Hải Phòng : Nỗ lực vì môi trường xanh, biến rác thải hữu cơ thành phân bón
Song song với việc tích cực thu gom rác thải, HTX dịch vụ bảo vệ môi trường tại Hải Phòng còn “biến” rác thải hữu cơ thành “tài nguyên” tạo môi trường xanh - sạch - đẹp.
Không để rác tồn đọng
Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có nhiều đơn vị, HTX hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Với phương châm không để rác tồn đọng, tránh ô nhiễm, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Những năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp điện năng An Hưng (huyện An Dương, tp Hải Phòng) (sau đây xin viết tắt là HTX An Hưng) đã tích cực thu gom rác thải, bước đầu đã đem lại hiệu quả, tạo được lòng tin trong cộng đồng dân cư nơi đây.
Hiện, HTX An Hưng đang ký kết hợp đồng thu gom rác với hơn 3.500 khách hàng, mức phí trung bình 40.000đ/hộ/ tháng. HTX An Hưng đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng, tu bổ khu tập kết rác thải tập chung được quy hoạch với diện tích hơn 1500m 2 tại thôn Đoài. Trước kia, rác thải được thu tổng hợp, chưa được phân loại. Đến nay, rác thải đã được phân loại ngay từ khâu thu gom đầu tiên.
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu tập kết rác thải tập chung, phần để rác sau khi thu gom về được bố trí nằm sâu bên trong, cách xa trục đường giao thông. Xung quanh ga rác không phát sinh lượng rác tồn, lượng rác thu gom mỗi ngày trung bình 13 đến 14 khối rác thải sinh hoạt đều được chuyển đi ngay. Ngoài phần diện tích chính là ga tập kết rác còn có nhà để dụng cụ, nhà nghỉ được bố trí phù hợp, đảm bảo sạch sẽ cho nhân viên mỗi khi đi thu gom rác về.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thu gom rác trên địa bàn rộng, tránh tình trạng rác thải rơi vãi, bốc mùi ra môi trường, tạo môi trường xanh. HTX An Hưng tích cực huy động nguồn lực, đầu tư xe tải, vỏ container, máy xúc, lắp đặt camera tại bãi tập kết rác... và đặc biệt HTX còn đầu tư thêm 3 chiếc xe điện để chở rác thay vì dùng xe đẩy tay giúp công nhân đỡ mất sức lao động, thu gom rác nhanh hơn và thân thiện với môi trường.
Ông Đoàn Văn Kiểm- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp điện năng An Hưng cho biết : “Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và nhân công tham gia thu gom rác, HTX đã thông báo người dân để rác tại cổng, ngõ nơi mình sinh sống và lao công sẽ thu gom rác ngay trong ngày không để rác tồn đọng vào ngày hôm sau. Nếu lao công nào để rác tồn đọng lại thì HTX sẽ có hình thức kỷ luật, xử phạt. Lao công làm tốt sẽ có thưởng vào cuối tháng. Các thành viên trong tổ thu gom rác đều là lao động ở địa phương với mức thu nhập của mỗi lao động đạt từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng”.
Biến rác thải thành phân bón
Cũng là đơn vị hoạt động tích cực trong lĩnh vực thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải. HTX Môi trường Thành Vinh (địa chỉ tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, tp Hải Phòng) đang thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác của 4 xã và 1 thị trấn của huyện Kiến Thụy; 5 phường của quận Dương Kinh. Sau thời gian tuyên truyền vận động đến nay, việc phân loại rác đầu nguồn đã đi vào nề nếp, ổn định.
Bên cạnh đó, HTX Môi trường Thành Vinh còn “ấp ủ” ý tưởng biến rác thành “tài nguyên”. Được biết năm 2016, HTX Môi trường Thành Vinh là đơn vị được làm việc với chuyên gia môi trường Nhật Bản, được hướng dẫn cách ủ rác và được tặng men vi sinh, loại men này giúp rác thải hữu cơ phân hủy hoàn toàn chỉ trong vòng vài ngày đến 1 tháng có thể dùng để bón cho cây trồng. Đặc biệt, không rò rỉ nước, không phát ra mùi hôi thối nên không ảnh hưởng đến môi trường. Khi ủ, rác hữu cơ (vỏ hoa quả, rau, củ, thức ăn thừa…), được trộn với vỏ trấu, cám và men vi sinh, sau đó cho vào thùng xốp và phủ 1 lớp vỏ bao lên trên. Hàng ngày, rác thải hữu cơ sẽ được bỏ thêm vào thùng. Sau 1 tháng đem 2/3 lượng phân đó đi bón cây và để lại 1/3 lượng phân lại trong thùng xốp và tiếp tục ủ đợt mới.
Bà Nguyễn Thị Thơm- thành viên tham gia ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh chia sẻ: “lúc đầu tôi có tìm hiểu trên mạng và tự ủ nhưng không thành công, sau khi được bà Mơ - Giám đốc HTX Thành Vinh cung cấp men vi sinh và hướng dẫn cách ủ. Đến nay,các loại rác thải hữu cơ có thể phân huỷ như rau, củ, quả, thực phẩm, thức ăn thừa... đều được tôi cho vào thùng ủ với men vi sinh. Sau 25 - 30 ngày ủ, rác thải hữu cơ sẽ trở thành nguồn phân bón hữu cơ vi sinh sạch để bón cho cây trồng. Nhờ cách làm này, lượng rác thải ra môi trường của gia đình tôi đã giảm đáng kể, đồng thời có nguồn phân bón hữu cơ đảm bảo chất lượng, giúp cây trồng của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt.”
Để nhân rộng mô hình, HTX Thành Vinh đã triển khai nhiều buổi tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ ngay tại hộ gia đình thành phân bón hữu cơ.
Ngoài ra, HTX đã cung cấp cho người dân các thùng chứa, bao lưới để phục vụ công tác phân loại. Đồng thời, hướng dẫn và phát miễn phí hàng trăm nghìn lít men vi sinh về ủ rác hữu cơ cho các hộ gia đình vào chủ nhật hàng tuần. Đến nay, mô hình này đã được phủ sóng trên khắp các quận huyện của thành phố Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác của cả nước. Đặc biệt một số xã của huyện Kiến Thuỵ tp Hải Phòng đảm bảo không có rác hữu cơ xả ra môi trường.
Bà Đoàn Thị Mơ – Giám đốc HTX Thành Vinh cho biết: “ Không phải tự nhiên mà phương pháp này lại được quan tâm và lan toả rộng rãi như vậy. Có vô vàn lợi ích từ việc tận dụng rác thải nhà bếp làm phân bón: Giảm tình trạng lãng phí vì tận dụng được lượng lớn rác trong nhà bếp. Bảo vệ môi trường hiệu quả vì giảm được lượng lớn rác thải ra môi trường.Tạo được nguồn phân bón sạch, tiết kiệm chi phí mua phân bón mà lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Giúp đất có đầy đủ dinh dưỡng và cải tạo đất tốt. Đặc biệt, cách thực hiện đơn giản, nhanh chóng không tốn quá nhiều thời gian, công sức.”
Cũng từ đó, nhóm ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh ra đời đã tập hợp hàng trăm thành viên đam mê ủ rác hữu cơ và tiếp tục lan toả thông điệp tới nhiều người. Không chỉ có sản phẩm là phân bón hữu cơ, bà Mơ và các thành viên khác còn tạo ra sản phẩm là nước tẩy rửa sinh học dùng để rửa bát, lau nhà rất hiệu quả.
Thông qua mô hình dịch vụ vệ sinh môi trường của các HTX đã góp phần tích cực giúp người dân nhận thức rõ trách nhiệm trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường hơn.