Làng nghề xanh hóa nhờ công nghệ
Ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng năng lượng thay thế tại các làng nghề là cách giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời, cắt giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất...đảm bảo cho làng nghề phát triển bền vững
Tăng công suất, giảm chi phí
Thời gian qua, các làng nghề đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, như giải quyết việc làm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu của xã hội và xuất khẩu… Các cơ sở sản xuất làng nghề rất đa dạng nhưng phần lớn với quy mô nhỏ và vừa, thiết bị, công nghệ còn lạc hậu, nằm xen kẽ trong khu dân cư, nên trong quá trình sản xuất gây ra nhiều ảnh hưởng tới môi trường.
Theo ông Lại Đức Tuấn - Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc sử dụng năng lượng, đặc biệt là trong việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu mỏ, khí đốt như: ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất, sự thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Để giải quyết các vấn đề này, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Như Chinh dẫn chứng, việc ứng dụng phương pháp sản xuất sạch hơn vừa giảm được chi phí sản xuất, lại góp phần giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề. Điển hình như làng nghề gốm Bát Tràng, trước đây, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn...
Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ sản xuất. Được Bộ KH&CN phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” tại làng nghề Bát Tràng. Dự án đã giúp các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than truyền thống sang lò gas hiện đại. Bát Tràng đã có trên 400 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường.
Các làng nghề Việt Nam có thể sử dụng năng lượng tiết kiệm thông qua việc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa việc sử dụng các thiết bị điện và nước, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thực hiện việc tách rác thải. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Thành công của dự án này ở làng nghề Bát Tràng đã có sức lan tỏa rất lớn. Các doanh nghiệp tham gia dự án thành công với việc chuyển đổi sang mô hình tiết kiệm năng lượng đã khích lệ doanh nghiệp và các hộ sản xuất khác trong làng nghề học tập và làm theo. Đặc biệt, nhờ có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của công nghệ sản xuất trước kia, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Doanh thu của xã Bát Tràng hiện nay đạt 400 tỷ đồng/năm, bình quân 22 triệu đồng/người, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ.
Thông qua áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường, các cơ sở sản xuất tại làng nghề bún Phú Đô (phường Phú Đô, Nam Từ Liêm) đã giải được vấn nạn ô nhiễm môi trường, tăng công suất sản xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô Nguyễn Văn Họa cho biết, trước đây nước thải và các loại chất thải của làng nghề chủ yếu xả trực tiếp ra kênh dẫn chảy ra sông Nhuệ. Không khí làng nghề lúc nào cũng có mùi hôi, chua nồng nặc. Đó là chưa kể đường xá, làng nghề nhem nhuốc vì phơi than. Nếu trước đây đốt lò bằng than, sản lượng mỗi hộ chỉ đạt 1-2tạ/ngày, nhưng bây giờ sản lượng đã đạt 1,5-2 tấn/ngày có cơ sở đạt 3 tấn/ngày nhờ thay thế bằng năng lượng điện.
Cần cơ chế khuyến khích
Hiệu quả từ việc sử dụng nhiên liệu thay thế cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển bền vững làng nghề đã được minh chứng. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi cũng còn nhiều rào cản đối với các cơ sở, như điều kiện mặt bằng sản xuất, trình độ kỹ thuật, nguồn vốn…
Ở góc độ người sản xuất, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô Nguyễn Văn Họa kiến nghị, việc áp dụng nhiên liệu thay thế cũng như khoa học kỹ thuật cần có cơ chế chính sách về vốn, hỗ trợ giá điện đặc thù đối với các làng nghề trong sản xuất.
TS Lê Quang Thắng - Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Việt Nam cho rằng, Chính phủ có thể thiết lập mức giá khuyến khích cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm giá cho các thiết bị và hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó, có thể đưa ra quy định và tiêu chuẩn để đảm bảo rằng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đáp ứng yêu cầu về hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, đưa ra các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm như giảm thuế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Kỹ sư Đặng Khắc Mẫn -Trưởng ban Truyền thông – Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả nêu ý kiến, để khuyến khích áp dụng rộng rãi hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 thì cần những hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương như tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về sự cần thiết và lợi ích của tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc tuân thủ các nghĩa vụ về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, trong đó có nghĩa vụ về áp dụng hệ thống quản lý năng lượng. Đồng thời, có các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đã áp dụng tiêu chuẩn này được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi về tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tham gia các chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật.
Theo Phương Nga/Kinh tế & Đô thị