Thứ bảy, 27/04/2024 19:26 (GMT+7)

Hà Giang: Hiệu quả khi cộng đồng cùng tham gia bảo tồn Voọc mũi hếch

Đan Vy -  Thứ tư, 20/12/2023 14:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 19/12, tại Hà Giang đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác bảo tồn Voọc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng.

Hội nghị được tổ chức bởi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang phối hợp Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (FFI) nhằm đánh giá kết quả năm 2023 và đề ra nhiệm vụ cho năm 2024 với sự tham gia của đại diện từ các sở, ngành và lãnh đạo các xã thuộc vùng dự án.

Hà Giang: Hiệu quả khi cộng đồng cùng tham gia bảo tồn động thực vật hoang dã
Hội nghị Tổng kết công tác bảo tồn Voọc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng. Ảnh: Báo Hà Giang

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), cùng sự phối hợp chặt chẽ từ các sở ngành và xã vùng dự án, Tổ chức FFI và Chi Cục Kiểm lâm đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn sinh cảnh và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng. Kết quả là, số lượng cá thể Voọc tăng từ 60 lên 160 cá thể, đồng thời nhiều loài thực vật quý cũng được bảo tồn và tái sinh.

Trong suốt năm 2023, các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác quản lý, bảo vệ rừng liên quan đến bảo tồn Voọc mũi hếch và loài Ngọc Lan đã diễn ra tại 23 thôn, với sự tham gia của 1.768 người.

Đàn Voọc mũi hếch ở Khau Ca (Hà Giang) được bảo tồn và phát triển tốt. (Ảnh: Lê Khắc Quyết/FFI)
Đàn Voọc mũi hếch ở Khau Ca (Hà Giang) được bảo tồn và phát triển tốt. (Ảnh: Lê Khắc Quyết/FFI)

Bên cạnh đó, đã có 8 vụ vi phạm được phát hiện và xử lý, bao gồm bắt giữ động vật quý Culi, cây gỗ quý Muồng, Nghiến… Công tác trồng mới cũng đã đạt được kết quả tích cực với 8.800 cây Nghiến, 6.000 cây Nhội, cũng như tham gia vào "Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025" với hơn 15.000 cây Dổi.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất giải pháp, hướng đi cho năm 2024 với những nhiệm vụ chủ yếu như tổ chức truyền thông tại các thôn, bản để nâng cao nhận thức cộng đồng; thường xuyên tuần rừng thông qua tổ tuần rừng hoặc phối hợp với chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn; giải quyết các vụ vi phạm theo thẩm quyền; hỗ trợ các hoạt động bảo vệ nhằm giảm thiểu mối đe dọa đối với các loài thực vật nguy cấp và phát triển vùng đệm.

Đây là những bước quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ở Hà Giang, đồng thời là sự cam kết và hành động thực tế của cộng đồng và các tổ chức đối tác.

Theo một báo cáo tại Lễ hội bảo tồn Voọc mũi hếch năm 2022 - Monkey Day 2022: Từ khoảng 60 cá thể vào năm 2002, quần thể Voọc mũi hếch tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca (Hà Giang) đã phát triển lên khoảng 160 cá thể, cho thấy hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển loài linh trưởng quý hiếm này của tỉnh Hà Giang. 

Voọc mũi hếch là loài động vật cực kỳ quý hiếm, là một trong 25 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp của thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi nạn săn bắt trái phép và môi trường sống bị thu hẹp do diện tích rừng bị tàn phá. Hiện chỉ còn khoảng 200 cá thể, trong số đó có khoảng 160 cá thể đang sinh sống ở vùng rừng núi Hà Giang. 

Bạn đang đọc bài viết Hà Giang: Hiệu quả khi cộng đồng cùng tham gia bảo tồn Voọc mũi hếch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề