Thứ hai, 29/04/2024 13:00 (GMT+7)

Mỗi năm Việt Nam có gần 24.000 người tử vong vì mắc ung thư phổi

An Na -  Thứ sáu, 10/03/2023 16:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương cho biết với ung thư phổi nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90% thì ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%.

Theo Tổ chức Ghi nhận ung thư Thế giới Globocan 2020, ung thư phổi là một trong ba loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới, với hơn 26.000 ca cũng như tỷ lệ tử vong gần 24.000 ca hằng năm ở cả 2 giới, sau ung thư gan.

Thông tin trên được Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra tại Hội nghị khoa học Cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi diễn ra trong 2 ngày 9-10/3 tại Hà Nội.

Phân tích về thực trạng bệnh ung thư được ghi nhận hiện nay, Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương cho biết bệnh ung thư ngày càng có xu hướng tăng, tỷ lệ ung thư ngày càng trẻ hóa và ung thư phổi cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đáng lưu ý, thời gian gần đây, trong thực tế điều trị, các bác sĩ nhận thấy tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn, đặc biệt tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng có dấu hiệu nhiều lên, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.

Phó giáo sư Phương cho biết với ung thư phổi nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90% thì ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%.

Những năm gần đây, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán cũng như điều trị, bệnh ung thư phổi có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn. Trước đây khoảng 10 năm, các bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn với các tổn thương ung thư di căn phổi, màng phổi, di căn xương, di căn gan, di căn não thường chỉ sống được hơn 6 tháng.

Theo các chuyên gia, để phòng ung thư phổi, mỗi người cần hạn chế các chất, tác nhân gây bệnh ung thư như thuốc lá, thực phẩm, hóa chất độc hại… Bên cạnh đó, người dân cũng cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ...

Về dấu hiệu nhận biết ung thư phổi, các chuyên gia cho hay người bị ung thư phổi thường có các dấu hiệu báo động đỏ như: Ho nhiều, ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh. Có bệnh nhân giảm đến 10kg trong 3 tháng.

tm-img-alt
ội nghị khoa học Cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi diễn ra trong 2 ngày 9-10/3 tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Những nguyên nhân và triệu chứng ung thư phổi dễ bị bỏ qua

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư phổi. Đương nhiên, nguyên nhân chính không thể bỏ qua là hút thuốc lá, nhưng vẫn còn những yếu tố gây bệnh khác mà ít người biết đó là:

- Hít phải khói thuốc một cách thụ động.

- Di truyền ung thư phổi/tiền sử gia đình mắc bệnh nặng về phổi.

- Tiếp xúc lâu dài với các chất hóa học, nhất là các chất có khả năng cao gây ung thư phổi như: amiăng, benzen, radon, hắc ín…

- Sống hoặc làm việc trong môi trường không khí quá ô nhiễm, nhiều khói bụi thời gian dài.

- Tiếp xúc thường xuyên với khói dầu trong nhà bếp, hydrocarbon thơm đa vòng khi chế biến thực phẩm bằng phương pháp nướng hoặc hun khói… hoặc khí thải khi đốt than, đốt củi gỗ hoặc đốt rác thải.

- Lạm dụng rượu bia.

- Bị nhiễm phóng xạ.

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất nhưng lại có hiệu quả điều trị thấp, tỷ lệ tử vong thuộc nhóm cao nhất. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu thì hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết. Nó thường dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp.

Vì vậy, hãy chú ý để phát hiện sớm các triệu chứng ung thư phổi bao gồm:

- Hay ho, nhất là ban đêm.

- Cảm giác khó thở, đặc biệt là sau hoặc sau khi vận động gắng sức.

- Đau ngực, tức ngực không rõ nguyên nhân.

- Hay khàn giọng hoặc khò khè dù không ốm đau.

- Ho ra máu hoặc ho có đờm đặc nhưng không sốt cao và uống thuốc mãi không thuyên giảm.

Ngoài ra, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học càng sớm càng tốt và tránh xa các yếu tố làm tăng nguy mắc bệnh vừa kể trên để ngăn ngừa ung thư phổi. Đồng thời, đừng bỏ qua khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư thường xuyên để không bỏ lỡ thời điểm điều trị.

Bạn đang đọc bài viết Mỗi năm Việt Nam có gần 24.000 người tử vong vì mắc ung thư phổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.