Thứ hai, 29/04/2024 08:13 (GMT+7)

Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản

MTĐT -  Chủ nhật, 04/02/2024 08:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” diễn ra từ ngày 17 – 28/11/2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố.

Lễ hội do UBND thành phố Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức; với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) và phối hợp của các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tổ chức liên quan. Lễ hội có sự tham gia đồng hành của các đơn vị tài trợ, và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tổ chức văn hóa giáo dục và ngoại giao, các trường đại học, viện đào tạo, các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và giới sáng tạo Hà Nội.

Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản - Tạp chí Kiến Trúc

Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo; nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội của Thủ đô, tạo ra những trải nghiệm biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hoá sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển Công nghiệp văn hoá Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.

Hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của Lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân; Ga Long Biên và Ga Gia Lâm. Bên cạnh đó còn hơn 40 hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận huyện thị xã tại Hà Nội. Lễ hội có sự tham gia của hơn 200 các đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ đã đang tích cực tham gia ý tưởng và đồng hành cùng chương trình.

Sau 3 mùa tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có quy mô lớn nhất với nhiều hoạt động, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm. Lễ hội tập trung vào chủ đề chính “Dòng chảy” nhằm hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô một cách bền vững. Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã mang lại thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến các tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động trưng bày, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, hội nghị, hội thảo diễn ra tốt đẹp, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo mọi người.

Lần đầu tiên một Lễ hội diễn ra ở xa trung tâm nội đô nhưng sự độc đáo, mới lạ của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện của Lễ hội đã hấp dẫn đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước. 12 ngày diễn ra Lễ hội, có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu. Cùng với đó, Lễ hội cũng thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung; hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội. Đồng hành với Lễ hội là 100 đại biểu, chuyên gia quốc tế tham gia hội thảo, tọa đàm; 90 cơ quan báo chí với hơn 1000 tin, bài viết về Lễ hội. Còn theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong 12 ngày diễn ra Lễ hội, có tới 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản; tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.

Có thể nói, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, không chỉ có sự đóng góp tâm huyết của các đơn vị tổ chức, chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế, các nghệ sĩ, nhà thiết kế, cộng đồng sáng tạo mà còn có sự đóng góp công sức không mệt mỏi đến những đội ngũ thiết kế trong vận hành, các bạn sinh viên, tình nguyện viên, đội ngũ vệ sinh môi trường, các công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, các đơn vị thành viên của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, các đơn vị của quận Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm… Tất cả cùng nhau đồng hành để tạo nên sân chơi sáng tạo, kết nối các nhà sáng tạo đem lại cho công chúng Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước một sản phẩm văn hóa sáng tạo đặc sắc. Thông qua đó, khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo; kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hoá khác nhau, hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống của Hà Nội. Một mùa Lễ hội thành công tốt đẹp đã mở ra tương lai sáng tạo cho sự phát triển của Lễ hội năm tới ngày một chuyên nghiệp và phát triển!

TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản - Tạp chí Kiến Trúc

Lễ hội sáng tạo là một hình thái theo mô hình của UNESCO đã phổ biến trên thế giới. Mô hình đã thành công nhiều trên các quốc gia, và Hà Nội là nơi đi tiên phong trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam. Chúng tôi thấy rằng 2 kỳ lễ hội trước đã có khởi sắc của sự thành công, năm nay, rút kinh nghiệm và đổi mới thì Lễ hội 2023 đã mang lại sức sống cho Hà Nội về văn hóa, góp phần xây dựng thủ đô theo tinh thần nghị quyết của thành phố là văn hiến văn minh và hiện đại. Sự lan tỏa của Lễ hội năm nay rất lớn, bởi các nghệ sĩ đều tài năng và chuẩn bị đầy tâm huyết. Cách tiếp cận và đưa nghệ thuật vào di sản rất gần gũi đời thường nhưng cũng rất sáng tạo và thú vị. Quy mô tổ chức năm nay không chỉ còn dừng ở vài điểm mà đã trở thành các tuyến hoạt động.

Thông điệp lớn nhất theo quan điểm của Hội kiến trúc sư Việt Nam là muốn tạo cho cộng đồng một sân chơi trải nghiệm và cũng với mục tiêu thực sự đến chương trình hành động mới, phát triển văn hóa, giúp lễ hội trở thành hành động thiết thực và đưa ra được những kết quả cụ thể cho sự phát triển của thành phố. Qua Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 chủ đề “Dòng chảy” để thêm tin tưởng vào Hà Nội sẽ phát triển rực rỡ hơn nữa trong tương lai.

Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội

Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản - Tạp chí Kiến Trúc

Quan điểm về Lễ hội thiết kế của thủ đô Hà Nội năm 2023 là phải sáng tạo trên nền tảng của di sản trong thành phố sáng tạo và ngược lại, sáng tạo trong thành phố của di sản. Chúng ta phải quan tâm đến những gì tạo nên môi trường trong lành tốt đẹp nhất, để cho cộng đồng những người dân và doanh nghiệp hiến kế và sáng tạo, từ đó tạo dựng nhiều sản phẩm để tham gia vào hoạt động của mạng lưới các thành phố sáng tạo. Như vậy để có được những sản phẩm đó, những ý tưởng của Lễ hội thiết kế sáng tạo hết sức quan trọng. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023, chủ đề “Dòng chảy” chính là khơi gọi những ý tưởng đó, phát huy những tài nguyên văn hóa, lịch sử giàu có của Thủ đô và kết nối, chuyển dịch làm sao để “khai thác triệt để” tài nguyên này. Sự thành công của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo chính là tạo ra sức lan tỏa, không chỉ trong 30 quận huyện của Hà Nội, mà còn hướng tới cộng đồng, những doanh nghiệp, những người yêu sáng tạo thực hành và duy trì tinh thần “Dòng chảy” ấy.

Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản - Tạp chí Kiến Trúc

Việt Nam nói chung, Thành phố Hà Nội nói riêng cũng như ngành Đường sắt đang sở hữu rất nhiều “viên kim cương” là những di sản có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và khoa học đóng góp cho nhân loại. Sau 142 năm lịch sử phát triển, chúng tôi muốn giới thiệu những “di sản sống” của ngành đường sắt là những công trình quý giá mà theo ngôn ngữ kiến trúc hội tụ đủ 3 yếu tố hình-lý-khí; từ đó mong muốn góp công sức của mình, di sản của mình vào hoạt động Lễ hội nói riêng và phát triển văn hóa sáng tạo của thành phố nói chung. Chúng tôi nghĩ rằng những di sản này là tài sản chung của đất nước, của nhân dân chứ không chỉ riêng ngành đường sắt. Chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp đến mọi người về một ngành Đường sắt giàu truyền thống, vẻ vang và hào hùng nhưng cũng rất cởi mở, năng động sáng tạo và luôn mong muốn góp sức mình vào công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước.

Bà Ramla Khalidi – Quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản - Tạp chí Kiến Trúc

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là một sự kiện quan trọng đối với người dân Hà Nội cũng như du khách để tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của thủ đô. Năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng – đó là bốn năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO với tư cách là Thành phố Sáng tạo lĩnh vực Thiết kế. Chúng tôi đã được lắng nghe các đồng nghiệp, những người thực hành sáng tạo và người dân Hà Nội chia sẻ những trải nghiệm và ấn tượng tích cực của họ về sự chuyển mình này của thủ đô. Qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, chúng ta có thể nhìn và cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong thành phố đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này. Với hơn một nghìn năm bề dày truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ, Hà Nội đang sở hữu tiềm năng để trở thành đơn vị tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, một trong những sáng kiến mà Hà Nội cam kết thực hiện, là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Thông qua quan hệ đối tác công-tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến thành phố thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình.

Đó là lý do vì sao chúng tôi Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đặc biệt là UNESCO và UN-Habitat, rất vinh dự được chung tay cùng thành phố tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023. Sự kiện là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của rất nhiều tài năng trong các lĩnh vực nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững của thành phố.

Ông Kiều Việt Cường – Đại diện chương trình UN-Habitat Việt Nam

Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản - Tạp chí Kiến Trúc

Lễ hội Thiết kế và Sáng tạo Hà Nội, xuất phát điểm từ Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, là hoạt động cộng đồng quy mô nhất, được tổ chức với sứ mệnh thu hút, kết nối nhà sáng tạo từ nhiều thế hệ. Từ một thử nghiệm tại không gian văn hóa nhỏ tại 22 Hàng Buồm với sự tham gia giới hạn các chuyên gia nghiên cứu, các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội đã nhanh chóng nhận được sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động nghiêm túc trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo. Lễ hội đã không chỉ truyền cảm hứng giữ tinh thần sáng tạo, thực hành sáng tạo trong cuộc sống, học tập và làm việc; mà còn thúc đẩy sự quan tâm, hành vi đóng góp tích cực cho không gian công cộng ở thành phố Hà Nội nơi mà họ đang sinh sống.

UN-Habitat Việt Nam tự hào đồng hành cùng Hà Nội trên hành trình này. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, sự thành công của Lễ hội tại Hà Nội sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thành phố khác trên thế giới nhận thức được sức mạnh của chuyển dịch trong văn hóa và di sản, sự sáng tạo và đổi mới khi chúng là một phần không tách rời của lối sống thị thành cũng như ý nghĩa của chúng đối với những nỗ lực vì một tương lai đô thị tốt đẹp hơn, bền vững hơn.

“Dòng chảy” Sáng tạo & Di sản

Tạp chí Kiến trúc đã liên tiếp 3 năm đồng hành cùng Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan trong nước và quốc tế tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo. Sự cố gắng và hoàn thiện chất lượng chương trình khiến cho Lễ hội ngày càng được mở rộng về quy mô, chuyên nghiệp về tổ chức. Và điều chúng tôi tự hào vô cùng – Đó là chương trình ngày được cộng đồng và xã hội đón nhận, mong chờ.

Trong một cuộc phỏng vấn, một nhà báo đã hỏi tôi: “Động lực nào để Tạp chí nỗ lực hết mình cho một chương trình dành cho cộng đồng như vậy? – Đối với Tạp chí Kiến trúc, Chương trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khi Tạp chí kết nối Kiến trúc và các KTS, các nghệ sĩ, giao hoà trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo để mang lại những không gian sống, làm việc và nghệ thuật tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Khi chúng tôi đi khảo sát Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và kết nối các bên cùng toả sáng trong mùa Lễ hội này, câu hỏi luôn được đặt ra là: “Di sản Kiến trúc sẽ lên tiếng như thế nào?” – Thật may mắn, các Tổng công ty Đường sắt, Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội đã tin tưởng để những KTS, nghệ sỹ được sáng tạo tại những điểm di sản mà người Hà Nội cũng chưa từng đặt chân tới. Hơn thế, chúng tôi đã mang tới một sức sống mới, củng cố niềm tin cho những công nhân nhà máy, người dân về nơi họ đang sống và làm việc.

Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản - Tạp chí Kiến Trúc
Nhà báo Bùi Thanh HươngPhó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Kiến trúc

Công cuộc chuẩn bị thật sự gian nan! Xin được cảm ơn những cán bộ vệ sinh môi trường đã vất vả cố gắng hết mình để biến các khu xưởng nhà máy cũ trở thành không gian triển lãm nghệ thuật văn minh! Xin được cảm ơn những cán bộ nhà máy đã không quản vất vả ngày đêm hỗ trợ cho các nghệ sỹ, các công nhân thi công lắp dựng đúng tiến độ! Xin cảm ơn những cán bộ ở quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình đã hỗ trợ, sát sao từng công việc! Xin cảm ơn những nghệ sỹ, thầy cô và sinh viên các trường đại học, những nhà tài trợ, những tình nguyện viên … đã hết lòng cống hiến! Xin cảm ơn hàng trăm cơ quan báo chí đã đồng hành chia sẻ các hoạt động! Và thêm nhiều sự cảm ơn nữa chưa nói đủ hết vì mỗi người đã cùng chung tay tạo nên một Chương trình thành công cho cộng đồng, cho thủ đô Hà Nội yêu dấu!

Dư âm sau Lễ hội là các cuộc hội thảo, toạ đàm của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tham khảo, lấy Lễ hội làm một ví dụ để xây dựng và đổi mới chính sách khuyến khích các hoạt động sáng tạo về khởi nghiệp như: Hội thảo về thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, Hội thảo tham vấn ý kiến các nhà sáng tạo về điều chỉnh Luật thủ đô hay ở các cấp quận là những đề án thí điểm hình thành các mô hình trung tâm sáng tạo…Điều đó cho thấy, Lễ hội đã tạo nên một cầu nối gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng sáng tạo cùng chung sức xây dựng Hà Nội – Xứng tầm là thành phố sáng tạo của Khu vực. Và đó cũng chính là động lực để chúng tôi – Tạp chí Kiến trúc nỗ lực để kết nối và cống hiến, lan toả tinh thần sáng tạo trong mỗi người và cộng đồng – Vì những mùa xuân tươi mới đang ở phía trước!

Bạn đang đọc bài viết Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.