Thứ hai, 29/04/2024 03:04 (GMT+7)

F0 mức độ nhẹ và không triệu chứng nên ăn uống như thế nào?

PV (T/h) -  Thứ sáu, 04/03/2022 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê có hơn 80% F0 không có triệu chứng. Tuy nhiên, F0 mức độ nhẹ và không triệu chứng vẫn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo sức khỏe và nhanh chóng cải thiện thể trạng.

1. Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị COVID-19 mức độ nhẹ, không triệu chứng

Suy dinh dưỡng có thể là yếu tố tác động tiêu cực đến khả năng của hệ miễn dịch, hay nói cách khác là gây suy giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân nhiễm trùng, trong đó có SARS CoV 2. Sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến Covid 19 theo nhiều khía cạnh, bao gồm mức độ nghiêm trọng, thời gian phục hồi, khả năng xảy ra biến chứng và tỷ lệ tử vong.

Chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ kết hợp với phác đồ điều trị phù hợp vừa hỗ trợ ngăn ngừa và khắc phục tình trạng nhiễm virus, đặc biệt là ở những bệnh không triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, vừa góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng như cá nhân và gia đình người bệnh.

Mục đích của liệu pháp dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid 19:

  • Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, cân đối theo nhu cầu từng nhóm tuổi, từng trường hợp bệnh riêng biệt;
  • Phòng ngừa hiện tượng teo cơ hay suy dinh dưỡng;
  • Đối với F0 là trẻ nhỏ cần đảm bảo duy trì quá trình tăng trưởng và phát triển theo độ tuổi của bé.
tm-img-alt

2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho F0 mức độ nhẹ và không triệu chứng

F0 nên ăn uống như thế nào? Để trả lời câu hỏi này người bệnh cần thực hiện theo những nguyên tắc chung sau đây:

  • Duy trì chế độ ăn uống như bình thường, đảm bảo đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng thông qua các loại thực phẩm đa dạng để thể trạng, thể chất được duy trì bình thường;
  • Bổ sung vào chế độ ăn thêm 1 đến 2 bữa phụ (có thể bao gồm sữa, các chế phẩm từ sữa...), đặc biệt khi kèm theo sốt, ho, mệt mỏi, ăn kém;
  • Tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu protein (từ thịt, cá, đậu, các loại hạt) để tránh teo cơ và tăng cường miễn dịch;
  • Tăng cường bổ sung trái cây tươi, các loại rau xanh, một số gia vị (như tỏi, gừng) để cải thiện sức đề kháng;
  • Bổ sung đủ nước, trung bình khoảng 2 lít mỗi ngày hoặc nhiều hơn kèm theo dấu hiệu sốt, tiêu chảy.

2.1. Chế độ ăn đầy đủ và cân đối

  • F0 ăn gì? Bệnh nhân Covid 19 cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, sữa và chế phẩm từ sữa, nhóm lipid, các loại rau củ (ưu tiên rau có màu vàng hoặc xanh thẫm), thịt cá, trứng, các loại hạt...;
  • Không tự ý bỏ bữa: Người bệnh cần đảm ăn đầy đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ;
  • Hạn chế bổ sung quá nhiều thực phẩm ngọt, tốt nhất lượng đường nên dưới 10% tổng năng lượng bổ sung;
  • Không tự ý kiêng cữ các loại thực phẩm nếu không bị dị ứng thực phẩm;
  • Người gầy và trẻ nhỏ cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm hay món ăn giàu năng lượng và chất đạm (protein).

2.2. Chế độ dinh dưỡng an toàn

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhưng phải đảm bảo an toàn theo các nguyên tắc sau:

  • Không sử dụng đồ ăn uống quá mặn, quá ngọt hay chứa cồn (như rượu, bia);
  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không ăn thức ăn ôi, thiu hay quá hạn sử dụng;
  • Sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cần theo đúng hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

3. Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm cho F0 3.1. F0 nên ăn uống gì?

  • Các loại thực phẩm bổ sung tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn...;
  • Các loại hạt;
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa;
  • Các loại thịt, cá, tôm...;
  • Các loại trứng: trứng vịt, trứng gà, trứng cút...;
  • Dầu thực vật, dầu oliu, dầu cá...;
  • Các loại rau củ;
  • Hoa quả tươi.

F0 kiêng ăn gì?

  • Các loại mỡ nguồn gốc động vật hay các loại phủ tạng;
  • Thực phẩm quá mặn do chứa nhiều muối như thực phẩm đóng hộp, dưa hay cà muối...;
  • Nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt;
  • Các loại thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá...

4. Nhu cầu dinh dưỡng cho F0 nhẹ và không triệu chứng

4.1. Nhu cầu dinh dưỡng cho F0 là người trưởng thành

  • Năng lượng cơ bản: Khoảng 30-35 kcal/kg cân nặng/ngày, trong đó chất đạm chiếm 15-20%, chất béo 20-25%, chất đường bột 50-65% tổng năng lượng;
  • Cung cấp đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, D, E, nguyên tố kẽm và selen. Số lượng rau xanh nên cung cấp khoảng 300g/ngày, hoa quả tươi khoảng 200g/ngày;
  • Lượng chất xơ cung cấp khoảng 18-20g/ngày;
  • Lượng muối cung cấp khoảng 5g/ngày;
  • Bổ sung lượng nước theo nhu cầu, nên sử dụng nước ấm và chia nhiều lần uống trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống nước khi thấy khát. Bên cạnh nước lọc, bệnh nhân Covid 19 có thể lựa chọn thêm nước ép hoa quả hoặc dung dịch Oresol để tăng cường bổ sung các chất điện giải.

4.2. Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em

Theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ định kỳ thông qua cân nặng và lượng thức ăn trẻ bổ sung mỗi ngày;

Chế độ dinh dưỡng cân đối 4 yếu tố chính: lipid, vitamin và khoáng chất, các chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate), chất đạm (từ động vật và thực vật). Lưu ý trong ngày phải có ít nhất 1 bữa ăn có khẩu phần cân đối;

Mỗi ngày trẻ phải được bổ sung ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm, bao gồm tinh bột, sữa và chế phẩm sữa, dầu mỡ, rau củ, thịt cá, trứng, các loại hạt, rau củ màu vàng hoặc xanh thẫm;

Hạn chế sử dụng thức ăn quá ngọt, lượng đường bổ sung nên dưới 5% tổng năng lượng ăn vào;

Cung cấp đủ lượng nước nhu cầu, đặc biệt tăng cường nước ép trái cây tươi và không dùng nước ngọt công nghiệp;

Khuyến khích trẻ 1-2 tuổi bổ sung sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày, trẻ trên 2 tuổi 500ml/ngày;

Tránh các loại thức ăn dễ gây buồn nôn, nôn ói và thay bằng món ăn hợp khẩu vị, dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.

tm-img-alt
--

F0 không triệu chứng cần ăn đa dạng, đủ nhu cầu

Với F0 không triệu chứng, cần có một chế độ ăn như người khỏe mạnh bình thường. Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, tốt nhất là 15 - 20 thực phẩm thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày.

Nên sử dụng chất đạm đa dạng từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau và ngay cả trong một nguồn thực phẩm động vật hoặc thực vật.

Tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như cá, hải sản, trứng, sữa và các chế phẩm của sữa, thịt gia cầm, các loại đậu đỗ, đậu tương và sản phẩm từ đậu tương...

Sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, các loại đậu đỗ, dầu thực vật, hạn chế các chất béo từ các thịt gia cầm như gà, vịt, thịt động vật như lợn, bò...

Không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sĩ. Người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa. Tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn.

Cân đối đạm động vật và đạm thực vật

Khẩu phần ăn hàng ngày cho F0 không triệu chứng cần có sự phối hợp với tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...) cũng như chất béo động vật và thực vật.

Với người trưởng thành: Nên ăn chất đạm động vật theo tỉ lệ khoảng 30-50% tổng số chất đạm, tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng số là dưới 60%. Tuổi càng cao thì nên ăn lượng protein từ động vật vừa phải, cần bổ sung lượng protein hợp lý theo tỷ lệ là 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật.
Với trẻ nhỏ: Nguồn đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Vì vậy, lượng protein cung cấp cho cơ thể hàng ngày nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật.

Ăn nhiều rau xanh và trái cây

Người bệnh F0 không triệu chứng khi điều trị tại nhà cần tăng cường sử dụng rau xanh và hoa quả trong bữa ăn hàng ngày, vì rau quả cung cấp các vitamin và khoáng chất chống ôxy hóa. Các vitamin A, C, D, E và chất khoáng như sắt, kẽm… có vai trò trong chống viêm, chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng và miễn dịch. Nhu cầu rau xanh là 300-400g/người/ngày và quả chín 200-300g/người/ngày.

Uống đủ nước

Với người trưởng thành, cần bổ sung từ 1,6-2,4 lít nước/người/ngày (tương đương 8-12 ly thủy tinh). Việc lựa chọn nước uống để bổ sung thêm là các loại nước như oresol, nước dừa, sinh tố hoa quả, nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài, rau má… Ngoài cung cấp nước, chúng còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Không nên sử dụng rượu, bia vì khó cho việc theo dõi diễn biến của bệnh. Hạn chế sử dụng các loại nước ngọt, các loại nước có gas.

Tăng cường các loại gia vị

Khi chế biến bữa ăn nên dùng thêm các loại gia vị như hành, tỏi, củ sả, gừng… vì ngoài vitamin và khoáng chất, chúng còn có chất kháng sinh thực vật giúp tăng cường sức đề kháng cho người bệnh bị F0 không triệu chứng.

Đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến. Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu.

Lựa chọn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp nâng cao thể trạng

Vitamin A: Có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, xoài, bông cải xanh, rau cải bó xôi... Thực phẩm giàu vitamin A giúp duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc của người bệnh F0 không triệu chứng.

Vitamin C: Các loại hoa quả, trái cây và rau tươi chứa nhiều vitamin C như bưởi, chanh, kiwi, ổi, dâu tây, đu đủ, cam, ớt chuông… Vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp. Mỗi ngày, cơ thể cần được cung cấp 85mg vitamin C.

Vitamin D: Giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nhu cầu vitamin D hàng ngày của cơ thể là 15mcg. Người mắc COVID-19 không triệu chứng cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như cá chép, trắm cỏ, lươn, trạch, sữa, lòng đỏ trứng, ngũ cốc… Nên tiếp xúc với ánh nắng 15-30 phút mỗi ngày (cách ly trong phòng thoáng, có cửa sổ có ánh nắng mặt trời).

Kẽm: Có vai trò điều hoà miễn dịch, điều hoà các phản ứng viêm. Nhu cầu kẽm ở nam giới là 10mg/ngày, nữ giới là 8mg/ngày. Kẽm có nhiều trong các loại thịt gia cầm, các loại động vật có vỏ và hải sản như hàu, sò, thịt bò, lòng đỏ trứng, sữa bột, cua ghẹ, các loại hạt như đậu, vừng…

Vitamin E: Giúp thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch. Những thực phẩm chứa nguồn vitamin E dồi dào là đậu nành, giá đỗ, rau mầm...

Selen: Có trong gạo lứt, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, cá, tôm, rong biển... Đây là chất chống ôxy hóa mạnh, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng.

Omega 3 đóng vai trò cải thiện hệ miễn dịch, chống viêm. Chất này có nhiều trong cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu, dầu gan cá, hạt macca, hạt óc chó, hạt chia...

Flavonoid là chống ôxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể, đến từ các loại rau gia vị như húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh.

Probiotic từ phô mai, sữa chua giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Bạn đang đọc bài viết F0 mức độ nhẹ và không triệu chứng nên ăn uống như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.