Chủ nhật, 28/04/2024 06:52 (GMT+7)

Mùa khát vùng hoang mạc

MTĐT -  Thứ tư, 02/05/2018 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những đàn cừu gục xuống bên những đồng cỏ cháy khô. Những người chăn cừu du mục rơi nước mắt vì thấy cừu chết mà không cứu nổi.

Nước mắt du mục

“Không có nước người còn chết huống chi cừu! Ngày nào cũng có cừu chết, tôi chăn cừu thuê thôi nhưng thấy cừu chết còn xót ruột huống gì ông chủ. Nên ngày nào có cừu chết tôi cũng không dám báo cho chủ biết, ổng buồn!”, ông Nô, người dân tộc Chăm đang chăn cừu thuê cho chủ trang trại Nguyễn Công Bảy (xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận) ngậm ngùi nói.

Cừu là vật nuôi có mặt trên vùng đất Ninh Thuận từ cách đây hơn 100 năm, do người Pháp thử nghiệm. Ninh Phước, Bác Ái và Thuận Bắc là ba huyện của tỉnh Ninh Thuận có số lượng đàn cừu tập trung rất lớn.

Xã Phước Trung (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) bây giờ chỉ thấy cảnh ruộng đồng xơ xác vì nắng nóng, cây cỏ cháy vàng, đất ruộng nứt nẻ, khô khốc. 3 năm gần đây hạn hán liên tiếp không chỉ đẩy cả tỉnh Ninh Thuận vào tình cảnh kiệt cùng nguồn nước, khiến những người chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận đang khốn đốn vì cừu chết hàng loạt do thiếu thức ăn và nước uống mặc dù chỉ mới bắt đầu vào mùa hạn hán.

“Từ sau tết đến giờ khô hạn quá, đàn cừu hơn 250 con của tôi đã chết hơn một nửa rồi. Số còn lại sợ cũng không qua khỏi mùa hạn năm nay. Nếu sắp tới trời không mưa, thiếu cỏ tươi, chắc bầy cừu chết hết”, ông Bảy buồn rầu nói. Không chỉ riêng ông, hàng chục hộ chăn cừu nơi đây cũng đang phải chịu cảnh tương tự.

Những đàn cừu đang chết khát vì khô hạn, nắng nóng ở Ninh Thuận.

Hạn hán khủng khiếp mấy tháng nay đã rút cạn nguồn sống của không chỉ cừu mà còn của nhiều loài gia súc khác. Những khúc sông, những lòng hồ bốc hơi cạn trợ đáy. Không nước uống, cỏ cũng chẳng còn, người nuôi phải cho cừu ăn rơm rạ cầm hơi. Nhưng rơm rạ không rẻ, buộc người chăn phải bổ sung thức ăn khác, đó là cám.

“Mới khoảng 30 ngày, tôi tốn 30 triệu đồng để mua rơm cho cả bầy. Mươi bữa phải cho chúng uống thêm nước cám gạo để có chất. Nếu không, chết cả đàn là cái chắc!” - ông Trần Cao Hòa ở xã Phước Trung ngao ngán nói.

Ông phải nhốt đàn cừu chỉ còn gần 500 con lại, nguồn thức ăn chính là cám, rơm khô hòa với ít mật đường. Ông tính, hàng ngày phải chi hơn 400.000 đồng mua thức ăn để “cứu đói” cho đàn cừu. Bình quân cứ 10 ngày phải bán bớt 4 con cừu để có đủ chi phí tiếp tục duy trì đàn cừu còn lại, nếu không cả đàn cừu chết, cả gia đình ông và những người chăn cừu thuê của ông cũng chết.

Theo giới chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận, những con cừu suy kiệt sẽ phát bệnh, lây lan cho bầy đàn là chuyện tất nhiên. Lo lắng trước tình trạng này, một vài chủ trang trại đã bán rẻ đàn cừu để vớt vát vốn liếng. “Hôm qua, có người vừa bán gần 200 con cừu còn lại nhưng chỉ được vài chục triệu đồng, sau khi bị chết hơn 150 con. Cừu đực thì may ra có người mua 1,2 đến 1,5 triệu đồng/con để xẻ thịt, còn cừu cái rất khó bán”, ông Hòa cho biết.

Hàng ngàn hộ chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì giá cừu rớt thê thảm. “Đầu năm 2015 giá cừu bình quân từ 80.000 - 110.000 đồng/kg hơi, nay giảm xuống còn phân nửa. Với tình hình này, chắc tôi phải bán tháo đàn cừu chứ không thể chờ đến lúc giá cừu tăng lại”, ông Bảy nói.

Cá biệt có trang trại của ông Tư Kha, ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm đến đầu tư nuôi 450 con, nhưng trong tháng hai và tháng ba, số cừu chết gần 50% tổng đàn. Để tránh thua lỗ nặng, ông Tư Kha đã bán hết số cừu còn lại với giá bình quân 600 nghìn đồng/con và bỏ luôn cả trang trại từng đầu tư tiền tỉ trước đó.

Khắc khoải miền hoang mạc

“Nắng nóng như ri người còn héo khô huống chi cây. Dân quê chủ yếu sống bằng nghề chăn cừu. Từ đầu năm tới giờ nắng hạn liên tục mà chẳng có mưa. Cứ đà này thì dễ mất hết. Dân lại khổ cực trăm bề!”, bà lão tên Lành khắc khoải nói khi nhìn xuống chân ruộng đã nứt toác. Cặm cụi, bà lão cắt những chân cỏ đang khô cháy gom lại từng bao mang về. Nhiều hộ nuôi cừu nơi đây cho biết, năm nay hạn hán còn gay gắt hơn năm đại hạn 2015 ở vùng đất này. Nhiều hồ chứa nước nhỏ trên địa bàn đã cạn kiệt. Nguy cơ hạn hán trên diện rộng có thể xảy ra.

Hiện tại, hồ Ông Kinh (huyện Thuận Bắc) đã cạn kiệt, hồ Phước Nhơn (huyện Ninh Hải) chỉ còn xấp xỉ 50.000m3, hồ Tà Ranh (huyện Ninh Phước) chưa đến 140.000m3 nên sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận không có kế hoạch sản xuất vụ Hè-Thu ở những vùng này, mà dành nước uống cho gia súc, trong đó có các đàn cừu Ninh Thuận. Hồ chứa nước Ông Kinh trên địa bàn đã cạn kiệt, trơ đáy. Để lấy nước, nông dân đã bỏ hàng chục triệu đồng khoan giếng dưới lòng hồ hàng chục mét, dùng máy bơm đưa nước về, những chỉ được vài bữa lại hết nước.

Nắng nóng kéo dài, mưa ít và lưu lượng nước về giảm bất thường. Thảm thực vật xung quanh hồ chứa bị khai thác triệt để chỉ còn đồi trọc. Nước ngầm theo đó cũng ít đi và chẳng còn nước để dự trữ trong hồ cho việc cứu cây, cứu người nữa. Lúa trồng để cho người ăn thì nay đành cắt cho bò ăn thay cỏ, mía trồng rồi đem làm củi đốt vì khô còn hơn củi phơi giữa mùa nắng, sắn, các loại nông sản người dân trồng cũng cùng chung một số phận không thể khác: Chết khô chết khát! Và, mặc kệ sự cố gắng của người dân, cừu cứ chết. Có trại trong ngày mất tới một phần tư con cừu.

Theo ngành NN&PTNT của 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng sa mạc hóa là do tác động trực tiếp của gió mùa, đặc biệt là gió mùa Đông Bắc, tạo nên hiện tượng cát bay. Mặt khác, việc thiếu hệ thống rừng vành đai chắn gió khiến cát dễ dàng tràn lấp lên những khu vực canh tác, các khu dân cư tập trung hoặc tạo nên những cồn cát mới…

Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận Trương Khắc Trí cho biết, toàn tỉnh có hơn 120 nghìn con cừu. Trong bối cảnh này, đơn vị đã cử cán bộ xuống địa bàn để kiểm tra, xác minh tình trạng cừu chết. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi dùng biện pháp dự trữ, bảo quản nguồn thức ăn; hạn chế việc tái đàn và nên bán bớt gia súc đến tuổi bán thịt cũng như di chuyển đàn từ nơi khô hạn đến nơi có nguồn nước, nguồn thức ăn để vượt hạn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Phan Quang Thựu cho biết, hiện nay, nhiều hồ chứa nước tại một số vùng có nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh đã cạn kiệt, ngành đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp tập trung nguồn nước cho chăn nuôi để tránh tình trạng gia súc chết do thiếu nước.

Nhìn những đàn cừu gục chết bên đồng cỏ khô khát mà không cứu được, những người chăn cừu du mục lặng lẽ đi về giữa cái nắng ban trưa đầy lam lũ mà quặn lòng. Giọt nước mắt trên khuôn mặt già nua của họ chưa kịp lăn xuống gò má đã tan biến mất. “Hạn quá!”, người chăn cừu du mục lắc đầu rồi lầm lũi bước về. Ai cứu được người, ai cứu được đàn cừu bây giờ.

Có lẽ những người chăn cừu ấy, như muôn vạn người nông dân khác vốn chẳng thể hiểu được lý do vì sao ông trời làm khô đất, khô người đến thế. Chỉ biết rằng mùa khát này, và sau đó sẽ là mùa thất bát, mùa đói. Một viễn cảnh không phải xa vời mà ngay trong sự lo lắng của người dân.

Theo Lao động

Bạn đang đọc bài viết Mùa khát vùng hoang mạc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề