Thứ sáu, 26/04/2024 15:45 (GMT+7)

Chính sách quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa

PV -  Thứ tư, 09/12/2020 10:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.

Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ sử dụng khoảng từ 30 đến 40 kg nhựa/năm và là một trong bốn quốc gia tại Châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất.

Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ chất thải bao bì, túi nilông không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm khoảng từ 5-8% tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia

Tại buổi hội thảo “Hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF), Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức đã có rất nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Phát biểu tại buổi Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết:

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới, tạo ra 8 triệu tấn rác thải nhựa trên các đại dương mỗi năm”.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. (Ảnh:HN)

Cùng đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam. Tổng cục Môi trường cũng đưa ra rất nhiều vấn đề liên quan tới quản lý chất thải nhựa. Cụ thể:

Nhựa chiếm từ 10-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Trong năm 2019, ước tính có khoảng 2,6-2,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.

Điều đáng nói là, đối với nhựa phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng thì hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; chất thải nhựa có giá trị tái chế (chai nước, bao nilon...) được thu gom từ nhiều nơi (hộ gia đình, siêu thị...). Chất thải nhựa không có giá trị hoặc có giá trị tái chế thấp (hộp xốp các loại, ống hút nhựa...) bị thải ra môi trường hoặc đưa vào bãi rác, lò đốt. Đối với nhựa phế liệu phát sinh từ các cơ sở sản xuất, hầu hết được thu gom, bán cho cơ sở tái chế.

Việc xử lý chất thải nhựa và túi nilon phát sinh từ hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có túi ni long chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp. Nhựa phế liệu chủ yếu được tái chế thành hạt nhựa và các sản phẩm nhựa phục vụ sản xuất, tuy nhiên, do phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ nguồn chưa tốt nên giá trị thu hồi còn thấp. Vấn đề chính hiện nay là sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi ni lông siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng.

Bàn về chính sách, quy định trong công tác quản lý chất thải nhựa và túi ni lông, Tổng cục Môi trường cho biết:

Nhận thức được tầm quan trọng về việc quản lý chất thải nhựa và túi nilông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý chất thải nhựa và túi ni lông.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ sử dụng khoảng từ 30 đến 40 kg nhựa/năm và là một trong bốn quốc gia tại Châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. (Ảnh:Internet)

Luật Thuế Bảo vệ môi trường: Túi ni lông không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường (thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy là 50.000 đồng/kg).

Nghị định số 38/2015/NĐ- CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ đó đã ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng túi thân thiện với môi trường như miễn thuế bảo vệ môi trường, hỗ trợ vốn cho cơ sở sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường.

Theo ông Nguyễn Thành Lam, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), để đạt được mục tiêu trên, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa là nhiệm vụ trong tâm. Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm hạn chế tác động của rác thải nhựa tới môi trường; chú trọng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải.

Đẩy mạnh hơn nữa phong trào chống rác thải nhựa trong các Bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc; các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam đã triển khai các hoạt động chống rác thải nhựa, gương mẫu đi đầu trong việc nói không với rác thải nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Thành lập và mở rộng các tổ chức chống rác thải nhựa, các liên minh tái chế chất thải, các hiệp hội ngành hàng với cam kết sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững.

UBND các tỉnh, thành phố cần hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm thực hiện hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, chuyển từ việc sử dụng túi ni lông sang các loại túi giấy và bao gói khác; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình.

Bên cạnh đó, xây dựng văn bản hướng dẫn về “Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương” trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, trong đó quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ TN&MT tiếp tục tham mưa, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tăng cường công tác quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam”. 

Bạn đang đọc bài viết Chính sách quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới