Thứ ba, 19/03/2024 14:47 (GMT+7)

TT-Huế: Cụm công nghiệp xả thải, dân “kêu trời” vì ô nhiễm

Đinh Nga -  Chủ nhật, 11/04/2021 15:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cụm CNTP gây ô nhiễm môi trường, được cử tri địa phương phản ánh nhiều lần đến chính quyền . Cụ thể, bà con "tố" nhà máy sản xuất giấy xả thải bụi khói và nước thải ô nhiễm trực tiếp ra môi trường.

   Những ngày qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp nhận thông tin Cụm Công nghiệp Thủy Phương (CCNTP) đóng tại Thị xã Hương Thủy (TT-Huế) quá trình hoạt động xả thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân các tổ 9, 10 và 12 phường Thủy Phương. Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam trực tiếp thực địa, tác nghiệp hiện trường, ghi nhận những ý kiến của người dân nơi đây là hoàn toàn chính đáng.

    Vượt chặng đường gần 100km từ Đà Nẵng ra Huế, phóng viên tiếp cận CCNTP vào buổi trưa đầu tháng 4/2021. Mới 10 giờ mà không khí nơi đây thật sự oi bức và khó chịu. CCNTP tọa lạc ở tuyến đường tránh phía Tây TP-Huế và trục đường tỉnh lộ 7, rộng hàng chục ha, quy tụ nhiều nhà máy, nhà xưởng hoạt động, xả khói, bụi mù mịt vào khu dân cư cách đó không xa. Điều dễ thấy nhất là có 4 nhà máy sản xuất giấy, quá trình vận hành ống khói xả ra khói đen kịt, phát tán lên không trung, bốc mùi khét hết sức khó chịu.

Các nhà máy sản xuất giấy xả khói bụi mù mịt ra môi trường tại CCNTP.

Cạnh các nhà máy giấy là nguồn nước thải đen kịt, bốc mùi hôi chảy ra khe suối Cầu Đôi, hướng về hạ lưu. Gần như chúng tôi không tìm thấy sự sống nào trong  dòng nước ô nhiễm này. Men theo dòng chảy của nguồn nước bẩn, chúng tôi đến gõ cửa nhà ông Nguyễn Viết Luyện (77 tuổi, trú tổ 9, P.Thủy Phương) cách CCNTP chừng 1km.

Nước thải từ nhà máy sản xuất giấy đen kịt, thải trực tiếp ra môi trường.

Hỏi chuyện về việc ô nhiễm môi trường tại nơi đây, ông Luyện cho biết, gia đình ông là một trong số những hộ dân đầu tiên đến nơi đây khai hoang, lập nghiệp. Hồi xưa, vị trí này là tuyến phòng thủ của quân đội chế độ cũ nên có rất nhiều bom, mìn còn sót lại. Phải khó khăn, vất vã lắm ông Luyện mới khai hoang được diện tích 700m2 để trồng hoa màu.

     Khoảng năm 1992, khi các công ty về đây đầu tư sản xuất, có 5 hộ dân được di dời để nhường đất cho nhà máy, xí nghiệp hoạt động. “Hồi đó thưa dân và ít nhà máy nên vấn đề ô nhiễm không đáng kể. Nay dân về ở nhiều, nơi đây lại hình thành Cụm công nghiệp với hàng chục nhà máy sản xuất phát ra bụi, khí thải khiến môi trường sống nơi đây bị đe dọa nghiêm trọng”, ông Luyện chia sẻ.

Nguồn nước chưa qua xử lý tại CCNTP xả ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

   Cũng theo ông Luyện, hiện nay đáng lo ngại nhất là việc xả khói thải của các nhà máy sản xuất giấy và bụi phát ra từ cơ sở sản xuất của Nhà máy Xi măng Long Thọ mới vừa chuyển về. Ông Luyện mong muốn chính quyền địa phương sớm có giải pháp xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường tại đây để người dân được yên tâm sinh sống.

   Theo hướng dẫn của ông Luyện, phóng viên tìm đến nhà Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 (P.Thủy Phương) là ông Nguyễn Đình Cường để nắm thông tin. Vừa mới đi họp ở UBND P.Thủy Phương về, nghe phóng viên đề cập đến vấn đề ô nhiễm CCNTP, ông Cường cho biết là có quá nhiều nhà báo đến phỏng vấn, viết bài về nơi đây hơn 10 năm qua. Nhưng thực tế là câu chuyện ô nhiễm vẫn chưa có hồi kết và không biết hơn 1.000 hộ dân nơi đây bao giờ mới được sống trong môi trường an toàn.

Theo ông Cường, CCNTP gây ô nhiễm môi trường được cử tri địa phương phản ánh rất nhiều đến chính quyền các cấp. Cụ thể, bà con "tố" nhà máy sản xuất giấy xả thải bụi khói và nước thải ô nhiễm ra môi trường. Thêm nữa, nguồn nước bẩn và hôi thối từ Bãi rác thải của tỉnh phát tán ra môi trường, khiến người dân khu vực tổ 9, 10 và 12 rất khổ sở. Thời gian gần đây, CCNTP có thêm nhà máy xi măng, trạm trộn bê tông, sản xuất gạch… khiến vấn đề ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

   Chung quan điểm với ông Cường, làm việc cùng phóng viên, ông Nguyễn Đình Nam, Tổ trưởng Tổ Dân phố số 10 (P.Thủy Phương) cho biết thêm: “Người dân trong tổ bức  xúc việc ô nhiễm môi trường do nhà máy rác bốc mùi hôi. Thêm nữa,  khu làng nghề Dạ Lê có nhà máy đúc cọc li tâm, nhà máy giấy xả thải ra môi trường, chảy về hồ Châu Sơn khiến nước nơi đây ô nhiễm. Bà con tổ 10 hiện nay không dám sử dụng nước giếng lẫn nước tự nhiên để sinh hoạt mà 100% dùng nước máy vì sợ ô nhiễm.”

Hồ chứa nước Châu Sơn  dần bị "bức tử" vì ô nhiễm bởi Cụm CNTP.

   Nói về ô nhiễm hồ chứa nước Châu Sơn, ông Ngô Văn Thịnh, Chi hội trưởng nghề nuôi cá nước ngọt của xã Thủy Phương sống tại tổ 10 (P.Thủy Phương) buồn rầu cho biết: “Sau giải phóng, hồ Châu Sơn được chính quyền huy động sức dân xây dựng nên, phục vụ cho việc tưới tiêu. Nguồn nước này chảy từ trong núi ra nên rất trong và sạch, dân địa phương sử dụng để nuôi cá, tắm giặt, tưới cây trồng… Từ khi có CCNTP và bãi rác về đây, lượng nước thải tràn ra môi trường, chảy về hồ mỗi ngày một nhiều khiến nơi đây dần bị bức tử. Có mấy đợt cá trong hồ chết vì các nhà máy ở Cụm công nghiệp xả thải ra môi trường. Nhất là khi mưa giông xuống, nước bẩn đổ về nhiều, cá chết từ đầu nguồn đến tận hồ.”

Từ kết quả thực địa, ý kiến người dân cùng chia sẻ của chính quyền cấp cơ sở, Môi trường và Đô thị Việt Nam xác định, ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước và khí thải đang là vấn đề cấp bách tại CCNTP. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp tỉnh TT-Huế cần phải khẩn trương vào cuộc để giải quyết.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này

Bạn đang đọc bài viết TT-Huế: Cụm công nghiệp xả thải, dân “kêu trời” vì ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gỡ khó trong phát triển khu công nghiệp sinh thái
Theo giới chuyên gia, một số quy định pháp lý về chuyển đổi xanh tại các khu công nghiệp chưa được rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện dự án. Do vậy, Nhà nước cần có hướng và cơ chế ưu đãi cụ thể hơn.

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.