Thứ ba, 30/04/2024 01:42 (GMT+7)

Hà Nội và những tiếng rao

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ tư, 26/10/2022 09:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã có một Hà Nội với những tiếng rao độc đáo, in dấu ấn sâu đậm cho không ít người của nhiều thế hệ. Những tiếng rao đã làm nên một Hà Nội thật đáng yêu, đáng nhớ làm sao.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Người Hà Nội đi xa có rất nhiều thứ dể nhớ. Đó là những đường phố “thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè”, là “những công viên vừa mới xây, bước chân ta chưa mòn lối”. Đó là “Hồ gươm xanh thắm, nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng”… Nhiều, nhiều lắm. Không thể kể hết. Tùy vào hoàn cảnh, tâm trạng, những kỷ niệm của mỗi người mà hướng nỗi nhớ của mình đến những gì không thể quên trong cuộc đời. Riêng tôi, có một thứ không bao giờ có thể quên. Đó là những tiếng rao. 

Ngày trước, ở Hà Nội nhiều tiếng rao hơn bây giờ. Và rao cũng hay hơn bây giờ. Có lẽ ngày đó chưa bung ra thời mở cửa với nền kinh tế thị trường kích thích mọi thành phần kinh tế trong sản xuất và kinh doanh nên buôn bán nhỏ lẻ phát triển, trong đó hàng vặt, bán rong trở nên rất quen thuộc. 

Rao nhiều nhất là trong lĩnh vực ẩm thực. Người bán hàng đi rong, tồng tênh quang gánh, thúng mủng chứa đồ nghề vừa đi vừa rao lảnh lót, có khi não nề, có lúc bồi hồi thống thiết nghe vô cùng ấn tượng.

Tôi từng nghe những tiếng rao này thuở còn là sinh viên khi bước chân ra Hà Nội học từ những năm 90 của thế kỷ trước, đặc biệt khó quên vào những ban đêm.

Nhiều khi tôi không thể ngủ vì cứ muốn nghe hoài những tiếng rao cứ lặn hút vào đêm. “Ai bánh khúc, bánh bao, xôi lạc nóng đây!” rồi lại “Ai bánh khúc, bánh bao, xôi lạc nóng nào!”.

Người bán cứ lặp đi lặp lại như thế, chỉ khác tiếng cuối cùng được lần lượt hoán vị giữa hai tiếng “đây” và “nào”. Nghe rất có âm điệu. Chừng vài giây, tiếng rao lại được cất lên.

Tiếng rao cứ nhỏ dần bởi họ đi xa hơn, lẩn vào những ngõ ngách của thành phố. Tâm hồn của một sinh viên “nhà quê” – là tôi – khi ấy cứ nghĩ vẩn vơ và thương người bán dạo : Không biết họ có bán được hàng không mà cứ rao hoài mỏi miệng như thế.

Nhưng có điều lạ là người bán rong không hề bị khản giọng, viêm họng. Mà ngày ấy chỉ rao bằng giọng nói phát âm trực tiếp chứ không có loa khuếch âm chạy bằng pin như bây giờ. 

Hôm nay, người ta nghe những tiếng rao chỉ để thuần túy biết món hàng. Người xướng tên mặt hàng thu sẵn giọng nói vào băng rồi phát tán cho những người đi bán dạo. Đi đến đâu, loa cứ phát oang oang, lắm khi đinh tai nhức óc. Nào là bánh khúc, bánh mỳ, bánh rán, đủ thứ bánh trên đời. Nào là bán quần áo trẻ em, nồi, xoong nhựa… Rồi lại cân trọng lượng cơ thể, đo chiều cao, huyết áp… Đủ thứ tuốt tuồn tuột.

Rao bằng băng, đĩa thu sẵn giọng nói dĩ nhiên là không thể bộc lộ tình cảm gì của người rao bằng phát âm trực tiếp như ngày trước. Những đêm đông rét căm căm mà nghe người bán chí mà phù, lục tào xá rao thì ta cảm thấy như ấm áp hơn. Đặc điểm của những tiếng rao này là bao giờ lời rao cũng rất chậm và tiếng cuối luôn được kéo dài. Giọng họ vang xa mà không bao giờ phải hét to. Nghe rất tình cảm.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. ITN

Hình như người rao để hết hồn mình vào những tiếng rao. Tôi nhớ mãi một chuyện vui, đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại vẫn thấy buồn cười một cách rất thú vị. Một lần, có người đàn ông đi bán mấy thứ bánh trưng, dày, giò. Anh ta rao : “-Bánh chưng, bánh dày, bánh giò đây!” Liền sau đó, anh ta lại cất lời : “-À quên, bánh chưng, bánh dày đây”. Thì ra bánh giò anh ta đã bán hết nên phải xướng lại cho chính xác kẻo người mua mất công gọi. Cũng là một tinh thần trách nhiệm rất cần thiết của người bán bánh dạo! 

Có những thứ không cần phải rao bằng lời nói mà bằng những tín hiệu nào đó. Ví như thịt bò khô là món ăn rất khoái khẩu đối với nhiều người. Những bác bán món này vừa đẩy chiếc xe đựng hàng, vừa luôn tay bóp chiếc kéo tạo nên tiếng kêu “lách tách”. Ai cũng biết đó là ám hiệu của món thịt bò khô vô cùng hấp dẫn.

Lại cũng không phải mọi tiếng rao đều là bán hàng ăn uống mà có khi chẳng liên quan gì đến ẩm thực. Ví như “Quất đây!” là tiếng rao của những người mù đi tẩm quất rong. Một tay họ ôm chiếc chiếu, một tay chống gậy đi khắp các phố phường. Họ hành nghề chủ yếu vào ban đêm, thường vào khoảng thời gian từ 21 đến 23 giờ. Ai muốn tẩm quất đúng nghĩa (lành mạnh) cho rãn xương cốt, hết mỏi mệt hãy gọi những người mù. Trời phú cho họ khả năng phục hồi sức khỏe cho khách rất nhanh chóng. Họ đấm lưng, nắn bóp khiến xương cốt của khách cứ kêu răng rắc.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. ITN

Cần nói thêm, ngày trước, tiếng rao “Quất đây!” không bao giờ gợi lên hành vi gì khác việc đấm bóp cho cơ thể được sảng khoái, và chỉ đàn ông làm việc này, chứ không có chuyện massage trá hình như hôm nay. Bây giờ, bên cạnh nhiều cơ sở massage đúng nghĩa đã có không ít nơi người massage (nữ) chỉ nhằm kích dục cho khách (nam), chứ không có một chút nghiệp vụ tẩm quất gì.

Hà Nội hôm nay nở rộ hàng hóa và các dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người. Xã hội văn minh gắn liền với nhiều hình thức quảng bá sản phẩm hiện đại, tiên tiến như quảng cáo trên truyền hình, mạng xã hội, phát tờ rơi tiếp thị, kinh doanh đa cấp, mời khách trải nghiệm miễn phí… Tuy nhiên, những tiếng rao vẫn không thể thiếu, nhất là đối với những người bán hàng nhỏ, lẻ, đi rong. 

Đã có một Hà Nội với những tiếng rao độc đáo, in dấu ấn sâu đậm cho không ít người của nhiều thế hệ. Những tiếng rao đã làm nên một Hà Nội thật đáng yêu, đáng nhớ làm sao!./. 

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội và những tiếng rao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...