Thứ hai, 29/04/2024 14:56 (GMT+7)

Huyện Thường Tín có 9 xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.

Tào Thủy -  Thứ sáu, 08/03/2024 21:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong 3 ngày 6, 7 và 8-3-2024, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã hoàn thành đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại 9 xã của huyện Thường Tín.

tm-img-alt
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh văn phòng Chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đánh giá cao sự đổi mới của huyện Thường Tín trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Kết quả qua đợt đánh giá, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đã có 2 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là Nhị Khê và Hà Hồi; 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Duyên Thái, Văn Phú, Nguyễn Trãi, Hiền Giang, Quất Động, Chương Dương, Tô Hiệu.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản phát biểu tại một buổi thẩm định.

Với xã Nhị Khê và Hà Hồi, cả 2 xã đều chọn thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực là: Y tế, Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo. Điển hình, tại xã Nhị Khê, lĩnh vực y tế xã có cơ sở vật chất bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia; trạm có đủ cán bộ thực hiện công tác chuyên môn; hoạt động theo nguyên lý y học gia đình… 6 tháng gần đây, trạm đã tổ chức quản lý, khám, chữa bệnh cho 3.780 lượt người...

Riêng xã Hà Hồi, thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực văn hoá, xã đã quy hoạch xây dựng trung tâm văn hoá xã với diện tích 1,2ha, tổng mức đầu tư hơn 86,7 tỷ đồng từ ngân sách huyện và các nguồn khác. Xã cũng có 8/8 thôn có nhà văn hoá, được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ các hoạt động thể thao, hội nghị, sinh hoạt của người dân...

tm-img-alt
Cơ sở vật chất, trường lớp tại xã Hà Hồi được đầu tư xây dựng khang trang.

Với 7 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, thời gian qua, các xã đều huy động được nguồn kinh phí lớn cho công tác xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả.

Như tại xã Văn Phú, từ năm 2017 đến 2023, xã huy động được hơn 255 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí. Hiện nay, Văn Phú có hệ thống giao thông được bê tông, trải nhựa bảo đảm thuận lợi cho nhân dân đi lại; 100% tuyến đường được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng; trường học 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã có 2/2 thôn có sân thể thao nền cỏ nhân tạo, bảo đảm ánh sáng cho nhân dân chơi thể thao buổi tối. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 68,5 triệu đồng/người...

Xã Duyên Thái, tính từ năm 2015 đến 2023, đã huy động được hơn 254 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao. Duyên Thái có nghề sơn mài rất phát triển. Đến nay, trên địa bàn xã có 389 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hợp tác xã kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài xã. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn xã ước đạt 72,4 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ nghèo.

tm-img-alt
Nghề sơn mài xã Duyên Thái đem đến nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Tại xã Nguyễn Trãi, bộ mặt nông thôn cũng ngày càng được nâng cao, đổi mới. Trên địa bàn cũng có hơn 40 công ty, doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thường xuyên giải quyết việc làm cho 98% lao động địa phương.

Xã Nguyễn Trãi có chùa Đậu là ngôi chùa cổ kính gần 2.000 năm tuổi, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1964. Chùa Đậu lưu giữ và thờ tượng toàn thân xá lợi của 2 vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường gần 400 năm, được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016. Chùa được chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị, trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng.

tm-img-alt
Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất tại xã Nguyễn Trãi.

Với xã Hiền Giang, địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt nhiều kết quả, tiêu biểu với tiêu chí quốc phòng và an ninh. Năm 2023, xã không có công dân cư trú phạm tội nghiêm trọng; không xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; không xảy ra vụ cháy nổ; không có điểm nóng nổi cộm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội. Xã đã lắp đặt 28 camera an ninh tại các ngã ba, ngã tư giao thông và 320 camera của nhà dân lắp 2 bên đường, góp phần bảo đảm an ninh trật tự…

tm-img-alt
Trạm Y tế xã Hiền Giang được đầu tư xây dựng mới khang trang, hiện đại.

Đối với xã Quất Động đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ năm 2017 đến năm 2023, địa phương đã huy động được hơn 318 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp chiếm 11,8%. Hiện, Quất Động có 8 thôn, hơn 2.400 hộ dân, thu nhập bình quân đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, tại xã Chương Dương - đây là xã đầu tiên trên địa bàn thành phố lấy ý kiến hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao với 19 câu hỏi, 100% người dân hài lòng.

Trao đổi về sự đổi mới của quê hương, ông Vũ Ngọc Anh - Bí thư Chi bộ thôn 5 cho biết: "Chương Dương ngày xưa khó khăn vô cùng. Hạ tầng thiếu thốn, đường sá đi lại vất vả... Nay xã đã có bứt phá ngoạn mục, có trường, trạm, nhà văn hóa khang trang, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Đội ngũ cán bộ xã có năng lực, nhiệt huyết với phong trào; nhân dân năng động phát triển kinh tế...".

tm-img-alt
Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội kiểm tra tại Trường Mầm non Chương Dương.

Với xã Tô Hiệu, Xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2017. Triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao đến hết năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt gần 1.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 71,6 triệu đồng/người/năm. Ở Tô Hiệu, nhà ở đều đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo nền cứng, khung cứng, mái cứng, có đầy đủ công trình phụ trợ, không có nhà tạm, nhà dột nát. Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân được không ngừng nâng cao. Xã có 4/4 thôn đạt danh hiệu "làng văn hoá".

Phát biểu kết luận sau chuỗi thẩm định, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh văn phòng Chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đề nghị huyện Thường Tín, UBND các xã và nhân dân tiếp tục đồng hành khắc phục các tiêu chí chưa được điểm tối đa; hoàn thiện báo cáo trình thành phố họp, ra quyết định công nhận đạt chuẩn.

Theo ông Ngôn, mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Vì vậy, sau khi các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, tiến tới xây dựng nông thôn thông minh.

Bạn đang đọc bài viết Huyện Thường Tín có 9 xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...