Thứ hai, 29/04/2024 10:12 (GMT+7)

Lời kể của công nhân thoát nạn trong vụ sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3

Tuấn Anh -  Thứ năm, 15/10/2020 08:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau tiếng nổ lớn, đất đá lở ập xuống, cuốn trôi tất cả xuống suối. Một số người kịp chạy thoát, còn lại bị vùi lấp và mất tích.

Liên quan đến vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), tính đến tối 14/10, lực lượng chức năng đã đưa được 1 thi thể công nhân tử vong ra khỏi hiện trường. Ngoài ra, 19 công nhân thoát nạn cũng đã được lực lượng chức năng dùng ca nô đưa khỏi nơi lánh nạn là thủy điện Rào Trăng 4.

Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Lê Thành Vũ (quê Quảng Ngãi), một trong số những công nhân thoát khỏi sự cố sạt lở đất kinh hoàng cho biết, anh ở lán dưới cách khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (nơi bị sạt lở) khoảng 1km. Khoảng 20h30 tối 11/10, có khoảng 20 người từ khu vực nhà điều hành xuống khu vực lán của anh Vũ để ở.

Các công nhân thoát nạn trong sự cố thủy điện Rào Trăng 3 được đưa ra ngoài.

Khuya cùng ngày, bất ngờ có tiếng nổ lớn, rồi hàng tấn đất đá đổ ập xuống khiến toàn bộ nhà điều hành bị cuốn văng xuống suối. Một số người may mắn chạy thoát, nhiều công nhân còn lại bị mất tích.

Cũng theo anh Vũ, sau khi xảy ra vụ sạt lở, những công nhân thoát nạn ở lán trại nhanh chóng lên lại khu nhà điều hành để ứng cứu, tìm kiếm những người gặp nạn.

"Sau thời gian tìm kiếm không có kết quả, cùng với việc mưa lớn và địa hình hiểm trở, nguy hiểm nên cả nhóm đã băng rừng, lội suối mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ về khu vực thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn và cầu cứu", anh Vũ kể lại.

Nhiều người dân tập trung theo dõi vụ việc.
Rất đông lực lượng tham gia việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Liên quan đến vụ việc này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng chức năng đã tiếp cận được hiện trường Trạm dừng chân 67 nơi 13 thành viên đoàn cứu hộ gồm cán bộ, chiến sĩ mất tích. Hiện, lực lượng quân đội đang xác định vị trí và dùng xe cẩu, chó nghiệp vụ để truy tìm tung tích các nạn nhân.

Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 12/10, một người dân gọi điện thoại trực tiếp cho đồng chí Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo vụ việc, lúc 12 giờ ngày 11/10 xảy ra sạt lở núi, lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Hiện trường vụ sạt lở.

Nhận thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ, cứu nạn. Thành phần Đoàn có 21 người gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan.

Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12/10 từ Huyện ủy huyện Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ôtô không qua được. Vì vậy, đoàn để lại ôtô, đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km. Đến 21 giờ cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ.

Khoảng 22 giờ tối 12/10, đoàn dừng nghỉ tại nhà Kiểm lâm, nhà có 4 gian (3 gian nghỉ, 1 gian bếp). Lúc 0 giờ ngày 13/10 xuất hiện tiếng nổ lớn, núi, đất đá bị sụt đổ trùm lên nhà Kiểm lâm nơi đoàn đang nghỉ. Vụ việc khiến 13 đồng chí trong đoàn công tác đang bị mất tích và hiện vẫn chưa liên lạc được.

Bạn đang đọc bài viết Lời kể của công nhân thoát nạn trong vụ sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Thiệt hại gần 10 tỷ đồng do hạn hán
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 24/4, hạn hán đã gây thiệt hại cho tỉnh gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.