Thứ sáu, 03/05/2024 02:11 (GMT+7)

Hàng Việt ứng phó với nguy cơ mất thị phần khi phí logistics tăng

MTĐT -  Thứ ba, 03/08/2021 16:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng hóa Việt Nam đối mặt với nguy cơ mất thị phần, giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp đã nhanh chóng đưa ra giải pháp để thích ứng với hoàn cảnh khó khăn này.

Hàng Việt ứng phó với nguy cơ mất thị phần khi phí logistics tăng cao

Chi phí logistics tăng gấp 3-6 lần

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng năm 2021 đạt 371 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19, song, lưu thông hàng hóa trong nước về cơ bản vẫn được đảm bảo, nhất là các mặt hàng thiết yếu. 

Tuy nhiên, theo báo cáo về Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm khoảng hơn 20% GDP. Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP.

Chia sẻ tại diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng, chống COVID-19” mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, giá cước vận chuyển container đi Mỹ hiện là 9.600 USD/container (40 feet), tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch. Thậm chí chi phí logistics đi TP. New York lập đỉnh mức 18.000-19.000 USD/container, tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch.

Cùng chung nỗi lo về chi phí logistics, ông Nguyễn Liêm - Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt phản ánh, khách hàng của doanh nghiệp chủ yếu đến từ Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ nên khi xuất khẩu, công ty phải gánh thêm chi phí thuê container, cước tàu tăng. Hiện giá thuê container sang EU và Mỹ tăng lên mức 8.000-9.000 USD mà giá trị hàng hóa trong container có lúc chỉ hơn 10.000 USD.

Lý giải nguyên nhân, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời điểm này sức mua trên thế giới đang phục hồi trở lại mạnh mẽ. Các cảng biển cũng khôi phục lại được năng lực bốc xếp. Tuy nhiên, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhu cầu vận chuyển bằng đường biển cũng tiếp tục tăng khiến giá cước vận chuyển bằng đường biển còn duy trì ở mức cao từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, sự song hành giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có sự “lệch pha”. Điều đó làm hạn chế rất lớn về thị trường, tính quốc tế hóa của doanh nghiệp… Và như vậy hàng hóa sẽ thua thiệt trong khả năng cạnh tranh, ông Trần Thanh Hải nói.

Nhìn từ thực tế, chỉ riêng với mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã chịu tác động không nhỏ vì chi phí logistics cao. Đã có không ít các đối tác nhập khẩu từ thị trường Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua hồ tiêu của Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch nhưng chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 và tới EU chỉ bằng 1/10.

Đa dạng cách doanh nghiệp thích ứng

Với vai trò là đại diện ngành logistics, ông Ðào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, việc tăng giá này là theo nhịp điệu chung của thị trường thế giới. Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cần phải giảm chi phí không chính thức trong vận tải đường dài cũng có ý nghĩa lớn trong giảm tổng chi phí vận tải. Bởi, theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu cắt giảm được chi phí này, tổng chi phí vận tải cho chuyến đi hơn 100 km có thể giảm khoảng 13%.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các chuyên gia cho rằng bản thân các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, tìm giải pháp để thích ứng với các biến động.

Hiện đã có không ít các doanh nghiệp nhỏ đang liên kết với doanh nghiệp lớn để "chung chia" container, các doanh nghiệp chưa có lối ra thì đang tạm nằm im chờ cơ hội giá logistics giảm xuống, hoặc chờ cơ hội đàm phán nâng giá bán sản phẩm khi nhu cầu sản phẩm tăng trở lại trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chia sẻ với báo chí, bà Ngô Thu Hồng, Tổng giám đốc Ameii Việt Nam nhấn mạnh, thực tế hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đã cắt giảm tối đa các chi phí khác để bù đắp lại một phần chi phí logictics đang tăng cao. Nhiều doanh nghiệp đã đàm phán với khách hàng để có được sự linh động về thời điểm giao hàng nhằm tránh cước phí logictics quá cao như hiện nay.

Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam làm việc với các hãng tàu về giá vận tải, đồng thời đưa ra những khuyến cáo cho doanh nghiệp Việt Nam.

Về lâu dài, các chuyên gia đề xuất, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân lập hãng tàu vận tải biển, hoặc liên doanh, liên kết với hãng tàu lớn. Bởi, thực tế Việt Nam hoàn toàn không có hãng tàu container nào, việc quyết định giá cước nằm ở tay các hãng nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn bị động.

Theo Hương Giang/Thời báo Ngân hàng

Bạn đang đọc bài viết Hàng Việt ứng phó với nguy cơ mất thị phần khi phí logistics tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.