Thứ bảy, 27/04/2024 11:39 (GMT+7)

Lồng ghép ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu trong điều chỉnh quy hoạch đô thị ven biển miền Trung

MTĐT -  Thứ ba, 06/12/2022 09:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc nghiên cứu rà soát quy hoạch chung các đô thị ven biển lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng (BĐKH&NBD) để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững cho các đô thị Duyên hải miền Trung (DHMT).

PHẦN MỞ ĐẦU

Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh/thành phố gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận là một trong sáu vùng kinh tế xã hội quan trọng của quốc gia đang trong quá trình phát triển và nâng cấp đô thị mạnh mẽ. Hệ thống đô thị DHMT chủ yếu tập trung ở vùng ven biển, chịu tác động lớn do biến đổi khí hậu (BĐKH) như bão, lũ lụt và nước biển dâng.

Tác động của BĐKH&NBD ngày càng rõ rệt, với nhiều biểu hiện như: nhiệt độ tăng, nước biển dâng, lượng mưa tăng giảm một cách tiêu cực đã tác động ngày càng nghiêm trọng lên cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân đô thị.

Việc nghiên cứu rà soát quy hoạch chung các đô thị ven biển lồng ghép các nội dung ứng phó với BĐKH&NBD để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầuvới các tác động cấp bách trước mắt và lâu dài hướng đến phát triển bền vững cho các đô thị DHMT.

1. Kịch bản BĐKH&NBD năm 2020 cho khu vực duyên hải Miền trung

Trong những năm qua, kịch bản biến BĐKH&NBD cho Việt Nam đã liên tục được xây dựng, cập nhật và công bố nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi trong quá khứ và những dự tính BĐKH, NBD trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.Năm 2009, Bộ TN&MT công bố lần đầu tiên Kịch bản BĐKH&NBD cho Việt Nam, giới hạn cho 7 vùng khí hậu và dải ven biển Việt Nam. Năm 2012 và 2016, kịch bản BĐKH được cập nhật và đã xây dựng chi tiết đến cấp tỉnh, kịch bản nước biển dâng được chi tiết cho các khu vực ven biển Việt Nam theo từng thập kỷ của thế kỷ 21.

tm-img-alt
Hình 1: Lộ trình cập nhật các báo cáo về BĐKH của IPCC (Nguồn: IPCC - 2018)

Thực hiện Luật Khí tượng thủy văn (2015), Bộ TN&MT ban hành kịch bản BĐKH&NBD năm 2020 dựa trên cơ sở các công bố mới nhất của của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nội dung được kế thừa tư các kịch bản BĐKH trước đây, bổ xung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản BĐKH&NBD, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Một số nội dung liên quan có thể kể đến, đó là:

a) Kịch bản BĐKH về nhiệt độ: nhiệt độ ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005), biến đổi của nhiệt độ có xu thế chung là tăng nhanh hơn ở vùng vĩ độ cao so với vùng vĩ độ thấp; tăng nhanh hơn ở các vùng sâu trong lục địa so với vùng ven biển.

tm-img-alt
Hình 2: Biến đổi nhiệt độ trung bình năm 2016 – 2035 (0C) so với thời kỳ cơ sở

b) Về lượng mưa năm: có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc phổ biến từ 5÷10%; vào giữa thế kỷ có mức tăng 5÷15%, trong đó DHMT có thể tăng trên 20%. Các tỉnh có nguy cơ lũ lụt cao trong năm: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các tỉnh có nguy cơ hạn hán như: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình. Theo kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5, sự biến đổi lượng mưa khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận theo bảng sau:

tm-img-alt
Hình 3: Biến đổi lượng mưa (%) trung bình năm 2016 – 2035 so với thời kỳ cơ sở

c) Kịch bản BĐKH đối với nước biển dâng. Theo kịch bản RCP4.5 mực NBD trung bình cho toàn dải ven biển Việt Nam đến năm 2050 là 22 cm (14 cm ÷ 32 cm); đến năm 2100 là 53 cm (32 cm ÷ 76 cm). Khu vực DHMT có mực nước biển dâng cao hơn so với các khu vực khác, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nguy cơ bị ngập.

Khu vực ven biển duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mực NBD cao hơn so với khu vực Bắc trung bộ. Biên độ thủy triều có sự phân bố mạnh, vùng có biên độ nhỏ nhất là ven biển Thừa Thiên - Huế (40 ÷ 50 cm), độ cao thủy triều lớn nhất thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Kịch bản nước biển dâng cho 28 tỉnh và 7 khu vực ven biển Việt Nam được phân chia như sau:

tm-img-alt
Hình4: Sơ đồ phân vùng các khu vực ven biển
tm-img-alt
Hình 5: Sơ đồ dữ liệu Mô hình số độ cao (DEM) cập nhật đến năm 2020 cho các khu vực ven biển

d) Kịch bản BĐKH với thiên tai, thời tiết cực đoan: liên quan đến nhiệt độ; mưa, bão và áp thấp nhiệt đới. DHMT đã xuất hiện nhiều cơn bão mạnh đổ bộvào thời điểm triều cường như bão Washi năm 2005, bão Xangsane năm 2006. Trong trường hợp nước dâng do mưa, bão kết hợp với thủy triều gây ngập lụt nghiêm trọng tại các đô thị đặc biệt là từ Quảng Bình - Quảng Nam.

Trận mưa lịch sử ngày 15.10.2022, tại Đà Nẵng ghi nhận lượng mưa cực lớn, trong 6 giờ đã lên tới 500 mm. Mưa lớn cùng với thời điểm triều cường dâng cao đã làm chậm quá trình thoát nước gây ra tình trạng ngập lụt nặng toàn thành phố Đà Nẵng.

Bảng 1: Mức biến đổi TB nhiệt độ TB năm (0C) theo kịch bản RCP4.5 và RCP8.5

(Giá trị trong ngoặc đơn là khoảng biến đổi quanh giá trị trung bình với cận dưới 10% và cận trên 90%)

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo kịch bản BĐKH của Bộ TN&MT 2020

tm-img-alt

Bảng 2: Mức biến đổi TB của lượng mưa năm (%) theo kịch bản RCP4.5 và RCP8.5

(Giá trị trong ngoặc đơn là khoảng biến đổi quanh giá trị trung bình với cận dưới 20% và cận trên 80%)

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo kịch bản BĐKH của Bộ TN&MT 2020

tm-img-alt

Tác động BĐKH&NBDtới các đô thị vùng ven biển DHMT

DHMT nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Nam Bộ, trải dài với 1.430 km bờ biển, hẹp theo chiều ngang, chiều dài gấp nhiều lần chiều rộng. Địa hình tương đối đa dạng, có độ độ dốc lớn từ khu vực miền núi xuống đồi gò trung du, đồng bằng nhỏ hẹp ven biển, bị chia cắt bởi các dãy núi và nhiều con sông lớn.

Sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan, thiên tai cả về tần số và cường độ do BĐKH là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống cộng đồng dân cư đô thị, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống. Tác động của thời tiết cực đoan thiên tai, BĐKH tại khu vực DHMT thể hiện thông qua:

- Biến động về nhiệt độ (nhiệt độ tăng vào mùa nóng, giảm vào mùa lạnh, tăng nhiệt độ cực đại, tăng số lượng các đợt nóng có cường độ cao...)

- Thay đổi về lượng mưa (tăng mạnh về mùa mưa, giảm về mùa khô)

- Tăng cường độ và tần suất bão với các diễn biến khó lường.

- Nước biển dâng

Các đô thị Miền Trung tập trung chủ yếu dọc theo vùng duyên hải và đồng bằng, theo các lưu vực sông và giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia. Trong khi các đô thị ven biển và đồng bằng có thể chịu các tác động do BĐKH như nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, xâm nhập mặn thì các đô thị vùng núi và trung du, dọc các lưu vực sông thường chịu ảnh hưởng của lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động trực tiếp đến nơi cư trú của người dân các đô thị. BĐKH&NBD gây áp lực lên vấn đề di cư, đặc biệt là dòng người từ nông thôn lên thành thị, làm trầm trọng thêm những vấn đề mà các đô thị đang phải đối mặt từ việc cung cấp nhà ở, cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, đến giảm thiểu đói nghèo, dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo đảm an ninh lương thực.

Đô thị là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh nên khả năng dễ bị tổn thương và thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng sẽ lớn. Các cộng đồng có khả năng dễ bị tổn thương cũng đa dạng hơn do các vấn đề xã hội ở đô thị phức tạp hơn. Tuy vậy, khả năng ứng phó ở các khu vực đô thị luôn cao hơn các khu vực nông thôn do có mặt bằng chung về nhận thức cao hơn, trình độ và năng lực quản lý, hệ thống hạ tầng cũng tốt hơn ở các vùng nông thôn.

3. Bài học kinh nghiệm thích ứng với thiên tai, BĐKH&NBD

Sự thích ứng với khí hậu là một quá trình qua đó con người làm giảm những tác động bất lợi của khí hậu đến sức khoẻ, đời sống và sử dụng những cơ hội thuận lợi mà môi trường khí hậu mang lại. Để thích ứng với BĐKH cần đánh giá các công nghệ và biện pháp khác nhau nhằm phòng tránh những hậu quả bất lợi của thiên tai, BĐKH&NBD.

Bằng cách ngăn chặn hoặc hạn chế, nhanh chóng tạo ra một sự thích ứng và phục hồi có hiệu quả sau những tác động, lợi dụng những tác động tích cực. Các biện pháp thích ứng với thiên tai, BĐKH&NBD bao gồm: 1) Chấp nhận tổn thất; 2) Chia sẻ tổn thất; 3) Làm thay đổi nguy cơ; 4) Ngăn ngừa các tác động; 5) Thay đổi cách sử dụng; 6) Thay đổi/chuyển địa điểm.

Việc tiếp cận thích ứng với BĐKH trong quy hoạch chung xây dựng đô thị cần thực hiện kết hợp theo các hướng sau đây theo các cấp độ khác nhau: a) Rút lui (tạm thời hoặc vĩnh viễn);

b) Tránh né; c) Thích ứng; d) Phục hồi. Các bài học đã đúc kết qua nhiều thế hệ đã hình thành phương châm phòng chống thiên tai ở Việt Nam“Bốn tại chỗ - Ba sẵn sàng”, vẫn được thực hiện một cách có hiệu quả tại khu vực đô thị và nông thôn ở Miền trung:

Bảng 3: Phương châm phòng chống thiên tai ở Việt Nam

tm-img-alt

Trong quá trình điều chỉnh QHC xây dựng các đô thị ven biển DHMT có thể tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, có thể kể đến: Kinh nghiệm của Đan Mạch và nhiều nước trên thế giới là lồng ghép thích ứng với BĐKH ở tất cả các cấp độ quy hoạch từ quy hoạch vùng, đô thị và nông thôn, phát triển các giải pháp toàn diện để ứng phó với thời tiết cực đoan, BĐKH&NBD; Kinh nghiệm của Hà Lan kiểm soát dòng chảy và hệ thống mạng lưới nước thông qua phát triển hệ thống đê điều – trong đó kết hợp hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị với hệ thống đê điều; Kinh nghiệm của New York xây dựng các kịch bản và hành động ứng phó với BĐKH, dự báo lũ lụt bởi nguyên nhân chính do kết hợp giữa triều cường và nước biển dâng cao do bão; Kinh nghiệm của Hàn Quốc hình thành khái niệm phát triển đô thị xanh, hài hòa va bền vững. Kinh nghiệm của Úc - Dự án phát triển làng trong vịnh Moreton, kết nối đô thị với nông thôn bền vững. Các giải pháp kỹ thuật và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật QHC đô thị cần được rà soát và bổ sung phù hợp với đặc thù của mỗi vùng miền và địa phương.

4. Các cơ sở pháp lý trong điều chỉnh QHC thích ứng thiên tai, BĐKH&NBD.

DHMT gồm 14 tỉnh thành kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 01 thành phố trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng; 18 thành phố trực thuộc tỉnh; 7 đô thị xếp hạng đô thị loại I, có 7 đô thị xếp hạng đô thị loại II và 4 đô thị xếp hạng đô thị loại III (tính đến năm 2018). Ngoài ra còn có các đô thị (chưa phải là thành phố) xếp loại 3, 4 (Thị xã, Huyện).

Định hướng phát triển vùng DHMT trở thành vùng kinh tế phát triển, cửa ngõ phía Đông và là hành lang thương mại quan trọng giữa 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, cũng như kết nối khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trên cơ sở phát triển các đô thị ven biển và hướng biển, các khu du lịch ven biển, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế biển.

Việc triển khai và rà soát QHC xây dựng đô thị ứng phó thiên tai, BĐKH&NBD cần dựa trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trong quản lý phát triển đô thị như: Quyết định số 445/QĐ-TTg điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 758/QĐ-TTg về Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến băn 2020; Quyết định số 1393/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 2623/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020; Quyết định số 622/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 84/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030… Các văn bản, chính sách khác liên quan của Trung ương và địa phương.

Để nâng cao sức chống chịu thiên tai, ứng phó BĐKH&NBD, QHC xây dựng đô thị cần dựa trên các nguyên tắc: Tích hợp; Toàn diện; Tổng thể được thực hiện trong mối quan hệ với chiến lược tổng thể ứng phó với BĐKH của huyện, tỉnh với tầm nhìn dài hạn. Ưu tiên các biện pháp thích ứng với các tác động do thiên tai và thời tiết cực đoan gây ra.

5. Các nội dung lồng ghép ứng phó thiên tai, BĐKH&NBD

Quan điểm lồng ghép ứng phó thiên tai, BĐKH&NBD cần được cụ thể hóa dựa trên các nguyên tắc nhằm tăng cường năng lực thích ứng, khả năng chống chịu với thiên tai, BĐKH&NBD. Bảo vệ, bảo tồn, tăng cường các giá trị của hệ thống tự nhiên cần được lồng ghép vào quy hoạch phát triển không gian và sử dụng đất, quy hoạch, thiết kế hệ thống hạ tầng, tạo lập và gắn kết các vùng/khu vực có chức năng tự nhiên, trong đó quy hoạch và quản lý dựa trên chu trình tuần hoàn tự nhiên của yếu tố nước, đảm bảo các nguyên tắc:

(1) Những nguyên tắc nhằm thích nghi với bão và ngập lụt gia tăng

(2) Các nguyên tắc nhằm thích nghi với mực NBD

(3) Các nguyên tắc có khả năng giúp giảm thiểu CO2

(4) Các nguyên tắc thích ứng với tăng nhiệt độ trong quy hoạch không gian và thiết kế đô thị

Ứng phó với thiên tai, BĐKH được lồng ghép vào quá trình quản lý thực hiện theo quy hoạch thông qua công cụ pháp lý là quy chế quản lý quy hoạch đô thị, được đánh giá thường xuyên và điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi, đảm bảo nguyên tắc dự phòng, phối hợp và phổ cập thông tin. Quy hoạch xây dựng sẽ tạo ra những giá trị mới của đô thị hiện đại, phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội; gắn kết tổ chức của cộng đồng, người dân sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình quy hoạch.

Bảng 4: Phương thức lồng ghép ứng phó BĐKH, NBD trong điều chỉnh QHC

tm-img-alt

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị phải đảm bảo quy định đầy đủ các nội dung ứng phó với thiên tai, BĐKH&NBD đã được đề xuất trong QHC và mô hình quản lý đô thị thích ứng với BĐKH, NBD.

Thường xuyên đánh giá các hoạt động của các hệ thống và điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi, đảm bảo nguyên tắc dự phòng, phối hợp và phổ cập thông tin. Công tác quản lý thực hiện đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt đảm bảo nguyên tắc nâng cao sức chống chịu cho đô thị, gắn kết các hoạt động chống chịu vào các chương trình phát triển của thành phố, hỗ trợ xây dựng chính sách để đô thị có thể phát triển mạnh mẽ trong trường hợp xảy ra các cú sốc và áp lực.

KẾT LUẬN

Khu vực DHMT chịu tác động BĐKH đặc trưng là tăng lượng mưa, bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan, nước biển dâng, thay đổi nhiệt độ và xâm nhập mặn. Bão đi kèm với triều cường, sóng lớn, gây sạt lở bờ biển, đánh sập nhiều tuyến đê kè gây nguy hiểm cho các khu vực sản xuất, khu vực dân cư đô thị, khu du lịch ven biển. Các tác động của thiên tai, BĐKH&NBD

cùng các hậu quả đi kèm theo đó, gây ra sự thay đổi về cấu trúc không gian đô thị của khu vực ven biển, làm giảm quỹ đất xây dựng đô thị, thu hẹp diện tích cho mục đích sản xuất, canh tác.

Thiên tai, BĐKH&NBD với tất cả những hậu quả của nó sẽ trở thành những cản trở không nhỏ trong sự phát triển các đô thị ven biển DHMT, nếu như chúng ta không tập trung thực hiện các giải pháp ngăn ngừa và đối phó kịp thời.

Trình tự các bước cơ bản nêu trên cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, các nội dung có thể thực linh hoạt tùy thực tế, tùy theo khả năng kinh tế của mỗi địa phương để xác định cấp độ ứng phó với thiên tai, BĐKH&NBD trong từng giai đoạn nhất định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Niên giám thống kê 14 tỉnh/thành duyên hải Miền trung

2. Báo cáo tổng kết biến đổi khí hậu các tỉnh thành 2018

3. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, 2021, Bộ TN&MT

4. Quy hoạch chung các đô thị ven biển của 15 tỉnh thành DHMT

5. Nguyễn Văn Thắng và nnk, (2010), Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và đề xuất các giải pháp chiến lược phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở Việt Nam, KC.08.13/06-10.

PGS.TS.KTS. Nguyễn Vũ Phương
Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung

Bạn đang đọc bài viết Lồng ghép ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu trong điều chỉnh quy hoạch đô thị ven biển miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề