LHQ: Các doanh nghiệp dầu khí phải chịu trách nhiệm với sự nóng lên toàn cầu
Tổng thư ký LHQ Guterres nêu rõ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch vẫn đang chạy đua để mở rộng sản xuất, song ông nhấn mạnh hoạt động kinh doanh này "không phù hợp với sự tồn tại của con người."
Tại phiên họp diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) 2023, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chỉ trích các doanh nghiệp dầu khí "lừa dối" về vai trò của họ trong vấn đề khí hậu toàn cầu ấm lên, theo đó ông nhấn mạnh các doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm khi những tác động tiêu cực đang ngày càng rõ rệt.
Tại phiên họp với sự tham dự của các chính trị gia và doanh nghiệp hàng đầu thế giới, Tổng thư ký Guterres cho biết, từ những năm 1970, một số nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch đã hoàn toàn nhận thức được sản phẩm của họ có thể khiến Trái Đất ấm lên.
Tổng thư ký Liên hợp quốc so sánh hành động của các công ty dầu khí với các công ty thuốc lá, cho rằng các doanh nghiệp này đã góp phần làm trầm trọng hơn những tác động tiêu cực mà họ đã ý thức được.
Do đó, tương tự như những công ty thuốc lá đã phải chịu trách nhiệm vì hành động của họ, Tổng thư ký Guterres cho rằng các công ty dầu khí lớn cũng cần phải chịu trách nhiệm.
Năm 1998, các bang của Mỹ đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trị giá 246 tỷ USD, theo đó thu hồi chi phí điều trị cho những người bị ảnh hưởng bởi tác hại của thuốc lá.
Tổng thư ký Gueterres đề cập một nghiên cứu do tạp chí Science công bố, trong đó cho biết ExxonMobil đã phớt lờ những nghiên cứu khoa học về tác động của nhiên liệu hóa thạch đối với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu cho thấy các nhà khoa học của công ty này đã lập mô hình và dự đoán sự ấm lên toàn cầu "với độ chính xác đáng kinh ngạc," song ban lãnh đạo công ty không có động thái thiết thực nào đối với thông tin này. ExxonMobil hiện là mục tiêu của một số vụ kiện tại Mỹ.
Trong bài phát biểu, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thế giới "chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch," đồng thời cảnh báo rằng mục tiêu đầy tham vọng nhằm hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đã "tan thành mây khói."
Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch vẫn đang chạy đua để mở rộng sản xuất, song ông nhấn mạnh hoạt động kinh doanh này "không phù hợp với sự tồn tại của con người."
Trong khi đó, trả lời cho câu hỏi liệu các công ty dầu mỏ có phải chịu trách nhiệm như các công ty thuốc lá hay không, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cho biết Mỹ "hiện không tìm kiếm những điểm tương đồng hay khác biệt."
Ông Kerry cho biết điều quan trọng là các công ty này cần hợp tác hơn trong nỗ lực chống khủng hoảng khí hậu. Ông Kerry cho rằng mọi điều luật thúc đẩy chống biến đổi khí hậu ở các cấp quốc gia, khu vực, địa phương, thành phố, cũng như trong ngành dầu khí và ngành than cần được đẩy mạnh.
Cuối cùng, Tổng thư ký Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra các kế hoạch "đáng tin cậy và minh bạch" vào cuối năm 2023, nhằm đạt được mục tiêu toàn cầu phát thải ròng bằng 0.
Ông kêu gọi các công ty dầu khí hành động dựa trên khuyến nghị do các chuyên gia Liên hợp quốc công bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập vào tháng 11/2022.
Ông hối thúc các công ty dầu khí "minh bạch và rõ ràng" trong các tiêu chí và kế hoạch về khí hậu, tránh để "người tiêu dùng, nhà đầu tư và cơ quan quản lý tiếp nhận thông tin sai lệch.."
Đại Phong (T/h)