Thứ năm, 02/05/2024 20:08 (GMT+7)

Khói mù xuyên biên giới bao trùm tại nhiều nước Đông Nam Á

MTĐT -  Thứ ba, 17/10/2023 16:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo trang CNBC, hiện tượng El Nino toàn cầu đã gây ra sương mù xuyên biên giới tồi tệ nhất ở miền nam Đông Nam Á kể từ trước đại dịch Covid-19 năm 2019 đến nay.

Vào thời điểm biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa hiện hữu đối với con người, điều đáng lo ngại là tình trạng khói mù theo mùa đang trở nên tồi tệ hơn khi hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng. Các vùng đất than bùn và rừng ngày càng có nhiều nhiên liệu dễ bắt cháy hơn trong mùa khô.

Khói mù xuyên biên giới bao trùm tại nhiều nước Đông Nam Á - Ảnh 1.
Quang cảnh vùng đất than bùn và cánh đồng bị cháy vào ngày 23/9/ 2023 tại Ogan Ilir, Nam Sumatra, Indonesia. Ảnh: Ulet Ifansasti | Getty Images News | Getty Images

Đông Nam Á chiếm khoảng 40% lượng than bùn trên toàn thế giới. Những đám cháy cùng với khí thải và khói mù độc hại đang trở thành nguyên nhân nghiêm trọng gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vấn đề khói mù xuyên biên giới lâu năm ở Đông Nam Á, vốn đã hoành hành khu vực này trong mùa khô trong nửa thế kỷ qua, đang dẫn đến hàng loạt vấn đề về hô hấp và sức khỏe khác, tử vong và thiệt hại kinh tế trong khu vực.

"Thực ra đó là một vòng tuần hoàn. Vấn đề là hiện tại, hầu hết chính phủ các nước trong khu vực vẫn chưa thực sự xem khói mù và biến đổi khí hậu là vấn đề lâu dài mà chỉ xem đây là những vấn đề riêng biệt. Hiện tượng này chỉ diễn ra theo mùa, đến và đi, trong khi biến đổi khí hậu là một cái gì đó liên tục và đang phát triển," bà Helena Varkkey, Phó giáo sư về chính trị và quản trị môi trường tại Đại học Malaya ở Kuala Lumpur nói.

Dù các nước ở khu vực Đông Nam Á đã thông qua một loạt thỏa thuận trước đó, bao gồm cả việc tái khẳng định cam kết về bầu trời không có khói mù vào năm 2030 nhưng tình trạng này vẫn quay trở lại trong năm nay.

Những vấn đề ở Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á được cho là đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước hiện tượng này.

Khói mù không chỉ bao phủ Brunei, Malaysia, Indonesia và Singapore mà còn bao phủ cả miền nam Thái Lan và miền nam Philippines vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Trước hiện tượng này, việc đóng cửa trường học đã được thực hiện ở Indonesia, Malaysia và Singapore - chỉ riêng ở Malaysia đã ảnh hưởng đến gần 4 triệu học sinh.

Mặc dù chỉ khoảng 1,6 triệu diện tích rừng tương đối nhỏ bị cháy ở Indonesia vào năm 2019 nhưng Ngân hàng Thế giới ước tính các vụ cháy than bùn ở Sumatra và Kalimantan có thể khiến nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á thiệt hại ít nhất 5,2 tỷ USD, tương đương 0,5% tổng sản phẩm quốc nội trong năm đó.

Dữ liệu từ Bộ Môi trường Indonesia cũng cho thấy hơn 267.000 ha rừng đã bị đốt cháy cho đến tháng 8 năm nay, vượt xa con số gần 205.000 ha của cả năm 2022. Tuy nhiên, các vụ cháy năm nay đã tàn phá một diện tích nhỏ hơn nhiều so với năm 2015 và 2019.

Với sự trở lại của hiện tượng El Nino trong năm nay, các quan chức đang chuẩn bị đối phó với tình trạng hỏa hoạn ngày càng trầm trọng trong mùa khô này vì số lượng các điểm nóng có thể sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 9 và tháng 10.

Trung tâm khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC) tại Singapore đã nâng mức cảnh báo khói mù xuyên biên giới lên mức cao thứ hai đối với Kalimantan vào tháng 7 và Sumatra vào tháng 9.

Vòng luẩn quẩn tại những khu vực than bùn

Khói mù ở miền nam Đông Nam Á chủ yếu phát ra từ các vụ cháy đất than bùn lớn ở Sumatra và Borneo. Các vùng đất than bùn khô cằn - được thoát nước và phát quang để phục vụ chủ yếu cho các đồn điền trồng dầu cọ và bột giấy - khiến chúng rất dễ bị cháy.

Varkkey và Sharon Seah, hai thành viên cao cấp của Chương trình Biến đổi Khí hậu ở Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore cho biết điều kiện ngập úng của vùng đất than bùn giữ cho vật liệu hữu cơ không bị phân hủy, khiến nó trở thành một bể chứa carbon mạnh mẽ.

"Khi thoát nước để chuẩn bị cho việc trồng trọt hoặc các hoạt động phát triển khác, vật liệu hữu cơ sẽ tiếp xúc với không khí, bắt đầu quá trình phân hủy và giải phóng khí nhà kính. Khi bị đốt cháy, quá trình này được tăng tốc, làm tăng thêm tốc độ nóng lên toàn cầu", nhóm nghiên cứu nói thêm.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, đất than bùn lưu trữ gần 550 tỷ tấn carbon - gấp đôi tổng diện tích rừng trên thế giới - mặc dù đất than bùn chỉ chiếm 3% bề mặt đất toàn cầu.

"Đất than bùn là một trong những đồng minh lớn nhất và có khả năng gây tổn thất lớn nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bằng cách bảo tồn và khôi phục vùng đất than bùn trên toàn cầu là chúng ta có thể giảm lượng khí thải và hồi sinh một hệ sinh thái thiết yếu cung cấp nhiều dịch vụ, bao gồm cả vai trò của chúng như một bể chứa carbon tự nhiên", Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc UNEP cho biết.

Vấn đề khói mù xuyên biên giới được xem là ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Những vụ cháy từ đất than bùn ở Indonesia cũng là nguyên nhân gây ra ảnh hưởng lớn này vì nước này sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.

Trước vấn đề này, 203 công ty sản xuất dầu cọ ở nước này đã được cảnh báo từ đầu năm đến nay với hiện tượng khói mù và 20 công ty đã bị phong tỏa do hỏa hoạn, bao gồm cả các công ty con của Malaysia.

Tất nhiên, vấn đề khói mù xuyên biên giới liên quan đến nhiều khía cạnh và trách nhiệm không chỉ riêng Indonesia mà còn là các công ty đến từ ở các nước láng giềng khác.

Để bổ sung một số thỏa thuận khu vực Đông Nam Á về việc hạn chế khói mù xuyên biên giới, Singapore đã ban hành Đạo luật ô nhiễm khói mù xuyên biên giới vào năm 2014, quy định việc các công ty gây ra hoặc góp phần gây ra ô nhiễm khói mù ở quốc gia thành phố giàu có này là hành vi vi phạm.

Malaysia vẫn đang lập kế hoạch cho luật tương tự.

Mạng lưới vận động toàn cầu Greenpeace đã tiến một bước xa hơn. Đó là, Eco-Business, một ấn phẩm tập trung vào tính bền vững, đã kêu gọi phát triển một khung pháp lý khu vực để buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về các vụ cháy rừng trong nước do hoạt động dọn sạch đất than bùn và đốt chất thải nông nghiệp.

Với sự giúp đỡ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Indonesia cũng đã phát triển Diễn đàn Dầu cọ Bền vững - diễn đàn để tất cả các bên liên quan cùng nhau giải quyết những thách thức trong việc phát triển dầu cọ bền vững ở Indonesia.

Rõ ràng, với tình trạng khói mù xuyên biên giới và sự gia tăng các điểm nóng đang là một vấn đề sau nửa thế kỷ, vì vậy sẽ cần chung tay giải quyết vấn đề này, thậm chí là cấp bách hơn trước.

"Tôi nghĩ thách thức hoặc quỹ đạo mà chúng ta nên hy vọng là chính phủ các nước phải hiểu và đưa ra quyết định dựa trên thực tế ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và các vấn đề khói mù xuyên biên giới nói riêng. Nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ đóng góp thực sự vào sự thịnh vượng chung của xã hội. Tôi nghĩ điều đó vẫn chưa thực sự xảy ra, vì vậy hy vọng sẽ sớm xảy ra", bà Varkkey nói thêm.

Bạn đang đọc bài viết Khói mù xuyên biên giới bao trùm tại nhiều nước Đông Nam Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Hồng Nhung / Tổ quốc

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.