Thứ năm, 12/09/2024 03:11 (GMT+7)

Mong sớm có Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế

MTĐT -  Thứ sáu, 05/04/2024 17:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, Việt Nam đã thành lập 416 KCN, trong đó có gần 300 KCN đã đi vào hoạt động nên rất cần Luật khu công nghiệp, khu kinh tế sớm ban hành, giúp cho việc quản lý nhà nước, DN đầu tư hoạt động hiệu quả hơn.

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Luật Đầu tư có ưu đãi cho nhà đầu tư đầu tư vào KKT, KCN. Tuy nhiên, các quy định pháp luật còn những nút thắt, mâu thuẫn, chẳng hạn như quy định về ưu đãi đầu tư giữa Luật Đầu tư với Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư không thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi khi giải quyết vấn đề ưu đãi cho nhà đầu tư.

Cùng chỉ rõ bất cập trong vấn đề ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh nêu rõ, ở các địa phương, ngoài những KCN, CCN do doanh nghiệp đầu tư còn có các khu, cụm do Nhà nước đầu tư. Theo quy định, đó là tài sản công của Nhà nước, được quản lý, sử dụng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định quy định chi tiết. Tuy nhiên, đến nay, quy định chi tiết về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng KKT, KCN, CCN chưa được ban hành.

Theo quy định, những gì Nhà nước đầu tư vào KKT, KCN, CCN thì nhà đầu tư có quyền quản lý, sử dụng, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp mở rộng. Phần Nhà nước đã đầu tư đó được coi là phần hỗ trợ và nhà đầu tư không được tính vào tổng mức đầu tư, không được tính vào chi phí (để tính ra giá tiền cho khách hàng thuê diện tích trong KKT, KCN, CCN). Rõ ràng, khi Nhà nước đã hỗ trợ ban đầu thì tất cả chi phí phát sinh ở các khâu sau phải do nhà đầu tư chịu trách nhiệm. Nhưng theo quy định hiện nay, nếu phải sửa chữa, nâng cấp, mở rộng thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm, điều này là bất hợp lý. Do vậy, cần phải có cơ chế quản lý, vận hành, khai thác, cũng như xử lý tài sản hiệu quả và phù hợp - ông Thịnh đề xuất.

Ngoài vấn đề thiếu “mặt bằng” quy phạm pháp luật, cần xem xét việc thực hiện pháp luật đã tốt chưa - ông Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lưu ý. Liệu những “điểm tối” trong công tác thực thi mà chúng ta chưa đề cập, cụ thể là những người đang trực tiếp điều hành, quản lý các KKT, KCN đã làm tốt chưa, DN và nhà đầu tư đã được tạo điều kiện thực sự chưa, hay vẫn còn những “điểm nghẽn” trong quản lý hành chính?

Trăn trở với tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN mới đạt trên 50% là rất thấp, ông Bùi Đặng Dũng cho rằng, cần ban hành Luật về quản lý KKT, KCN để tăng cường quản lý nhà nước đối với các KKT, KCN. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đến nay, cả nước đã có hơn 400 KCN và hàng chục KKT. Với sự phát triển mạnh mẽ này, theo ông Bùi Đặng Dũng, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải tiến hành giám sát chuyên đề, giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý KKT, KCN...

Để đưa ra những đánh giá tổng quan về các kết quả đạt hay chưa đạt trong phát triển mô hình KKT, KCN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ KHĐT đã đánh giá, tổng kết quá trình phát triển mô hình KKT, KCN từ năm 1991 đến nay và chia theo 4 giai đoạn, trên cơ sở đó nhằm hướng đến xây dựng, hoàn chỉnh khung pháp lý phát triển KKT, KCN.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, từ năm 2022 đến nay, các chính sách, pháp luật liên quan đến KKT, KCN có nhiều thay đổi, đặc biệt Luật Quy hoạch đã tích hợp quy hoạch các KCN, KKT với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhằm tránh xung đột lợi ích cả về chiều ngang và chiều dọc; đảm bảo liên kết vùng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; đảm bảo tính thống nhất và gắn kết theo trục từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh để tạo ra không gian phát triển. Theo đó, việc phát triển các KKT, KCN, CCN đảm bảo tính đồng bộ, kết nối từ quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng… và các thiết chế cho người lao động. Cùng với đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN và KKT được ban hành đã quy định cụ thể về đánh giá hiệu quả sử dụng đất; yêu cầu quy mô KCN phải gắn với liên kết ngành, quy mô sử dụng đất; có bổ sung cơ chế chuyển đổi KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, chuyên sâu, KCN tiên tiến nhằm tạo hệ sinh thái phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ - logistics. Tất nhiên, cần phải thực hiện kiểm tra, giám sát để các quy định này đi vào cuộc sống - bà Ngọc nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng đã đến lúc cần có Luật về mô hình các khu, không chỉ là KKT, KCN mà còn có các khu công nghệ cao. Phải có Luật để điều chỉnh và áp dụng thống nhất trong cả nước về cách tiếp cận, trình tự thủ tục, ưu đãi, đặc biệt là mô hình quản lý ở địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác quy hoạch, bởi đây là nền tảng của sự phát triển bền vững; và công tác thực thi phải tốt.

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đang trông đợi Luật Khu công nghiệp (KCN) được ban hành để các hoạt động trong KCN được thuận lợi hơn. Như vậy sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) tham gia vào sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, kinh tế số... theo xu hướng chung của thế giới. Điều này cũng sẽ giúp cho các DN dễ dàng đưa hàng hóa xuất khẩu vào các nước trên thế giới.

Lâu nay, vì chưa có Luật KCN nên nhiều hoạt động của KCN, khu kinh tế bị hạn chế, ảnh hưởng tới cả nhà đầu tư hạ tầng KCN lẫn nhà đầu tư thứ cấp. Hiện các quy định về KCN chưa đầy đủ nên nhiều DN đi đầu trong sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn gặp trở ngại. Đây cũng là rào cản lớn trong tiến trình giảm phát thải và tiến đến net zero.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Mới đây, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề xuất xây dựng Luật KCN, khu kinh tế với nhiều nhóm chính sách trong nội dung của luật. Mục tiêu là để thúc đẩy phát triển các KCN, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, Luật KCN, khu kinh tế sẽ đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, bền vững nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh cũng như các DN mong muốn Luật KCN, khu kinh tế sớm được xây dựng và ban hành. Trong đó, các DN kỳ vọng luật sẽ tạo sự liên kết trong phát triển công nghiệp giữa các khu vực, hình thành chuỗi sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa cho sản phẩm để hàng hóa xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại có thể hưởng ưu đãi về thuế quan. Các tỉnh, thành, DN mong muốn trong luật sẽ quy định rõ chính sách hỗ trợ các loại hình KCN có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao như: KCN công nghệ cao, KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN kết hợp với thương mại dịch vụ. Luật cũng có những chính sách rõ ràng để khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp thông minh với các lĩnh vực đầu tư mới như: năng lượng tái tạo, chip, bán dẫn...

Bạn đang đọc bài viết Mong sớm có Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cả nước hiện có 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam vẫn đang nổi lên với tốc độ tăng trưởng ổn định và là điểm đến yêu thích của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đa dạng đến từ Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…

Tin mới