Thứ sáu, 26/04/2024 09:17 (GMT+7)

Giá nước sạch được Bộ Tài chính đề xuất giảm như thế nào?

MTĐT -  Thứ ba, 13/10/2020 08:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Tài chính đang gửi xin ý kiến dự thảo Thông tư quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Cấp thiết sửa đổi, bổ sung Thông tư 75

Giá nước sạch hiện đang được quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của liên Bộ Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 75).

Sau 8 năm thực hiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch đã có nhiều thay đổi, điều kiện sản xuất kinh doanh, định hướng quản lý giá của nhà nước cũng có nhiều điểm mới. 

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, về mặt pháp lý hiện nay đã có nhiều văn bản quy định về định giá nước. Theo đó, các văn bản pháp lý đã quy định rất chi tiết, cụ thể về nguyên tắc định giá nước, phương pháp xác định giá nước, thẩm quyền quyết định giá nước. Trong đó, về thẩm quyền quyết định giá nước, Bộ Tài chính ban hành khung giá nước sạch sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc, còn UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án giá nước và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn do địa phương quản lý, phù hợp với khung giá nước chung.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về định giá nước có quy định, giá nước phải tính đúng, tính đủ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đến nay, hầu hết các địa phương chưa xây dựng được hoặc không xây dựng định mức dự toán sản xuất nước sạch, do đó, đây là “kẽ hở” khiến một số doanh nghiệp cung cấp nước có thể lợi dụng để lập phương án giá nước sai, không đúng quy định hoặc có thể dẫn đến những tiêu cực trong quá trình phê duyệt phương án giá nước.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, sản lượng cung ứng nước sạch trung bình của các đơn vị cả đô thị và nông thôn giai đoạn năm 2016 - 2018 tăng ở mức 3,93% - 7,46%, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hàng năm tăng khoảng 3,6% - 7,8% giai đoạn năm 2016 - 2018.

Bên cạnh đó, việc quy định tỷ lệ hao hụt nước sạch tối đa, cơ chế thưởng từ việc giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình sản xuất, cung ứng nước để tính trong giá tiêu thụ nước sạch đã tạo ra tác động tích cực giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình chống thất thoát, thất thu nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Quy định hiện hành cũng đã góp phần tăng cường tính minh bạch trong công tác xây dựng giá nước sạch, thẩm định và ban hành giá nước sạch sinh hoạt; hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá thành toàn bộ đối với nước sạch. Đáng chú ý, nước sạch khu vực nông thôn đã được quy định phương pháp xác định riêng.

Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình thực hiện của các địa phương và quá trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng nước sạch cho thấy, quy định hiện hành đã phát sinh nhiều bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.

Trên thực tiễn, đã xuất hiện các vướng mắc, tranh chấp liên quan đến việc áp giá nước. Đơn cử, Thông tư liên tịch số 75 quy định riêng giá nước cho đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp bao gồm trường học, bệnh viện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, khi có nhiều bệnh viện, trường học tư kinh doanh dịch vụ công với mô hình doanh nghiệp, thì áp giá hành chính, sự nghiệp hay áp giá kinh doanh, dịch vụ? Trên thực tế đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa các đơn vị là bệnh viện, trường học tư với doanh nghiệp nước sạch và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định giá nước. 

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 75 là cấp thiết nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện cho các đơn vị cấp nước, cơ quan quản lý thực hiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng nước.

Đề xuất thay đổi quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch

Theo dự thảo, khung giá nước sạch sinh hoạt áp dụng cho bán buôn và bán lẻ nước sạch được quy định theo 3 nhóm khác so với cách chia 3 nhóm theo thông tư hiện hành, với 3 khung giá tương ứng đều thấp hơn so với thông tư hiện hành.

Cụ thể, hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực đô thị và khu công nghiệp có giá tối thiểu là 3.000 đồng/m3 và giá tối đa là 18.000 đồng/m3.

Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực nông thôn có giá tối thiểu là 2.000 đồng/m3 và giá tối đa là 11.000 đồng/m3.

Công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy có giá tối thiểu là 500 đồng/m3 và giá tối đa là 7.000 đồng/m3

Trong khi đó, Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 88 của Bộ Tài chính thì khung giá nước tiêu thụ nước sạch sinh hoạt được quy định gồm 3 loại.

Cụ thể, đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 giá nước tối tiểu là 3.500 đồng/m3 và giá tối đa 18.000 đồng/m3.

Đô thị loại 2, 3, 4 và 5, giá nước tối tiểu là 3.000 đồng/m3và giá tối đa là 15.000 đồng/m3.

Nước sạch khu vực nông thôn giá nước tối tiểu là 2.000 đồng/m3 và giá tối đa là 11.000 đồng/m3.

Trường hợp đặc thù như vùng nước ngập mặn, vùng ven biển, vùng có điều kiện sản xuất nước khó khăn, chi phí sản xuất và cung ứng nước sạch sinh hoạt cao hơn mức giá tối đa của khung giá do Bộ Tài chính ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cho phù hợp.

Dự thảo nêu rõ Nguyên tắc xác định giá bán nước sạch như sau: Giá bán nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ (bao gồm cả chi phí duy trì đấu nối) để các đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố hoặc ban hành và lợi nhuận định mức hợp lý của khối lượng nước thương phẩm do các tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc thực hiện tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn và bán lẻ nước sạch theo quy định của Quy chế tính giá do Nhà nước ban hành và hướng dẫn tại Thông tư này.

Các đơn vị cấp nước bán lẻ nước sạch cho cả mục đích sinh hoạt và mục đích khác ngoài sinh hoạt, căn cứ giá nước sạch cho sinh hoạt do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định, tự quyết định giá nước sạch cho mục đích ngoài sinh hoạt đảm bảo cơ chế bù giá giữa các nhóm khách hàng có mục đích sử dụng khác nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Giá bán nước sạch của đơn vị cấp nước cho mục đích sinh hoạt hoặc cấp nước đồng thời cho mục đích sinh hoạt và mục đích khác ngoài sinh hoạt được xem xét điều chỉnh tối đa một lần một năm, khi các yếu tố chi phí biến động ảnh hưởng đến phương án giá nước. Giá nước sạch của đơn vị chỉ cấp nước cho mục đích khác ngoài sinh hoạt do đơn vị cấp nước quyết định việc điều chỉnh trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng sử dụng nước.

Hàng năm, sau khi chốt số liệu sản xuất, kinh doanh nước sạch, đơn vị cấp nước căn cứ báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm để xem xét, chủ động đề xuất điều chỉnh giá cho năm tiếp theo.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ./.

PV (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Giá nước sạch được Bộ Tài chính đề xuất giảm như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.