lịch để hỗ trợ du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức của mình khi có cơ hội tiếp cận hệ thống tài nguyên du lịch tại không gian sinh sống của cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết về đặc điểm tính cách của du khách cũng như có cơ hội nắm bắt các thông tin bên ngoài từ du khách. Cộng đồng địa phương ngày càng được hem cường về khả năng tổ chức, vận hành và thực hiện các hoạt động, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Từ đó, cộng đồng ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình. 

Hiện nay, Du lịch Cộng đồng đang được hemà loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa. Du lịch Cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.                         

Theo quan điểm được đưa ra trong bộ “Tiêu chuẩn về Du lịch Cộng đồng” được các quốc  gia  Đông  Nam  Á  đồng  thuận  năm 2016, Du lịch Cộng đồng là hình thức du lịch được sở hữu,  vận  hành,  điều  phối  và quản  lý bởi cộng đồng nhằm hướng tới việc cải thiện điều kiện kinh tế cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh kế bền vững, duy trì và bảo vệ các truyền thống văn hóa xã hội có giá trị, cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, Du lịch Cộng đồng được cho là phải đạt được 10 tiêu chí sau:

1). Trao quyền và có sự tham gia của cộng đồng nhằm đảm bảo nền quản trị và quyền sở hữu minh bạch;

2). Thiết lập quan hệ hợp tác với các bên liên quan;

3) Đạt được sự thừa nhận đúng đắn  từ  phía  cơ  quan  chức  năng  có  thẩm quyền;   

4). Cải thiện điều kiện kinh tế cũng như các giá trị nhân văn;

5). Duy trì cơ chế chia sẻ lợi ích minh bạch, công bằng;

6). Tăng cường gắn kết nền kinh tế khu vực và địa phương;

7). Tôn trọng truyền thống và văn hóa địa phương;

8). Góp phần bảo tồn tự  nhiên; 

9).  Cải  thiện  chất  lượng  trải nghiệm cho khách du lịch thông qua việc thúc đẩy sự tương tác giữa khách và chủ;

10). Hướng tới tự chủ về tài chính.

Có thể nói, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quan điểm về Du lịch Cộng đồng là việc thừa nhận sự tham gia chủ động của cộng đồng địa phương là điều kiện tiên quyết, là bản sắc tạo ra sự khác biệt với các loại hình du lịch khác. Về tổng thể, hoạt động Du lịch Cộng đồng là phải từ cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng.

1.2. Lợi ích khi khai thác Du lịch Cộng đồng

Du lịch Cộng đồng mang lại lợi ích cho mọi đối tượng liên quan, bao gồm chủ đầu tư, nhân viên phục vụ lẫn du khách tham gia trải nghiệm hay kể cả địa phương đó nói chung. Cụ thể:

- Đối với du khách: Du lịch Cộng đồng cho phép khách du lịch khám phá môi trường sống, nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của địa phương; mặt khác còn được trải nghiệm các dịch vụ du lịch đạt chuẩn như ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí, tham quan… thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, giúp giảm stress, hem niềm vui sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi, áp lực.

- Đối với chủ đầu tư, chủ cơ sở: dĩ nhiên, thu hút khách du lịch càng đông, đến sử dụng dịch vụ thì cơ sở càng tích cực tạo mới và đa dạng sản phẩm phục vụ, từ đó thu về doanh thu cao, tạo lợi nhuận lớn để duy trì hoạt động và mở rộng khai thác tiềm năng du lịch.

- Đối với nhân viên phục vụ: có khách nghĩa là có việc làm, có lương, thưởng để chi tiêu hàng ngày.

- Đối với địa phương: khai thác và phát triển tiềm năng Du lịch Cộng đồng giúp địa phương tôn vinh và tôn trọng văn hóa, nghi lễ và các giá trị truyền thống khác; cộng đồng dân cư cũng sẽ nhận thức được giá trị thương mại và xã hội từ “di sản văn hóa và thiên nhiên” của địa phương mình thông qua du lịch, từ đó thúc đẩy ý thức bảo tồn và phát huy các tài nguyên đó.

 1.3.Đặc điểm của Du lịch Cộng đồng

Bao gồm:

- Khai thác có hiệu quả những giá trị văn hóa và truyền thống đặc trưng, riêng có của vùng miền

- Tập trung vào hoạt động trải nghiệm, thưởng thức những “đặc sản” truyền thống bản địa như văn hóa ẩm thực, làng nghề, hoạt động dân gian…

- Khách tham quan được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động như người bản địa nên được thư giãn, sảng khoái tinh thần, rèn luyện sức khoẻ….

1.4. Các loại hình Du lịch Cộng đồng nổi bật nhất hiện nay

Như đã trình bày ở trên, sản phẩm của loại hình du lịch này chủ yếu dựa vào đặc trưng cộng đồng. 6 hình thức dưới đây đang là phổ biến và nổi bật nhất để khai thác và phát triển hậu Covid-19:

+ Du lịch Sinh thái  

Là hình thức Du lịch Cộng đồng được diễn ra tại những khu vực có điều kiện, khách du lịch đến và tìm hiểu về nét đẹp của bản sắc văn hóa bản địa và đời sống xã hội của địa phương trong điều kiện có quan tâm tới vấn đề môi trường tại đó.

+ Du lịch Văn hóa

Là hình thức Du lịch Cộng đồng dựa vào nền văn hóa, lịch sử và khảo cổ học của địa phương đó để sáng tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn

+ Du lịch Bản địa

Là hình thức Du lịch Cộng đồng mà người dân bản địa, người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch để thu hút và phục vụ khách tham quan.

+ Du lịch Nông nghiệp

Là hình thức Du lịch Cộng đồng cho phép khách tham gia được trải nghiệm tại khu vực nông nghiệp của địa phương, như trang trại động vật, trang trại nông lâm kết hợp, vườn trồng cây ăn trái, làng rau… vừa được tham quan, vừa được thử làm nông dân bản xứ.

+ Du lịch Nông thôn

Là hình thức Du lịch Cộng đồng mà các làng/thôn/bản ở nông thôn tại địa phương tự tạo ra lợi ích kinh tế cho mình thông qua việc khai thác du lịch, thu hút để du khách  tham quan, chia sẻ về những hoạt động trong cuộc sống thôn bản, cung cấp các dịch vụ về ăn, ở, vui chơi, giải trí cho những khách có nhu cầu.

+ Nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ     

Là hình thức Du lịch Cộng đồng phát triển tại những địa phương có lịch sử lâu đời, kết hợp tham quan du lịch với các hoạt động trải nghiệm làm sản phẩm nghệ thuật hay hàng thủ công mỹ nghệ …

1.5. Khả năng phát triển Du lịch Cộng đồng hậu Covid-19

Covid-19 không chỉ khiến ngành du lịch toàn cầu đóng hem mà còn tác động đáng kể làm thay đổi nhu cầu du lịch của đại đa số du khách. Trong khi khá nhiều loại hình du lịch từng hưng thịnh sẽ giảm hoặc biến mất hậu dịch bệnh thì cùng với đó, hàng loạt các loại hình khác (đã có trước đó hoặc mới hoàn toàn) giàu tiềm năng để phát triển và trở nên phổ biển. Trong đó có Du lịch Cộng đồng.

Do có Đại dịch Covid19 trong hơn hai năm 2020 -2021 khiến cho du khách phải ở nhà nên từ giữa năm 2021 tới nay du lịch đã được mở cửa trở lại, tạo cho du khách hào hứng đến những nơi thiên về sự riêng tư cũng như đảm bảo tính an toàn phòng dịch thì du lịch cộng đồng rõ hem thỏa mãn được những yêu cầu này. Do đó, loại hình du lịch không quá mới mẻ này sẽ lên ngôi sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Việc khai thác và phát triển sẽ hiệu quả và bền vững hơn khi các sản phẩm phục vụ khách du lịch không gây tác động lên môi trường sống hay làm mai một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống vốn có của cộng đồng địa phương.

II. Thực trạng phát triển Du lịch Cộng đồng

 2.1. Phát triển Du lịch Cộng đồng ở Việt Nam

Du lịch Cộng đồng (DLCĐ) bắt đầu phát triển mạnh ở nước ta từ đầu những năm 2000. Đây là loại hình hoạt động phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội của đất nước cũng như xu thế lựa chọn của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xây dựng chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy quá trình phát triển có hệ thống, hiệu quả, bền vững cho hoạt động DLCĐ vẫn chưa được hoàn thiện. Hầu hết các mô hình hoặc hoạt động tự phát hoặc do địa phương hay các tổ chức quốc tế hỗ trợ, mang tầm ngắn hạn và khó có thể triển khai ở phạm vi rộng.

tm-img-alt
Du lịch Cộng đồng (DLCĐ) bắt đầu phát triển mạnh ở nước ta từ đầu những năm 2000. Ảnh minh hoạ

Ở nước ta có rất nhiều mô hình Du lịch Cộng đồng phát triển khá thành công. Vùng miền núi Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh; một số tỉnh Trung Bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định; các tỉnh Tây Nguyên như Ðắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum; các tỉnh Nam Bộ như CầnThơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đã có nhiều mô hình Du lịch Cộng đồng tốt và mang lại hiệu quả cao. Những mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động Du lịch Cộng đồng tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế như: Chưa có sự đầu tư bài bản, đa số địa phương chưa có quy hoạch tổng thể ở cấp tỉnh, thành phố và vùng miền, dẫn đến tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể làm biến dạng văn hóa; sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, trên cả nước có khoảng hơn 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động Du lịch Cộng đồng với hơn 5.000 homestay hoạt động sức chứa gần 100 nghìn khách. Tuy nhiên, mới chỉ hơn 2.000 cơ sở trong số đó được công nhận đạt chuẩn.

 2.2. Phát triển Du lịch Cộng đồng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

2.2.1. Tiềm năng phát triển Du lịch Cộng đồng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc, mang đậm các đặc trưng cơ bản về Đất nước và Con người Việt Nam.

Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ gồm 15 tỉnh, trong đó 11 tỉnh thuộc tiểu vùng Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ; 4 tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình. Đây là vùng văn hóa có nhiều đặc thù, trong đó Việt Bắc là một khu vực gắn bó với thời kỳ lịch sử oanh liệt của cả dân tộc, tộc người chủ thể Tày – Nùng với lịch sử và văn hóa của họ đã góp phần vào sự thống nhất trong đa dạng văn hóa vùng và cả nước. Tây Bắc là địa bàn cư trú của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Tày… Mỗi dân tộc đều có văn hóa mang bản sắc riêng, đa dạng, thể hiện sắc nét, không thể phủ nhận được.

Đặc điểm về dân cư và dân tộc Trung du – miền núi Bắc Bộ được cả nước biết đến như một vùng địa lí dân tộc học độc đáo. Các dân tộc trong vùng thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau: Các nhóm Hán – Hoa, Tạng – Miến, Mông, Dao; Các nhóm Việt – Mường, Môn Khơ Me; Các nhóm: Tày – Thái, Ka Đai. Trong số hơn 30 dân tộc ít người cư trú xen kẽ từ lâu đời nơi đây, một số dân tộc có số dân đông ở vùng Đông Bắc: Tày, Nùng…; Ở Tây Bắc: Thái, Mường… Các dân tộc Mông, Dao cư trú trên rẻo cao ở cả Đông Bắc và Tây Bắc, nhưng tập trung khá đông ở các vùng cao biên giới Việt – Trung, nhất là ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.

Một số dân tộc cư trú vùng biên giới thường có quan hệ thân tộc với các địa phương bên kia quốc giới. Các dân tộc ít người tuy có số dân và trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau, nhưng nhìn chung mỗi dân tộc đều có kinh nghiệm trong một số lĩnh vực như trồng cây công nghiệp (bông, chè), cây ăn quả, chăn nuôi, làm nghề thủ công. Các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, khoa học kĩ thuật đều có sự tham gia của các dân tộc ít người. Trong cộng đồng các dân tộc cư trú ở trung du – miền núi Bắc Bộ, người Việt (Kinh) chiếm số đông, tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh trung du và đô thị các tỉnh miền núi. Dân tộc Việt có nhiều kinh nghiệm thâm canh lúa nước, có các nghề thủ công đạt mức độ tinh xảo, có truyền thống làm nghề thủ công mỹ nghệ.

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có những nét riêng biệt không hề có ở các vùng lãnh thổ khác trên đất nước ta. Vùng này bao gồm nhiều dãy núi trùng điệp, hùng vĩ như dãy núi Hoàng Liên Sơn được mệnh danh là “mái nhà của Đông Dương”, với đỉnh cao nhất là Phanxipang 3.143m và hàng chục đỉnh núi khác có độ cao trên dưới 3.000m. Những dãy núi nơi đây có đặc điểm bị chia cắt rất mạnh và có tính phân bậc, vì thế tạo nên nhiều cảnh quan đẹp và di tích tự nhiên bao gồm các thác nước, những thung lũng mở rộng và vực thẳm.

Ngoài Sa Pa là thị trấn du lịch nổi tiếng nằm ở độ cao 1.500m thuộc tỉnh Lào Cai, các địa danh khác như cao nguyên Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Đồng Văn, Quản Bạ (Hà Giang), Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La) và những nơi có đồi núi, rừng nguyên sinh như ở Sơn Động, (Bắc Giang), miền Tây Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An…được ví như bức tranh tuyệt tác vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của núi rừng, có đầy đủ mọi điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng các khu du lịch hiện đại và Du lịch Cộng đồng ở miền núi.

tm-img-alt
Bản làng người Giáy ở Tả Van, thị xã Sa Pa là điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách trong nước và quốc tế

Bên cạnh đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ còn có những rừng cọ, đồi chè, vườn cây ăn quả, những đỉnh đồi lượn theo thung lũng và cánh đồng ngát xanh men theo các dòng sông đỏ nặng phù sa, tạo nên một cảnh sắc quen thuộc gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam. Bằng vẻ hùng vĩ cộng với không gian khoáng đạt, cảnh vật tĩnh mịch, êm đềm và môi trường trong lành, vùng này đã tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ và cảm xúc sâu đậm cho mọi du khách.

Mặt khác, nơi đây còn có những hệ thống hang động của địa hình Kasxto thuộc vùng núi đá vôi. Các nhà khoa học đã phát hiện hơn 20 hang có giá trị khảo cổ Thời kỳ đồ đá, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu và Hòa Bình. Ngoài giá trị thiên nhiên, các hang động này còn có các sự tích hoặc gắn với các sự kiện lịch sử như Hang Pắc Bó (Cao Bằng). Du lịch sinh thái tập trung chủ yếu ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên vốn rất phong phú gồm 49 khu bảo tồn tự nhiên, 5 vườn quốc gia và 20 khu rừng văn hóa-lịch sử-môi trường, với những danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc, hồ Thác Bà, hồ sông Đà, Thác Bản Giốc, Thác Bạc…

Đặc biệt, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ rất có ý nghĩa về lịch sử cội nguồn. Nhiều di tích gắn bó với truyền thuyết và lịch sử dân tộc như Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Hùng (Phú Thọ); di tích lịch sử gắn với từng giai đoạn cách mạng như Hang Pắc Bó (Cao Bằng), Cây đa Tân Trào và An toàn khu ở Tuyên Quang, Di tích lịch sử Điện Biên Phủ…đang tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trên vùng đất này phát triển mạnh về du lịch để xóa nghèo vươn lên làm giàu bền vững.

2.2.2. Thực trạng phát triển Du lịch Cộng đồng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Trong khoảng 15 năm qua, có một số mô hình Du lịch Cộng đồng phát triển khá thành công như ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Tho, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hoá (tỉnh nào cũng có). Những mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, bước đầu nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động Du lịch Cộng đồng tại Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ còn tồn tại nhiều hạn chế như:

- Chưa có sự đầu tư bài bản, đa số địa phương chưa có quy hoạch tổng thể ở cấp tỉnh và vùng miền, dẫn đến tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể làm biến dạng văn hóa; sản phẩm;

- Dịch vụ nghèo nàn, kém hấp dẫn nên hầu hết số khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài chỉ đến có một lần.

- Việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, người dân làm Dịch vụ Du lịch Cộng đồng còn mang tính phong trào, hình thức, chưa đi vào thực chất, thiết thực.

 - Hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Du lịch Cộng đồng còn nhiều hạn chế.

- Số đông các hộ đồng bào làm tự phát, mò mẫm, thiếu sự kết nối với các hem Lữ hành trong và ngoài nước

III. Những bài học kinh nghiệm và một số đề xuất về góp phần Phát triển Du lịch Cộng đồng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

3.1. Những bài học kinh nghiệm

Từ thực tế về phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương trong cả nước, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

- Giáo dục nhận thức và nâng cao hiểu biết cho cán bộ, nhân viên ngành Du lịch, nhất là cho cộng đồng dân cư về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng, trong đó đặc biệt chú ý những vấn đề về môi trường, về ý nghĩa của phát triển Du lịch Cộng đồng.                                

- Huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng tham gia phát triển Du lịch Cộng đồng, đặc biệt cần huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức như Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên… Chú ý huy động sức dân tự nguyện làm du lịch để hem thu nhập của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.

- Các cơ quan Quản lý Nhà nước về Du lịch cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho dân cư về cách làm Du lịch Cộng đồng, về các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch như lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, hướng dẫn du lịch… kể cả vấn đề quản lý, phân chia lợi ích kinh tế trong phát triển du lịch.                    

Cơ quan Quản lý Nhà nước về Du lịch và chính quyền địa phương cần có hướng dẫn và có các qui định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội – nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên, vệ sinh nhà ở, thôn xóm, vệ sinh an toàn thực phẩm; tránh tình trạng bê tông hóa. Đồng thời có những quy định cụ thể (bằng tiếng Việt và Tiếng Anh) và hướng dẫn để khách du lịch hiểu và tôn trọng luật pháp Việt Nam, phong tục, tập quán địa phương.            

Cần có các chính sách khuyến khích phát triển Du lịch Cộng đồng như chính sách thuế, chính sách cho vay tín dụng, chính sách đào tạo nhân lực, đặc biệt là cần chủ động giúp cộng đồng quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.           

Nhà nước (các cơ quan quản lý du lịch) giúp cộng đồng dân cư kết nối với các hem lữ hành trong và ngoài nước và kết nối với nhau để có nguồn khách và để cùng phát triển du lịch. Đồng thời giúp các tổ chức du lịch cộng đồng quảng bá sản phẩm, hình ảnh du lịch cộng đồng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Việc phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt, làm theo phong trào mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là công tác tìm hiểu thị trường khách, quảng bá và các điều kiện phục vụ khách. Không tính đầy đủ các yếu tố này thì dễ đi đến thất bại.

Nhà nước cần có sự khen thưởng, động viên khuyến khích các hộ dân, các doanh nghiệp làm tốt du lịch cộng đồng, có sự đóng góp tích cực cho xã hội. Đồng thời  nhân rộng điển hình trong tỉnh, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ngoài tỉnh để làm tốt hơn du lịch cộng đồng.

Cơ quản quản lý nhà nước về du lịch (Tổng cục Du lịch) nên nghiên cứu và cung cấp cuốn “Sổ tay hướng dẫn du lịch cộng đồng” làm tài liệu tham khảo cho các địa phương, cho cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch đang có xu hướng phát triển mạnh hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Để phát triển du lịch cộng đồng đúng cách, có hiệu quả và bền vững thì việc nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, thực hiện những giải pháp đồng bộ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam ngày càng phát triển.

3.2. Một số đề xuất góp phần Phát triển Du lịch Cộng đồng ở Vùng Trung du và miến núi Bắc Bộ

Những nội dung phát triển Du lịch Cộng đồng ở vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có rất nhiều, nhưng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Hội Hỗ trợ Phát triển kinh tế Miền núi Việt Nam và trong phạm vi bài tham luận này, tôi xin đề xuất ba nội dung sau đây:

3.2.1. Về tham gia Tư vấn lập Quy hoạch, Đề án Phát triển Du lịch Cộng đồng của các địa phương trong Vùng

Hội Hỗ trợ Phát triển kinh tế Miền núi Việt Nam (sau đây xin gọi tắt là Hội) chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc, các hội viên tổ chức, các hội viên, có chức năng, có năng lực chuyên môn xúc tiến các công việc sau:

  1. Liên hệ với các tỉnh trong Vùng để nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cho các địa phương hoàn thiện hoặc xây dựng mới Quy hoạch, Đề án Phát triển Du lịch Cộng đồng.
  2. Tham gia tư vấn cụ thể hoá, chi tiết hoá (hướng dẫn triển khai thực hiện) Quy hoạch, Đề án Phát triển Du lịch Cộng đồng cấp tỉnh, huyện, xã
  3. Tham gia khảo sát, nghiên cứu phát hiện, khai thác các tài nguyên Du lịch Cộng đồng cho các địa phương, cơ sở có nhiều tiềm năng
  4. Tư vấn và tham gia xây dựng một số mô hình làm Du lịch Cộng đồng kiểu mẫu đạt chuẩn quốc gia.
  5. Đồng tổ chức các Hội nghị (Trao đổi và ký cam kết, liên kết giữa các vùng, địa phương…) Hội thảo chuyên đề…

3.2.2. Tham gia Đào tạo Nhân lực

Hội chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc, các hội viên tổ chức, các hội viên, có chức năng, có năng lực chuyên môn xúc tiến các công việc sau:

  1. Liên hệ với các Cơ quan, Tổ chức ở Trung ương, trước hết là Uỷ ban Dân tộc Chính phủ; Bộ Kế hoạch – Đầu tư; Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, huyện trong Vùng để được tham gia vào thực hiện các Chương trình, Dự án, Đề án Phát triển Kinh tế - Xã hội nói chung và Du lịch Cộng đồng nói riêng bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.
  2. Xúc tiến vận động các Hội viên của Hội, các Tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân (mạnh thường quân) hỗ trợ giúp kinh phí để tổ chức Đào tạo Nhân lực.
  3. Phối, kết hợp với các địa phương, cơ sở tổ chức các khoá Đào tạo nhân lực bao gồm các khoá ngắn hạn cho Cán bộ quản lý Nhà nước về Du lịch, khoá đào tạo, bồi dưỡng về Nghiệp vụ cho đồng bào làm Du lịch Cộng đồng. Về kinh phí các khoá học này sẽ được ưu đãi, giảm học phí… Lưu ý là đối với các khoá học giảng dạy cho đồng bào chủ yếu sử dụng phương pháp “cầm tay chỉ việc”.
  4. Đồng tổ chức cùng địa phương, cơ sở đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm làm Du lịch Cộng đồng cho Cán bộ, hộ dân tại các nơi trong và ngoài Vùng để nâng cao nhận thức, quyết tâm và có kinh nghiệm triển khai, để tránh các sai lầm đáng tiếc.
  5. Đồng tổ chức với các địa phương, cơ sở trong Vùng các Hội Thi Nghiệp vụ Du lịch Cộng đồng (Nghiệp vụ Lưu trú; Chế biến món ăn dân tộc; Hướng dẫn tham quan; Giới thiệu sản phẩm và Bán hàng…)

3.2.3. Tư vấn và tham gia truyền thông, quảng bá về Du lịch Cộng đồng

Đây cũng là một trong những thế mạnh thuận lợi của Hội mà có thể xúc tiến hỗ trợ phát triển Du lịch Cộng đồng trong Vùng. Trước mắt cũng như lâu dài có thể tập trung một số công việc sau:

  1. Cử chuyên gia hướng dẫn hoạt động truyền thông cho các khoá Đào tạo, Bồi dưỡng Nhân lực làm Du lịch Cộng đồng.
  2. Viết bài về Phát triển Du lịch Cộng đồng trên Trang điện tử của Hội
  3. Đăng quảng cáo các Chương trình Du lịch Cộng đồng trong Vùng trên Trang điện tử và các ấn phẩm của Hội.
  4. Tư vấn về phương pháp Khai thác các nguồn khách trong và ngoài nước
  5. Tư vấn về Tổ chức hoạt động Xúc tiến Du lịch Cộng đồng (Hội nghị; Hội thảo; Hội chợ; Triển lãm… ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]    Quỹ  Châu  Á,  Viện  Nghiên  cứu  phát  triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (2012), Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, Hà Nội.

[2]    ASEAN  (2016),  ASEAN  community  -  based tourism, Secretariat, Jakarta.

[3] Ashley.C(2006), How can   governments boost the  local  economic impacts of tourism?, Options and Tools, ODI, London, The UK and SNV, The Hague the Netherlands.

[4]    Brohman.J (1996), “New Directions in Tourism for the

Third  World”,  Annals  of Tourism Research, Vol.23, No.1.

[5]   Nghị quyết số 11 – NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

[6]  Một số bài viết của các đồng nghiệp trên mạng Internet

[7]  Đề án Phát triển Du lịch Cộng đồng (2021 – 2030) của UBND tỉnh Bắc Giang

[8]  Tài liệu Hướng dẫn Phát triển Mô hình Nông nghiệp Sinh thái bền vững kết hợp Du lịch. (Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên – 2021) thuộc Dự án Chương trình Nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn

ThS. Vũ Thế Phiệt

Giám đốc Cty CP Đào tạo – Dịch vụ Miền Bắc

Bạn đang đọc bài viết Du lịch cộng đồng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...