Thứ hai, 29/04/2024 13:03 (GMT+7)

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

MTĐT -  Thứ sáu, 27/10/2023 09:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 26/10, VCCI đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”.

Theo VCCI, hiện nay, Việt Nam có trên 850 nghìn doanh nghiệp nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), với quy mô vốn và lao động nhỏ bé. Quy mô nhỏ, thiếu vốn và công nghệ cũng như các vướng về cơ chế chính sách đang hạn chế  năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

tm-img-alt
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hằng Trần

Tại Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tiềm năng, cơ hội để phát triển hoạt động xuất khẩu là rất lớn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu, ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, cùng với sự phát triển của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số, xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử…là những động lực quan trọng cho phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, là những cơ hội lớn để mỗi quốc gia mang sản phẩm, hàng hoá của mình đến với toàn thế giới, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường.

Tuy nhiên thực tế cũng còn không ít những thách thức đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh, chất lượng hàng hóa, quy định cần tuân thủ của các thị trường xuất nhập khẩu; khó khăn của doanh nghiệp trong tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các thị trường mới, tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường xuất nhập khẩu.

Các báo cáo PCI của VCCI thực hiện trong những năm gần đây đều cho thấy tiếp cận tín dụng và tìm kiếm khách hàng luôn là hai vấn đề khó khăn nhất doanh nghiệp gặp phải. Đây cũng chính là hai vấn đề quan trọng cần tháo gỡ để có thể thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội Viện trưởng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cũng chỉ ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng lớn nhưng chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng xuất nhập khẩu cả nước.

Nguyên do, năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của đối tượng này còn thấp và chậm được cải thiện, nhất là đối với các mặt hàng chế biến, chế tạo, hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu hay quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Cơ hội tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và việc thụ hưởng thành quả từ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa đồng đều so với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

Nguyên nhân nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu, yếu về các chiến lược, không có chiến lược kinh doanh bài bản theo hướng khai thác lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế. Do thiếu kiến thức và kỹ năng hoạt động kinh doanh trên thị trường thế giới, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát sinh cạnh tranh lẫn nhau, thiếu tính liên kết và không có thương hiệu trên thị trường thế giới.

Để tháo gỡ những khó khăn còn tồn đọng trong hoạt động xuất nhập khẩu cho các DNNVV Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Hội cũng đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. DNNVV cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển xuất nhập khẩu bền vững. DNNVV cần tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu, tập trung tiếp cận các thị trường mới và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau.

Cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Hội cũng cho rằng, DNNVV cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin liên quan đến thị trường xuất khẩu, pháp luật về hoạt động kinh doanh, thương mại, các nhà nhập khẩu tiềm năng, cùng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và môi trường, đóng gói và nhãn hiệu, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của DNNVV để tuân thủ và thực thi hiệu quả.

Cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong DNNVV đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với đa dạng các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế.

“Cuối cùng, về chính sách tài chính, tín dụng, cần có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển xuất khẩu của các DNNVV”. - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Một giải pháp nữa rất quan trọng được bà Cao Cẩm Linh- Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam đề xuất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh. Theo bà Linh, phải là chuyển đổi thực sự, có chiến lược dài hạn, đầu tư. Có như vậy doanh nghiệp mới đáp ứng các quy định và theo nhịp xu hướng phát triển bền vững, có đơn hàng xuất khẩu.

Đại Phong (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.